“Lần cuối cùng em ... là khi mô?”

 

 

Chiều hôm đó tôi về nhà muộn, sau khi tán gẫu với bạn bè ở quán cà phê cóc sau lớp học buổi chiều. Từ đường Lê Lợi rẽ vào đường Nguyễn Hoàng để về nhà ở Bến Ngự, nắng chiều đã hoàn toàn tắt, con đường giữa trường Quốc Học và tư dinh Tỉnh trưởng Huế ngày xưa giờ tối mịt. Băng qua đường Nguyễn Huệ để về nhà, bắt đầu thấy vài bóng đèn dầu leo lét hắt ra từ những căn nhà hai bên đường. Toàn thành phố bị cúp điện, nóng ngột ngạt. Cả vùng Bến Ngự giờ im ắng, ngay cả mấy cái loa treo trên cột điện từ cửa tiệm tạp hóa chị Khoa gần chợ thường ra rả bản tin hằng ngày của “Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh từ thủ đô Hà Nội” ngày ba lần giờ cũng tắt tiếng. Đó là một buổi tối mùa hè năm 1979, lúc tôi đang học năm thứ hai đại học Y Khoa Huế.

 

Vừa dẫn xe đạp vào nhà, tôi thấy mạ đang ngồi trò chuyện với một người đàn bà khác. Dựng xe xong, mắt vừa quen với ánh đèn dầu vặn thấp trên bàn ăn, tôi thấy có người nằm thu lu trên cái đi-văng nhỏ nằm cạnh hành lang, nơi mạ hay nằm nghỉ trưa và cũng là “phòng khách” của mạ sau 1975.

 

  • “Mạ với bác nãy giờ chờ con về đó. Con coi em bị chi mà bác nói đau cả mấy ngày ni?”

 

Ui chao, mới học đại học y khoa năm thứ hai mà đã được mạ tin tưởng và giao cho một trọng trách lớn rứa à. Quá hãnh diện.

 

  • “Con coi em bị chi rứa. Tội quá con ơi…” Bác nói thêm.

 

Tôi tới gần bệnh nhơn, thấy đây là một bệnh nhơn nữ. Tôi yêu cầu bệnh nhơn nằm nga lại cho tôi “khám bệnh”. Khó đoán tuổi vì đèn tù mù, tóc bết trên trán vì mồ hôi, nhưng nhìn thoáng khuôn mặt và dáng vóc thì độ chừng bệnh nhơn khoảng mười sáu tuổi chi đó.

 

  • “Em đau chỗ mô? Đưa tay chỉ anh coi?”

 

Bệnh nhơn đưa tay chỉ vô bụng. Lúc đó, tôi để ý bệnh nhơn nằm co chân.

 

  • “Em duỗi thẳng chân xuống cho anh coi thử, được không?”

 

Bệnh nhơn duỗi hai chân ra khoảng chừng vài phân là rút lại, bệnh nhơn thì thào “Đau”. “A”, triệu chứng lâm sàng đầu tiên, tôi nhủ thầm trong bụng.

 

  • “Chừ cho anh vén áo coi cái chỗ đau chút nghe.”

 

Miệng nói tay làm, trước mặt tôi là một cái bụng chương lên như cái bong bóng. Gõ khi kêu bong bong, khi kêu thịch thịch, sờ thì lồi lõm, chỗ cứng chỗ mềm… Đoán chừng bệnh nhơn bị tắc ruột nhưng tôi cũng đưa tay sờ trán để xem bệnh nhơn có sốt không? Cũng khó nói, trong cơn nóng hầm hực một tối hè ở Huế chìm đắm trong màn đêm vì bị cúp điện, gió Lào thổi qua cho rát mặt, hình như ai cũng bị sốt! Chỉ có hai câu hỏi cuối cùng để vị bác sĩ đang học năm thứ hai “kê toa phát thuốc”, là hỏi chuyện bộ tiêu hoá của bệnh nhơn hoạt động ra sao.

 

  • “Mấy ngày ni em đi cầu có bình thường không?”

 

Không trả lời.

 

  • “Mấy ngày ni em có đi ngoài không? Lần cuối là khi mô?”

 

Không trả lời.

 

Tôi cúi người: “Chuyện ni quan trọng lắm để chẩn bệnh, vì nếu không có thì có nghĩa là ruột không hoạt động bình thường.”

 

Bệnh nhơn đưa cánh tay lên che ngang hai mắt, quay mặt vô vách: “Dạ mấy ngày ni không có.”

