Sự bức tử Miền Nam

Với “Việt Nam hóa chiến tranh”,  Hoa Kỳ bỏ cuộc rút quân ra khỏi miền Nam trong “danh dự” do áp lực của truyền thông báo chí, công luận và Quốc Hội Hoa Kỳ phản chiến với Hiệp định Paris 27-1-1973. Trong khi đàm phán, Hoa Kỳ tiếp tục tự rút quân và thi hành chương trình Việt Nam hóa để quân lực VNCH dần dần thay thế quân lực Hoa Kỳ trong những điều kiện và tình trang thiếu ngân sách và các yểm trợ quân sự. Từ năm 1972, Kissinger từng khoác lác: “Tôi đang thống nhất Việt Nam”sau khi dàn xếp hội đàm giữa Nixon-Mao với Thông Cáo Thượng Hải và Nixon-Breznev với nhiều thỏa thuận ngầm có lợi cho Nga-Tàu-BắcViệt. Do các thỏa thuận ngầm này mà không thông báo Quốc Hội nên Nixon gặp rắc rối trong vụ Watergate.

Trong hai năm sau 1973, Quốc Hội Hoa Kỳ từ từ cắt giảm viện trợ quân sự đến mức tối thiểu cho Việt Nam Cộng Hòa trong khi Khối Cộng Sản Quốc Tế lại tăng gấp đôi cho Miền Bắc nên cán cân lực lượng giữa hai phe đã nghiêng hẳn về phe Cộng. Những tài liệu mới giải mật cũng cho thấy Nixon và Kissinger tin rằng: chương trình Việt Nam hóa chiến tranh sẽ không làm cho miền Nam Việt Nam có đủ khả năng để tự bảo vệ. Những điều kiện “Hòa bình” mà Kissinger đã thương thuyết sẽ làm miền Nam Việt Nam sụp đổ sau một thời gian một hoặc hai năm (khoảng cách chạy tội).

Để che đậy sự thất bại của chiến lược Việt Nam Hóa và thương thuyết, Nixon với sự khuyến cáo của Kissinger, kéo dài cuộc chiến tranh đến năm thứ tư (1972) của nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên – dài đủ để tránh sự sụp đổ của VNCH trước ngày bầu cử nhiệm kỳ II. Chính vì vậy mà Nixon kéo dài chương trình rút quân qua nhiều năm. Quân số Hoa Kỳ ở Việt Nam bắt đầu giảm từ cao điểm 543,000 người vào năm 1968 và đến đầu năm 1973 mới chấm dứt, tức là sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11, 1972.

Đối với người Mỹ, họ thực sự muốn thoát khỏi cuộc chiến, quên nó đi và mở sang một trang sử mới. Trong bản ghi âm được giải mật sau này về cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và ngoại trưởng Henry Kissinger, Nixon nói rõ việc ông đã quyết định sẽ bỏ mặc "đứa con" Việt Nam Cộng Hòa để có thể thoát khỏi cuộc chiến ở Việt Nam. Henry Kissinger: Tôi nghĩ Thiệu nói đúng đấy. Hiệp định (Paris) đó sẽ đẩy Việt Nam Cộng Hòa vào thế nguy hiểm. Richard Nixon: Nó (Việt Nam Cộng Hòa) phải tự chống đỡ thôi... Nếu nó chết thì cứ để cho nó chết. Nó lớn rồi, chúng ta không thể cứ cho nó bú mớm mãi được. Kissinger cho rằng Mỹ đã đạt được trong mặt trận ngoại giao: thiết lập quan hệ với Trung Cộng, Hòa dịu với Liên Sô, và rút quân khỏi Việt Nam.

Giữa năm 1974, Tổng Thống Mỹ Nixon đệ trình Quốc Hội Mỹ bản dự thảo hiệp ước giao thương giữa Mỹ và Liên Xô. Đến lúc này Quốc Hội Mỹ mới biết rằng đây là cái giá mà Nixon đã trả cho việc Liên Xô ngưng cung cấp vũ khí cho Hà Nội và ép Hà Nội phải ký hiệp ước ngưng bắn 1973. Dĩ nhiên khi đưa ra trước Quốc hội, Nixon tin rằng sẽ được thông qua dễ dàng vì lợi ích chung của cả hai nước, nhất là từng bước giải quyết chiến tranh lạnh là điều mà dân chúng Hoa Kỳ mong chờ.Tuy nhiên ông đã tính lầm, Quốc Hội Mỹ đoán rằng còn nhiều cái giá khác nữa giữa Nixon và Liên Xô, Trung Quốc, Hà Nội vào năm 1972. Vì vậy Quốc Hội bác bỏ thẳng thừng hiệp ước thương mại Xô – Mỹ để buộc Nixon phải lòi ra những thỏa thuận khác. Dĩ nhiên là Nixon không đưa ra, ông dùng đặc quyền hành pháp để từ chối.

Nhưng vấn đề trao trả tù binh Hoa Kỳ và tiền bồi thường chiến tranh chỉ được đưa ra sau khi cả Trung Quốc và Liên Xô đều thông báo cho Hà Nội là họ muốn Hà Nội chấm dứt chiến tranh. Lúc đó Lê Duẩn có muốn đánh tiếp cũng không có gạo, không có đạn để đánh. Do đó chỉ cần 2 cuộc họp cách nhau 2 tháng thì Hà Nội đã đưa ra toàn bộ các điều kiện của họ: tức là thả tù binh Hoa Kỳ vô điều kiện, không đòi thay thế chế độ Thiệu, không đòi thả 38 ngàn tù chính trị Cộng sản Miền Nam, không buộc HK phải ghi điều khoản bồi thường chiến tranh vào trong Hiệp định đình chiến v.v… Dĩ nhiên là Nixon nợ Liên Xô và Trung Quốc nhượng bộ này. Quả nhiên sau này vào năm 1977 Tổng Thống Jimmy Cater của Mỹ xác nhận có một mật ước riêng đằng sau Hiệp Định Paris được Nixon ký với Hà Nội 4 ngày sau khi ký kết Hiệp Định Paris 1973. Bản mật ước do đích thân Kissinger mang tới Hà Nội cho Phạm Văn Đồng ký nhận. Từ đó Lê Duẩn ngày đêm trông chờ món tiền của Kissinger và đến cuối năm 1974, Liên Xô cử tướng Kulikov sang Hà Nội xúi Lê Duẩn đánh chiếm Miền Nam thì có nghĩa là Hiệp Định Paris coi như tờ giấy lộn. Rốt cuộc Hà Nội biếu không 591 tù binh Hoa Kỳ mà chẳng nhận được đồng nào, suốt 10 năm chiến đấu gian khổ, hằng triệu người chết, hằng chục tỉ đô la nợ chiến phí… đến nay chỉ còn là con số không. Vào tháng 10 năm 1988 Hà Nội cho công bố toàn văn bản mật ước Nixon & Phạm Văn Đồng. Theo đó thì Nixon hứa sẽ viện trợ tái thiết cho Bắc Việt 3,25 tỉ USD và viện trợ phát triển kinh tế cho Hà Nội 1,5 tỉ USD

Vì vậy Quốc Hội có một cách khác để moi ra những gì mà Nixon đã cam kết với LX, TQ và Hà Nội vào năm 1972, đó là cách lợi dụng vụ Watergate để triệu tập một Ủy ban điều tra đặc biệt về sai phạm của Nixon trong vụ nghe lén, nhờ đó công tố viên của ủy ban điều tra có quyền bắt Nixon phải đưa ra tất cả những cam kết ngầm với Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa và cả Hà Nội. Nixon chỉ còn có cách từ chức để né tránh Ủy ban điều tra bởi vì ông và Kissinger đã có những thỏa thuận mật với đối phương mà không xin phép Quốc Hội. Một khi ông từ chức thì những cam kết của ông trở thành vô hiệu lực. Quốc Hội sẽ không còn cớ để truy xét.

