RUỒI 2

Nguyễn Văn Trường

 

Tản mạn: Từ chuyện “Con Ruồi” của Lê Công Tâm

đến “To Kill a Mockingbird” của Harper Lee

và Gương của một đoạn đường tu tập

1. Duyên đưa.

1.1. Sự. Tôi, là một đứa bé của đồng quê, học Trường Tiểu học Vũng Liêm, từ lớp tư đến lớp nhất, cách nhà 4 cây số, đường đất, phải qua bốn cây cầu - cầu tre lắc lẻo, khó đi.
Cả quận Vũng Liêm, năm 1943, chỉ có hai trò trúng tuyển vào Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, thằng cháu tôi đậu cao, nhưng vì không được học bổng, nên bỏ học, và tôi , hạng chót.
Với cái tuổi 12-13, đi học Trường PTG, là rời làng mạc, lên thành thị, lần đầu đi học xa, như đi du học. Vào Trường PTG, là:
* Rời bỏ cuộc sống thư thả của nhà quê, dễ dãi trong gia đình;
* Rời cái học: “Thương cho roi cho vọt”, của các lớp Tiểu học;
* Vào “trường lớn”, tập tành học trách nhiệm, học sống với tha nhân;
* Và ít nhiều dấn thân vào cuộc sống chen lấn của thị thành.
Những ấn tượng đầu đời nầy, ăn sâu trong tôi, và lớn mạnh khi tôi từ Huế về Sài Gòn, 1963, gặp lại các bậc đàn anh đi trước trong Hội Liên Trường.
Tóm lại, tôi lớn lên trong cái nôi của Trường PTG, về Sài Gòn được sinh hoạt với bậc đàn anh, rồi sang đây, xứ lạ quê người, với các bạn trẻ, cùng là học trò cũ của trường xưa, tiếp tục gặp nhau hàng tháng, hoặc trong những Đại Hội Thường Niên, nương nhau, tạo cho nhau một sinh khí quê hương.
Trong bối cảnh đó, tháng 5 vừa qua, chúng tôi, những học trò cũ, giáo sư của hai trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm, Cần thơ cùng thân hữu có tổ chức ba ngày Đại Hội, đánh dấu lần thứ 21, thường niên gặp nhau. Sau đó là một chuyến đi du thuyền, một tuần lễ.
Tôi, vì những lý do riêng, phải ở nhà: Đọc Đặc San PTG-ĐTĐ 21. Đọc để vui đọc. Đọc để nghe nhịp sống chung chung của anh chị em chúng tôi, của quí vị giáo sư trường chúng tôi, đọc để đón gió bốn phương, Canada, Úc, Pháp, Garden Grove, San-Jose, Seattle, Virginia, Maryland. Đọc cũng là để sống lại thuở ban đầu, nhiều vất vả và thách đố ấy.
Duyên đưa, cho tôi gặp “Con Ruồi” của anh Lê Công Tâm, trang 141, Đặc San PTG-DTD 21

1.2. Lý.
Cách đây hơn 4 thập niên, tôi gặp cảnh cùng khổ, tôi phải gõ cửa nhà Thờ, nhà Chùa, đọc Thánh Kinh, đọc Kinh Phật, hỏi Lão Trang, tìm lại Nho Giáo. Duyên đưa, tôi gắn bó với Phật Gia, tu Thiền Tứ Niệm Xứ, hành Tứ Vô Lượng Tâm. Tôi được dạy: Tiệm Tu và Đốn Ngộ. Và tôi cũng có những chứng nghiệm cụ thể, tiêu cực và tích cực.
Quý thầy thường dạy: “Mỗi người chúng ta đều có Phật Tánh, ai cũng có thể thành Phật.” Kinh Pháp Hoa, Quyển VI, Phẩm 20, Thường Bất Khinh Bồ Tát hay nói: "Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật". Có thầy thúc dục: “Tu mau, kẻo trễ.”
Trì tụng Kinh Bát Nhã, nhiều nghĩa, tôi lại hiểu là: “vô sở đắc mà tam thế chư Phật viễn ly điên đảo, vọng tưởng Niết Bàn”. Thế nên,

  • Tôi nhập tâm và hoan hỷ nhận cái ý, cái hướng là: Tu Phật, không là để đạt một sở đắc, một quả A La Hán, Bồ Tát, hay bất cứ một quả vị nào;
  • Tôi lại nhận thấy: Hầu như ai ai cũng muốn về Nước của chư Phật, nước của Chúa, mà khi đến ngày về thì tìm mọi cách nấn ná ở lại trần gian;
  • Tôi nghĩ: Tu là một quá trình hình thành, luôn sẽ thành, sắp Giác Ngộ Chân Như; vậy, người tu là một đức-Phật-sắp-thành. Cho nên, phải biết vui với tâm thái đang hình thành, giác ngộ cái đúng, cái chân như, đúng đó nhưng rồi trong một sát na, một khắc, một thời gian sau thì nó không còn đúng nữa, để bước tới , vui với đúng sai, hay dở, thành bại.

