Thông Tin Y Học và Giới Thiệu Dược Phẩm mới

Thời sự Y Học - Số 36

 


1/ CÁC THẦY THUỐC CHUYÊN KHOA THẦN KINH ĐỀ NGHỊ THAY ĐỔI CÁC TIỂU CHUẨN CHẨN ĐOÁN BỆNH ALZHEIMER

Một nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các chuyên gia thần kinh đánh giá rằng đã đến lúc cần xác định lại các tiêu chuẩn cho phép xác định chẩn đoán bệnh Alzheimer, căn bệnh thường xảy ra nhất trong số các bệnh thoái hóa thần kinh. Sáng kiến này, được chủ xướng bởi Bruno Dubois (bệnh viên Pitié-Salpetrière, Paris) là kết quả của những kiến thức mới về sinh lý bệnh lý của căn bệnh này thu nhận được trong mười năm qua. Các kết quả này đã được công bố ngày 9/7 trên site Internet của tạp chí The Lancet Neurology.
Các tác giả của tài liệu xuất bản này cũng giải thích rằng thang chẩn đoán mà họ đề nghị căn cứ trên các nghiên cứu về các quá trình sinh thần kinh cũng như sự tương quan (được xác nhận nhờ chụp hình thần kinh não bộ) giữa những đợt mất trí nhớ đầu tiên và sự hiện diện của các biến đổi của những vùng biệt hóa của não bộ. Họ cũng nhấn mạnh rằng phương pháp của họ có ưu thế cho phép xác lập chẩn đoán ở một giai đoạn sớm hơn nhiều, ngay những dấu hiệu đầu tiên nhất của bệnh. 
Ngày nay nói chung chẩn đoán bệnh Alzheimer chỉ được thực hiện vào giai đoạn bệnh nhân đã mất hoàn toàn khả năng tự chủ, một tình trạng được các thầy thuốc khoa thần kinh gọi là “sa sút trí tuệ” (démence).
Tài liệu xuất bản này là kết quả của một công trình được phát khởi cách nay 2 năm và quy tụ các chuyên gia của 6 nước khác nhau. Cần phải cập nhật hoá các tiêu chuẩn chẩn đoán có từ năm 1984. Các tiêu chuẩn này không tính đến các kết quả có được do các kỹ thuật chụp hình bằng IRM (résonance nucléaire) hoặc bằng émissions de positons.

CHẨN ĐOÁN ĐIỀU TRỊ SỚM HƠN

Ngày nay có nhiều bằng cớ cho thấy rằng sự xuất hiện những triệu chứng lâm sàng đầu tiên chứng tỏ quá trình biến đổi của não bộ đang tiến triển, đặc biệt là do sự lắng đọng các mãng protéine được gọi là “beta amyloide”, Bruno Dubois đã giải thích như vậy. 
“Như vậy khi ta phát hiện nơi bệnh nhân các rối loạn chức năng trong lãnh vực trí nhớ thì quá trình thoái hóa của tổ chức não bộ đã tiến triển nhiều. Chúng tôi đang suy nghĩ để làm sao có thể nhận biết càng sớm càng tốt những yếu tố đặc hiệu đầu tiên của bệnh về mặt sinh học, lâm sàng và giải phẫu thần kinh; và điều này phải được nhận biết ngay truớc khi các yếu tố đặc điểm của hợp chứng suy giảm trí tuệ xuất hiện”. 
Trên thực tế, có thể chẩn đoán khi một tiêu chuẩn quan trọng (các rối loạn trí nhớ được nhận thấy bởi bệnh nhân hay các người thân từ hơn 6 tháng qua, xác nhận tính chất của những rối loạn này bởi các trắc nghiệm đặc hiệu) được liên kết với những tiêu chuẩn phụ, trong đó có teo thùy hải mã (atrophie de l’hippocampe) khi chụp IRM, nồng độ bất thường của vài chất chỉ dấu sinh học (biomarqueur) trong nước não tủy, hoặc những bất thường chuyển hoá trong các thùy thái dương (temporal) và đỉnh (pariétal) của não bộ.
Các nhà nghiên cứu cho là có thể đề nghị một điều trị ở một giai đoạn sớm  hơn của bệnh : giai đoạn trước khi các triệu chứng suy giảm trí tuệ xuất hiện (prédémence). Họ hy vọng rằng một chẩn đoán rất sớm kết hợp với những điều trị bằng thuốc, hoặc miễn dịch trong tương lai, sẽ cho phép làm chậm lại hoặc làm ngưng sự tiến triển của các thương tổn não bộ, là nguồn gốc của bệnh Alzheimer.