Sau khi Nixon từ chức thì Quốc Hội Hoa Kỳ cho thông qua đạo luật cấm Hoa Kỳ buôn bán với các nước Cộng Sản vào cuối năm 1974 (Đạo luật Jackson-Vanik). Sự trở mặt của Quốc Hội Mỹ đã khiến Liên Xô tức giận bởi vì những cam kết của Nixon khi ông ta viếng thăm Liên xô vào năm 1972 đã không được thi hành. Vì vậy, cuối năm 1974, Đại Tướng Thứ trưởng Quốc phòng Liên Xô Viktor Kulikov đến Hà Nội để xúi Hà Nội đưa quân đánh chiếm Miền Nam, Liên Xô sẽ cung cấp vũ khí và chiến phí. Tướng Viktor Kulikov xúi Hà Nội phát động chiến tranh trở lại nhưng Lê Duẩn và tập đoàn lãnh đạo CSVN thực sự trắng mắt. Dân chúng Miền Bắc đã kiệt sức, trong 5 năm nhà nước đã đóng cửa tất cả 18 trường đại học và cao đẳng, bòn vét nhân lực đến độ phải gọi lính ở tuổi 16, tại Miền Bắc chỉ còn một trời đàn bà góa… (Theo hồi ký của tướng CSVN Hoàng Văn Thái thì cho tới năm 1974 Hà Nội đã động viên đến 16% dân số, không thể nào động viên thêm được nữa. Trong khi Miền Nam là 5.8  %). Đầu năm 1975, Quân Bắc Việt đã huy động gần như toàn bộ lực lượng của mình gồm 270 ngàn quân chủ lực cho chiến dịch mở cuộc tấn công lớn trên toàn miền Nam Việt Nam, bắt đầu là ở Tây Nguyên trong khi Miền Bắc bỏ trống và bảo vệ bởi quân lính Nga và Tàu (khoảng trên 100000) .

Những kết quả trinh sát đường không cho biết đã có hàng chục vạn tấn tiếp liệu được đối phương đưa vào miền Nam qua hàng vạn km đường hành lang Đông và Tây Trường Sơn. Hệ thống ống dẫn dầu đã vào đến Bến Giàng (Quảng Nam) và đang tiếp tục được nối qua Hạ Lào và Cao nguyên trung phần và đến địa đầu Quân khu III. Như vậy, theo dự đoán phân tích của VNCH thì nếu không đánh lớn trong năm 1975, với quy mô lớn hơn năm 1972 và kéo dài cả năm có thể mục đích chiếm Quảng Trị, cô lập Huế, Đà Nẵng, lấy Kontum, lấy Tây Ninh làm thủ đô đồng thời đẩy mạnh hoạt động du kích ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, tinh thần và khả năng chiến đấu của quân đội VNCH bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là sau khi Richard Nixon từ chức vì vụ Watergate vào tháng 8 năm 1974. Phó tổng thống Gerald Ford kế nhiệm chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ vẫn cam kết ủng hộ đồng minh VNCH nhưng với những giới hạn vì nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong giai đoạn khó khăn sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 và phải tập trung viện trợ quân sự cho Israel để giữ đồng minh chiến lược này ở Trung Đông. Ở thời điểm 1974-1975, đối với Hoa Kỳ, việc giải quyết khủng hoảng dầu lửa và vấn đề Trung Đông cùng với việc tái tạo trang bị cho đồng minh Israel sau khi họ thua trận trước đối thủ Ai Cập trên bán đảo Sinai tháng 10 năm 1973 là vấn đề quan trọng hơn so với việc viện trợ cho đồng minh VNCH.Tình trạng miền Nam Việt Nam trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối năm 1974 khi Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật 1974 Foreign Assistance Act, chấm dứt tất cả những viện trợ quân sự. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ không thể dùng không lực để trợ giúp miền Nam Việt Nam khi CSBV vi phạm Hiệp Định Paris. Sự suy sụp này còn do các mục tiêu tác chiến không thể hoàn thành như đã định cũng như những thất bại liên tiếp trên chiến trường (Hải chiến Hòang Sa, trận Thường Đức, trận Phước Long).

Cuối 1974, Quân Bắc Việt chủ lực của miền Đông Nam Bộ phối hợp với lực lượng địa phương Việt Cộng mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long chiếm thị xã và toàn tỉnh Phước Long. Đêm ngày 13/12/1974, quân Bắc Việt nổ súng tại Phước Long. Lực lượng của VNCH chỉ gồm Địa phương quân, Nghĩa quân, và 4 trung đội Pháo binh, tổng cộng khoảng 4,000 người. Dù phải đối đầu với lực lượng áp đảo của Bắc Việt gồm 2 sư đoàn (Sư đoàn 7 và 3 Bộ binh) cùng với các đơn vị pháo, xe tăng, đặc công, và phòng không gộp lại là đông hơn lực lượng Miền Nam gấp sáu lần, lực lượng trú phòng vẫn chống cự và kéo dài được trên ba tuần, tới 6/1/1975. Chiến bại này đánh dấu một bước suy sụp mới của quân chủ lực VNCH đã không còn đủ sức hành quân giải tỏa quy mô lớn để lấy lại các vùng, các căn cứ và thị xã quan trọng trên các địa bàn giáp ranh, dù Phước Long chỉ cách Sài Gòn 50 km. CSBV chiếm toàn tỉnh Phước Long vào ngày 6-1-1975 và tỉnh Bình Long vào ngày 7-1-1975.

Trận Phước Long chưa phải là trận mở màn cho Chiến dịch Mùa xuân 1975 của Quân Bắc Việt nhưng được coi như một trận trinh sát chiến lược nhằm thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ cũng như khả năng ứng cứu, phản kích, giải tỏa của Quân lực VNCH và khả năng giữ vững những vùng đã chiếm lĩnh của QGP trước khi bước vào chiến dịch lớn. Đối với phía VNCH đây cũng là dịp để họ xem xét phản ứng của phía Hoa Kỳ theo lời cam kết sẽ hỗ trợ tối đa mà Tổng thống Gerald Ford đã hứa trong thư gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 10 tháng 8 năm 1974. Ngay sau thất bại Phước Long, cố vấn Mỹ John Pilger đã tiên liệu trước về sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn sẽ diễn ra trong nay mai. Ông viết: Sài Gòn đang sụp đổ trước mắt, một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố được coi là "thủ đô tiêu dùng" nhưng chẳng hề sản xuất được một mặt hàng nào ngoài chiến tranh. Trong hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó, binh lính đang đào ngũ với tốc độ cả nghìn người trong một ngày. Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Schlesinger điều trần trước Quốc Hội vào ngày 14-1-1975 rằng Hoa Kỳ không giữ lời hứa với Tổng Thống Thiệu. Bẩy ngày sau, Tổng Thống Gerald Ford tuyên bố rằng Hoa Kỳ không sẵn sàng tái tham chiến tại Việt Nam.

