MỐI TÌNH ĐẦU

Lê Đức Minh

(Tên các nhân vật được viết tắt để tôn trọng sự riêng tư)

Mùa hè năm 1972, ba tôi được biệt phái từ quân đội về làm Tổng giám thị trường trung học  ĐG ở Đà Nẵng. Năm đó tôi đang học lớp 8 trường PCT. Có thể nói đây là những tháng ngày đẹp nhất của tuổi thiếu niên của tôi dù rằng chiến tranh đang đi vào giai đoạn khốc liệt nhất. Viện lý do rằng tôi lêu lỏng không chăm học, ba tôi chuyển tôi về học ĐG “để tiện bề kiểm soát”!

 

Tôi buồn thê thảm. Tôi có biết bao nhiêu là bạn bè thân quen ở PCT. Bút nhóm Đàn Chim Xanh của chúng tôi vừa được thành lập, và tập thơ đầu tiên của nhóm vừa được hoàn thành để “lưu hành nội bộ”.

 

T là một ‘nhà thơ thiên tài’ của nhóm chúng tôi. Ba hắn là sĩ quan cảnh sát. Một hôm chúng tôi kéo nhau đến gặp ông và xin ông chỉ cho chúng tôi cách làm đơn xin lập hội cho bút nhóm Đàn Chim Xanh. Tôi còn nhớ ông bố của T nhìn chúng tôi cười hiền hòa rồi ông nói: “Các cháu chưa cần xin giấy phép lập hội đâu. Cứ sinh hoạt và trao đổi với các nhóm khác rồi từ từ khi nhóm phát triển mạnh hơn thì bác sẽ chỉ cho các cháu thủ tục lập hội”. Ông còn nói thêm rằng: “Tuy nhiên khi các cháu viết và sáng tác phải có tinh thần trách nhiệm và phải làm sao cho những sáng tác của mình thực sự là những tác phẩm nghệ thuật”. Tôi còn nhớ như in lời ông bố của T nói năm nào. Chúng tôi thấy chúng tôi thật là trưởng thành và chúng tôi có trách nhiệm. Mặc dầu mới học lớp 8, không một đứa nào trong nhóm chúng tôi cảm thấy mình là trẻ con nữa. Chúng tôi viết, sáng tác, miệt mài in roneo, rồi đi các trường khác phổ biến và giới thiệu những tờ báo học trò của chúng tôi.

 

Chiến tranh không làm cho tuổi trẻ chúng tôi hồi đó mất đi những ước mơ, khát vọng về một ngày M tươi đẹp hơn. Trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ và xã hội, nơi mà những căn bản đạo đức tốt đẹp nhất vẫn tiếp tục được duy trì và trân trọng, chúng tôi lớn lên dưới mái trường thân yêu như những trang giấy trắng tinh khôi.

 

Tình yêu nước, yêu quê hương được truyền đạt đến chúng tôi qua những tác phẩm tuyệt vời của Tự Lực Văn Đoàn, những ca khúc tiền chiến thanh tao và lãng mạn và các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ khác. Chúng tôi hát say sưa trong những đêm lửa trại Hướng Đạo và để cảm xúc dâng trào với những hoạt cảnh quê hương của Du Ca bên ánh lửa bập bùng giữa thiên nhiên hùng vĩ.

 

Về học ở ĐG, tôi như con chim lạc đàn. Tôi ngao ngán với ngôi trường tồi tàn hơn nhiều so với trường PCT. Buồn quá tôi chẳng thiết học hành gì nữa. Tôi nhai kẹo cao su trong giờ học Anh văn và bị cô H đuổi khỏi lớp. Giáo sư toán kêu lên bảng giải phương trình, tôi đi lên viết gọn cái đáp số rồi về lại chỗ ngồi. Thế là bị giải lên phòng hiệu trưởng. Tôi ngổc ngáo, tôi bất cần. Tôi hy vọng ba tôi sẽ cho tôi về học lại trường cũ.