(LE MONDE 10/7/2007)

2/ NGUY CƠ HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH SÂU SAU MỘT CHUYẾN ĐI KÉO DÀI

Tổ Chức Y Tế Thế Giới vừa công bố những kết quả của một dự án nghiên cứu về các chuyến đi kéo dài và sự phát sinh các huyết khối (thromboses). Theo những điều đã được chứng thực, nguy cơ mắc phải huyết khối nghẽn tĩnh mạch (thrombo-embolie veineuse) được nhân gấp hai lần, sau một hành trình kéo dài 4 giờ hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên dù cho nguy cơ này gia tăng nhưng nguy cơ tuyệt đối của huyết khối nghẽn tĩnh mạch lại vẫn tương đối thấp.
OMS vừa công bố các kết quả ở giai đoạn 1 của dự án nghiên cứu về các mối hiểm nguy của các hành trình kéo dài trên thế giới. Hai biểu hiện thường xảy ra nhất là huyết khối tĩnh mạch sâu (thrombose veineuse profonde) và nghẽn mạch phối (embolie pulmonaire).
Công trình nghiên cứu chứng tỏ rằng, các hành khách của các máy bay, tàu hỏa, xe bus hoặc xe hơi chịu nguy cơ bị chứng huyết khối nghẽn tĩnh mạch cao hơn khi họ phải ngồi không động đậy trong hơn 4 giờ. Tuy rằng nguy cơ này gia tăng, nhưng nguy cơ tuyệt đối của huyết khối nghẽn tĩnh mạch vẫn tương đối thấp, khoảng 1/6000.
Một nghiên cứu đặc biệt chú ý về các hành trình bằng đường hàng không đã khám phá rằng các hành khách đi nhiều chuyến bay trong thời gian ngắn cũng chịu một nguy cơ gia tăng. Thật vậy, nguy cơ bị huyết khối nghẽn tĩnh mạch, không biến mất hoàn toàn, vào lúc cuối một chuyến bay và sự gia tăng nguy cơ vẫn tồn tại trong khoảng 4 tuần sau đó.
Bảng báo cáo xác nhận rằng một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc phải huyết khối tĩnh mạch sâu: chứng béo phì, tầm vóc trên 1,9 m hoặc dưới 1,6m, dùng thuốc ngừa thai và các rối loạn huyết học di truyền, dẫn đến khuynh hướng làm dễ sự tạo thành huyết khối.
Nghiên cứu không đề cập đến những biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Tuy nhiên các chuyên gia công nhận rằng, chúng ta có thể cải thiện tuần hoàn máu bằng cách kích động các cơ bắp chân bằng những cử động thẳng đứng của chân ở khớp mắt cá. Các hành khách cũng phải tránh mang những quần áo quá chật trong khi đi du lịch bởi vì chúng gây nên sự ứ máu tĩnh mạch (stase veineuse).
Giai đoạn 1 của dự án nghiên cứu kết luận về sự cần thiết đối với giới hữu trách vận tải, các hãng hàng không và các giới hữu trách y tế, cho hành khách những thông tin đầy đủ về nguy cơ của bệnh huyết khối nghẽn mạch. Nhưng còn sẽ cần đến những công trình nghiên cứu khác, để xác định những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Những vấn đề này sẽ được đề cập đến trong giai đoạn 2.

