Có một dụng cụ mà ai cũng dùng nó nhiều lần trong đời. Thomas Edison đã dùng nó để phác thảo những sáng chế khoa học, John Steinbeck đã dùng đến 60 cây trong một ngày (với cuốn Phía Tây Vườn Địa Đàng tốn đến 300 cây), Vincent Van Gogh dùng nó để tạo nên những tuyệt tác, Chopin dùng nó kẻ nên những giai điệu bất tử. Tướng Ulysses Grant dùng nó để vạch nên những chiến thắng, ngay cả Thủ tướng Phổ Otto von Bismarck dùng nó để nhồi thuốc lá vào ống vố… Hẳn bạn đoán ra đó là cây bút chì. Cây bút chì quen thuộc mà mỗi trẻ em giàu nghèo đều cầm trên tay để học bài học đầu đời. Và nó sẽ được dùng để vạch đo nên những tấm ván hòm, kết thúc một đời người khi về trong lòng đất.

 

Tiếng Anh gọi là pencil, từ tiếng Latin “penicillus” là “cái đuôi nhỏ” (một cọ nhỏ làm từ lông lạc đà dùng để viết vào thời xa xưa.) Nghe đâu cây bút chì ra đời một cách ngẫu nhiên. Ðầu những năm 1500s, tại ngôi làng Seathwaite ở thành phố Borrowdale, Anh Quốc, một cơn bão qua đêm, sáng hôm sau người chăn cừu đi xem cánh đồng, thấy dưới gốc cây bị quật ngã phơi ra đống than đen từ lòng đất. Thoạt tiên họ nghĩ là than đốt, sau đó đám than graphite này dính đen vào tay và khó tẩy rửa. Họ bèn dùng da thú bọc các thỏi than graphite này và dùng để đánh dấu các gia súc. Từ đó cây bút chì ra đời. Gọi graphite là than chì chớ thật sự không có chì trong lõi bút.

 

Cây bút chì đầu tiên được tìm thấy ở Ðức vào thế kỷ 17 có hình dẹp, to như cây bút chì cho thợ mộc, thợ nề. Sau đó ở Nuremberg, Ðức Quốc bút chì được sản xuất hàng loạt vào năm 1662. Bút được làm tròn và nhỏ cho vừa tay cầm. Những di dân đầu tiên đến Mỹ đều dùng bút chì nhập từ Ðức. Chiến tranh giành độc lập xảy ra, nguồn nhập cảng bị cắt, William Monroe-một thợ mộc ở Massachusetts-là người Mỹ đầu tiên sản xuất bút chì từ 1812. Sau đó công ty Dixon Ticonderoga nhập cuộc và tồn tại đến nay. Henry David Thoreau, nhà triết học đa tài nổi tiếng với bài luận Civil Disobedience (Sự bất tuân dân sự) năm 1849 cùng gia đình mở xưởng làm bút chì khi graphite được tìm thấy ở New Hampshire 1920, do graphite ở đấy vụn và mềm, ông đã nghĩ cách trộn thêm đất sét Bentonite để nâng cao phẩm chất bút chì.

 

Gỗ bọc lõi chì từ cây Red Cedar, sau này thì dùng gỗ Incense Cedar. Gỗ Cedar vì chúng không biến dạng khi khô, sứa gỗ thẳng và mềm, dễ gọt, không sướt da. Bút chì được đánh dấu ký hiệu từ H (viết tắt của Hardness – Ðộ cứng) đến B (Blackness – Ðộ đen đậm) và F (Fineness – Ðộ mịn, nhỏ nét). 9H là viết chì nhạt và cứng nhất đến 9B là bút chì mềm và đen đậm nhất. Phổ biến là HB #2. Là cây bút chì quen thuộc, tiêu chuẩn của học sinh khi làm bài. Phân loại bút chì này còn dựa vào độ cứng của viết chì để lại trên mặt giấy khi viết/vẽ ở độ nghiêng 45 độ. Nó còn tùy thuộc vào nhà sản xuất ở Châu Âu hay Mỹ, vào độ pha của đất sét. Cấu tạo cây bút chì vô cùng đơn giản và hơn 500 năm qua chúng vẫn như thế. Một thanh graphite nằm trong cây gỗ có cục tẩy. Bút chì từ dạng tròn sang 6 cạnh để khỏi lăn tròn trên mặt bàn nghiêng. Màu sắc thì nhiều, nhưng phổ biến vẫn là màu vàng, như màu xe bus chở học sinh, cũng để nổi bật ra trong đống dụng cụ học đường.