Tâm thái dính mắc nầy (1.2), và bối cảnh nêu trên (1.1), đưa duyên tôi được gặp “Con Ruồi của anh Lê Công Tâm.

2. Con Ruồi

“Con Ruồi” là chuyện của một tu sĩ chuyên tu—chuyên cần tu hành— mà tác giả gọi là “đức Phật”, với chữ ‘đức” nhỏ, lower case; có lẽ nhằm để phân biệt với Đức Phật-Như Lai, Đấng Giác Ngộ.
Tuy nhiên, hai hiền hữu của tôi, có phản ứng rõ ràng, dứt khoát.

  • Người thứ nhất, một bà Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, mà cũng là người mà tôi thường hỏi, để học, mỗi khi có một vấn nạn khi tu học. Đại để, Bà khẳng định:”Nói Phật là nói Đấng Giác Ngộ, không có chuyện một “đức Phật sắp thành”. Đó là chuyện bịa đặt, không có thật. Thầy nên bỏ đi;
  • Người thứ hai, đàn anh của tôi vừa ở tuổi tác, vừa trong làng giáo, vừa chịu khó đầu tư công sức và thời gian, nhiều năm, cho nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc về Phật Học. Anh viết cho tôi:“Ở đây, danh từ ‘đức Phật’ (trong câu: đức Phật mở mắt) dùng không đúng, là vì nếu là ‘đức Phật’ thời câu chuyện sẽ không thể xảy ra như theo óc tưởng tượng của Lê Công Tâm.  Đáng lý phải dùng cụm từ ‘đức Phật đang thành’, hay ngắn gọn hơn, ‘cư sĩ’. Chính vì ở trong địa vị cư sĩ thời óc tưởng tượng (óc phịa chuyện) mới tác động được. Những lời kêu thảm thiết của con ruồi hay câu hỏi giận dữ của con nhện, và ngay cả câu trả lời của ‘đức Phật đang thành’ đều do óc tưởng tượng (của Lê Công Tâm?) phịa ra. Câu ‘Đức Phật thấy con đường còn rất xa’ là một câu vô nghĩa. Phật là Giác ngộ hay Tánh Không. Vậy Ngài chẳng thấy con đường nào rất xa như Lê Công Tâm tưởng.”

Anh xác quyết lời của Bà Huynh Trưởng mà tôi vừa nêu trên.
Dùng chữ “phịa” thì hơi nặng.  Nhưng thật thì đó là chuyện phịa; mà phịa được một chuyện như vậy, không phải dễ; và đúc được một từ “đức Phật”, để gán cho một cư sĩ chuyên tu—một đức Phật đang thành—mà trong khoảnh khắc, tưởng rằng sắp thành đạt, thì ngộ ra rằng con đường còn xa, càng khó hơn. Câu chuyện là “phịa” đấy, nhưng rất là người.  Những đối thoại qua lại giữa Nhện và “đức Phật” hay giữa Ruồi và đức Phật, là những tiếng nói nội tâm-khéo gói ghém- của người cư sĩ chuyên tu.
Nghĩ cho cùng, cái chuyện phịa đó, là một sáng tạo ít có:

  • Đã tạo những phản ứng thẳng thắn, từ những hiền hữu mà tôi hằng kính thương. Nhờ đó, tôi được biết quí hiền hữu của tôi còn mạnh khỏe—ở thể chất, trí tuệ và tâm linh. Ở tuổi quá 80, hay đã tròn 92, mà còn giúp tôi hiểu thêm là khi nói là Phật, tức là Đấng Giác Ngộ. Cho nên, tôi vui và thích thú đón nhận lời phê phán. Ở tuổi của chúng tôi, quỹ thời gian sắp cạn, mà còn dành cho nhau, một lời khuyên, một xác quyết, thảo luận với nhau, email cho nhau, thật là quí;
  •  Đã thành công, tạo duyên cho tôi bị dẫn, hết chuyện nầy sang chuyện khác. Từ chuyện, ngỡ rằng đến đích, nhưng rồi thức ngộ con đường còn xa, thì giờ đây sang chuyện giáo dục con em.