(LE JOURNAL DU MEDECIN 6/7/2007)

3/ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG TỐT HƠN TRONG NHỮNG NHÀ DƯỠNG LÃO CỠ NHỎ

Trong một nghiên cứu mới của Hoa Kỳ, Rosalie Cane và các cộng sự viên đã hỏi 40 người già cư trú trong các nhà dưỡng lão nhỏ (4 nhà dưỡng lão với 10 người mỗi nhà) , và một số tương đương những người dưỡng lão trong những nhà dưỡng lão có tầm cỡ lớn hơn. Các người già sống trong những nhà dưỡng lão nhỏ có phòng và buồng tắm riêng. Ngoài ra còn có các khoảng không gian chung được dành cho các bữa ăn và thời gian rỗi rảnh. Chất lượng chăm sóc giống nhau, trong nhiều nhà  dưỡng lão khác nhau, cũng như phần hành cán bộ (bác sĩ, y tá, chuyên viên về ăn uống, phụ tá xã hội). Trên cơ sở các kết quả thu được, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, những người già sống ở những nhà dưỡng lão nhỏ nhìn toàn bộ cảm thấy thỏa mãn hơn và có chất lượng sống tốt hơn so với các người già sống ở những nhà dưỡng lão to lớn hơn.

(LE JOURNAL DU MEDECIN 20/7/2007)

4/ NGƯNG HÚT THUỐC LÁ KHÔNG PHẢI DỄ ĐÂU

Các tài liệu chứng tỏ rằng hầu hết những người nghiện thuốc lá của các nước Tây Âu như Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ đều đã có dự định ngưng hút thuốc vào một thời điểm nào đó. Tỷ suất ý định ngưng hút thuốc (tentative d’arret du tabac) tăng cao: mỗi năm ở Vương Quốc Anh có 78 người dự định bỏ thuốc trên 100 người hút thuốc. Nhiều người hút thuốc đã có nhiều lần dự định bỏ hút trong năm. Khoảng một nửa trong số những người hút thuốc tin chắc rằng họ có thể ngưng hút thuốc lá trong vòng 1 năm. Trên thực tế các con số cho thấy rằng chỉ khoảng 2-3% trong số những người này sẽ ngưng hút thuốc lá vĩnh viễn mà thôi.
Các người hút thuốc lá khẳng định họ cần thuốc lá để chống lại stress hoặc vì lạc thú, nhưng trên thực tế, đó là sự phụ thuộc vào nicotine (dépendance à la nicotine).

(LE JOURNAL DU MEDECIN 20/7/2007)

5/ LỜI KHUYÊN ĐỐI VỚI NHỮNG BỆNH NHÂN BỊ ĐAU NGỰC

           Một bệnh nhân bị đau ngực (douleur thoracique) phải còn chờ đợi một thời gian bao lâu trước khi gọi Số Cấp Cứu (100/112/911). Câu hỏi này đặc biệt liên quan đến các bác sĩ thuốc tuyến đầu và những bác sĩ Khoa Cấp Cứu. Câu trả lời có thể trở nên phức tạp khi bệnh nhân đã được cho ngậm nitrates dưới lưỡi. 
Thật vậy, thuốc này có thể làm cơn đau biến mất nhanh chóng hoặc làm ổn định một cơn đau thắt ngực. Lý tưởng là chính bệnh nhân phải có khả năng phân biệt giữa một cơn đau thắt ngực ổn định (angor stable) và một hợp chứng động mạch vành (syndrome coronarien) có tiềm năng gây tử vong. Nhưng thực tế dạy cho chúng ta rằng không phải là như thế. Do đó, cần tìm một con đường trung dung giữa thái độ của một bệnh nhân mới đau ngực đã gọi ngay Số Cấp Cứu (điều này có thể dẫn tới việc tràn ngập bệnh nhân ở khoa cấp cứu) và thái độ của một bệnh nhân chậm gọi cấp cứu, điều này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí cho tính mạng nữa.
Theo các tác giả của một bài báo đăng trên BMJ, không phải là dễ dàng để tìm ra thỏa hiệp này. Mặt khác, các chỉ thị quốc tế chứng tỏ rằng không có một sự đồng nhất nào đã được thông qua, ngay cả trong các thầy thuốc khoa tim. British Heart Foundation khuyên các bệnh nhân được biết bị bệnh động mạch vành do thiếu máu cục bộ (coronaropathie ischémique) phải biết nghi ngờ rằng, khi một cơn đau ngực kéo dài trên 15 phút rất có thể là tình trạng nhồi máu cơ tim.