 

Hễ nơi nào có trang giấy thì phải cần bút chì. Thiếu bút chì thì trang giấy vô hồn. Sẽ không có những vần thơ ngút ngàn, không có những câu chữ mượt mà, không có những trang sách hay, những hình vẽ đẹp, những phát minh làm đời sống tiến bộ, những đường bay của phi thuyền, những hải trình thám hiểm miền đất mới… Mà không riêng gì cho viết vẽ, bút chì được dùng hầu như mọi nơi. Từ sân đánh golf đến trang Sudoku hay Ô chữ, từ những tính toán đến đo đạc, từ những đống gạch đá xây dựng đến kiến trúc tuyệt vời. Khi còn tuổi học trò ai mà không nhớ cây bút chì được làm trâm cài cho mái tóc thơm mùi bồ kết, bút chì làm thước kẻ, dùng gãi lưng, dùng đục lỗ… Có khi đắn đo với bài toán khó hay câu thơ tình thì ngậm trên môi hay cắn đến in dấu răng, có khi giắt trên tai hay xoay giữa 2 ngón tay một cách vô thức. Với bút chì, học trò sẽ còn làm quen nét chữ nghiêng nghiêng, nét chữ hình thành nên một chữ viết riêng biệt đầy cá tính sau này, riêng biệt như là chữ ký của mỗi người. Các đứa trẻ ngày nay có lẽ quen với các bàn phím hay bút Stylus mà đánh mất đi nét chữ đẹp.

 

Nhắc đến Stylus là nói đến cây bút thời đại kỹ thuật số, khi mà giấy trắng và sách vở được thay thế bằng tablet, hay bằng các màn hình cảm ứng. Stylus như cây bút viết chữ thay thế cho bàn phím, cây Stylus làm cây cọ vẽ, làm con mouse. Ði xa hơn thế, với các ứng dụng biến đổi giọng nói thành chữ viết, với Google Home và Amazon Echo, Alexa… các AI (trí thông minh nhân tạo) này thì người ta e rằng vài chục năm nữa giấy trắng, cuốn sách và cây bút chì sẽ biến mất. Ấy vậy mà bút chì vẫn được sản xuất hàng chục tỉ cái mỗi năm trên thế giới. Faber Castell là một thương hiệu bút lâu đời của Ðức, ra đời năm 1761 và tiếp tục sản xuất đến nay. Blackwing là hiệu bút chì ở California của Palomino (sau này Faber Castell mua lại) luôn được mọi người yêu thích bởi  phẩm chất than chì, thiết kế cổ điển, cục tẩy hình dẹp có thể thay thế và tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng đã sử dụng nó.

 

Bút chì sẽ tồn tại bởi nhiều lý do. Cũng như bút mực, bút bi, khi cầm bút, những ý tưởng và hình ảnh từ đầu óc và tâm hồn được trải bày. Nhưng với bút chì có thể tẩy xóa và viết, vẽ lại. Các nét vẽ có thể được nhấn mạnh hay nhẹ để có độ đậm nhạt, tạo ra chiều sâu cho hình ảnh. Có khi bằng cục tẩy, có khi bằng ngón tay xoa nhẹ, tranh bút chì luôn gây ấn tượng người xem về tính nguyên thủy và sự mộc mạc của nó. Trong các chuyến du hành vào vũ trụ, ở môi trường không trọng lực, chỉ có các bút chì mới viết được, còn các bút bi thì mực không chảy. (Ai có thói quen viết bài khi nằm trên giường, thì chỉ có cây bút chì là dùng được vào lúc ấy.)  Khác với cây bút Stylus hiện đại. Dù các nét vẽ bút chì không được chuyển đổi thành những pixel và những vector sắc sảo, tiện lợi cho các ứng dụng. Dù các nét ngang dọc đậm nhạt của bút chì không được thẳng thớm, hoặc tẩy xóa sạch sẽ, chính xác và nhanh chóng cho các designer bằng cây Stylus. Bút chì phác thảo vẫn là nền móng cho mọi tác phẩm, cho mọi ý tưởng. Chừng nào còn những trang giấy trắng háo hức, những khung vải bố đợi chờ, hay những cuốn sách lao xao những ý tưởng đắm say, thì bút chì vẫn còn đó thủy chung.