 

Năm 1973 trong một buổi chào cờ sáng thứ hai, thầy L.S.H. hiệu trưởng buồn rầu báo cho chúng tôi biết rằng Trung Cộng đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhiều chiến hạm của chúng ta đã bị đánh đắm và nhiều chiến sĩ hải quân đã anh dũng đền nợ nước. Thầy cũng nói rằng các phản lực cơ chiến đấu của chúng ta không thể ra đến Hoàng Sa vì không đủ nhiên liệu. Chúng tôi căm thù bọn Trung Cộng quá chừng. Chúng tôi hét vang những khẩu hiệu đả đảo. Chúng tôi bàn với nhau rằng có lẽ tất cả chúng tôi sẽ xin gia nhập hải quân để chiến đấu trả thù quân xâm lược, giành lại Hoàng Sa cho Việt Nam.

 

Tôi giỏi Toán, Văn và Hóa học. Tôi ghét Vật lý và tôi không phải là đứa học trò chăm học. Tôi ham công tác xã hội, ham văn thơ, sinh hoạt Hướng đạo, đi cắm trại. Lúc nào tôi cũng chỉ học vào giờ phút cuối cùng khi không thể nào trì hoãn nữa. Tôi ghét những đứa lúc nào cũng cắm cúi học để lấy mấy cái bảng danh dự do giáo sư chủ nhiệm phát hàng tháng. Ba tôi ngao ngán, bảo rằng tôi sau này chắc chẳng làm nên trò trống gì. Còn tôi, tôi nghĩ rằng sau này tôi sẽ trở thành một sĩ quan hải quân như cậu tôi Lê Bá Chư, hạm trưởng hải vận hạm 404 vẫn thường hay đậu tại cảng Đà Nẵng mà thỉnh thoảng đi học qua cầu Trịnh Minh Thế tôi vẫn thấy.

 

Thế rồi mọi việc bỗng nhiên thay đổi khi tôi lên lớp 9. Sau tuần đầu tiên của năm học mới, một hôm thầy hiệu trưởng đến lớp dẫn theo một nữ sinh. Cả lớp đứng dậy chào thầy. Thầy giới thiệu cô nữ sinh mới chuyển trường từ Hòa Vang về và dặn dò cả lớp giúp đỡ cô nàng. Tôi nhìn cô nữ sinh mới trong tà áo dài trắng và mái tóc đen dài, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt xinh xắn nhưng thoáng vẻ buồn và chợt nhớ đến những nhân vật nữ trong thơ Nguyên Sa và trong những họa phẩm của họa sĩ Đinh Cường. Tôi nghĩ trong bụng “chắc lại thêm một con mọt sách rồi đây!” Cô nữ sinh mới tên là LT. Theo giới thiệu của thầy hiệu trưởng thì cha của cô nàng là trung tá quận trưởng một quận ở Quảng Nam.

 

Cắc cớ làm sao khi thành lập ban văn nghệ của lớp, tôi phát hiện ra LT và tôi đều có tên trong danh sách. Tôi chẳng bao giờ biết vì sao giáo sư chủ nhiệm lại bỏ tên tôi vào trong ban văn nghệ. Tuy nhiên tôi không phản đối mà trong bụng lại hơi mừng thầm. Có một cái gì đó khác lạ tôi chưa bao giờ cảm nhận trước đó đang xảy ra trong tôi. Tôi muốn biết tất cả mọi điều liên quan đến LT. Tôi không vắng buổi tập văn nghệ nào và cuối cùng có một vai trong một vở hoạt kịch trình diễn trong đêm văn nghệ cuối năm của trường.

 

LT học rất cừ và hát rất hay. Tôi phải thừa nhận điều đó. Cô nàng kín đáo mà không kiêu kỳ. Rất thân tình với bạn bè nhưng vẫn giữ được một khoảng cách nhất định đủ để làm người khác có một chút gì phân vân. LT luôn ngồi ở bàn đầu. Tôi thì luôn luôn ngồi ở gần cuối lớp để khỏi bị các giáo sư chiếu tướng. Từ khi có LT tôi chọn một vị trí mà khi ngồi tôi có thể quan sát LT mọi khi mọi lúc mà không bị cô nàng phát hiện.