(LE JOURNAL DU MEDECIN 20/7/2007)

6/ VIỆC ĐIỀU TRA PHÁT HIỆN BỆNH UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT GÂY NÊN MỘT CUỘC TRANH CÃI
 

Đối với những người đàn ông tuổi từ 50 đến 75, có nên hay không nên đề nghị định lượng thường kỳ PSA, một chỉ dấu sinh học của ung thư tuyến tiền liệt ?  Từ nhiều năm nay, Hiệp Hội Niệu Học của Pháp khuyên định lượng PSA để điều tra phát hiện ung thư tuyến tiền liệt. Người ta đánh giá rằng ở Pháp mỗi năm có 2,7 triệu phân tích này được thực hiện và bảo hiểm xã hội phải đảm nhận 65 triệu Euro tiền phí tổn..
Phải chăng sự thực hiện đại trà các định lượng PSA không được biện minh về phương diện y học và kinh tế? Hai chuyên gia, một về y tế công cộng, một về dịch tễ học, rất hoài nghi về việc này. Giáo sư Gérard Dubois (CHU d’Amiens) vừa công bố trong Canadian Journal of Public Health, một bài báo trong đó ông tố cáo ở Pháp thiếu sự đánh giá về mặt y tế và kinh tế của phương thức phát hiện ung thư này.

CHẨN ĐOÁN LẠM DỤNG

Trên quan điểm này ông chia xẻ những kết luận được đưa ra bởi Catherine Hill (Viện Gustave-Roussy) trong số vừa qua của tạp chí Presse Médicale.
“Điều bất lợi chủ yếu của phương pháp phát hiện ung thư tiền liệt tuyến bằng định lượng PSA là sự lạm dụng chẩn đoán, nghĩa là phát hiện những ung thư sẽ không bao giờ trở thành triệu chứng mà việc điều trị chúng thường dẫn tới hậu quả là gây cho bệnh nhân chứng bất lực và són đái do điều trị”
Bà Catherine Hill đã nói như vậy. 
“ Phải dám nói rằng tình hình hiện nay ở Pháp là nguồn gốc của một trận dịch các ung thư tiền liệt tuyến giả(pseudo-cancers prostatiques) với những hậu quả tai hại. Với tình hình kiến thức hiện nay thật là không hợp lý khi cứ theo đuổi những lời khuyên của Hiệp Hội Niệu Học của Pháp”. Đối với bà chuyên gia dịch tễ học nầy, phải đợi kết quả những phân tích về tỷ lệ tử vong trong hai điều tra phát hiện sẽ được thực hiện ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Những phân tích này theo dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2008.

(LE MONDE 12/7/2007)

