Ba Tôi

 

Mình không thần tượng ba mình như ngôi sao vì mình ở quá gần ngôi sao đó. Đúng hơn là mình ở ngay trên ngôi sao đó, nên không thấy lung linh. Hồi còn con nít, nhiều khi mình ước sao ba mình cao sang hơn để cho mình hãnh diện. Như con người sống trên trái đất rất lâu mới biết trái đất tròn. Gần nửa đời, mình mới nhận ra phần nào sự độc đáo của ba mình. Ba mình không phải là một vĩ nhân nên mình sẽ không phải tô vẽ gì cả, chỉ kể ra những gì mình nhớ và cảm nhận được về ông.

 

Ba mình mất mẹ (tức bà nội mình) lúc còn chưa mặc quần. Học ở trường làng xong lớp 5 thì ba mình vào Huế thi Diplome. Để dự kỳ thi này, ba mình phải đi trước một ngày. Ông bắt đầu đi bộ từ sáng sớm hôm trước để vượt quãng đường hơn 40 cây số, đến chiều tối thì ba mình tới nhà một người cùng làng ở trên Hương Hồ. Trên đường đi ba mình bới theo mấy cục cơm vắt và một bình đông nước. Đến nhà người quen ngủ nhờ đến 3 giờ sáng hôm sau thức dậy, nấu cơm vắt bới theo và đi bộ từ Hương Hồ về trường gì ngoài cửa Thượng Tứ để thi. Năm đó ba mình thi hỏng. Khi ông kể chuyện với mình ông chỉ kể sự kiện mà không bình luận hay có ý kiến chủ quan. Ông kể mình nghe hồi ông làm lính truyền tin cho Bộ Tổng tham mưu ở SG, Ông là một trong những người bắt tín hiệu tình báo gì đó nhanh nhất.

 

Sau 1975, ông làm rất nhiều nghề để nuôi sống gia đình mình như là thợ nề, đi xe thồ đạp, công nhân nhà máy, đi lấy củi trên rừng,… Mình chưa bao giờ thấy ba mình than thân trách phận hay than trời thần trách đất, tại sao Trời Phật không giúp mình, tại sao người khác không tốt với mình. Ba mình cũng không biết đem chuyện ai khác ra bình luận, nói tốt xấu người khác. Ba mình như một cái đe, mặc cho ai đánh ai đập cũng trơ gan cùng tuế nguyệt. Không giận hờn, trách móc, hay than vãn. Cứ như chuyện người ta làm không liên quan gì đến ông. Mấy hôm trước mình gặp một thầy tu trẻ từ Việt Nam sang Mỹ du lịch và tu tập. Theo kế hoạch, vì thầy trẻ này sẽ ở Mỹ một tháng nhưng mới được một tuần thầy đã đòi về vì bên này lạnh và buồn quá. Mình nói với ông sư trẻ: “Thưa sư, đi tu mà vậy không được rồi con ơi.” Rồi mình kể cho thầy nghe chuyện ba mình đi làm thợ nề ở Lào lúc đã hơn 50 tuổi. Sang đó ba mình tự nấu ăn, ngủ nhờ nhà người ta. Hàng ngày trời nóng hơn 40 độ C mà ngày nào ba mình cũng leo nên nóc nhà làm việc 10 tiếng đồng hồ dưới cái nắng cháy da. Ba mình không phải thầy tu, không sang Lào để tu tập, không ai cơm bưng nước rót, không ngựa xe đưa rước và ông cũng không than nóng để về nữa chừng. Vị sư trẻ nghe xong quyết định ở lại cho hết khóa tu. Mình không có ý nói ông sư trẻ kém hơn ba mình, nếu ông có đủ kiên nhẫn để vượt qua những khó khăn thì ông cũng có thể thành Phật trong nay mai. Mình cũng chưa hiểu hết cái gì đã làm nên sức mạnh của ba mình lúc đó. Chỉ là người thợ đi kiếm miếng ăn cho con theo đúng nghĩa đen, ba mình không có được lý tưởng cao đẹp như những vị tu hành đi thỉnh kinh hay ai đó ra đi tìm đường cứu nước. Sức mạnh đó chỉ có thể là do tình thương bao la dành cho mấy đứa con của mình.

