Vào một ngày mưa bão, ngày13 tháng chín năm 1814, 50 tàu chiến của Anh với 5.000 lính hải quân đến sát cảng Baltimore, những chiến binh dũng mãnh của Đế quốc Anh mà mặt trời không bao giờ lặn, với những thuộc địa của họ kéo dài trên các châu lục từ Đông sang tây. Đoàn thủy quân dẫn đầu bởi phó đô đốc Alexander Cochrane với nhiệm vụ tấn công chiếm thành McHenry, một thành trì ở cảng Baltimore nằm trong vịnh Chesapeake cửa ngõ dẫn vào Maryland, trung tâm của 13 tiểu bang đầu tiên, cái nôi của nước Mỹ. Cách đó 14 dặm, sáng hôm trước, một cánh phải của quân Anh do tướng Robert Ross đổ bộ lên North Point với 4.500 lính, nhằm chọc sườn từ đường bộ và phối hợp với thủy quân từ cảng dự tính chiếm trọn Baltimore.

 

Trong đầu năm 1814 ấy, quân Anh đã đánh bại Napoleon ở Châu Âu và dồn lực lượng vào Bắc Mỹ nhằm lấy lại các thuộc địa của mình. Quân đội Anh đã chia 3 phía tiến đánh vào nước Mỹ. Ở phía Đông Bắc nước Mỹ giáp biên giới Canada, phía Nam tiến vào New Orleans, và mặt trận chính ở vịnh Chesapeake, tiểu bang Maryland. Hơn một tuần trước đó vào ngày 24 tháng tám năm 1814, quân đội Anh đã tấn công Washington D.C. Người Mỹ chưa kịp chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh vũ bão như vậy. Trận chiến ở Bladensburg là một mối nhục khi quân Mỹ thất bại thảm hại. Lính Mỹ bỏ chạy trên các đường phố Washington, Tổng thống Mỹ James Madison và hầu như toàn bộ nội các có mặt ở trận chiến, suýt bị bắt giữ. Họ rời bỏ thủ đô, tháo chạy tản mát về Maryland và Virginia. Đêm hôm đó quân Anh đốt thủ đô, Nhà Trắng, Điện Capitol...Sau chiến thắng vẻ vang, thiếu tướng Anh Robert Ross dẫn quân về vịnh Chesapeake, kết hợp với hải quân Hoàng gia Anh cùng 50 chiến thuyền kéo lên mạn Bắc, lần này nhằm đập nát thành McHenry ở cảng Baltimore, tiêu diệt căn cứ của những thuyền bị coi là hải tặc của người cư dân địa phương luôn dò la, quấy phá và đánh cướp các chuyến vận chuyển hàng hóa của Anh. Và từ cảng quân Anh sẽ kéo quân vào Maryland...

 

Trong số đoàn tù binh thất trận bị dẫn theo có một bác sĩ tài giỏi và nổi tiếng trong cộng đồng: bác sĩ Williams Beanes. Chính quyền Mỹ tìm mọi cách để giải cứu vị bác sĩ này. Đại tá John Skinner là một đặc vụ chuyên về thương lượng trao đổi tù binh được giao phó. Cùng đi với ông là một luật sư và là một nhà thơ amateur mà sau này tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử nước Mỹ - Francis Scott Key. Trên chiếc thuyền nhỏ treo lá cờ trắng, tín hiệu cho quân Anh biết dự định thương thảo và nhân đạo của mình, họ dong buồm chạy theo vịnh để tìm gặp hải quân Hoàng Gia Anh. Trong hai ngày trời họ đã gặp chỉ huy quân Anh và thành công trong việc phóng thích tù nhân, sau khi những sĩ quan Anh đọc được những lá thư của những binh lính Anh bị thương sau trận đánh Bladensburg còn kẹt lại đất liền, được quân Mỹ chăm sóc và đối đãi nhân đạo tử tế. Hẳn nhiên lúc ấy kế hoạch tổng tấn công cảng Baltimore đã bị lộ, phái đoàn trao trả tù binh phải bị giám sát chặt chẽ chờ đến sau cuộc chiến mà người Anh hầu như nắm chắc phần thắng trong tay.