7/ THỜI SỰ ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐÁI ĐƯỜNG

Suốt trong những năm qua, các tiến bộ quan trọng đã được thực hiện trong việc điều trị bằng thuốc chống lại bệnh đái đường. Trong những tháng tới các thuốc mới được trông đợi tiếp nhận. Các chất tương cận GLP-1 (analogues du GLP-1) và các chất cản DPP-IV (inhibiteurs de la DPP-IV) sẽ cho phép làm chậm lại tiến triển của bệnh đái đường loại 2 thành insulinorequérance (đòi hỏi insuline), trong khi đó insuline hít (insuline inhalée) cho phép thực hiện điều trị bằng insuline được dễ dàng hơn và sớm hơn. Vị trí của các phép điều trị này còn cần phải được xác lập. 
GLP-1 (Glucagon-like Peptide-1) là một hormone peptidique được tiết ra bởi ruột non do sự hiện diện của glucose. Hormone này kích thích tiết insuline (effet incrétine). Ngoài tác dụng incrétine, GLP-1 cản sự tiết glucagon, làm giảm năng lực vận động của ruột non và làm gia tăng cảm giác no nê.
GLP-1 thiên nhiên (naturel) bị thoái hóa và được thải rất nhanh in vivo. Vì vậy đưa đến sự phát triển các chất tương cận GLP-1 và các chất có khả năng làm chậm sự thoái hóa của GLP-1 thiên nhiên, đặc biệt là các chất cản DPP-IV (inhibiteurs de la Dipetidyl peptidase-IV).
Exenatide (Byetta) là chất tương cận của GLP-1 đầu tiên được bào chế. Sitagliptin (Januvia) là chất cản DPP-IV đầu tiên được phát triển. Hai dược phẩm này đã được thương mãi hóa ở Hoa Kỳ và được sử dụng kết hợp với điều trị cổ điển bằng đường miệng để điều trị chống bệnh đái đường. Trái với insuline, các thuốc này gây tăng nhẹ thể trọng và không liên kết với biến chứng hạ đường huyết. Các tác dụng phụ chính là về tiêu hóa. Exenatide được chích dưới da 2 lần mỗi ngày trong khi Sitagliptin được cho bằng đường miệng với liều độc nhất mỗi ngày. Exenatide dưới dạng tác dụng chậm đã được bào chế để cho phép tiêm mỗi tháng một lần.
Insuline hít (insuline inhalée) sẽ được lưu hành ở Châu Âu trong thời gian sắp đến. Đó là phương cách cho insuline mà không phải tiêm chích. Các đường cho thuốc qua mũi, qua da (transdermique) và miệng luôn luôn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Exubera là insuline hít đầu tiên được thương mãi hóa ở Hoa Kỳ. Insuline được trình bày dưới dạng bột và bệnh nhân có thể hít vào nhờ một hệ thống đặc biệt. Chống chỉ định dùng insuline hít là nghiện thuốc lá và các bệnh lý về phổi. Mặc dầu insuline hít dường như hiệu quả như insuline tiêm chích dưới da, tuy thế tính vô hại của phương thức thuốc này trên phổi về lâu về dài chưa được xác lập.
Rimonabant (Acomplia) sẽ được cho phép sử dụng ở Bỉ trong năm 2007. Thuốc này được dùng để điều trị chứng béo phì (obésité) và như vậy rất có ích trong điều trị bệnh đái đường loại 2. Rimonabant là chất đối kháng những thụ thể CBI của hệ endocannabinoide đầu tiên được bào chế. Hệ endocannabinoide can dự vào trong việc kiểm soát ăn uống và cân bằng năng lượng.

(LA REVUE DE LA MEDECINE GENERALE 6/2007)