Tôi thay đổi tự lúc nào tôi không biết. Mẹ tôi hỏi tôi vì sao lúc này tôi chăm học và ăn mặc gọn gàng hơn trước. Tôi giặt đôi giày bata đều đặn để lúc nào chúng cũng trắng toát. Đồng phục quần xanh áo trắng ngày nào tôi cũng ủi trước khi đi học. Tôi cẩn thận chăm sóc mái tóc bất trị của tôi. Cậu tôi bày tôi không nên dùng keo xịt tóc vì sợ làm hư da, nhưng có thể dùng nước có pha vài giọt nước chanh có tác dụng giữ tóc như keo mà còn có mùi thơm dễ chịu. Tôi phục cậu tôi sát đất về chuyện này.

 

Các giáo sư trong trường đều nói với ba tôi là tôi dạo này tiến bộ nhiều, đáng khen và lần đầu tiên tôi lãnh bảng danh dự. Chỉ có 5 học sinh đứng đầu lớp mới có bảng danh dự. Trong các kỳ thi học kỳ, tôi làm sơ-mi hết môn này đến môn khác. Có lần tôi và LT được phân công làm sơ-mi môn Anh văn vì hai đứa tôi có điểm cao nhất. Sau giờ học chúng tôi ở lại lớp làm chung với nhau và LT mang kẹo bạc hà ra mời tôi.

 

Cứ thế chúng tôi dần dần có một mối thiện cảm với nhau, hay ít ra là tôi tin như thế. Nhưng bề ngoài LT vẫn vậy và tôi cũng chẳng biết làm gì hơn để được gần cô nàng hơn. Có một lần trong giờ học môn Sử của thầy Quát, tôi chẳng nghe được điều gì vì mãi mê ngắm LT từ chỗ tôi ngồi. Hình như cô nàng có giác quan thứ sáu hay sao mà bất thình lình LT quay lại. Tôi không kịp tránh. Chúng tôi nhìn nhau như thế trong một khoảnh khắc mà hình như dài vô tận. Suốt đời tôi, tôi không bao giờ quên được cái nhìn của LT hôm đó. Trong ánh mắt đó có bao nhiêu điều muốn nói, có bao nhiêu điều muốn hỏi, như trách móc, như giận hờn, như khuyến khích. Tôi không biết khuôn mặt tôi lúc đó ngớ ngẩn như thế nào. Chỉ thấy một thoáng cười trong ánh mắt của LT rồi cô nàng quay lên.

 

Giáo sư Văn của chúng tôi là cô M, cũng là bà con của gia đình LT. Nhà của cô M ở Đà Nẵng cho nên nhiều lúc LT theo cô về Đà Nẵng ở lại nhà cô M. Do đó có nhiều hôm chúng tôi gặp nhau ở bến xe Non Nước đợi xe đò về Đà Nẵng. Tôi không bao giờ dám cùng lên chuyến xe đò với Lãm Thúy và cô M. Bao giờ tôi cũng đứng xa xa, chỉ lên một chuyến xe khác khi xe của LT và cô M đã rời bến. Chúng tôi nhìn nhau từ xa. Cái dáng bé nhỏ của Lãm Thúy với chiếc cặp ôm trước ngực đã trở thành nỗi ám ảnh dịu dàng của tôi trong suốt những tháng ngày học ở trung học ĐG.

 

Cuối năm lớp 9 bất ngờ một hôm không thấy LT đi học, tôi đứng ngồi không yên. Sau đó lớp trưởng mới báo cho cả lớp biết là LT vừa mới mổ ruột thừa hôm qua. Cả lớp cử người đi thăm. Tôi muốn đi thăm LT quá nhưng ngượng chín người khi nghĩ đến việc giơ tay lên để ngỏ ý muốn đi. Tôi sợ nhất là những cái nhìn đầy ẩn ý của đám con gái ngồi bàn trên với LT. Nghĩ đến chuyện bị đám con gái chế diễu, tôi chỉ muốn chui xuống đất trốn đi đâu cho rồi. Cuối cùng tôi nghĩ ra một kế...

 

Ngày đi thăm LT, nhóm đi thăm gồm có thằng Anh trưởng lớp và Thảo, trưởng ban xã hội với đám bạn gái của LT ngồi ở bàn đầu, họp nhau tại bến xe Non Nước để đón xe đi Sơn Trà. Tôi xấn lại gần làm ra vẻ mình cũng đi Sơn Trà hôm nay. Thằng Anh hỏi: “Ủa, Minh, hôm nay mày không về Đà Nẵng hả?”. Tôi trả lời tỉnh bơ: “Tại hôm nay tao đi thăm dì tao dưới đó”. Nó nói: “Vậy mày đi với tụi tao thăm LT luôn đi”. Tôi nói: “Ừ, đi thì đi”, làm như đối với tôi chuyện đi thăm LT không có gì đặc biệt.