 

Ở phía Mỹ từ thành trì McHenry, một thành trì bằng gạch và đất có hình ngôi sao 5 cạnh do Trung tá George Brevet Armistead chỉ huy với 1,000 lính và 20 khẩu súng cà nông. Những người nông dân khi nhìn thấy khói lửa và tin tức xấu từ phía nam lan xuống đã kéo đến thành, họ đào chiến hào, đắp bao cát và sẵn sàng tử thủ cùng quân lính. Trước đó các cư dân đã tự đánh đắm các thuyền trong vịnh nhằm cố ngăn cản các chiến thuyền Anh đến gần bờ.

6 giờ 30 sáng ngày 13 tháng Chín, đạn pháo tới tấp như giông bão vào pháo đài McHenry. Cơn mưa pháo liên tục bởi những quả bom và róc két xé gió mang tiếng rít kinh hoàng cùng các màn khói trắng, những chớp lửa đỏ. Tất cả như xé tan đất trời. Ánh sáng của đạn pháo hắt lên các đám mây dày đặc trên cao trong một ngày giông bão tối đen. Trong rạng sáng của ngày ấy, khi bóng đêm chưa tan, từ thuyền con mang lá cờ trắng của mình trong vòng vây hãm, nhìn vào đất liền cách nhiều dặm, nơi pháo đài McHenry bị cơn mưa đạn pháo tuôn xuống, "Đất mẹ như nứt toác và ói ra những tấm màn lửa đạn màu huỳnh quang đỏ rực". Francis Scott Key đã viết lại như thế trong hồi ký sau này.

 

Trở lại trận chiến, trưa hôm đó, khi nghĩ rằng thành McHenry đã bị thiệt hại nặng sau trận mưa bom, tướng chỉ huy hải quân Anh cho quân đến sát bờ chuẩn bị cho việc chiếm thành. Nào ngờ rằng các đạn pháo của Anh đã gây tổn thất rất ít do thiếu chính xác và xa tầm. Ở vị trí gần quân Anh gặp sự kháng cự mãnh liệt và chính xác của các tay súng cà nông Mỹ ở cự li gần phòng thủ quyết liệt. Quân Anh phải rút trở về tàu lớn ngoài khơi. Khi màn đêm buông xuống, 1.200 lính Anh theo các thuyền nhỏ len lỏi chèo dọc theo nhánh giữa của các cửa sông tiến vào đất liền. Nghĩ rằng an toàn, họ phóng quả sáng lên trời làm tín hiệu định vị trí của mình cho đồng đội. Sai lầm tai hại, họ lại bị phản công dữ dội bởi róc két của quân Mỹ mai phục và đành rút lui trong tổn thất nặng nề. Trong khi đó ở mũi tấn công đường bộ ở North Point của tướng Ross, một tay súng bắn tỉa của quân Mỹ đã làm Ross bị thương ở ngực và tay. Thuộc hạ phải mang ông trên cáng. Như rắn mất đầu, tinh thần chiến đấu quân Anh sa sút...

 

Trong suốt 25 tiếng đồng hồ vây hãm và tấn công thành McHenry trời vẫn mưa bão nặng hạt. Mãi cho đến mờ sáng ngày hôm sau 14 tháng Chín, mưa mới thưa tuôn. Một điều may mắn kỳ diệu xảy ra khi một quả pháo rớt ngay kho chứa thuốc súng dự trữ tối qua đã không phát nổ, một trong 1.800 quả đạn pháo và róc két đã tuôn xuống pháo đài này. Thiệt hại của quân Mỹ rất thấp với 20 người bị thương và 4 người chết.