8/ PHÁT HIỆN UNG THƯ NHỜ  “CHỮ KÝ” CỦA NÓ

       Tiên đoán nguy cơ di căn của các khối u, đó là một trong những tiến bộ mới nhất được trình bày ở Hội Nghị Ung Thư Học Thế Giới vừa rồi.
Đối với 30.000 chuyên gia ung thư học của Hội Ung Thư Lâm Sàng Hoa Kỳ họp ở Chicago từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 6 năm nay, thì đây đúng là lúc để xác nhận tính hiệu quả của cái mà người ta gọi là các phép sinh điều trị (biothérapies). Khác với hoá học trị liệu cổ điển, sinh trị liệu tác động chủ yếu lên các tế bào ung thư và có một tác động ít hơn lên các tế bào lành mạnh, điều này cho phép làm giảm các tác dụng phụ. Cũng được gọi là điều trị nhắm đích (thérapie ciblée). Phép trị liệu này từ nay được sử dụng để chống lại nhiều loại ung thư (vú, thận, ruột già, phổi, gan, lymphome.. ). Bằng cớ  sức sống của sinh điều trị: 600 loại thuốc khác nhau đang được thực nghiệm !
Ngoài những tiến bộ này, hội nghị lần thứ 43 của Hội Ung Thư Lâm Sàng Hoa Kỳ cũng đã quan tâm về những “chữ ký sinh học” của ung thư:  “Từ nay đến 10-15 năm nữa, nhiều công trình đang được tiến hành sẽ cho phép tiên đoán các khối u có nguy cơ di căn nhờ phân tích sinh học. Đó là mục tiêu chiến lược của ung thư học ngày mai”, Giáo sư Xavier Pivot đã phấn khởi phát biểu như vậy. Ông là chuyên gia ung thư học của CHU Jean-Minjoz ở Besançon.
Ngày nay đứng trước một bệnh nhân bị ung thư, việc chọn lựa điều trị tùy thuộc vào sự hiện diện của các di căn hay không. Do đó, việc tổng kê sự lan rộng (bilan d’extension) có tầm quan trọng, và nhằm truy tìm những di căn của những tế bào bất thường từ khối u nguyên khởi ở gan, phổi, não hoặc xương. Khi phép chụp ảnh cổ điển (Scanner, IRM..) chẩn đoán được các di căn này thì việc điều trị trở nên khó khăn bởi vì lúc đó cần phải loại bỏ hàng trăm triệu tế bào ung thư trong những thương tổn chỉ vài mm. Ngày nay, khi không có những di căn mà mắt trần có thể nhìn thấy, một phép điều trị nội khoa được gọi là adjuvant (hoá học trị liệu, hormone trị liệu...) sẽ được đề nghị sau khi đã giải phẫu để loại bỏ những vi di căn (micrométastases). Ngày mai tình hình sẽ hoàn toàn khác.
Sau khi một khi khối u đã được phẫu thuật lấy đi, người ta sẽ có thể phân tích các tổ chức mô bị bệnh và định lượng biểu hiện (expression) của các gènes và protéines để xác lập điều mà người ta gọi là một “chữ ký u di truyền hay protéine” (signature tumorale génétique ou protéomique). Điều này sẽ cho phép biết một cách chính xác là đã có nguy cơ các tế bào ung thư đã vào trong tuần hoàn máu chưa. Đối với ung thư vú, điều đó cho phép tránh những đợt điều trị vô ích, như đang xảy ra hiện nay trong 10 đến 15% trường hợp.” Giáo sư Pivot đã nói rõ như vậy.

(SCIENCE ET AVENIR  7/2007)

9/ TÁC DỤNG CHỐNG CẢM LẠNH CỦA VITAMIN C BỊ PHỦ NHẬN


Một duyệt xét lai các thử nghiệm về sử dụng vitamin C để phòng ngừa và điều trị cảm cúm đã kết luận rằng vitamin C phần lớn không có hiệu quả.
Trong 30 thử nghiệm với 11.350 người tham gia được cho uống ít nhất 200 mg vitamin C mỗi ngày, các nhà nghiên cứu đã không nhận thấy có sự giảm tỷ lệ mắc bệnh cảm lạnh do việc sử dụng vitamine C. Vitamin C đúng là có làm hơi giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh nhưng hiệu quả bé nhỏ không đáng kể trên mặt lâm sàng.
Nhưng vitamin C có hiệu quả rõ ràng trong vài trường hợp. Trong 6 thử nghiệm trên những người chịu stress vật lý cùng cực, bao gồm những người chạy marathon, những vận động viên chạy đua, những người trượt tuyết và những người lính Canada trong lúc tập dược vào mùa đông ở Bắc cực, thì vitamin C đã làm giảm ½ tỷ lệ mắc phải cảm lạnh.
«Chúng tôi quả đã nhận thấy thời gian bị cảm lạnh giảm 8% nơi người trưởng thành và giảm 13% nơi trẻ em», BS Harry Hemila, phó giáo sư của khoa y tế công cộng ở Đạị Học Helsinki đã phát biều như thế, «Vậy thì, có thể sẽ có hiệu quả hơn với liều lượng lớn hơn»
Ngay cả với những liều lượng rất lớn, vitamin C có vẻ ít gây độc hại. Trên 2400 người uống 1000 mg mỗi ngày, chỉ có 5,8% ghi nhận có tác dụng phụ, so với 6% những người uống placebo. Nhưng không có triệu chứng nào là nghiêm trọng cả.