Năm 1975, ngày 7-1: Phản ứng của Mỹ sau khi mất Phước Long trong thông cáo của Tòa Bạch Cung: “Tổng Thống Ford không có ý vi phạm những điều cấm chỉ (của Quốc Hội) về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam”. Khi vừa nghe tin này Phạm Văn Đồng tuyên bố: “Cho kẹo quân Mỹ cũng không dám trở lại VN”. Ngay sau khi nhận được tin, Lê Duẩn chỉ thị cho Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Hoàng Văn Thái lên kế hoạch tiến chiếm miền Nam. Một tháng sau chiến thắng Phước Long, ngày 5 tháng 2, Văn Tiến Dũng lên đường vào Tây Nguyên. Ngày đó cơ quan USIS của CIA tung tin quân VNCH thua tại Phước Long là do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cố tình bỏ Phước Long để thử xem phản ứng của Mỹ. Sở dĩ CIA đổ cho Nguyễn Văn Thiệu là để Quốc Hội Mỹ có cớ biểu quyết ngưng viện trợ quân sự cho VNCH. Khi không thấy Hoa Kỳ có phản ứng nào cả sau khi chiếm được Phước Long, ngày 8-1-1975 Hà Nội ra lệnh tổng tấn công để hoàn tất chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngày 7-3-1975, Kissinger chỉ thị cho các viên chức Ngoại Giao HK trước khi ông ta lên đường đi Trung Đông: “Hãy làm mọi cách để Quốc Hội tiếp tục duy trì viện trợ tối thiểu 700 triệu Mỹ kim trong tài khóa 1975 chung cho Cam Bốt và Việt Nam. Không phải để cứu vãn hai nước đó, mà vì không thể nào cứu vãn được hai nước đó” (Frank Snepp, Decent Interval trang 176). Kissinger không muốn thiên hạ nghĩ rằng Việt Nam sụp đổ do không còn viện trợ. Hai ngày sau khi Kissinger nói câu này thì Văn Tiến Dũng ra lệnh tấn công Ban Mê Thuộc. Với mức độ viện trợ 300 triệu thì đến ngày 30-6-1975 quân đội VNCH sẽ không còn Gạo và không còn Đạn (Tài Liệu The Final Collapse của Đại Tướng VNCH Cao Văn Viên). Vì thế Kissinger mong cho Quân đội VNCH tự tan rã trước khi hết Gạo và Đạn trước tháng Sáu năm 1975. Lúc đó thiên hạ sẽ nghĩ rằng Quân Đội Sài Gòn đã thua chạy trước sức tiến công vũ bão của quân Hà Nội.

Sau khi Ban Mê Thuộc bị QBV đánh chiếm và Quân lực VNCH phản kích thất bại, với cương vị Tổng tư lệnh, Nguyễn Văn Thiệu đã tỏ ra lúng túng rồi quyết định rút bỏ toàn phần Cao nguyên Trung phần. Sáng 14 tháng 3 tại Cam Ranh, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho Trung tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân đoàn II - Quân khu II triệt thoái các lực lượng QLVNCH khỏi Tây Nguyên. Chiến dịch này tạo nên bước ngoặt đánh dấu giai đoạn bắt đầu sụp đổ của VNCH. Sai lầm chiến lược đó đã đưa đến những cuộc tháo chạy hỗn loạn khỏi các tỉnh Tây Nguyên và bị Quân Bắc Việt tấn công gây thiệt hại nặng. Sau đó các tỉnh duyên hải miền Trung cũng thất thủ.

Để ngăn chặn các nhà báo đưa tin về việc việc thất trận tại Tây Nguyên, ông Thiệu đã ra lệnh bỏ tù 19 nhà báo và đóng cửa 5 tờ báo. Sự gia tăng thù địch của chính quyền đối với báo chí nước ngoài sau ngày 14-3-1975 ký giả Paul Leandri của Agence France-Presse phải tới Tổng Nha Cảnh Sát để thẩm vấn và đã bị cảnh sát Sài Gòn bắn chết vì cố ý bỏ chạy. Phóng viên ngoại quốc vô cùng phẫn uất, phản kháng kịch liệt. Trong một tình hình vô cùng bất lợi cho Miền Nam về tất cả mọi phương diện quân sự, chính trị, kinh tế, và bộ mặt Miền Nam đã bị bôi nhọ bởi những hình ảnh dã man, độc tài, tham nhũng, bây giờ hình ảnh Leandri bị bắn gục chết lại phóng đi khắp thế giới! Cuối cùng, sau 30-4-1975 báo chí và chính quyền Mỹ mở chiến dịch đổ tội làm mất nước cho Tổng Thống Thiệu để cho người ta không oán hận Mỹ đã bỏ rơi VNCH.

Ngày 28/3/1975, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, tướng Frederick C. Weyand, bay sang Sài Gòn khảo sát tình hình để báo cáo cho Tổng thống Mỹ. Thấy rõ sự thất bại không thể cứu vãn nổi, sau khi xem báo cáo của Weyand, Ngoại trưởng Henry Kissinger đã nguyền rủa: “Sao bọn chúng -Việt Nam Cộng Hòa- không chết quách đi. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống vất vưởng hoài”. Phần lớn các nhân vật trong Quốc hội và Chính phủ Mỹ phản đối việc đưa quân Mỹ trở lại Việt Nam. Vấn đề cấp bách hơn lúc này là phải đưa người Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Ngày 17 tháng 4, Thượng viện Hoa Kỳ từ chối khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 722 triệu Mỹ kim mà chính phủ Gerald Ford đề nghị. Tuy không ai tin rằng viện trợ Mỹ có thể xoay chuyển tình thế, một số chuyên viên như Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hy vọng rằng ngân khoản đó có thể giúp Việt Nam Cộng Hòa lấy lại được đủ vị thế về quân sự để thuyết phục đối phương ngừng tiến quân và đàm phán. Hai ngày sau phán quyết này của Thượng viện, giám đốc CIA William Colby nói với Tổng thống Ford: "Nam Việt Nam đang đối mặt với thất bại hoàn toàn và nhanh chóng".

Các chuyến bay di tản do CIA tổ chức đã bắt đầu đưa các cộng tác viên người Việt rời Việt Nam, và Sứ quán Mỹ đã bắt đầu đốt tài liệu mật từ trước đó. Ngày 20 tháng 4 các thủ tục pháp luật được đơn giản hóa cho việc sơ tán người Việt bắt đầu có hiệu lực. Việc sơ tán này được thực hiện tại sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, do tướng Homer Smith chỉ huy. Các máy bay C-130 và C-140 liên tục lên xuống vào ban ngày; công việc giấy tờ được tiếp tục suốt đêm. Tướng Smith đã phải dùng đến toàn bộ trung đội Thủy quân Lục chiến số 43 của Mỹ để giữ trật tự tại Tân Sơn Nhất. Tại New Orleans vào ngày 23-4-1975, Ông Ford tuyên bố chiến tranh Việt Nam chấm dứt.

Đại Tướng Cao Văn Viên trong hồi ký, The Final Collapse viết  “Một sự thực không thể chối cãi là quân đội VNCH sẽ hết đạn và nhiên liệu vào tháng 6 năm 1975…” Ông Viên trích dẫn tài liệu của Ngũ Giác Đài: “Ngay sau khi Phước Long bị tấn công, Hoa Kỳ không có một phản ứng nào . Một thực tế gần như hiển nhiên là Hoa Kỳ không muốn cuộc chiến tiếp tục và biểu quyết viện trợ để VNCH đánh tiếp là chuyện sẽ không xảy ra. Đối với Hoa Kỳ cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc”. Các đoạn trích dẫn trên đây đã giải thích vì sao Tổng Thống Thiệu phải bỏ Vùng 1 cũng như Vùng 2. Dù QLVNCH kháng cự mạnh khiến Quân Bắc Việt chịu nhiều tổn thất, song không ngăn được đà tiến công. Xung quanh Sài Gòn, QBV đã tập trung tất cả những lực lượng mạnh nhất của mình, gồm 270.000 quân chủ lực Quân Bắc Việt và lực lượng vũ trang QGP, để chuẩn bị cho trận chiến mà họ tin chắc là sẽ đem đến toàn thắng cho cuộc đấu tranh kéo dài 30 năm của đất nước. Ngày 20 tháng 4, lực lượng phòng thủ Xuân Lộc của Quân lực VNCH bị buộc phải rút lui. Khi Xuân Lộc thất thủ, không còn gì có thể cứu vãn chế độ Sài Gòn nữa. Việc bỏ Xuân Lộc khiến Sài Gòn gần như bỏ ngỏ, không còn phòng thủ từ xa nữa; Quân Giải phóng và Bắc Việt áp sát thành phố ở các tuyến ngoại vi.

