Thông Tin Y Học và Giới Thiệu Dược Phẩm mới

Thời sự Y Học - Số 34

 

1/ THẮNG LỢI ĐẦU TIÊN ĐỐI VỚI UNG THƯ GAN

Sự thông báo về một điều trị hiệu quả chống lại ung thư gan bởi nhóm nghiên cứu của Bác sĩ Josep Llovet thuộc Đại Học Barcelone được tiếp nhận một cách phấn khởi bởi các chuyên gia về ung thư. Nhóm nghiên cứu này đã tiến hành thành công công trình nghiên cứu đầu tiên sử dụng một chất chống tăng sinh mạch máu (antiangiogénique), sorafenib.Chất này có tác dụng cản sự tạo thành các huyết quản cần thiết cho sự tăng sinh của khối u. Kết quả: gia tăng 44% tỷ lẽ sống sót trong nhóm uống thuốc chống tăng sinh mạch máu, hoặc kéo dài cuộc sống thêm 3 tháng nữa.
Thường bị chẩn đoán muộn, ở Pháp mỗi năm có khoảng 5000 trường hợp ung thư gan mới phát sinh, một con số tăng gấp đôi trong vòng 20 năm.
« Những kết quả mới này sẽ nhanh chóng làm đảo lộn thái độ điều trị các bệnh nhân ». BS Emmanuel Mitry của Bệnh Viện Ambroise-Paré của Boulogne đã tiên đoán như vậy. Được thương mãi hoá dưới tên Nexavar bởi Hãng Dược Phẩm Bayer, sorafenib được dùng bằng đường miệng và được dung nạp tốt. Dược phẩm này đã chứng tỏ hiệu quả trong điều trị ung thư thận và hiện tại đang được đánh giá đối với những loại ung thư khác.

(SCIENCE ET AVENIR 7/2007)


2/ SỮA BẢO VỆ CHỐNG LẠI UNG THƯ VÚ

        Calcium có một tác dụng bảo vệ rõ rệt chống ung thư vú nơi các phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh : đó là kết luận của nhóm nghiên cứu Inserm U557 sau một công trình nghiên cứu rộng lớn về dinh dưỡng Suvimax.
« Sự tiêu thụ hàng ngày thức ăn sữa và nước khoáng giàu calcium làm giảm 75% nguy cơ bị ung thư vú nơi nhóm phụ nữ có dinh dưỡng giàu calcium nhất so với các phụ nữ ít tiêu thụ calcium nhất, hoặc dưới 800mg mỗi ngày. Chúng tôi không có lời giải thích về hiện tương này ». Emmanuelle Kesse-Guyot, người phụ trách công trình nghiên cứu đã nói rõ như vậy
« Ngược lại, việc bổ sung bằng vitamines hay các chất chống oxi hóa (antioxydant) đã không chứng tỏ hiệu quả lên ung thư trong nhóm người này.Kết quả của chúng tôi xác nhận một nghiên cứu rộng rãi hơn đã được tiến hành ở Hoa Kỳ.Nghiên cứu này đã nêu lên hiệu quả có lợi của calcium ở các phụ nữ trước thời kỳ mãn kinh »
Calcium như vậy sẽ được thêm vào các yếu tố bảo vệ khác như hoạt động vật lý hoặc sự kiện đã có ít nhất một đứa con.

(SCIENCE ET AVENIR 7/2007)