 

Chúng tôi đến thăm LT tại nhà của cô nàng trong khu trại gia binh. LT nằm trên chiếc giường kê gần cửa sổ.  Bên cạnh là chiếc bàn học nhỏ xinh xinh. Trông cô nàng mệt mỏi, nét mặt xanh xao khiến lòng tôi xót xa. Tôi len vào ngồi chiếc ghế gần LT nhất. Trong khi LT và mấy cô bạn gái tíu tít nói chuyện, tôi im lặng ngắm nhìn LT. Chưa bao giờ tôi được nhìn LT gần gũi thế này. Khi chúng tôi sắp chia tay ra về LT hỏi: “Minh à, chép bài dùm Thúy được không?”  Tôi chỉ mong có thế. Tôi mừng quá không nói được tiếng nào chỉ thẫn thờ gật đầu. Trong thời gian LT chưa đi học, tối nào tôi cũng đem mấy cuốn vở của LT ra chép lại bài cho cô nàng. Tôi nắn nót viết. Tôi ngắm nét chữ nghiêng nghiêng của LT. Tôi đặt mấy cuốn vở của LT dưới gối khi đi ngủ. Trong giấc mơ tôi thấy tôi và LT tay trong tay bước bên nhau một buổi chiều, trên một con đường có nhiều lá me bay.

 

Chúng tôi vào năm học lớp 10 với biết bao niềm vui và hy vọng. Mỗi ngày đi học đối với tôi là cả một niềm hạnh phúc lớn vì được ngắm nhìn LT và đôi khi chỉ một vài câu trao đổi ngắn ngũi cũng làm cho tôi thao thức cả đêm. Cả tôi và LT đều chọn ban B và dĩ nhiên là chúng tôi cùng được học chung một lớp.

 

Tuy nhiên cũng trong thời gian này tình hình chiến sự đã trở nên nghiêm trọng. Đại gia đình của chúng tôi đã từ Huế tản cư vào Đà Nẵng và đều ở tại nhà tôi. May hồi đó chúng tôi có căn nhà khá lớn đủ nơi cư ngụ cho cả trên 30 người. Nhìn ba tôi và các cậu, tôi thấy trên khuôn mặt của người nào cũng đầy vẻ ưu tư. Tin chiến sự dồn dập đổ về và bệnh viện Duy Tân nơi cậu tôi làm việc không còn chỗ cho thương binh từ các mặt trận. Râm ran tiếng súng ở khắp mọi nơi. Thành phố hỗn loạn. Không ai biết phải làm gì!

 

Bất ngờ chúng tôi nhận tin dữ. Cha của LT đã bị Việt Cộng đặt mìn giết chết trong một chuyến đi công tác với người cận vệ. Hôm sau trường chúng tôi trở thành trại tạm trú cho hàng trăm người tản cư vào từ phía Huế và Quảng Trị. Trong bối cảnh hỗn loạn của chiến tranh đã tiến sát đến thành phố, tôi và LT từ đó bặt tin nhau.

 

Năm 1977 tôi tốt nghiệp lớp 12. Chính quyền địa phương không ký lý lịch cho tôi đi thi đại học vì ba tôi là sĩ quan biệt phái, tuy nhiên tôi lại bị gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Tôi đã phải nhịn đói, uống thuốc lợi tiểu để giảm cân. Ngày khám nghĩa vụ quân sự tôi đi không muốn nỗi và cuối cùng bị loại. Chiến trường Kampuchia tàn khốc đã giết hại biết bao nhiêu thanh niên miền Nam vào thời đó. Nhiều bạn bè tôi đã vĩnh viễn ra đi, chết oan ức nơi rừng thiêng đất lạ.