 

Những năm mình làm việc ở SG, ba mạ mình đã lớn tuổi vào ở với mình. Gần nhà mình có một ông đồng hương nhận ra anh em từng đi lính với ba mình. Hàng ngày ông đó đi bộ đến nhà mình ngồi nói chuyện với ba mình hàng giờ đồng hồ. Mình nghe lỏm ông bạn ba mình nói nhiều đề tài về Khổng Tử, Socrates, Napoleon, chiến tranh Việt Nam,… Đề tài nào ba mình cũng không biết. Cái nào ba mình cũng lắng nghe chăm chú nhưng chắc không hiểu gì. Ba mình không quan tâm đến Khổng Tử, Mạnh Tử. Ông chỉ biết Thanh tử, hàng ngày nấu cơm, dọn dẹp nhà cho nó. Cái hay là ông bạn ba mình rất thích ông và ngày nào cũng đến chơi và nói những chuyện đó. Đây là giai đoạn mình đọc khá nhiều sách sau một một khoảng thời gian ăn chơi trác táng. Hàng tuần mình mua sách về đọc, sách bỏ đầy nhà, cậu mình vào thăm mình tặng cậu một bao sách mình đã đọc. Mình không thấy ba mình đọc sách bao giờ. Nếu mình là ông, thì ai nói chuyện về đề tài gì mình không biết, mình sẽ về tìm sách đọc để mai thi với họ. Ba mình thì không làm chuyện đó. Ông không quan tâm chuyện người khác nghĩ về mình và ông nghĩ cũng chẳng ai đánh giá mình vì ông có bao giờ rảnh để đi xét đoán người khác, đó không phải là việc của ông. Mình đang cố học ba mình điểm này nhưng chưa được. Khi nào các bác thấy mình biệt tích giang hồ đừng có ngạc nhiên, vì lúc đó có thể mình đã đắc đạo như ba mình.

 

Hồi đó gần nhà mình có một chị bán thuốc lá vỉa hè. Chị cùng chồng và ba con nhỏ từ ngoài Nghệ An vào. Chị bán thuốc lá và các thứ lặt vặt nuôi sống cả gia đình năm người. Tết chị mời mình sang căn nhà ọp ẹp uống rượu ăn nem với chồng chị. Chị nói anh mày con nhà dòng dõi, ngày xưa học giỏi lắm, thi học sinh giỏi gì đó, bây giờ thất chí đâm ra uống rượu tối ngày. Cũng may là ba mình không quá giỏi như anh này mà mình mới có ngày hôm nay. Mình cũng thông cảm cho anh chồng chị bán thuốc lá. Nhưng trong những kiểu đánh lừa thì lừa chính mình là dễ nhất rồi đến lừa người thân, nhất là vợ con. Giải thưởng hay bằng cấp kiểu đó mình đốt cũng không hết, nhưng những lúc mình khốn khó chúng chẳng giúp gì cho cuộc sống thực tế, nhiều lúc còn cản đường mình nữa là. Đôi lúc mình cũng muốn bắt chước ông này để hù doạ vợ con. Lấy quá khứ huy hoàng huyễn hoặc để chạy trốn thực tế phũ phàng. Nhưng có lẽ mình cũng giống được ba mình chút nào đó để dừng lại. Chị này có mượn mình ít tiền để đủ mua cho chồng một chiếc xe máy. Thân xác chị ngày một còm cõi, mình có cảm giác anh chồng cỡi chị chứ không phải xe máy. Thỉnh thoảng, mình chạy ra mua gói Caraven, chị không lấy tiền như muốn trừ vào phần chị nợ mình. Vì vậy mình trốn luôn không dám mua thuốc lá của chị nữa. Chừng hai năm sau, mình gặp lại chị ở đâu đó, thấy chị xác thân tiều tụy. Chị bảo mình rằng chồng chị đem ba đứa con về quê, chị bị hở van tim và suy tim nặng ở lại SG kiếm tiền trị bệnh. Mình thấy được điều đó qua việc thở dốc và mạch ở cổ đập rất rõ. Bây giờ chắc chị đã qua thế giới khác rồi. Chị nợ mình hay mình nợ chị? Thật lòng đôi khi mình thấy mình nợ chị gì đó. Nợ nần gì thì chết là hết. Có lẽ mình hơi lạc đề rồi.

 