(INTERNATIONAL HERALD TRIBUNE 26/7/2007)

10/ LÝ THUYẾT VỀ CÀ CHUA BỊ XÉT LẠI

Trong khi duyệt xét lại các dữ kiện khoa học, Cơ quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã nhận thấy hầu như không có bằng chứng cho thấy rằng cà chua hoặc chất chống oxi hóa lycopene đã có hiệu quả trong việc phòng ngừa chống lại ung thư.
Công trình duyệt xét này, được công bố online ngày 10/7 trên tờ Journal of the National Cancer Institute, đã xem xét lại 81 công trình nghiên cứu về lycopene và đã kết luận rằng không có một nghiên cứu nào đã được thực hiện đưa ra bằng chứng đáng tin cậy để chứng minh mối liên hệ giữa việc tiêu thụ chất chống oxi hoá (trong thực phẩm hoặc trong các thuốc bổ sung) và nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến, phổi, đại trực tràng, nội mạc tử cung hoặc tụy tạng.
Các tác giả cũng đã xem xét 64 công trình quan sát về sự tiêu thụ cà chua hoặc các sản phẩm của cà chua và nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các tác giả đã không tìm thấy bằng cớ chứng tỏ rằng sự tiêu thụ cà chua đã làm giảm nguy cơ bị ung thư phổi, vú, đại trực tràng, nội mạc tử cung hoặc cổ tử cung. Các tác giả kết luận rằng, việc ăn cà chua không thể có một tác dụng nào lên nguy cơ bị ung thư tụy tạng, tiền liệt tuyến, dạ dày hoặc buồng trứng.
Một nghiên cứu khác được công bố tuần qua trên tờ Journal of the American Medical Associattion đã nhận thấy rằng một chế độ ăn uống ít mỡ nhiều trái cây và rau xanh đã không có lợi ích trong việc ngăn ngừa sự tái phát của ung thư vú.

(INTERNATIONAL HERALD TRIBUNE 26/7/2007)

B.S NGUYỄN VĂN THỊNH
(27/7/2007)

Thông Tin Y Học

  • Thông tin Y học - Số 39 - Đại Linh
  • Thông tin Y học - Số 36 - Đại Linh
  • Cấp cứu Nội khoa số 5 -  BS Nguyễn Văn Thịnh
  •  Cấp cứu Nội khoa số 4 - BS Nguyễn Văn Thịnh
  •  Cấp cứu Nội khoa số 3 - BS Nguyễn Văn Thịnh
  •  Cấp cứu Nội khoa số 2 - BS Nguyễn Văn Thịnh
  •  Giới thiệu Dược phẩm mới số 1 -  Võ Đăng Đài
  •  Thông tin Y học - Số 35 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 34 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 33 - Đại Linh
  •  Cấp cứu Nội khoa số 1 - BS Nguyễn Văn Thịnh
  •  Thông tin Y học - Số 32 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 31 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 30 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 29 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 28 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 27 -Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 26 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 25 -  - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 24 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 23 -  - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 22 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 21 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 20 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 19 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 18  - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 17 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 16 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 15 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 14 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 13 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 12 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 11 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 10 -  Đại Linh
  •  La Circulation ExtraCorporelle - Bùi Phương
  • Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
    Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.