 

Dù không phải đi bộ đội, tôi bị lùa đi xây dựng công trình thủy lợi Phú Ninh cùng hàng chục ngàn thanh niên thành phố vào thời ấy. Không có nơi nào mà câu “với sức người sỏi đá cũng thành cơm” nghe thấm thía hơn ở chốn địa ngục trần gian này. Chúng tôi hoàn toàn dùng sức người để đào đắp hằng trăm con đê, có nơi dài hàng chục cây số. Chúng tôi lao động như trâu ngựa dưới nắng thiêu đốt ngày này qua ngày khác để tối về ăn những chén cơm toàn sắn lát với nước mắm pha loãng và chen chúc ngủ trong những lán trại đầy chấy rận.

 

Hết đi lao động tôi về thành phố làm đủ nghề để sinh sống. Trong những tháng năm gian khổ đó chẳng có phút giây nào tôi quên được LT. Tôi tự hỏi không biết LT đã như thế nào trong cuộc đổi đời đau đớn của thế hệ chúng tôi.

 

Năm 1983 bất ngờ một số bạn bè tôi có thân nhân là sĩ quan, công chức của “ngụy quân ngụy quyền” bỗng nhiên được ký hồ sơ thi đại học. Tôi và vài thằng bạn thân quyết định giúp nhau coi lại bài vở ôn thi đại học để thử thời vận, dù rằng lúc đó tôi chưa biết chính quyền địa phương có ký hồ sơ cho tôi không. May thay sự may mắn đã mĩm cười với tôi lần đầu tiên sau nhiều năm tận cùng trong cơ cực. Tôi thi đậu vào đại học y khoa Huế.

 

Năm tôi học năm thứ 4, bất ngờ tôi gặp một bệnh nhân đặc biệt. Người đó là giáo sư Văn của chúng tôi hồi trước: Cô M. Cô M vốn là người Huế. Cô bị viêm dạ dầy cấp tính khi từ Đà Nẵng ra thăm nhà và được chuyển vào bệnh viện Huế, ngay trong khoa tôi đang thực tập. Gặp lại nhau, chúng tôi mừng đến nghẹn ngào. Câu đầu tiên tôi hỏi thăm cô là cô có biết LT giờ ở đâu không.

 

Bên cốc cà phê trong căn tin bệnh viện, chúng tôi bồi hồi nhớ lại những tháng ngày bình yên và dễ thương của trường ĐG trước năm 1975. Cô M thì thầm vào tai tôi cho tôi biết LT bây giờ là chuyên viên tài chính đang làm ở một công ty ở Đà Nẵng. Tôi nghe, tôi mừng và tôi choáng. Với lý lịch đó làm sao LT có thể xoay xở để có thể học đại học? Vì sao chúng tôi đã không thể gặp nhau trong những năm dài vừa qua?

 

Thì ra sau khi Đà Nẵng rơi vào tay cộng sản, LT và người em trai là S lưu lạc theo các tàu hải quân di tản ở Sơn Trà vào đến Sài Gòn. Sau khi Việt Cộng vào Sài Gòn, anh em LT hiểu rằng nếu để lý lịch thật bị lộ thì sẽ bị đuổi về Đà Nẵng và sẽ chịu những số phận hẩm hiu như bao nhiêu người khác có cha là sĩ quan cao cấp VNCH dù rằng ông đã hy sinh. S là một tay thanh niên thức thời và rất láu cá. Anh ta quen biết và đã kiếm được cho mình và chị một tấm bùa hộ mệnh: giấy chứng nhận gia đình có công với cách mạng. Giấy này do đích thân một tay cán bộ Việt cộng thứ thiệt ký để đổi lấy một chiếc đồng hồ Seiko hồi đó. Giấy đó xác nhận cha của LT và S là một cán bộ nằm vùng đã hy sinh trong “kháng chiến chống Mỹ”. Nhờ tờ giấy đó hai chị em LT và Sơn có cơ hội quay trở lại trường, học hết lớp 12 và LT thi đậu vào trường đại học tài chính ngân hàng trong đó. Trong khi đó gia đình LT gồm mẹ và các em trở về sống lại quê ngoại ở Quảng Nam và khai là LT và S phải nhờ người quen nuôi dùm ở trong Nam vì gia đình ngoài này quá nghèo.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học, LT về Quảng Nam thăm mẹ. Chính quyền địa phương vẫn không biết rằng cô nàng có bằng đại học. Sau đó LT được tuyển vào một công ty thành phố và cuộc sống của LT dần dần ổn định.