Nhân chuyện con dòng kẻ giống, mình muốn nói thêm chút ít. Theo mình thì quan điểm con nhà tông không giống lông cũng giống cánh không phải là không có lý. Tuy nhiên, lịch sử cũng không hiếm trường hợp cha làm con phá, bại gia chi tử. Không có gì là mặc định hết. Đọc báo thấy nhiều ngài đại phú tuyên bố mình thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt mà từ ăn nói đến hành động thì đều thuộc đẳng cấp 3 xu, trái ngược hoàn toàn với tiền tỉ trong tài khoản. Gia tài 3 tỉ, liêm sĩ 3 xu! Mình từng gặp một bà lớn tuổi tự xưng là danh gia vọng tộc, mà hành xử thì “dơ gia dị tộc.” Trong YKH mình thôi cũng có một bậc theo mình biết là vàng bốn số chín và sapphire chính hiệu, nhưng lúc nói chuyện không biết tự nhiên hay cố ý thường che dấu thân phận của mình. Ăn nói nghe rất dân dã và thoải mái, theo kiểu mình là đứa hậu đậu. Mình nhận ra điều đó ngay. Vàng thật hay giả không cần phải quảng cáo. Ông nội mình ngày xưa cũng là một chức sắc trong làng xã, có người ăn kẻ làm nhưng ba mình chưa bao giờ nói đến điều đó. Ba mình không bao giờ gồng mình để tỏ ra mình hiểu biết về vấn đề gì đó. Điểm này thì có lẽ mình cũng học ông một ít.

 

Mấy tháng trước, một cô bạn ở VN lâu ngày tự nhiên liên lạc với mình và hỏi “anh có quen cô nào tên Hoa không, ở Cali, cô đó bạn em,” cô Hoa bảo có quen anh người Huế tài hoa lắm nên cô bạn liên tưởng tới mình. Nghe sướng thật nhưng vẫn đủ tỉnh táo để bảo cô bạn rằng em đánh giá anh thấp quá. Người ta nào là trâm anh thế phiệt, lá ngọc cành vàng, toàn là 4 chữ vàng. Em chỉ cho anh 2 chữ, thiếu rồi. Phải thêm vào 2 chữ nữa mới xứng. Tài … … hoa. Tài nầy cô nào chả thích? Mà mình thì có tài đó thật. Hôm một người quen ở VN gọi điện cho mình có cả vợ mình nghe, tay bác sĩ đó bảo mình đúng là thiên tài. Mình trả lời nó: có thể vậy đối với ai đó, nhưng với vợ con mình là thiên tai, vì bên Mỹ này người ta không đọc dấu. Vợ mình cười bảo nói chí phải. Mình nhớ phim hay kịch VN gì đó có câu thoại: “ở đời phải biết mình là ai” nghe cũng có lý. Những từ ngữ đó hợp với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay Nguyễn Khuyến chứ gán cho Nguyễn Thanh lo thân không xong này nghe thật mắc cỡ. Hổ thẹn với ba mình lắm.

 

Những lúc mình chơi với hai đứa con trai nhỏ mình hay nhớ đến ba mình. Ba mình không có thời gian để chơi với mình lúc mình còn nhỏ. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ ba mình dạy mình bất cứ điều gì. Để nuôi được năm chị em mình không ông còn không có thời gian nghỉ, làm sao mà dạy được. Mình thích coi phim về khoa học vũ trụ với hai đứa con. Mình kể cho hai đứa biết về ba mình. Mình bảo tụi nó rằng ông nội con không biết trái đất tròn hay méo, con biết chút ít về vũ trụ bao la là một bước tiến lớn về một mặt nào đó. Những cuộc đời không đơn giản như vậy. Ba mình chỉ làm lao động chân tay mà nuôi con thành người, nhà cửa khang trang. Mình làm ông này bà nọ, một thời ngựa xe đưa rước, cũng chưa chắc được như ba mình.

 

Đừng hỏi ba mình về các lãnh đạo VN. Ông không quan tâm đến điều đó, vì là ai nữa thì bao năm nay chẳng giúp được gì đến dân đen như ông. Ông chỉ tập trung làm những việc nhỏ để tự thay đổi cuộc sống của gia đình mình. Ông không chờ đợi hay trông chờ vào ai ngoài bản thân mình. Mình học được ba mình điểm này. Mấy hôm trước, mình xem TV nói về một thị trấn nghèo ở Kentucky. Hơn 50 năm trước, ông Giôn đến thăm để phát động phong trào xóa nghèo. Hai thế hệ đã đi qua, đa phần con cháu của những gia đình nghèo ngày xưa vẫn sống trong nghèo khó. Họ bầu cho bác Trâm Đôla và hy vọng bác sẽ kéo họ ra khỏi vùng lầy đó. Mình muốn nhắn nhủ với họ để thoát ra vũng lầy đó, đừng chờ đợi bác nào cả. Họ là người phải tự bước ra, có như vậy con cháu họ mới thoát ra được. Bằng không, 50 năm nữa, con cháu họ cũng sẽ trông chờ vào cháu Nguyễn nào đó.