Cùng ngày 20 tháng 4, Đại sứ Mỹ Martin đến phủ Tổng thống thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu từ chức, bởi phía VNDCCH đã liên tục tuyên bố sẽ không đàm phán với Nguyễn Văn Thiệu. Do sức ép lớn từ các tướng dưới quyền như Trần Văn Đôn, Cao Văn Viên, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào tối ngày 21 tháng 4 năm 1975. Khi từ chức, Nguyễn Văn Thiệu đã xuất hiện trên truyền hình phát biểu suốt 3 giờ đồng hồ để trách móc việc thoái thác trách nhiệm của chính phủ Mỹ. Cũng trong bài diễn văn từ chức, ông tuyên bố mạnh mẽ rằng ông sẽ cầm súng tham gia chiến đấu: "Dù mất một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ..."  Nhưng những tuyên bố đó đã không được Nguyễn Văn Thiệu thực hiện. Chỉ 4 ngày sau, ông đã bí mật lên máy bay thoát khỏi Sài Gòn vào đêm ngày 25 tháng 4 năm 1975. Cuộc ra đi của Nguyễn Văn Thiệu diễn ra bí mật trong đêm tối, dưới sự sắp đặt của Thomas Polgar, trưởng CIA tại Sài Gòn. Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay nhưng phía MTDTGP vẫn không chấp nhận nói chuyện với ông.

Thời điểm 21 tháng 4 khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức có ý nghĩa quyết định. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rằng "chìa khóa là ngày 21 tháng 4, khi Thiệu từ chức. Khi đó tôi biết rằng chúng tôi phải tấn công ngay lập tức, cướp lấy thời cơ, tất cả chúng tôi cũng đồng ý như vậy". Đêm hôm đó, tại Sở Chỉ huy Tiền phương tại Lộc Ninh, cách Sài Gòn 75 dặm, tướng Văn Tiến Dũng, người chỉ huy các cánh QBV tiến về thành phố, ra lệnh bắt đầu cuộc tổng tiến công. Để đảm bảo chiến thắng, QĐNDVN đưa thêm cả Quân đoàn 1 (hay còn gọi là Binh đoàn Quyết thắng) bằng tàu biển và hàng không vào chiến trường Sài Gòn cho trận cuối cùng có tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lực lượng tiến công Sài Gòn tương đương 20 sư đoàn, tổ chức thành 5 quân đoàn. Lúc 17 giờ ngày 26 tháng 4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng với 5 quân đoàn ở 5 hướng tấn công: hướng Bắc với Quân đoàn 1, hướng Tây Bắc với Quân đoàn 3, hướng Tây và Tây Nam với Đoàn 232, hướng Đông với Quân đoàn 4 và hướng đông nam với Quân đoàn 2. Ngày 27 tháng 4, sân bay quân sự Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn chịu 3 loạt hỏa tiễn của QBV lần đầu tiên trong hơn 40 tháng làm nhiều người chết và bị thương, nhà cửa đổ nát. Hai lính Mỹ thiệt mạng do hỏa tiễn, là những lính thiệt mạng cuối cùng của Mỹ trong cuộc chiến.

Đến cuối ngày 28 tháng 4, tất cả các tuyến phòng thủ đã bị chọc thủng ở mọi hướng, QBV có thể tiến ngay vào thành phố nhưng họ dừng lại để có thêm thời gian cho giải pháp đàm phán. Các lực lượng chính trị thứ ba Sài Gòn dàn xếp để đưa Đại tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống trong ngày 28 tháng 4 năm 1975. Ngay khi nhậm chức, để tiến hành đàm phán Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ ra đi. Ngày 29/4 tức 16 giờ ngày 28/4 theo giờ Washington, hỏa tiễn và đạn pháo QBV đã nã tới tấp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tổng thống Ford triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia họp khẩn cấp lúc 19h30, ông đã yêu cầu Đại sứ Graham Martin phải di tản ngay những người Mỹ còn lại và cả những người Việt Nam càng nhiều càng tốt.Vào buổi trưa ngày 29-4-1973, Đài Phát Thanh Saigon truyền đi bản nhạc “I’m Dreaming of a White Christmas” qua giọng ca của Bing Crosby, báo hiệu cuộc di tản cuối cùng của Hoa Kỳ bắt đầu.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975,Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Paris (Association Générale des Etudiants Vietnamiens de Paris-AGEVP) đã cùng với hàng ngàn người chít khăn tang trắng khóc giữa lòng đại lộ Paris trong “ Một ngày Tang Lớn” ( Grande Journée de Deuil) ông Nguyễn Hoài Thanh, cựu chủ tịch THSV nhiệm kỳ 1985-1987 nhớ lại lúc ông cùng Hòa vào dòng người xuống đường năm ấy: “Dĩ nhiên chúng tôi rất là xúc động vì chúng tôi đã biết trước Sài Gòn sẽ sụp đổ khi Kissinger ra quyển sách Việt Nam hoá chiến tranh. Chúng tôi rất đau đớn khi đồng minh của chúng ta đã bỏ rơi chúng ta, chúng tôi cũng rất là đau đớn là thế giới đã ký hiệp định 73. Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ rơi. Chúng tôi xuống đường để cho thế giới thấy rằng nhân dân miền Nam sắp sửa mất tự do và chúng tôi xuống đường để tưởng niệm tất cả những chiến sĩ đã nằm xuống cho Tự do và Dân chủ.

QGP-Quân Bắc Việt dừng lại bên ngoài thành phố một ngày để cho người Mỹ di tản hết mới vào. Theo lời tướng Trần Văn Trà, cánh quân của ông đã đợi vì mục đích chính là để giải phóng Sài Gòn chứ không phải để giết người Mỹ và sỉ nhục họ. Theo hồi ký của các tướng tá của quân lực VNCH như Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Chánh Thi, và cựu dân biểu Lý Quí Chung, thì sáng ngày 28/4, tướng tình báo Pháp Francois Vanussème đã tới gặp Tổng thống Dương Văn Minh và đề nghị VNCH kêu gọi Trung Quốc đem quân can thiệp để cứu quân lực VNCH đang trong cơn nguy kịch. Một nhân viên ngoại giao Trung Quốc đề nghị quân lực VNCH hãy cố thủ, án ngữ Vùng 4 Chiến thuật, hứa hẹn Trung Quốc sẽ đem quân đánh vào biên giới miền Bắc Việt Nam để giải vây. Dương Văn Minh, vốn đã được Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam thông qua em trai là Dương Văn Nhựt bí danh Mười Ty, Đại tá QGP và gia đình thuyết phục từ trước, đã từ chối và nói: Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc.”

8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Tổng thống Dương Văn Minh và Bộ Tổng Tham mưu quân đội VNCH hạ lệnh đơn phương ngừng chiến, sẵn sàng đón quân đối phương tiến vào Sài Gòn: “Đường lối, chủ trương của chúng tôi là Hòa giải và Hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự Hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng vì chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào.” Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng QGP trao chính quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN. Quân Mỹ cũng rút toàn bộ lực lượng quân sự và di tản người Mỹ khỏi ba nước Đông Dương sau sự kiện này.

Theo phía QGP, lệnh này trên thực tế cũng không có nhiều tác dụng do phần lớn quân lực VNCH lúc đó đã tan rã, hầu hết binh lính đã ra hàng hoặc vứt bỏ vũ khí về với gia đình. Do đó khi quân GGP tiến vào Sài Gòn hầu hết chỉ gặp những ổ kháng cự nhỏ lẻ, thiếu tổ chức. Việc Đại úy Phạm Xuân Thệ yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng thay vì phương án thành lập chính phủ liên hiệp ba thành phần là nhằm buộc Quân lực VNCH trên khắp chiến trường buông súng, tránh thương vong không cần thiết cho cả hai bên lẫn dân thường.

Theo Tổng trưởng Thương mại VNCH Nguyễn Văn Diệp, trước khi QGP tiến vào Sài Gòn, tướng tình báo Pháp là Francois Vanuxem (lúc đó mới đeo hàm Đại tá) đến gặp các Tổng thống Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền - Chủ tịch Thượng viện Sài Gòn và Vũ Văn Mẫu vào sáng 30/4 để đề nghị VNCH tiến hành hoãn binh, không đầu hàng Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN mà tiếp tục đưa ra yêu sách thành lập chính phủ liên hiệp. Nếu chính phủ liên hiệp được thành lập, Pháp sẽ giúp VNCH nhận được sự bảo trợ của Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, Tổng thống Dương Văn Minh ngay lập tức từ chối.