 

Còn một câu hỏi cuối cùng nữa, cực kỳ quan trọng “trước khi đưa lên bàn m”, nhưng câu ni thầy chưa dạy mà đàn anh cũng chưa bày, nên vị bác sĩ đang học năm thứ hai giờ như tướng ngoài quan ải, ngộ biến phải tùng quyền.

 

  • “Lần cuối cùng em địt là khi mô? Có nhớ không?”

 

Bệnh nhơn vẫn quay người vô vách, không trả lời. Tôi lập lại câu hỏi. Không trả lời. Tôi hỏi lần thứ ba. Không trả lời.

 

  • “Cái chuyện ni rất quan trọng, vì bụng đang chướng mà không đi ngoài, cũng không địt được, thì có nghĩa là tắc ruột, cần phải vào bệnh viện m không biết chừng, vì uống thuốc không chữa được chứng tắc ruột.”

 

Hình như chữ “bệnh viện và m” làm bệnh nhơn sợ, nên quay đầu trả lời thảng thốt: “Không có, em không nhớ”.

 

  • “Ngày ni?”

 

Bệnh nhơn mở hai con mắt thao láo nhìn tôi, chậm lắc đầu. Hai mắt bắt đầu sũng ướt, long lanh phản chiếu ánh đèn dầu cháy leo lắt trên bàn ăn hắt tới.

 

Tôi quay qua nói với mạ và bác, là em có triệu chứng bị tắc ruột, lý do chưa rõ, nên đưa đi bệnh viện ngay để bác sĩ có thể điều trị kịp lúc, không chừng phải m cấp cứu. Nghe đến đó, mạ lạc giọng “Có đứa mô đó không, chạy xuống bến đò kêu ông Vạn xích lô lên đây cho mạ.” Bến đò đây là bến đò bên cạnh sông Bến Ngự, gần quán cơm sinh viên của Đại học Huế ngày xưa trước 1975, cạnh phủ Viễn Đệ.

 

Xe xích lô đưa bệnh nhơn đi rồi, tôi ngồi xuống ăn mấy chén cơm độn sắn, khoai mạ để dành cho thằng con “đang học bác sĩ” về trễ, xong khoác áo, xách xe mang bị rết” về bệnh viện. Mình giới thiệu bệnh nhơn vào bệnh viện mà, mình phải có nhiệm vụ vào bệnh viện theo dõi. Lương tâm nghề nghiệp!

 

Bác sĩ phòng cấp cứu theo dõi tình trạng bệnh nhơn tối đó, và hội đồng hội chẩn sáng hôm sau, quyết định m bệnh nhơn ngay trong ngày. Các đàn anh có tham gia trong kíp mổ cho biết vì phát hiện sớm nên khúc ruột xoắn chưa bị hoại tử, loại trừ khả năng nhiễm trùng máu, xét nghiệm cận lâm sàng xác nhận. Hú hồn! Theo hồ sơ hậu phẫu, thì bệnh nhơn bình phục tốt, không có tình trạng dính ruột, được cho xuất viện mấy ngày sau đó.

 

Năm 1969, phi thuyền Apollo 11 lên cung trăng, phi hành gia Hoa Kỳ Neil Armstrong ngay sau khi đặt chân xuống mặt trăng, trong cuộc điện đàm với trung tâm NASA ở Dallas, ông nói câu nói để đời: “Đây là bước chân nhỏ bé của (một) người, nhưng là một bước tiến vĩ đại của nhân loại.” Tôi xin mượn ý của ông để nói trường hợp của tôi như vầy, “Cái đêm hè điện cúp ở Huế năm 1979 đó, chỉ là một đêm thường ngày ở huyện của nhân loại, nhưng lại là một đêm vĩ đại trong cuộc đời y nghiệp – tuy ngắn ngủi - của tôi, vì tôi tự cho mình đã góp phần cứu sống một sinh linh, lúc mới học năm thứ hai trường thuốc.”

 

Cần nói thêm điều này cho rõ ràng và trọn vẹn một câu chuyện, đó là sinh viên Y Khoa năm thứ hai chỉ mới học Sinh hóa, Sinh lý, Vi trùng, Mô phôi… chi chi đó chứ chưa học triệu chứng học. Ba cái tắc ruột và những triệu chứng lâm sàng đi kèm ni lên năm thứ ba mới học lận. Nhưng nhân vật “tôi” trong câu chuyện trên sở dĩ biết được mấy điều ni là qua nghe lóm từ các bạn bè lớp trên và đàn anh những lúc trộ miệng ở những quán cà phê cóc. Đừng bao giờ coi thường những cuộc trộ miệng của dân Y Pha Nho Huế ở mấy quán cà phê cóc. Never! Ever! Jamais!

 

 

HNgọc Ánh

 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.