 

Một buổi chiều thu năm 1988 tôi đến tìm LT. Dựng chiếc xe đạp sinh viên lọc cọc bên ngoài, tôi bảo với tay bảo vệ nhờ nhắn với LT có người quen muốn gặp. Hắn cho tôi vào ngồi đợi. Một lát sau LT đi ra. Trái tim tôi dường như muốn rơi khỏi lồng ngực. Khi nhìn thấy tôi LT đứng phắt lại. Cô nàng nhìn tôi. Trời ơi! Vẫn ánh nhìn của mười mấy năm về trước khi LT bắt gặp tôi đang nhìn cô nàng trong lớp. Trong ánh mắt đó có bao nhiêu điều muốn nói, có bao nhiêu điều muốn hỏi, như giận hờn, như trách móc... Thời gian và những gian nan của cuộc đổi đời đã khiến LT không còn là một cô bé lớp 10 nhỏ bé và xinh xắn của tôi nữa. Nhưng LT đang đứng đó bằng xương bằng thịt. Tôi có thể thấy cô nàng đang thở gấp. Cuối cùng chúng tôi đã tìm được nhau.

 

Những ngày tháng sau đó với chúng tôi là những tháng ngày hạnh phúc. Dường như chúng tôi muốn bù đắp lại cho nhau những ngày mỏi mắt trông tìm. Nếu có đủ tiền mua vé, tôi đáp tàu vào Đà Nẵng thăm LT. Nhiều khi LT theo xe của công ty ra Huế thăm tôi. Giấc mơ năm xưa đã trở thành sự thật. Chúng tôi đã có rất nhiều những buổi chiều ở Huế hay Đà Nẵng, nắm tay nhau đi trên những con đường có nhiều lá me bay...

 

Thế nhưng mười mấy năm sống dưới chế độ cộng sản đã làm tôi mòn mỏi. Sự mất mát quá lớn đến nỗi tôi không hình dung được là tôi đã mất những gì. Nhìn chân dung Hồ Chí Minh treo trên các phòng học, chúng tôi không thể tưởng tượng con người xa lạ đó là vĩ nhân của dân tộc mà từ nay chúng tôi phải tôn thờ.

 

Những người cộng sản quái dị không khác gì những người đến từ các hành tinh khác. Cách họ ăn nói, hành xử làm cho chúng tôi choáng váng. Chúng tôi không thể tin rằng họ chính là những người anh em phía bên kia trong cuộc chiến tương tàn mấy chục năm qua. Những người cộng sản đến làm bùng lên những cơn lốc của hận thù ý thức hệ. Xã hội bình yên hôm qua, bỗng trở thành đấu trường giai cấp. Chúng tôi ngơ ngác chứng kiến người thân, bạn bè bỗng trở thành kẻ thù của cách mạng. Hàng xóm sống với nhau từ bao lâu nay bỗng nhiên bị phân chia thành gia đình có công với cách mạng và bọn ngụy quân ngụy quyền. Đạo đức truyền thống bỗng nhiên bị đổi thành đạo đức cách mạng.

 

Người ta thì thào với nhau trong bóng tối. Người ta kiêng dè nhìn nhau đầy ngại ngùng. Bỗng nhiên qua một đêm mọi người bỗng trở thành những ai đó rất xa lạ. Người ta mang những chiếc mặt nạ vô hình để hành xử, để ăn nói, để ca ngợi tung hô trong một cái xã hội mới xám xịt, nồng nặc mùi bạo lực. Người ta nói dối như hát hay. Mọi người cố biến mình trở thành những con robot để có thể hòa nhập vào cái xã hội nơi mà lương tri và lương tâm con người không hơn một miếng giấy vệ sinh.

 

Ấn tượng vĩ đại mà cách mạng mang đến cho tôi không có gì khác ngoài những cơn đói vật vã và ghẻ “bộ đội”. Gia đình tôi có 9 anh chị em. Ba mẹ tôi không có nhiều của chìm của nổi. Đồng lương mới của chính quyền cách mạng vừa đủ để mua vài cục lương khô Trung quốc. Chúng tôi ăn tất cả những gì có được từ cửa hàng tem phiếu lương thực. Sắn, khoai khô, bo bo, cao lương... Chúng tôi đói lả trong bóng tối nặng nề nghe tiếng thở dài của ba mẹ tôi từng đêm và từng đêm. Cả một thành phố ghẻ lở tanh tưởi. Mọi người đi ra đường xanh lè những thuốc bôi ghẻ nhem nhuốc như đứa học sinh lớp 1 chơi bẩn với bình mực xanh ngày đầu tiên đến trường. Người điên dại la hét đầy ngoài phố. Học tập chính trị khắp mọi nơi kéo dài đến tận đêm khuya. Gã cán bộ răng hô hét tướng trước hội trường rằng 20 năm nữa Việt Nam sẽ qua mặt Nhật Bản. Hội trường rầm lên bài “Như có bác Hồ”...