Động cơ của Pháp lúc đó là muốn Sài Gòn ngừng bắn để bảo vệ các tài sản của Pháp tại Sài Gòn tránh khỏi sự tàn phá của việc giao tranh, việc bảo vệ Sài Gòn chính là bảo vệ các lợi ích của Pháp. Pháp muốn thiết lập lại ảnh hưởng của họ trên thuộc địa cũ. Trong Bộ Ngoại giao Pháp và các cố vấn ở Phủ Tổng thống có hai xu hướng giải quyết đối với vấn đề Sài Gòn. Một thì ra sức hoạt động cho một sự thu xếp ngừng bắn, một thì chủ trương nên tính chuyện làm ăn với Chính phủ Cách mạng lâm thời. Thậm chí, khi QGP bắt đầu chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Pháp đã cử Đại sứ Pháp tại Hà Nội Philippe Richer tới gặp Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng để bàn cách lật đổ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu để dựng lên một chính quyền có thể nói chuyện được với Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN. Tổng thống Dương Văn Minh đã nhìn ra ý đồ của Pháp và không muốn Trung Quốc can thiệp vào quá trình thống nhất Việt Nam nên đã từ chối, chấp nhận đầu hàng Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN để nhanh chóng có Hòa bình và thống nhất.

Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống không có ý để thương thuyết với cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết; cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông Minh chủ trương hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Điều này thể hiện rõ khi Dương Văn Minh chỉ định hai "cơ sở ngầm" của VNCH (Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và Luật sư Triệu Quốc Mạnh) nắm hai lực lượng vũ trang là quân đội và cảnh sát; cử một người dân sự (Giáo sư Bùi Tường Huân) làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; chưa đầy một ngày sau khi nhậm chức thì ngày 29/4/1975 ông đã ra lệnh thả tù chính trị, chấm dứt liên lạc với phái đoàn DAO của Mỹ, không di chuyển quân, không phá cầu.

9 giờ sáng cùng ngày, đúng 3 tiếng đồng hồ sau khi chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ rời nóc tòa Đại sứ quán, tướng Trần Văn Trà lệnh cho QGP tiến vào Sài Gòn từ năm hướng. Họ đã tiến nhanh mà không gặp một sự kháng cự có tổ chức nào. Tại đài phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh thay mặt toàn bộ nội các của chính phủ Sài Gòn đã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với quân đội cách mạng tức QGP chiều ngày 30 tháng 4. Ca khúc “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn được chính ông trình bày trên đài phát thanh Sài Gòn và là ca khúc đầu tiên được phát trên đài sau khi chế độ VNCH đầu hàng.

Sử gia George C. Herring là cựu giáo sư lịch sử danh dự tại Đại học Kentucky nhận xét:"Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ chỉ sau 55 ngày kể từ khi quân Giải phóng bắt đầu tấn công. Điều này cũng chứng minh cho căn bệnh mà chính quyền này đã bị nhiễm phải ngay từ khi thành lập: sự manh mún về chính trị; thiếu các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và có năng lực; một tầng lớp trên mệt mỏi và tham nhũng không có khả năng điều chỉnh cho thích nghi đã tạo nên một cơ sở quốc gia yếu kém đến mức nguy hiểm... Trước những thực tế khắc nghiệt này, nỗ lực nhằm tạo nên một thành trì chống cộng ở ngay phía nam vĩ tuyến 17 đã có mầm mống thất bại ngay từ đầu"

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua hồi ký của ông cố vấn Nguyễn Tiến Hưng luôn luôn quy lỗi cho Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh. Họ nguyền rủa Hoa Kỳ đã tháo chạy bỏ rơi miền Nam. Họ không bao giờ coi cuộc chiến đấu chống cộng sản như là nhu cầu lịch sử và họ có trọng trách trước lịch sử để bảo vệ đất nước trước đe dọa của hiểm họa cộng sản. Khi Hoa Kỳ không viện trợ nữa, họ từ chức. Mặc dù trước đó, khi Hoa Kỳ còn viện trợ, họ chấp nhận màn bầu cử độc diễn để tiếp tục quyền lãnh đạo, bất chấp các nguyên tắc bầu cử dân chủ. Họ không bao giờ quan niệm rằng dù có Hoa Kỳ hay không nhân dân Việt Nam phải chiến đấu chống lại sự áp đặt chủ nghĩa và chế độ cộng sản trên quê hương.

Tướng Cao Văn Viên, trong một cuộc phỏng vấn lúc cuối đời, đã có một số nhận xét về Nguyễn Văn Thiệu cũng như so sánh giữa Nguyễn Văn Thiệu và Ngô Đình Diệm: "Mỗi người độc tài theo cách riêng. Tổng thống Diệm cai trị nước như một quan lại của thời quân chủ, ông bẩm sinh chống cộng, tự ban cho mình 'thiên mạng' cứu nước. Tổng thống Diệm tự hào về dân tộc, tự đại về gia đình, thích độc thoại, không chấp nhận dễ dàng sự chỉ trích. Ông chủ trương 'tiết trực tâm hư' nhưng bị ảnh hưởng nặng của gia đình. Còn ông Thiệu thì theo đường lối 'độc tài trong dân chủ, bên trong chi phối cả hai ngành lập pháp và tư pháp. Bàn tay sắt trong đôi găng nhung. Vì không vững kiến thức như ông Diệm, ông Thiệu chịu khó thăm dò ý kiến của các chuyên viên, lắng nghe, đúc kết lại để quyết định một mình. Tổng thống Diệm dễ tin người xu nịnh nên dễ bị phản trắc. Ông Thiệu đa nghi Tào Tháo và không e ngại ban phát ân huệ để tạo phe cánh và chia rẽ đối phương như ông đã làm tại Quốc hội. Ông chủ trương 'làm chính trị phải lì. Bởi thế Tổng thống Thiệu 'lật' ông Kỳ không khó và tồn tại lâu hơn Tổng thống Diệm nhưng ông không khí khái bằng ông Diệm. Ông Thiệu mưu sĩ, ông Diệm đạo đức."

Tuy nhiên cuối cùng, khi mà hòa bình đã đạt được bằng cái giá phản bội dân tộc Việt Nam, Kissinger mới bình tâm thú thực cảm nghĩ của ông ta về người lãnh đạo đất nước Việt Nam trong thời gian gay cấn nhất của lịch sử. Kissinger nói: “ Sau khi ngưng bắn, quân đội chúng ta sẽ rút về bên kia bán cầu, còn dân tộc của ông vẫn còn cảnh một đội quân tiếp tục hy sinh cho những hy vọng mong manh của nền độc lập tại Đông Dương. Chúng ta đã chắc rằng biện pháp của chúng ta sẽ kềm hãm tham vọng của Hà Nội. Nhưng mắt của ông T.T. Thiệu chỉ quan ngại vào những điều mong manh về sau này…” Kissinger cũng thú thực là vì không còn cách lựa chọn nào khác cho nên Mỹ đành phải hy sinh miền Nam Việt Nam, và cũng vì vậy mà Kissinger đành phải đóng vai làm kẻ thù của T.T. Nguyễn Văn Thiệu nhưng tự sâu xa trong đáy lòng, Kissinger khâm phục T.T. Thiệu:“Như là một phép lạ phát xuất từ lòng dũng cảm, ông Thiệu đã cố gắng lèo lái quốc gia trong giai đoạn cam go này, chiến đấu chống lại quân thù cố tâm xâm lấn và làm an tâm đồng minh nào chưa thông hiểu ông… Về riêng tư tuy tôi dành ít cảm tình về ông T.T. Thiệu nhưng tôi rất kính nể ông vì ông là một người kiên tâm chiến đấu trong nỗi cô đơn ghê gớm sau cuộc rút quân của Hoa kỳ. Ông chấp nhận những cảm tình và thông hiểu ít ỏi dành cho ông. Chuyện đó không làm phẩm chất của ông hao mòn đi…” (Bản dịch của Xuân Khuê).