3. Duyên khởi thêm duyên. To Kill a mockingbird.

3.1. Sự. Cũng trong khoảng thời gian trên—trước spring break vài hôm—Catherine, cháu nội chúng tôi, 13 tuổi, lớp 8, ở một Middle School, ở Austin, phải đọc quyển “To Kill a Mockingbird,” trong chương trình do nhà trường qui định. Cháu gọi tôi, và muốn “trao đổi” với tôi về một vài điều trong nội dung quyển sách nầy.
Nội dung mà cháu đưa ra gồm ở hai điểm:

  • Mình không bao giờ thực sự biết lòng người ta cho đến khi “mình đi guốc trong bụng họ”.1
  • "Hãy nhớ nhé: đó là tội lỗi khi giết một con chim nhại." Chim nhại không làm gì khác hơn là líu lo ca hát, hát tự trong tâm, cho ta thưởng thức.  Đó là lý do tại sao nói là tội lỗi để giết một con chim nhại.2
  • Cháu nói: “Killing a mocking bird is like killing man’s innocence,” mentioning especially kid’s innocence.

3.2. Lý.  Hầu hết, chúng ta, ai ai cũng được duyên làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, hướng dẫn, dạy dỗ con em mình.  Riêng tôi, lại thêm cái nghề làm thầy: thầy giáo. Làm thầy giáo, tôi được học trò tôi cho tôi một “bí danh”, mà tôi không thấy hãnh diện chút nào: “tuổi con cọp”.  Và đã có ít nhất hai giáo sinh viết thơ cho tôi:“Thầy nóng nảy. Càng nóng nảy, càng làm tụi con quớ, không có ích lợi gì”.
Tôi cũng nhớ những năm học Tiểu học, với cái giáo dục “thương cho roi cho vọt”.  Vì sợ đòn mà tôi học giỏi.  Và tôi—và bạn bè tôi—có bị những trận đòn oan.
Pháp và Mỹ có câu tương đương với “thương cho roi cho vọt”: “Qui aime bien, châtie bien.”3  “Spare the rod, spoil the child.”4 Nhưng trong học đường Pháp, từ lâu đã cấm “peine corporelle”. Ở Mỹ, từ lâu, dùng roi vọt với trẻ con sẽ bị Child Protective Services can thiệp và có thể ra hầu tòa.
Thiết nghĩ: làm cha, làm mẹ, làm thầy cô giáo, trong giáo dục con em, nên ghi trong tâm hai điều:

  • Phải biết lắng nghe, để hiểu biết chúng nó. Không có sự hiểu biết nầy, thì làm sao thể hiện giáo dục?
  •  Thiếu sự hiểu biết nầy, không khéo ta bạo hành đứa nhỏ, nói riêng, có thể giết chết tính ngây thơ trong sáng của nó.

Vậy, nếu ta bắt gặp một chân lý, chân thật bất hư, chắc như bắp rang, thì hãy nhớ lại gương của người cư sĩ của anh Lê Công Tâm, trong phút chốc đã ngộ được rằng “con đường còn rất xa”, để không tròng, không giam, không  nhốt trẻ trong bất cứ một giá trị nào: hãy để trẻ con là trẻ con,  để cho cái thơ ngây của chúng bắt gặp các giá trị, để chúng nghĩ suy,  phát triển, và dần dần êm ả hội nhập.

3. 3. “To Kill a mockingbird.” là tựa và là đề tài chính của quyển truyện của bà Nelle Harper Lee, một quyển truyện được giải thưởng Pulitzer, năm 1961, được Presidential Medal of Freedom for literature, năm 2007, và cũng trở thành quyển truyện cổ điển trong văn học hiện đại Mỹ; được quay thành phim truyện, và phim nầy được nhiều giải thưởng.
3.3.1. Chim nhại4-mockingbird-ẩn dụ cho sự ngây thơ. “Ngây” hàm ý: ngây dại, dại khờ; “thơ” nói: thơ ấu, trong sáng, chưa nhiễm bụi đời. Ngây thơ, trong trong bối cảnh nấy có hai nghĩa tương đương nhau:

  • Innocence của người Mỹ. Innocence gồm có tiếp đầu ngữ “in”, có nghĩa phủ định, và nocence mà gốc la-tinh là “nocere” có nghĩa là “to harm”; như vậy innocence có nghĩa là không hại ai, not-nocere.5 Trong cái nghĩa nầy, ngây thơ cũng nói: vô-tội;
  • Thiện, trong “nhân chi sơ tánh bổn thiện” của Mạnh Tử, hoặc là “tốt” trong “con người sinh ra vốn tốt, chính xã hội làm nó băng hoại”6 của J.J. Rousseau.  “Thiện” và “tốt” chính là cái hồn nhiên, thơ ngây, trong sáng của tuổi thơ, phi giá trị, phi không gian, phi thời gian; “thiện” không phải là thiện đối với ác; “tốt” không là tốt đối với xấu.  “Bản lai diện mục của nhà Phật” có thể - trong cái nhìn nầy - là trở về với cái tính phi giá trị, “phi thiện phi ác”7, của trẻ thơ.

Câu nói của Rousseau làm cho ta nghĩ đến ‘tính người vốn gần nhau, do tập tính mà xa nhau”8 trong Luận Ngữ. Tuy nhiên, Rousseau nói rõ hơn, Ông khẳng định: “chính xã hội làm nó băng hoại”. Xác quyết nầy là cho chúng ta phải nghĩ:
1. Giáo dục - do gia đình, học đường hay cuộc sống hợp quần - có hai mặt, mâu thuẫn hay xung đột nhau: giúp đứa trẻ thành người và cũng làm băng hoại tính ngây thơ, cái tốt tự nhiên của nó;
2. Hình như ông phân biệt “trồng người” với giáo dục. Ông phân biệt culture với education: Culture—trồng trọt— trong nghĩa agriculture.9 Giáo dục là đem lại cho trẻ thơ một nếp sống văn hóa. Trồng cây, thì trong ruộng lúa, vườn dừa, vười mận, cây cối đồng loạt như nhau cùng một thứ đất, thứ phân, thứ nước tưới. Nhưng trong giáo dục, mỗi con người mỗi khác, mỗi cá tính đặc thù, không thể xem chúng in nhau, dù chúng cùng tuổi tác, cùng giới tính, cùng cha cùng mẹ…"Mỗi lứa tuổi, mỗi điều kiện của cuộc sống đều có sự hoàn hảo phù hợp, một sự chín chắn phù hợp với nó",10 “Trưởng thành là một tâm thái sẵn sàng hội nhập vào thế giới lý luận.  Hãy cho phép trẻ conlà trẻ con trước khi trưởng thành”.
Cái ý của Rousseau như tô đậm nét đề tài “to Kill a Mockingbird.”

3.3.2. Thời tiểu học của tôi, hình như không một ai hiểu, thấy cái sợ roi vọt của chúng tôi, hình như cũng không một ai trân trọng cái thơ ngây của tuổi thơ trong chúng tôi. Thời tôi làm thầy giáo, giáo sinh của tôi nhìn tôi trong hình ảnh của một thầy giáo nóng nảy, và đã gán cho tôi cái bí danh “tuổi con cọp”. Tôi có ý thức điều nầy, có tiệm tu—tu thân, để trở về với cái “bản lai diện cục” của tôi là “tuổi con ngựa,” mà làm thế nào được: cái gì đã qua rồi, làm sao sửa được. Thế nên, tôi ước mong: quí vị lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo chánh trị, lãnh đạo cộng đồng lớn nhỏ, lãnh đạo giáo dục, phụ huynh, thầy cô giáo:

  • Thận trọng, trân trọng cái tính ngây thơ, vô tội—trong cả hai nghĩa nêu trên—của con người;
  • Đừng vì thiên kiến, do đức tin—tín ngưỡng, chủ nghĩa, triết thuyết, dư luận quần chúng, phong tục, tập quán, hoặc những sở đắc của tự thân— mà bạo hành trẻ con, xem rẻ quyền sống của con người;
  • Thiên kiến làm ta nhìn lệch, nhìn sai, không thấy thật.  Nhưng thiên kiến rất là người, ai ai cũng có; cho nên, khi ngỡ rằng mình thành đạt, bắt gặp chân lý, thì nên nhớ người cư sĩ trong chuyên “con ruồi”, trực ngộ con đường còn xa, mà đắn đo, nghĩ lại;
  • Giáo dục là phương tiện gỡ bỏ cái màng che thiên kiến. Giáo dục là khai mở: mở, vứt bỏ màng che, giải phóng con người.  Cho nên một đặc tính của giáo dục là khai-phóng.  Vậy, giáo dục không là nhồi sọ.  Nhồi sọ - nhồi nhét, bắt buộc hằng ngày phải lặp đi lặp lại cùng một động tác, cho đến nhuần nhuyễn, trì tụng một thứ kinh điển cho đến nhập tâm, thì mới thôi.  Nhồi sọ nhằm điều kiện hóa con người, để tiện điều khiển, sai khiến, khi cần. Nhồi sọ nhằm đóng khung con người trong một mẫu người ít nhiều rõ nét;
  • Giáo dục nhằm tạo ra những cá thể có một cá tính, một tâm tư, một lý trí, biết thương yêu hờn giận, biết lý luận, phê phán, ý thức mình đối chiếu với tha nhân và môi trường, ý thức quyền hạn và trách nhiệm; trong giới hạn nào tôi là tôi, và tôi là một thành phần của cộng đồng của tôi;
  • Nói riêng, mỗi cá thể phải biết lắng nghe, tìm hiểu những cá thể khác, và như thế phải nghe được tiếng nhạc trầm bổng, bá vạn âm vận của môi trường.

Tôi tha thiết với những điều vừa nêu, nhưng nhìn lại tự thân: là một thầy giáo, tôi cảm nhận tôi có một cách dạy áp đặt, và điều đó ít nhiều vì tự tin. Thế nên, tôi đã xa lạ với cái lắng nghe của nhà Phật, tôi thiếu tâm từ, tâm bi, tôi không biết ngưng động tâm thái trong một thời lúc, để bắt gặp ít nhiều những nghĩ suy, dòng suy luận, hay sự giao động trong học trò của tôi.  Có lẽ vì đó, mà câu chuyện giác ngộ rằng “con đường còn rất xa” trong bài “Con Ruồi” là một gương sáng cho tôi. Cũng vì đó, mà tôi thiết tha mong những đồng nghiệp trẻ của tôi, lưu tâm đến cái gương sáng nầy.

4. Duyên lại dẫn thêm duyên.
Tuy nhiên, “noi gương” không có nghĩa là “xưa bày, nay làm”. Xưa, “Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã,”11 thì ngày nay, hầu hết, ở mọi nơi, nam, nữ, già trẻ, đều hớt tóc, cắt móng tay, thậm chí có người xăm mình.
Trong một giới hạn nào đó, Đức Khổng, giam người trong một chữ Trung - lắm người thành danh vì chết lãng xẹt cho - hay vì - một hôn quân vô đạo.. Và như thế, trong nhiều thế kỷ. Vì nhẹ dạ, chạy theo dư luận, tin ở giới khoa bảng, phong các ngài là thánh; thế rồi nghe các ngài  xúi dại, mà lắm người thiệt thân.
Vì cái trật tự Quân Sư Phụ, Tứ thư, Ngũ kinh mà cả dân tộc Việt Nam, dưới các triều đại chịu làm nô lệ cho triều đình nhà vua. Đất đai, tài sản, sinh mạng của riêng mình và của con cháu ba đời, đều thuộc nhà vua.
Có thể nói: cho đến khi tiếp cận với Tây Phương, trong ngôn ngữ kẻ sĩ, của triều đình Việt Nam, hay cả của Trung quốc, không có từ “tự do”, và theo đó, cũng không có từ “nô lệ”. Dân Việt hay dân Tàu, có một thời gian dài nhiều thế kỷ xem việc nô lệ cho nhà vua và triều đình là một giá trị luân lý tối thượng.

Nói đi rồi cũng phải nói lại: Không phải tất cả cái di sản của cha ông chúng ta đều lỗi thời, phải đập bỏ. Cái di sản của tiền nhân là công sức, trí tuệ, thời gian và không biết bao nhiêu tâm huyết mà các thế hệ đi trước ấp ủ, ân cần trao lại, không phải để ta thụ động, ôm cây đợi thỏ, cũng không phải để ta ỷ lại mà phung phí, hay tự cao tự mãn, đập bỏ , phá sạch, để rồi, mất gốc,chơi vơi, không còn một cơ sở nào, không còn một nền tảng giá trị nào, để trên đó ta xây dựng một nền văn minh, văn họcVN, có khả năng đi cùng nhịp với thời đại hôm nay. Ta phải biết trân quý, nghĩ suy, cân nhắc, đắn đo, để khai triển, mở rộng, làm giàu mạnh cái di sản của cha ông, làm cho phong phú hơn mãi và nói riêng, làm cho đời sống mọi người ngày càng dễ chịu hơn.