 

Chuyện ba mình bỏ thuốc rất ngắn. Ba mình hút thuốc lá hơn 40 năm. Hồi những năm 80, mình hay trồng thuốc lá cho ba mình, phơi khô rồi lăn thành từng cuốn. Ba mình lấy một thanh tre khoét một lỗ tròn, bỏ cuộn thuốc lá vào rồi xắt nhỏ. Mỗi lần hút, ông vấn thuốc lá vào giấy mỏng rồi se thành điếu nhỏ. Sau này ông hút các loại thuốc điếu không có đầu lọc, mỗi ngày chừng một gói. Ngày này đang hút một gói. Đùng một cái, ngày mai ông nghĩ hút. Không nói với ai tui bỏ thuốc lá. Bỏ là bỏ. Không đắn đo suy nghĩ. Không khó khăn vật vã, như thả viên đá xuống đáy hồ. Không luyến tiếc. Lúc mình sang Mỹ, sợ xứ này không có thuốc lá mạ mình mua cho mình một cây Malboro. Hút hết rồi cũng bỏ luôn vì thuốc Mỹ quá đắt và cũng không có đất mà hút. Lâu lâu thấy có ai hút cũng vui làm điếu nhưng chỉ thế thôi.

 

Chuyện ba mình bị bệnh. Cách đây gần 10 năm lúc ba mạ mình sống chung với mình ở SG. Một hôm vào khoảng 3 giờ sáng ông bị mất ý thức, nói không được, tay chân cứng đờ.  Mình và mạ mình đem ông vào viện Tim gần nhà. Một lúc sau ba mình tỉnh dậy, rồi nằm ở đó đến sáng. Bác sĩ trưởng khoa Nội là một TS. BS (tiến sĩ-bác sĩ, cái này mình thấy rất khó chịu, nhưng các BS ở VN mà mình không gọi giáo sư hay tiến sĩ trước bác sĩ đa phần họ không thích. Mình làm ăn một thời gian với nhiều bác sĩ có chức danh, tước danh nên biết khá rõ điều này) cũng xuất thân từ lò Huế ra. Ông ta trông rất là bác sĩ, mà là bác sĩ giỏi nữa. Mình cũng ít nghi ngờ điều đó vì làm trưởng khoa một viện Tim tư nhân tầm cỡ thì không thể xoàng như mình được. Lúc ông tiến sĩ đi tour buổi sáng, ba mình nằm, mạ mình ngồi trên giường cùng ba mình, mình thì lịch sự đứng dậy một bên. Vây quanh ông TS có chừng 3-4 bác sĩ trẻ. Ông TS trưởng khoa hỏi bệnh sử và thăm khám ba mình, xem kết quả các test rồi phán với các đệ tử là ba mình bị rung thất do bệnh Brugada. Tội nghiệp mấy BS trẻ cặm cụi ghi chép lời vàng ý ngọc của ông TS. Mình là BS dỏm thật, nhưng lúc đó mình cũng không tin tưởng vào chẩn đoán của ông TS. Trước đó, ba mình hoàn toàn khỏe mạnh, còn khỏe hơn cả mình nữa. Ông TS giải thích bệnh này thường không có tiền sử và rung thất này không bắt được ở EKG bởi vì lúc đến viện đã hết rung thất. Ông TS này như người quan toà, muốn kết luận vụ án mà không có bằng chứng, nên chỉ dựa vào việc không có chứng cứ ngoại phạm mà kết tội. Thế thì nguy hiểm quá? Sau đó, mình đưa ba mình sang bệnh viện 115, lại được chẩn đoán là TIA. Cũng chẩn đoán kiểu sờ voi vì không thấy bằng chứng gì cả.

 