Sau 1975 thì người Mỹ muốn lái sự oán hận mất nước của nhân dân Miền Nam vào T.T. Nguyễn Văn Thiệu và quân đội VNCH để quên đi hành động “bán đứng đồng minh” của Mỹ (Lời của T.T. Nguyễn Văn Thiệu nói thẳng vào mặt Kissinger năm 1972). Họ vận động các phương tiện truyền thông tiếng Việt tại hải ngoại kết án ông Thiệu làm cho mất nước. Họ kết án quân đội VNCH hèn nhát, tham nhũng v.v,… Họ dập tắt tiếng nói thanh minh của ông Thiệu và của những quân nhân VNCH. Hằng năm cứ vào mùa tháng Tư thì các phương tiện truyền thông tiếng Việt như RFA, BBC,… lại rộn lên những luận điệu kêu gọi Hòa hợp Hòa giải giữa chế độ CSVN và những người đã bị đuổi chạy ra nước ngoài. Họ coi những người rượt đuổi và những người bị đuổi đều tội lỗi như nhau.

Trong khi đó cuộc chiến Nam Bắc Hàn cũng giống hệt như cuộc chiến Việt Nam. Nhưng ngày nay RFA, BBC… nói cho con cháu Nam Hàn rằng năm 1950 quân Bắc Hàn tràn qua vĩ tuyến 38 đánh chiếm Nam Hàn. Quân đội Mỹ đã giúp nhân dân Nam Hàn đẩy lui quân Bắc Hàn về Bắc. Tội lỗi đều là phía Bắc Hàn chứ phía Nam Hàn không có lỗi. Nhưng đối với cuộc chiến Việt Nam thì quân Bắc Việt cũng tràn qua vĩ tuyến 17 đánh chiếm Miền Nam nhưng Mỹ lại nói: Phía CSVN và phía VNCH đều có lỗi cho nên Mỹ đứng giữa không biết giúp bên nào!! Cho tới nay cũng chưa ngã ngũ bên nào phải bên nào trái. Người Mỹ vẫn muốn con cháu Việt Nam nhìn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu như là một kẻ luôn luôn cản trở và phá hoại hòa bình.

Sau này, giới sử học phương Tây chủ yếu tìm hiểu xem tình trạng thiếu đạn dược trong quân đội VNCH tác động như thế nào đến sự sụp đổ của nó, mà họ không biết rằng chính Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam còn chịu thiếu hụt nghiêm trọng hơn nhiều. Sự sụp đổ nhanh chóng của quân VNCH, thực tế không nằm ở hỏa lực, mà theo đánh giá của Merle L. Pribbenow thì "Đòn tiêu diệt mạnh nhất chính là tâm lý choáng váng mà chiến lược tài ba và đầy bất ngờ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nện vào tổng tư lệnh Việt Nam Cộng Hòa."

Nhà báo Pháp Paul Dreyfus là một trong 25 nhà báo Pháp có mặt tại Sài Gòn vào giờ phút cuối cùng của tháng Tư năm 1975. Trong cuốn sách của mình với tựa đề "Và Sài Gòn sụp đổ" (Et Saigon tomba - Collection Témoignages 1975), tác giả đánh giá sự kiện Sài Gòn thất thủ là sự kiện 'quan trọng nhất' với hệ thống cộng sản châu Á sau cuộc tiến vào Bắc Kinh năm 1949 của Mao. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 24/4/1975 kéo dài hơn một giờ, tác giả đã mô tả Tướng Dương Văn Minh rất trầm tĩnh với giọng nói chậm rãi và nhẹ nhàng đề cập đến cơ hội rất mỏng manh về đàm phán với lòng bối rối sâu sắc trước hiện tình đất nước. Ông Minh mô tả tình trạng kiệt quệ của quân đội, những tướng lĩnh mất tinh thần, những kho đạn và chiến cụ gần như trống rỗng, vật tư bị bỏ mặc, bộ máy hành chính bất lực, dân chúng lo lắng và những người của Thiệu không làm gì khác là cất giấu đô la, vàng.Tác giả cho biết "Thế nào đi nữa, ông nói với tôi, tôi sẽ không đi đâu cả. Hạnh phúc hay bất hạnh đó vẫn là tổ quốc tôi. Nhưng tôi cảm thấy rất bất hạnh. Tôi thích sống trong ngục tù của tổ quốc tôi còn hơn tự do ở nước ngòai." Cùng ngày Tổng Thống Hương đã đến gặp tướng Minh bàn về vai trò đàm phán hai bên.

Tối ngày 26-4, Thượng và Hạ viện nhất trí trao toàn quyền cho tướng Minh hoạt động ngõ hầu mang lại một 'nền Hòa bình trong danh dự', trong lúc cả tối thứ Bảy và Chủ Nhật đạn pháo nã vào trung tâm Sài Gòn. Một người cộng sự thân thiết của tướng Minh đã nói với Dreyfus không úp mở: "Chúng tôi nắm một sứ mệnh không thể thực hiện nỗi.” Người dân thủ đô sống trong thấp thỏm trước những đợt pháo kích ngày càng gia tăng. Những sư đoàn Bắc Việt và Việt Cộng được chiến xa hạng nặng hỗ trợ chỉ còn không đầy 30 km cách thủ đô VNCH. Những tướng lĩnh can đảm nhất cũng nói rằng tất cả đã mất. Các chuyến bay 'Galaxia' của không quân Mỹ hối hả chuyển những công dân Hoa Kỳ di tản, các chân tay thân cận của Thiệu theo chân chủ chạy trốn với những valy chật căng đô la, nữ trang, vật dụng quý giá.

Buổi sáng 30-4 lúc 10 giờ trong số những sĩ quan của đoàn quân chiến thắng có những Việt Cộng hoạt động đặc công bí mật tại Sài Gòn, không mặc quân phục, không mang quân hàm, quân hiệu, có mặt tại văn phòng tổng thống trong giờ tiếp nhận đầu hàng biết rất rõ tướng Minh. Ông ta tiến gần và nói:"Ông đã làm một việc lớn cho Việt Nam, ngăn không cho Sài Gòn bị phá hủy. Chúng tôi cám ơn ông, tướng Minh." Minh đáp lại rằng ông hy vọng vào sự nghĩa hiệp của người chiến thắng.

Nhà báo Paul Dreyfus cũng suy tư về chuyện ông Minh đã nghĩ gì: "Có lúc nào, ở thời khắc ngắn ngủi những ngày trước, tướng Minh đã nghĩ là khả thi thỏa thuận được một cuộc đàm phán? Tôi không tin. Trong lần gặp gần nhất với ông, khi chưa nắm bộ máy quyền lực, tôi nhận thấy ông đã nghĩ rằng việc đầu hàng là không tránh khỏi. Song không nghi ngờ gì, tướng Minh hy vọng có thời gian để dàn xếp thể thức ra sao. Bằng việc gạt qua cá nhân mình, Minh đã chấp nhận trong con mắt của lịch sử, là một viên tướng đầu hàng không điều kiện, để tránh cho đất nước của ông những đớn đau không cần thiết.

Nhưng cũng có những anh hùng nghĩa sĩ miền Nam như cựu Tổng Thống bảy ngày Trần Văn Hương (1902-1982) trong ngày 29-4-1975 khi Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin đến mời ly hương: “Tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông Đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cảm ơn ông Đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ và dứt khoát ở lại với nước tôi. Tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau khổ tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước.” Sau khi tin đầu hàng phát đi từ Sài Gòn, có 5 tướng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã tự sát vào ngày 30 Tháng 4, là Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ và Trần Văn Hai.