3/ VŨ KHÍ MỚI CHỐNG CÚM GIA CẦM

Những người sống sót sau khi bị bệnh cúm gia cầm có lẽ giữ chiếc chìa khóa cho một phương pháp điều trị mới chống lại virus H5N1.Antonio Lanzavechia của Viện nghiên cứu sinh y học Bellinzona (Thụy Sĩ) và các nhà nghiên cứu của 4 nhóm nghiên cứu khác của Việt Nam và Hoa Kỳ đã trích từ máu của những người sống sót sau trận dịch cúm gia cầm ở Việt Nam năm 2004, những bạch huyết bào B (lymphocytes ). Những tế bào này sản xuất các kháng thể được gọi là monoclonal anti-H5N1. Các kháng thể này nhận biết siêu vi trùng H5N1 và phát khởi tác dụng hủy hoại chúng. Các nhà nghiên cứu đã cho làm tăng sinh các bạch huyết bào B trong ống nghiệm rồi tiêm các kháng thể được sản xuất lên chuột. Kết quả : 80% chuột lành mạnh được tiêm chủng đã sống sót sau khi được cho tiếp xúc với siêu vi trùng H5N1.Trên 60 chuột đã bị bệnh, 58 con đã sống sót sau khi được tiêm chủng. « Đó là một kết quả đáng chú ý. Các kháng thể monoclonal đã từng được sử dụng để ngăn ngừa các trẻ nhỏ chống lại các bệnh gây nên bởi virus respiratoire  (bệnh viêm tiểu phế quản). » Sylvie Van der Werf, phụ trách Phòng thí nghiệm về di truyền phân tử của các siêu vi trùng hô hấp của Viện Pasteur, đã xác nhận như thế.
Hiện nay còn phải kiểm tra xem phép điều trị miễn dịch thụ động (immunothérapie passive) này có hiệu quả đối với người hay không. Một khó khăn khác : « Việc sản xuất với số lượng nhiều các kháng thể cần đến một cơ sở hạ tầng tốn kém nhưng hiện nay chưa có. ». Sylvie Van der Werf nói tiếp như vậy. Mối lo âu cuối cùng : thời gian hiệu quả của các kháng thể monoclonal không vượt quá vài tuần lễ (trái với vaccin).Nhưng các nhà nghiên cứu kết luận:  « Đó là một vũ khí phụ thêm vào trong lô các chiến lược chống bệnh. Rất hữu ích để phản ứng nhanh trước một trận dịch bùng phát trong lúc chờ đợi một vaccin được chế tạo ».

(SCIENCE ET AVENIR 7/2007)

4/ NHỮNG LÁ PHỔI YẾU ỚT CỦA NHỮNG NHÀ CHĂN NUÔI HEO

     Các nhà khai thác và những công nhân nông nghiệp làm việc trong các ngành chăn nuôi heo thâm sâu bị nhiều nguy cơ mắc phải các rối loạn hô hấp do hoạt động nghề nghiệp của họ. Một công trình nghiên cứu được thực hiện nơi 400 công nhân nuôi lợn và 400 nhà nông (nhóm chứng) đã xác nhận như thế.Mặc dầu có xét đến tuổi tác và việc hút thuốc lá, người ta nhận thấy rằng những triệu chứng viêm phổi mãn tính nơi nhóm những công nhân nuôi lợn thường xảy ra 4 đến 5 lần nhiều hơn so với nhóm chứng, đặc biệt là các triệu chứng ho và khạc đờm,và khó thở (ở một mức độ ít hơn).

(SCIENCE ET AVENIR 7/2007)

5/ NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VITAMINE D3

Dùng với liều lượng hơn 1000 đơn vị quốc tế mỗi ngày, vitamine D3 sẽ góp phần làm giảm 60% nguy cơ xảy ra ung thư nơi phụ nữ ở tuổi mãn kinh. Đó là kết quả của một công trình nghiên cứu của Hoa Kỳ sau khi đã theo dõi trong 4 năm 1200 phụ nữ tuổi 55 tuổi hoặc hơn. Các tác giả nhấn mạnh những liều lượng ít nhất 1000 đơn vị mỗi ngày để có một hiệu quả bảo vệ hữu hiệu trong khi đó giới hữu trách khuyên chỉ dùng 200 đơn vị mỗi ngày mà  thôi. Nhưng theo các chuyên gia về dinh dưỡng, liều lượng 1000 đơn vị mỗi ngày sẽ không tạo nên mối nguy hiểm.