Trung tá George Brevet Armistead đã ra lệnh hạ lá cờ nhỏ (gọi là storm flag) kích thước nhỏ bằng nửa lá cờ chính của pháo đài và kéo lên lá cờ chính dài hơn 12 mét, rộng 9 mét. Lá cờ mang 15 ngôi sao và 15 vạch đỏ trắng (tượng trưng cho 13 tiểu bang đầu tiên cùng với 2 tiểu bang Vermont và Kentucky mới sát nhập.) Theo lệnh của Armistead lá cờ phải rất lớn để từ xa quân Anh có thể thấy. Lá cờ lớn chính thức của thành McHenry do rộng lớn nên rất nặng khi trời mưa, phải nặng đến hơn 225 kg và cần gần chục binh sĩ kéo lên. Sức nặng của lá cờ đẫm nước mưa có thể làm gãy cột cờ. Lúc ấy trời rạng sáng, nắng lên cao và từ ngoài khơi quân Anh và tất nhiên cả Francis Scott key nhìn thấy lá cờ điểm những ngôi sao bay phất phới hiên ngang trên thành trong khi khói súng còn chưa tan. Quân Anh rút lui vì hết đạn và biết không thể đánh thắng, mang theo thi hài của tướng Ross trong thùng gỗ chứa rượu Rum về nước...

 

Tất cả như một cuốn phim lịch sử hào hùng diễn ra trước mắt Francis Scott key qua ống nhòm, 25 giờ đồng hồ liên tục đạn bom và pháo hỏa tiễn, 25 giờ mưa bão tối đen đất trời sóng biển dồn dập, những cảm xúc mãnh liệt trào dâng và ông đã viết xuống những dòng thơ bất tử trên một lá thư:

 

O, say can you see by the dawn's early light

What so proudly we hailed at the twilight's last gleaming?

Whose broad stripes and bright stars through the perilous fight,

O'er the ramparts we watched were so gallantly streaming?

And the rocket's red glare, the bombs bursting in air,

Gave proof through the night that our flag was still there.

Oh say does that star-spangled banner yet wave,

O'er the land of the free and the home of the brave?

 

Ồ! Người có thấy trong nắng sớm của rạng đông, lá cờ tự hào cất cao trong tia nắng cuối hoàng hôn? Cờ sọc rộng và những ngôi sao sáng qua cuộc chiến đấu hiểm nghèo, có thấy chúng hùng dũng phất phới trên thành lũy? Và những chớp lửa đỏ của róc két, bom đạn nổ tung trên trời. Minh chứng rằng ngọn cờ của chúng ta vẫn còn đó qua đêm. Các bạn ơi, phải chăng lá cờ đầy sao đó vẫn phất phới, trên vùng đất của những người tự do và quê nhà của những người can đảm.

 

Khi viết những dòng thơ nồng nàn trung thực về một lá cờ sao và trận chiến oai hùng này, trong đầu Francis Scott Key đã âm vang giai điệu quen thuộc lúc bấy giờ: The Anacreon Song. Một bài ca của Anacreontic Society (một câu lạc bộ các nghệ sĩ nghiệp dư ở Luân Đôn rất phổ biến thời ấy) viết bởi John Stafford Smith. Lời thơ dựa theo ca khúc này lúc đó chưa có tựa. Trong tuần lễ đầu, những bản in ở báo Baltimore Patriot đã đặt tựa là "Defense of Fort M'Henry" (Chiến trận bảo vệ thành McHenry). Sau đó tháng 11, bài ca được đặt tựa Star Spangled Banner (Lá cờ điểm sao) sau khi in ra ở một cửa hàng âm nhạc CARRS, Baltimore, một lời ca yêu nước nồng nàn cần thiết trong thời gian ấy, khi khí thế rạo rực yêu nước trong lòng người dân Mỹ lên cao, phản ánh qua các ca khúc mang sắc màu ca ngợi tổ quốc dân tộc như Hail Columbia và Yankee Doodle. Bản Lá cờ chói lọi ánh sao được dùng như là bản nhạc của Liên Quân miền Bắc (Union Army). Càng về sau ảnh hưởng của ca khúc ngày càng phổ biến khắp nước Mỹ, dẫn đến tổng thống Woodrow Wilson đặt bút chấp thuận chọn ca khúc là quốc ca của nước Mỹ vào năm 1916. Thế nhưng phải đợi đến ngày 3 tháng 3 năm 1931, sau 40 lần kiến nghị và tranh cãi, quốc hội Mỹ mới đồng thuận.