 Trước tình hình chính quyền VNCH rơi vào tình thế bất lợi và đứng trước nguy cơ sụp đổ, Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch di tản công dân Mỹ và những người Việt Nam từng cộng tác chặt chẽ với Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn. Chiến dịch Gió Lốc, giai đoạn cuối của cuộc không vận này, là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Các cuộc di tản bắt đầu tiến hành vào đầu tháng 3 năm 1975. Ban đầu, việc sơ tán diễn ra khá chậm chạp. Nhiều người Mỹ có người thân thuộc là người Việt từ chối ra đi, trong khi những người Việt lại gặp khó khăn do thủ tục hành chính. Mặt khác, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Graham A. Martin cũng mong muốn ổn định tình hình, tránh để xảy ra hoảng loạn. Do đó, đến ngày 19/4, lượng người được di tản mới chỉ đạt con số 6.000.

Việc di tản đạt đến cao điểm trong vào cuối tháng tư, từ ngày 20 đến 28 sau khi Đô đốc Gaylor và Đại sứ Martin giảm bớt các thủ tục. Lúc này, số lượng người cần di tản tăng thêm hàng chục nghìn do Tổng thống Mỹ Gerard Ford cho phép cứu trợ những người Việt Nam “gặp nguy hiểm” bất kể họ có phụ thuộc vào công dân Mỹ nào hay không. Các chuyến bay cất cánh từng giờ, với khoảng 20 chiếc C-141 mỗi ngày và 20 chiếc C-130 mỗi đêm. Mỗi chuyến bay có khi chở đến hơn 180 người, mặc dù quy định cho hai loại máy bay trên chỉ cho phép mang không quá 100 người. Điểm đáp của những chuyến bay này là Philippines, sau đó là những trại dã chiến tại các đảo Andersen, Guam và Wake giữa Thái Bình Dương khi Tổng thống Philippines giới hạn số người tị nạn.

Từ ngày 27/4, đạn pháo của quân Giải phóng bắt đầu rơi vào Sài Gòn, buộc Mỹ phải ngưng sử dụng loại máy bay C-141 đắt tiền và từ ngày 29 trở đi chỉ dùng được trực thăng. 19g30’ ngày 28/4 theo giờ Washington (tức 7g30’ sáng 29/4 ở Sài Gòn) Tổng thống Ford triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia họp khẩn, yêu cầu Đại sứ Martin đưa những đối tượng cần được di tản ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đây là giai đoạn cuối cùng của kế hoạch di tản “Chiến dịch Gió lốc”, được chỉ đạo bởi Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (Defense Attache Office – DAO).

Do căn cứ không quân và phi trường dân sự Sài Gòn đã bị vô hiệu hoá, các điểm mốc đi tản được chọn là Đại sứ quán Mỹ và khu DAO tại Tân Sơn Nhất. Để máy bay trực thăng có chỗ hạ cánh, người ta phát quang cây cỏ xung quanh Đại sứ quán và tô sơn phản quang lên mái nhà. Những chiếc trực thăng loại UH-1 gom những người muốn di tản từ các nóc nhà trong thành phố về hai địa điểm trên, nơi họ được đưa bằng trực thăng CH-53 hoặc CH-46 đến đội tàu 50 chiếc đang chờ tại biển Đông. Tham gia chiến dịch còn có các máy bay chiến đấu loại F-4, A-7, AC-130 được huy động từ Thái Lan với vai trò yểm trợ.

Từ trưa ngày 29 đến sáng 30, cầu hàng không đã vận chuyển được tổng cộng hơn 7.800 người. Sau khi Tổng thống Mỹ hạ lệnh ngưng di tản, Đại sứ Graham ra đi trên chuyến bay lúc 3g45 sáng – phi hành đoàn được lệnh bắt ông này đem đi nếu ông không chịu ra đi. Sau khi hoàn tất việc di tản, khu DAO bị san bằng. Chiến dịch kết thúc lúc 9g sáng ngày 30/4, chỉ vài giờ trước khi xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.

Tuy được trù định trước kỹ càng, chiến dịch Gió Lốc vẫn gặp phải nhiều bất ngờ do không khí hỗn loạn của thành phố. Tại các điểm di tản, hàng chục nghìn người tập trung lại vây kín các tòa nhà. Ở khu DAO, các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu cho bản thân và gia đình mình được đưa đi trước. Ở tòa Đại sứ quán, đám đông bên ngoài tìm cách trèo tường và sau đó đâm xe tải hòng phá cổng chui vào. Cuộc “công thành” buộc những binh lính Mỹ ở trong rút lui lên từng tầng lầu một, qua mỗi tầng phải khoá chặt cửa lại. Họ đã phải lấy bàn ghế và đồ đạc dựng thành “chiến lũy” sau cánh cửa cuối cùng.

Ngày 29/4 cũng là ngày chứng kiến những cái chết cuối cùng của lính Mỹ trong giao tranh. Rạng sáng hôm đó, Hạ sĩ Charles McMahon và Binh nhất Darwin Judge được giao canh phòng Chốt số 1 tại cổng khu DAO. Khoảng 3g30 sáng, một quả rocket rơi ngày vào Chốt số 1 khiến hai người tử nạn ngay tại chỗ. Cả hai đều mới chỉ đến Việt Nam được vài tuần. Cái chết của hai binh sĩ là điều chưa được tính đến trong kế hoạch. Do tình trạng khẩn trương của chiến dịch Gió Lốc, thi thể hai người buộc phải bị bỏ lại Việt Nam. Sau này, nhờ sự hỗ trợ của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, hai người mới được đưa về nước và an táng theo đúng nghi thức quân đội. Ngòai ra, một vụ rơi trực thăng ngoài Biển Đông vào cuối chiến dịch cũng cướp đi thêm sinh mạng hai phi công William Nystul và Michael Shea.

Chiến dịch Gió lốc là chiến dịch của không quân Mỹ nhằm di tản bằng trực thăng người Mỹ và các quan chức, tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi Sài Gòn, miền Nam Việt Nam. Từ 29 đến 30 tháng 4 năm 1975, những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, hơn 50.000 người đã di tản từ nhiều điểm ở Sài Gòn. Có 50.493 người (trong đó có 2.678 trẻ mồ côi Việt Nam) được di tản từ Sân bay Tân Sơn Nhất. Các phi công đã bay tổng cộng 1.054 giờ và 682 chuyến bay trong suốt chiến dịch. Khi đồng minh Hoa Kỳ tháo chạy trước đà tiến quân của Cộng Sản Bắc Việt, họ đã để lại đằng sau 980,000 người lính của Quân Lực VNCH, những quân nhân đã từng sát cánh với binh sĩ Hoa Kỳ bảo vệ biên cương của thế giới tự do.

Vào giờ VNCH hấp hối, thảm cảnh “sống chết mặc bay” diễn ra vô cùng chua sót. Người ta dẫm lên nhau chạy trốn Cộng Sản không kể gì đến sinh mạng và tài sản vì Hoa Kỳ không có một chương trình di tản nào tương xứng với tình nghĩa đồng minh. Khởi thủy Mỹ chỉ muốn di tản 50,000 người. Vào phút chót số nhân mạng được may mắn cứu vớt mới nhích lên được con số 130,000. Họ muốn mọi chuyện diễn ra nhanh chóng cho xong việc. Người ta đoán được tâm trạng này qua lời nguyền rủa rất tàn nhẫn của Henri Kissinger: “Sao chúng không chết phứt cho rồi” (Why don’t these people die fast?). Như vậy, chỉ cần làm một con tính nhỏ người ta có thể thấy ngay là hơn 800,000 binh sĩ của Quân Lực VNCH đã là nạn nhân của chế độ cải tạo của Cộng Sản Việt Nam. Ở Sài Gòn và phần còn lại của VNCH, hàng triệu người dân Việt Nam bắt đầu tự đặt cho mình 1 câu hỏi mấu chốt: họ có thể ở lại sống dưới chế độ mới hay là tự tìm cách bỏ ra nước ngoài bằng đường biển.