 

Có một câu chuyện ngụ ngôn về cây bút chì. Một người thợ làm bút chì đã dặn dò: 

“Có năm thứ mà ngươi cần biết trước khi ta gửi ngươi ra đời. Luôn nhớ năm điều này và không bao giờ được quên:

– Thứ nhất: Ngươi có thể làm được nhiều thứ vĩ đại nhưng chỉ khi ngươi nằm trong tay một người nào đó.

– Thứ hai: Thỉnh thoảng ngươi phải bị cắt gọt một cách hết sức đau đớn, nhưng ngươi phải cần điều này vì nó làm cho ngươi trở thành ngày càng hữu ích hơn.

– Thứ ba: Ngươi có thể sửa chữa bất cứ lỗi lầm nào mà ngươi đã gây ra.

– Thứ tư: Phần quan trọng nhất sẽ luôn nằm bên trong ngươi.

– Và thứ năm: Trên mỗi mặt phẳng mà ngươi được sử dụng lên, ngươi sẽ để lại dấu vết... Bất kể điều kiện ra sao ngươi vẫn phải tiếp tục công việc của mình.

 

Hay là một đoạn đối thoại cảm động sau đây giữa bút chì và cục tẩy:

– Bút chì: Ôi! Tôi thật có lỗi.

– Cục tẩy: Cho việc gì? Anh đâu làm gì sai?

– Bút chì: Tôi xin lỗi vì đã làm bạn hư hao. Mỗi khi tôi mắc lỗi lầm, bạn luôn bên cạnh để xóa nó. Và bạn ngày càng gầy ốm, nhỏ đi mỗi lần…

– Cục tẩy: Ðúng thế! Nhưng tôi không phiền hà. Bạn biết đó! Tôi sinh ra để làm việc ấy, để giúp bạn mỗi khi bạn sai. Cho dẫu một ngày kia tôi hao mòn rồi mất, thì bạn sẽ thay thế tôi bằng “cục tẩy” khác mới hơn. Vì thế đừng buồn.

 

Có thể bạn tìm thấy trong đoạn đối thoại đó hình ảnh của cha mẹ là cục tẩy và con cái là cây bút chì, hay là hình ảnh của tình yêu thương bất vụ lợi đầy cao cả của nhân loại nghìn đời. Hoặc có chút ví von chút lãng mạn, thì xem trang giấy trắng như người trinh nữ, có nét bút mực là thành gái có chồng, hằn sâu vết màu ái ân, mất đi cái ngàn vàng. Còn bút chì thì như người tình, đi vào trang giấy trắng chỉ như những nụ hôn ngọt ngào. Với cục tẩy, mọi lỗi lầm và kỷ niệm quá khứ sẽ được xóa đi trên trang đời tình ái của nàng. Trang giấy dù không phẳng phiu vẫn còn trong trắng – như người trinh nữ. Hãy cứ yêu nhau nhẹ nhàng như bút chì cọ vào trang giấy. Không vừa lòng nhau thì tẩy xóa vu vơ. Một mai khi trang giấy không còn thì bút chì vẫn còn đó. Ðể tô mày, vẽ mắt cho nàng như Trương Vô Kỵ. Bạn nhỉ.

 

Bảo Sinh

 

*Trích trong tuyển tập Tùy Bút Áo Xưa Dù Nhàu, xuất bản 2017.

 

 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.