 

Bản gốc bài quốc ca nguyên thủy có đến 4 đoạn. Người ta hay hát đoạn đầu tiên. Mặc dù vậy, trong cả 4 đoạn đều kết thúc bằng cùng một dòng: “O’er the land of the free and the home of the brave.”  Trên mảnh đất của tự do và quê hương của những người anh hùng. Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã đặt lời ca Việt rất hay và gần sát nghĩa của nguyên bản:

 

Ô! Kìa bầu trời cao.

Phất phới bay cờ sọc sao.

Dù trời sáng hay ban chiều

Nhìn cờ bay với bao tự hào

Giữa sa trường đầy gian lao

Vẫn tung bay cờ sọc sao

Lồng lộng gió trên chiến hào

Hồn non sông hiên ngang vẫy chào.

Đầy trời rền vang tiếng pháo

Tiếng bom gào như xé gió

Hãy vững tin trong đêm dài

Nhìn lên lá cờ còn đây

(Điệp khúc:)

Người ơi hay chăng lá cờ hào hùng,

trong gió bay vẫy vùng.

Miền Tự Do lòng ta yêu dấu!

Là quê hương những anh hùng.

 

Nhiều lý do giải thích cho sự ra đời chậm trễ của bản quốc ca này, trong khi nước Mỹ đã lập quốc trước đó hơn 100 năm. Người ta đã có nhiều câu hỏi và chọn lựa: với Hail Columbia như là một quốc ca không chính thức đã được sử dung trước năm 1931, bản America the Beautiful thì quá êm dịu, hay Yankee Doodle thì quá nhanh. Nhiều ý kiến xoay quanh nguồn gốc của bản quốc ca là một tửu ca. Thực sự thì không đúng như vậy, khi bài hát xuất xứ từ một câu lạc bộ đàn ông của các nghệ sĩ amateur gọi là Anacreontic Society. Dựa theo tên của nhà thơ Hy Lạp cổ Anacreon (563-478 B.C.) một nhà thơ nổi tiếng về trường phái ca tụng rượu vang, tình yêu và lễ hội. Phải trung thực lắng nghe bản quốc ca mới thấy giai điệu nghiêm trang trầm hùng mà sâu lắng với đoạn kết cao vút. Riêng về ca từ thì phải nói rằng lời ca thật nồng nàn, sâu sắc và đẹp cho tình yêu tổ quốc. Lời ca như là một dấu hỏi cho mỗi người dân Mỹ, khi đặt tay lên trái tim, ngẩng cao đầu và hướng về lá cờ điểm sao thầm nghĩ: Oh, say can you see? Bạn có thấy chăng? For the land of the free and home of the brave. Bạn có vì mảnh đất của tự do, vì quê hương của những người kiên cường này?

 

Bản quốc ca này đòi hỏi người hát được quãng nhạc rộng và cao, đòi hỏi người hát phải tập luyện với nhiều nỗ lực. Bài hát khó như đòi hỏi những thử thách. Lời ca cũng là những thử thách cho mỗi người công dân Mỹ. Khi từ ngày son trẻ lập quốc đến nay, đất nước này đã là ngọn cờ tiên phong cho những giá trị dân chủ và tự do trên hành tinh này. Một dân tộc non trẻ mới hơn 239 năm mà đã luôn đứng đầu thế giới về mọi mặt từ quân sự, kinh tế, y tế, khoa học kỹ thuật, điện ảnh... và nhất là sự dung hòa đa dạng và trân trọng các nền văn hóa cũng như giá trị của mỗi con người khắp mọi nơi đến định cư trên đất nước này. Những giá trị nhân bản về quyền con người và sự đóng góp hàng đầu của nước Mỹ trên mọi lãnh vực là điều không thể phủ nhận. Câu hỏi về mảnh đất và con người của đất nước này trong bản quốc ca sẽ mãi là một câu hỏi, luôn nhắc nhở và tự vấn đến mỗi người dân Mỹ. Trong đó có những người từ nơi khác đến chọn đất nước này làm quê hương. Một quê hương thứ hai tràn đầy tự do, lấp lánh ánh sao.

 

 

Bảo Sinh

 

 

 

Nhạc và lời quốc ca Mỹ:

https://youtu.be/M1wLtAXDgqg

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.