(LA LIBRE MATCH 5/7-11/7/2007)

6/ CÁC BIẾN CHỨNG HIẾM CỦA GIẢI PHẪU ĐIỀU TRỊ CHỨNG BÉO PHÌ

      Giải phẫu điều trị chứng béo phì (obésité) đang phát triển mạnh với các kỹ thuật từ vòng dạ dày (anneau gastrique) để làm hạn chế một cách cơ học thức ăn được ăn vào, đến những kỹ thuật đường vòng dạ dày (bypass gastrique) nhằm tạo nên một đường vòng đường tiêu hóa mới. Mục đích là làm giới hạn sự hấp thụ các chất mỡ.Nhưng những chất dinh dưỡng khác trong đó có vài vitamine cần thiết cho hệ thần kinh (ví dụ vitamine B12) sẽ bị kém hấp thụ sau phẫu thuật Một nhóm nghiên cứu người Mỹ công bố 26 trường hợp các bệnh nhân bị các biến chứng thần kinh sau giải phẫu này. Và các triệu chứng đã không được cải thiện sau khi cho vitamine quá chậm trễ.Biến chứng này tuy hiếm nhưng cần phải được ghi nhận.

(LA LIBRE  MATCH 5/7-11/7/2007)

7/ DẦU OLIVE CÓ TÁC DỤNG TỐT ĐỐI VỚI CHOLESTEROL

Một công trình nghiên cứu từ nhiều trung tâm nghiên cứu ở châu Âu được tiến hành trên 200 người tình nguyện. Những người này được cho uống trong 3 tuần lễ 25 millilitres dầu olive mỗi ngày (một muỗng canh gồm 3 loại dầu, loại trừ những chất béo khác.) Nghiên cứu đã mang lại một kết luận lý thú : tất cả các dầu olive deu có khả năng làm gia tăng nhanh chóng nồng độ HDL (cholestérol tốt) nhưng hiệu quả nhất là các dầu olive có nồng độ polyphénol (chất chống oxi hóa có tác dụng bảo vệ tim) cao nhất. Về mặt này, mức độ tinh lọc của dầu có tính chất quyết định: cần những dầu olive tinh chất hảo hạng.

(LA LIBRE MATCH 14/6-20/6/2007)

8/ MỘT CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU XÁC NHẬN HIỆU QUẢ CỦA THUỐC CHỦNG CHỐNG UNG THƯ TỬ CUNG

Một công trình nghiên cứu trên 12.000 phụ nữ vừa xác nhận tính hiệu quả của vaccin chống ung thư tử cung. Ung thư này là nguyên nhân của 240.000 tử vong mỗi năm trên toàn thế giới (nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây chết người nhất ở phụ nữ). Một nửa những người tham dự được tiêm chủng, còn nữa kia thì không. Hiệu quả của tiêm chủng chống lại Papillomavirus loại 16 và 18 (nguyên nhân của 80% trường hợp ung thư tử cung) là 100%.

(LA LIBRE MATCH 31/5-5/6/2007)