Sau đó ba mình về nhà một thời gian khoảng 2 năm không thấy tái phát bệnh, vẫn khỏe mạnh bình thường. Rồi mình sang xứ tương tai huy hoàng, ba mạ mình về Huế. Một thời gian sau ba mình tái phát cơn bệnh cũ, thường xảy ra vào ban đêm. Bệnh viện Huế chẩn đoán ba mình là rối loạn ngưng thở lúc ngủ. Bên này mình lật đật lên mạng đặt máy CPAP gửi về cho ba mình đeo khoảng 2 năm cho một căn bệnh không phải của ông. Thế là ba mình trở thành người thí nghiệm của nhiều bác sĩ trong đó có thằng con bác sĩ dỏm. Cuối cùng nhờ tự học để thi USMLE mà mình và cô bạn bác sĩ cùng lớp cạnh nhà mình đồng chẩn đoán xác định ba mình bị …. Một bệnh hoàn toàn khác. Công đầu thuộc về cô bạn bác sĩ cạnh nhà, vì cô theo dõi ba mình trong những cơn, rồi hội chẩn với mình từ xa. Bác sĩ hơn người thường ở chỗ là chẩn đoán bệnh với các bệnh cảnh không điển hình. Nếu bệnh cảnh điển hình thì ai cũng làm bác sĩ được với Google. Mình không muốn nói ra ba mình bị bệnh gì vì tôn trọng sự riêng tư và một phần cũng muốn thử tài các bác sĩ ở xứ tư bản giãy chết này. Mình cho ông uống thuốc và kiểm soát phần nhiều cơn bệnh trong 5 năm nay. Mình không có ý qua bên này rồi quay lại nói bác sĩ VN là dở. Nhiều bác sĩ XHCN là thầy là bạn mình ở VN giỏi lắm chứ, và đức độ nữa. Theo mình thì không phải người Mỹ giỏi hơn người Việt, mà người ta làm việc với một tâm thế khác người Việt mình. Qui trình chẩn đoán phân biệt và xác định rất nghiêm ngặt, nên ít để sót bệnh hơn. Ở VN, nhiều bác sĩ coi bệnh nhân không biết gì, coi các bác sĩ đồng nghiệp hay đàn em cũng không biết gì nên phán bừa. Theo mình muốn làm bác sĩ giỏi thì trước khi đặt bút ghi chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân cứ coi bệnh nhân mình là con cháu của Thầy Bách hết đi. Không ai bắt anh phải chẩn đoán ngay bệnh nầy bệnh kia. Nhanh cũng cần nhưng đúng cần hơn nhanh. Với đà này, Việt Nam chắc có lẽ là xứ đầu tiên có bệnh viện hay phòng khám drive thru (Drive Thru Clinic). Tôn trọng chính mình, tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng bệnh nhân, tôn trọng nghề nghiệp, và tôn trọng sự chính trực. Đó là chìa khóa cho mọi thành công đích thực của bất kỳ nghề nghiệp nào. Ba mình không có bằng tiểu học nhưng có được cái đức đó. Khi về già, ông được mọi người yêu thương và kính trọng.

 

Ba mình có sở thích xem đá banh mà đúng hơn là chỉ xem Zidane đá. Ba mình mê Zidane hơn con. Trong giới bóng đá, đừng hỏi ba mình về Pele, Maradona, hay Cruyff. Ngoài Zidane ba mình không biết thêm một tên khác. Zidane là số một, là duy nhất. Ba mình coi đội Pháp vô địch World Cup 1998, rồi về nhì World Cup 2006 sau cú thiết đầu công của Zidane. Ba mình mê coi Zidane vờn cả đội Brazil toàn hảo thủ như mèo vờn chuột, không khác Triệu Tử Long ở trận Trường Bản. Mà ông chỉ thích Zidane cầu thủ, chứ HLV thì ông không mê nữa. Cầu thủ mình mê nhất trong đời cũng là Zidane, nhưng mình còn thích cách huấn luyện của Zidane nữa. Với ba mình thì Zidane hết đá nghĩa là bóng đá chết.

 

Năm nay ba mình tròn đúng 80 tuổi theo tuổi Mụ. Năm ngoái mình về thăm nhà, ông đem di chúc ông viết ra đọc cho mình nghe rằng một mai ông có ra đi mà mình bận việc thì bên nhà cũng đừng báo cho mình. Khi nào có thời gian về thăm sau cũng được, làm như mình là tổng thống không bằng. Ba mình chưa bao giờ tin vào thiên đường hay kiếp sau nhưng mình tin là ông sẽ không hối tiếc gì khi phải tạm biệt thế giới này. Mình biết đối với ông kiếp này ông rất mãn nguyện được làm ba của mấy chị em mình. Với mình thì được làm con của ba mình là một phước lớn.

 

Ba mình không có cao lương mỹ vị, kính mời các bác thưởng thức một chút cơm tráng đạm bạc thôi qua bài viết rất ngắn mà mình viết cũng khá lâu rồi.

 

Xoong cơm tráng

Xưa, nhà nghèo, đông con, cơm còn bữa rau bữa cháo, nói gì đến thức ăn. Lâu lâu mới có món cá con kho mặn. Soong cá ăn xong, đổ cơm vào tráng ăn rất ngon. Ba luôn nhường cho con cơm tráng lần đầu và tráng lại lần hai cho mình. Ba lao động cực nhọc, không một lời than, cố nuôi con ăn học nên người. Nay trưởng thành, xa nhà, các món Tây Tàu con đã từng nếm nhưng không thể nào bằng món cơm tráng ngày xưa. Chiều mưa làm con nhớ nhà, nhớ Ba và thèm chén cơm tráng, Ba ơi!

 

Nguyễn Thanh YKH-29


 

 

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.