5. Con đường còn xa?
Nên chăng kết luận bài nầy bằng một chữ: Duyên?  Duyên đưa, từ cái gốc - Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ - cho gặp CON RUỒI của Lê Công Tâm, đưa vào những suy nghĩ, rồi nhờ bằng hữu mở rộng tầm nhìn, lại được cô cháu kéo vào một thế giới khác, thế giới phịa của bà Harper Lee, đầy kịch tính, làm tôi nhớ chuyện xưa, nghĩ chuyện nay, nghĩ đến thân phận nô lệ của các quan lại, giới khoa bảng thời xưa, nghĩ đến đôi nét Việt Nam, xưa và nay. Duyên thống nhất bài viết. Tôi thích thú theo Duyên.
Tham lam, tôi lại muốn, thêm một lần nữa, mượn đó làm duyên, để có một thoáng nhìn thế sự:

Thế kỷ thứ 20 nhìn thấy sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật, gần như ở mọi lãnh vực. Người ta cảm nhận như thế giới thu nhỏ lại, Paris-New York, bình thường khoảng 10 giờ bay; một ông ngoại - ở Sài Gòn - líu lo với cháu ngoại ở Houston, hầu như hằng ngày, và thấy hình ảnh nhau qua iphone; các sắc tộc như xích gần nhau hơn. Vì vậy, có người nghĩ đến NHÂN LOẠI, lớn—uppe case, và đậm nét..
Thế nhưng, thế kỷ thứ 20 cũng chứng kiến hai thế chiến tàn khốc. Thế chiến thứ I, mà có người gọi là The War to End All Wars, Thế chiến thứ II, rộng lớn hơn và cũng tàn khốc hơn gấp bội.
1946, hòa bình trở lại.
Nhưng rồi Chiến Tranh Lạnh (1947-1991), Chiến Tranh Cục Bộ: Triều Tiên (1950-53), Cách Mạng Nicaragua (1976-79), Chiến tranh Algeria (1954-62); Nội chiến Nigreria (1966-70); xung đột Á rập-Do Thái (1966-đến giờ); Iran-Iraq (1980-88); Chiến tranh Vùng Vịnh (1990-91); Chiến tranh Ấn-Hồi (1947-99, 1965, 1971), Chiến tranh Việt Nam (1945-1975), Chiến tranh Kosovo, Serbia,..Và thế kỷ 21 bắt đầu bằng Chiến tranh Afganistan (2001-..); Chiến tranh Iraq (2003-1014), Chiến tranh ISIS (2014 -…).                                       ­­­
Chiến tranh cùng khắp, và hình như ở mọi thời lúc. Kỹ thuật càng cao, khí giới càng tinh vi, chết chóc, tàn phá, tang thương càng thảm khốc.  Nhân loại, xưa: bình thiên hạ, nay: mộng hòa bình; và mọi người như luôn thiết tha muốn đem cho nhau an cư lạc nghiệp.  Thế mà nghĩ cho cùng, quả thật:
CON ĐƯỜNG CÒN RẤT XA, QUÁ XA

Houston, Texas
October 1st, 2017

 

1Tạm dịch câu: “you never really know a man until you stand in his shoes and walk around in them.”

2 Tạm dịch câu: “Remember it’s a sin to kill a mockingbird.” “Mockingbirds don’t do one thing but make music for us to enjoy . . . but sing their hearts out for us. That’s why it’s a sin to kill a mockingbird.”

3 Tạm dịch. Càng thương, càng phải phạt.

4 Google Translate.

5 Theo Wikipedia.
Cũng theo Wikipedia, innocence cũng được tầm nguyên sai quấy, false etymology, là: in và gốc latinh “noscere” (to know, to learn)—not-knowing, không biết, dốt.

6 L’homme est né bon, c’est la société qui le corrompt.

7 Lục Tổ Huệ Năng: “ không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh”

8 tính tương cận dã, tập tương viễn dã.

9 Tạm dịch “On façonne les plantes par la culture, et les hommes par l'éducation” Emile. Livre I,

10 Tạm dịch: “Each age, each condition of life, has its suitable perfection, a sort of maturity proper to.” Internet: Article Myriad. Summary, Analysis & Insights on Emile by Rousseau

11 Mình mẩy tóc da, cha mẹ sinh ra, chớ nên huỷ hoại, là hiếu trước tiên vậy.

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.