9/ VIAMINE C : NƯỚC CAM VẮT TỐT HƠN LÀ THUỐC VIÊN

Vitamine C kích thích hệ miễn dịch của chúng ta, ngăn ngừa bệnh scorbut và có tính chất chống oxi hoá, góp phần làm chậm lại sự lão hóa của các tế bào, nhất là bảo vệ ADN chống lại sự oxi hóa.Nhưng vitamine C được cho bổ sung có hiệu quả bằng trái cây hay không? Để kiểm chứng điều đó, các nhà nghiên cứu của Đại Học Milan ( nhóm nghiên cứu của BS Serena ) đã khảo sát 3 nhóm người : nhóm thứ nhất uống một ly nước cam vắt, nhóm thứ hai uống một ly nước được làm giàu vitamine C và nhóm thứ ba uống nước đường. Nước cam vắt và nước được làm giàu vitamine C , đều chứa 150 milligrammes vitamine C
Sau khi 3 nhóm đã uống xong, người ta lấy máu nơi những người tình nguyện 3 giờ sau đó rồi 24 giờ sau để đảm bảo rằng nồng độ vitamine C trong máu của những người uống nước cam vắt và nước được làm giàu vitamine C đúng là đã gia tăng như nhau. Quả đúng là như vậy.Các mẫu nghiệm máu sau đó được đối chiếu với peroxyde d’hydrogène (được biết là có khả năng oxi hóa mạnh lên các tế bào). Các kết quả đã chứng tỏ rằng các tổn hại gây nên bởi peroxyde d’hydrogène trong các mẫu nghiệm máu của những người đã uống nước cam vắt ít quan trọng hơn nhiều so với các mẫu nghiệm của những người tình nguyện đã uống nước đường hay nước được làm giàu vitamine C. Không có một tính chất bảo vệ nào được nhận thấy ở những người uống nước đường nhưng cũng chẳng gì hơn ở những người uống nước được làm giàu vitamine C. 
Do đó vitamine C trong nước cam vắt  không phải là tác nhân có tính chất bảo vệ duy nhất. Có lẽ có một yếu tố khác hoạt động cùng với vitamine C.

(LA LIBRE MATCH 15/5-23/5/2007) 

10/ LÀM NGẠT CÁC TẾ BÀO ÁC TÍNH

Đó là một trong những chiếc chìa khóa của sinh học ung thư: các khối u để được nuôi dưỡng gây nên sự tăng trưởng các mạch máu chung quanh chúng. Không có hiện tượng được gọi là sự phát sinh mạch máu (angiogenèse) này, kích thước các khối u sẽ không vượt quá 3 hoặc 4 millimètre. Do đó các nghiên cứu đang được tiến hành tích cực nhằm vào các phân tử chống phát sinh mạch máu (molécules antiangiogéniques), những mục tiêu mà các điều trị trong tương lai sẽ nhắm vào.Một trong các phân tử này vừa được nhận diện bởi Đaị Học Californie: đó là một loại đường nằm trên thành các mạch máu. Đường này làm
các yếu tố tăng trưởng phát xuất từ ung thư dễ bám vào các thành mạch và do đó kích thích sự tạo thành các huyết quản. Các con chuột được biến đổi về mặt di truyền để không có loại đường này đã phát triển những khối u có kích thước nhỏ hơn nhiều và ít mạch máu hơn nhiều so với các con chuột có loại đường này. Đối với nhóm nghiên cứu, loại đường này là một mục tiêu mà phép điều trị mới sẽ nhắm vào trong điều trị ung thư.

((LA RECHERCHE 7-8/2007)

BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(9/7/2007)

 

Thông Tin Y Học

  • Thông tin Y học - Số 39 - Đại Linh
  • Thông tin Y học - Số 36 - Đại Linh
  • Cấp cứu Nội khoa số 5 -  BS Nguyễn Văn Thịnh
  •  Cấp cứu Nội khoa số 4 - BS Nguyễn Văn Thịnh
  •  Cấp cứu Nội khoa số 3 - BS Nguyễn Văn Thịnh
  •  Cấp cứu Nội khoa số 2 - BS Nguyễn Văn Thịnh
  •  Giới thiệu Dược phẩm mới số 1 -  Võ Đăng Đài
  •  Thông tin Y học - Số 35 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 34 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 33 - Đại Linh
  •  Cấp cứu Nội khoa số 1 - BS Nguyễn Văn Thịnh
  •  Thông tin Y học - Số 32 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 31 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 30 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 29 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 28 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 27 -Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 26 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 25 -  - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 24 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 23 -  - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 22 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 21 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 20 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 19 - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 18  - Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 17 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 16 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 15 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 14 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 13 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 12 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 11 -  Đại Linh
  •  Thông tin Y học - Số 10 -  Đại Linh
  •  La Circulation ExtraCorporelle - Bùi Phương
  • Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
    Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.