 

Tôi đã trở thành kẻ lưu vong ngay trên chính đất nước của mình.

 

Những gì đã có giữa tôi và LT như một loài hoa nguyên sơ chỉ nở trên vùng đất ngọt ngào của quá khứ. Chúng tôi nhận ra ngay rằng cả hai đã không còn như ngày xưa. Cái bối cảnh trong đó những cảm tình đầu tiên giữa chúng tôi hình thành không còn nữa. Cả hai chúng tôi đều hiểu rằng trong một mức độ nào đó chúng tôi đã phải từ bỏ con người thật của mình để có thể sống còn trong hoàn cảnh xã hội mới cho đến ngày chúng tôi gặp lại nhau. Tuy nhiên chúng tôi không muốn lừa dối nhau rằng bất chấp hoàn cảnh thay đổi như thế nào tình cảm của chúng tôi vẫn không thay đổi.

 

Phần lớn thời giờ bên nhau của chúng tôi trôi qua trong im lặng. Chúng tôi sợ phải nói với nhau những điều không thật.  Trong im lặng, ở bên nhau, chúng tôi quay về những tháng ngày trong kỷ niệm nơi hai đứa vẫn còn là hai anh chị học sinh lớp 10. Nơi những con chim xanh không biết bầu trời nào khác ngoài cõi không gian quen thuộc nơi chúng bắt đầu hót những khúc yêu dấu đầu tiên. Trong một bức thư gửi cho tôi, LT hỏi: “Vì sao mỗi khi gặp nhau, giữa chúng ta là cả một khoảng im lặng mênh mông?” Tôi tin là LT có cùng chung một cảm nhận như tôi. Chúng tôi không nói ra vì chúng tôi không muốn mất nhau lần nữa.

 

Tôi còn nhớ đêm giao thừa năm 1991 chúng tôi đi xem chợ hoa trước nhà hát Trưng Vương. Lòng tôi nặng trĩu khi tôi biết rằng tôi sắp phải đi xa. Đôi khi cái chết còn nhẹ nhàng hơn phải sống như những kẻ nô lệ. Tôi đã chịu đựng đến tận cùng trên biên giới của sự cam chịu và khát vọng của tự do. Dường như cảm nhận được những cơn bão tố trong lòng tôi, đêm hôm ấy LT vui và ấm áp, dường như muốn chia xẻ cùng tôi những nỗi niềm thầm kín. Chúng tôi đã có những giây phút tuyệt vời cuối cùng bên nhau.

 

Đang đi trên lề đường, LT vấp ngã và cô nàng rơi gọn vào trong vòng tay của tôi. Tôi cảm nhận được những xúc động đang làm LT run rẩy. Tôi chợt nhận ra rằng tôi yêu LT biết bao dù chúng tôi chưa một lần nói yêu nhau và chưa hề trao cho nhau một nụ hôn đầu đời. Tôi biết LT cũng yêu tôi như tôi yêu LT. Nhưng vì yêu nhau chúng tôi không thể từ chối một sự thật là khu vườn xanh tươi nơi ươm tình yêu của chúng tôi năm xưa nay đã biến thành sa mạc. Chỉ có xa nhau chúng tôi mới có thể mãi mãi giữ lại những gì đẹp nhất của một mối tình đầu.

 

Tôi đưa LT về đến tận nhà. Khép lại cánh cổng, LT nhìn tôi thật lâu rồi nói: “Những ngày xưa đó đẹp quá phải không anh?”. Hai ngày sau đó tôi xuống tàu vượt biển. Mối tình ấy sẽ theo tôi hết cuộc đời này.

 

Lê Đức Minh

 

 

 

 

 

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.