Trong các ngày 28, 29 tháng 4 từ các hàng không mẫu hạm của Hạm đội số 7 ngoài khơi, Thủy quân Lục chiến Mỹ dùng trực thăng di tản người. Cuộc di tản đã diễn ra trong hỗn loạn vì rất nhiều người muốn ra đi nhưng không thể đáp ứng hết được. Các điểm đỗ của trực thăng náo loạn. Lính Thủy quân Lục chiến Mỹ đã phải cố gắng mới duy trì được trật tự. Người Mỹ đã phải bỏ lại nhiều người Việt để ưu tiên người Mỹ vì số lượng phương tiện có hạn. Hình ảnh di tản đã in đậm trong trí óc nhiều người Mỹ và Việt Nam như một kỷ niệm buồn. Đại sứ Graham Martin là một trong những người Mỹ cuối cùng ra đi. Trong số 120.000 người Việt và 20.000 người Mỹ được di tản trong đợt này, không có một người nào bị thiệt mạng do hoạt động quân sự của quân Giải phóng. Ngày 29 tháng 4, sau sự giận dữ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Schlesiger và Cố vấn Henry Kissinger ở Washington vì sự nấn ná của Đại sứ Graham Martin ở Sài Gòn để cố tạo ra vẻ "người Mỹ đàng hoàng ra đi", Tổng thống Mỹ Gerald Ford ra lệnh dứt khoát: "Chấm dứt cuộc di tản vào 3 giờ 30 phút, giờ địa phương, sáng 30 tháng 4". Tuy nhiên, lệnh vẫn không thi hành kịp do sự chần chừ của Martin, "cuộc tháo chạy" đã diễn ra cho tới khi chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn vào lúc 5 giờ 24 phút ngày 30 tháng 4.

Đặt trong hoàn cảnh khốc liệt của cuộc chiến, nỗ lực di tản của Mỹ nói chung và chiến dịch Gió Lốc nói riêng có mức độ an toàn khá ấn tượng. Ngoài những thương vong ở trên cùng một vụ rơi trực thăng khác do hết nhiên liệu ngoài biển thì không có tổn thất nào đáng kể. Phía Mỹ cũng ghi nhận QGP có một sự nhân nhượng đặc biệt dành cho các trực thăng di tản, vốn là những mục tiêu chậm dễ bắn trúng. “Tôi cảm thấy phía Bắc Việt để chúng tôi ra đi. Họ đã có thể bắn hạ chúng tôi”, Sergeant Ted Murray thuộc đội an ninh của Đại sứ quán Mỹ kể lại. Về sau, thông tin được xác nhận rằng VNDCCH đã chỉ đạo Đại tướng Văn Tiến Dũng không nhắm vào trực thăng Mỹ. Đại tướng cũng nhận xét: “Theo tôi, chiến dịch Gió Lốc là một thành tựu đáng kinh ngạc”.

Biến cố tháng 4 năm 1975 khởi đầu một cuộc viễn xứ vĩ đại của hàng triệu người Việt dùng những con thuyền nhỏ chạy ra biển Đông mưu cầu tự do và tìm nơi đáng sống. Những người vượt biển sống sót bởi lòng bác ái của cộng đồng thế giới đã tạo dựng nền tảng tập hợp cộng đồng người Việt tha hương khắp nơi. Ước tính 3 triệu người Việt rời bỏ quê hương trên những con thuyền mong manh sau biến cố 1975. Ông Vũ Văn Lộc, Giám Đốc Cơ Quan Định Cư Người Tị Nạn Việt Nam ở San Jose, California, Hoa Kỳ cho biết một vài số liệu đáng quan tâm như sau: “Theo chỗ tôi được biết, thuyền nhân bắt đầu từ sau 1975. Những người di tản từ 1975 thì có những người đi bằng đường thủy, nhưng đa số là người di tản. Phải đến ít nhất là tháng 8, tháng 9 năm 1975, tức là sau khi Cộng Sản vào Sài Gòn rồi, mới bắt đầu có những người rời Việt Nam bằng đường biển đến Mã Lai, Thái Lan.” Lúc đó không còn hải quân Mỹ đón ngoài biển nữa. Lúc đó, coi như là vượt biên bằng đường biển thực sự. Kể từ khi có người Việt vượt biển và có biết bao nhiêu người chết, vào các trại tị nạn thì trong tự điển thế giới mới bắt đầu có chữ “thuyền nhân” “boat people” được định nghĩa “thuyền nhân” là những người tị nạn.

Sau khi thống nhất 1975 hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi làm hàng ngàn người chết trên biển cả. Họ- “boat people” (thuyền nhân)- đi tìm tự do khắp thế giới dù phải hy sinh tính mạng trên biển cả làm rúng động lương tâm nhân loại. Theo thống kê từ 1975 cho đến 2005, trong 30 năm đã có gần 3 triệu người Việt định cư trên 126 quốc gia trên toàn thế giới. Trong số người đi bằng đường biển có gần 1 triệu người đi vượt biên. Thống kê của các trại tị nạn Đông Nam Á vào năm 1995 là 839.200 người, kể cả 42.900 người đi bằng đường bộ. Có phỏng chừng 3 trăm đến 400 ngàn người đã bị bỏ mình không đi đến được bến bờ tự do. Những hình ảnh bi thương tị nạn đã làm bừng tỉnh lương tâm nhân loại. Những người thuyền nhân này được đón tiếp như những chiến sĩ của tự do. Đó là cuộc bỏ phiếu bằng thân phận con người chối bỏ chế độ cộng sản.

BS Trần Tiễn Sum

 

Trích đọan trong biên khảo: Bên dòng sử Việt 1856-1976: Chiến tranh và xung đột.

Tài liệu tham khảo:

1/ Nhóm nghiên cứu Santa Clara, Ca. Vietnam .Cuộc chiến tranh quốc gia –cộng sản.

2/ Nhóm chủ biên gia đình và bằng hữu. Tuyển tập Nguyễn Xuân Phước. Trang 52-112 http://www.trantrungdao.com/wp-content/uploads/2017/07/Tuyen-Tap-Nguyen-Xuan-Phuoc.pdf

3/ Thông báo Thượng Hải - Shanghai Communiqué

 Wikipedia  site:vi.wikiarabi.org  Posted by bvnpost  30/04/2010

 http://www.pbs.org/wgbh/amex/china/peopleevents/pande08.html

4/ 'Why Were the Russians in Vietnam?' (Vì sao người Nga có mặt ở Việt Nam?) trên New York Times ̣(27/03/2018),

5/ Vai trò ý thức hệ trong cuộc cách mạng cộng sản ở Việt Nam. TS. Vũ Tường Gửi cho BBC từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ 7 tháng 2 2017 Vietnam's Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology (Cách mạng cộng sản ở Việt Nam: Quyền lực và hạn chế của ý thức hệ), do Đại học Cambridge xuất bản.

6/ Margaret Mac Millan, Trường đại học Toronto trong quyển sách Nixon và Mao (Nxb. Random House, 2007)

7/ Foreign Policy, July/August 2011, Trần Ngọc Cư dịch  posted on Tháng Năm 14, 2013, in Thế giới ngày nay and tagged liên xôtrần ngọc cư

8/ Tài Liệu Lịch Sử: Hồ sơ Tòa Bạch Ốc thời tổng thống Rerald Ford về biến cố tháng 4 năm 1975 – Thoi su – Doi Song – Time & Life (thoisu-doisong.com) Nguồn bài và ảnh: Thư Viện/Bảo Tàng Viện Tổng thống Ford, Gerald R. Ford Presidential Library & Museum, Ford Library, 1000 Beal Avenue, Ann Arbor, MI 48109 Ngô Bắc dịch

9/ Duong van Minh. Cong va toi. Trong Dat

10/ Henry Kissinger va Chien tranh Viet Nam.Wikipedia

11/ Cao van Vien. Wikipedia

 

 

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.