NHỮNG LÁ THƯ TÌNH 

Hoàng còn nhớ rõ hôm đó là ngày hai tám tháng Tư năm một chín bảy lăm, nàng vội vàng về phòng trọ sau khi lấy xe máy chạy một vòng để xem xét tình hình. Nàng chỉ kịp bỏ một bộ quần áo và giấy tờ cần thiết vào xách tay, rồi cùng cô bạn ở chung nhà trọ nhanh chóng chở nhau trên chiếc Honda năm mươi phân khối chạy tốc ra đường Công L., nơi có nhiều người đang chạy ngược xuôi tìm đường thoát thân, Cộng Sản đang tiến dần vào Sài Gòn. Hoàng cho xe chạy theo đuôi của chiếc xe buýt có hai lính Mỹ đứng gác ở cửa lên xuống, họ đang đưa tay vẫy hai cô gái xinh đẹp trong những bộ áo quần thời trang mới mẻ. Gần đèn đỏ Hoàng dừng lại, vứt xe với chùm chìa khoá còn treo lủng lẳng, cả hai chạy bộ theo xe buýt. Đến ngã tư xe dừng lại, hai lính Mỹ đưa tay kéo hai cô gái vào trong. Thế là cả hai cô sinh viên đã vào chuyến xe định mệnh đưa họ đến một chân trời hoàn toàn xa lạ, rời bỏ người thân, bạn bè, và Hoàng phải rời bỏ một mối tình đầu đang chớm nở thật đẹp. Xe đưa họ đến phi trường TSN, rồi máy bay quân sự lại đưa họ ra tàu chiến hạm của Mỹ ngoài khơi trước khi bà mẹ nuôi của Hoàng nhận bảo lãnh Hoàng và người bạn đến Waterloo, ON.

 

Họ đến xứ sở Canada trong niềm mơ ước của tuổi đôi mươi được sống trong một đất nước đẹp đẽ và văn minh. Bà mẹ nuôi là một người trí thức, bà muốn Hoàng trở lại trường Đại Học sau hai khóa Anh văn. Trước khi ra đi Hoàng là một học sinh ưu tú được học bổng của bà gởi tặng và được nhận vào năm thứ nhất trường Đại học Dược khoa ở SG. Hoàng xinh đẹp với khuôn mặt trái xoan, vầng trán thông minh và một thân hình cao ráo, cân đối. Hoàng có dáng đi linh hoạt và nụ cười thân thiện khiến nhiều chàng trai để ý, trong đó có Dũng, một thư sinh mặt chữ điền với mái tóc dày bồng bềnh dễ thu hút những cô gái chung quanh.

 

Hoàng đã cảm nhận được ánh mắt của Dũng từ xa khi họ đứng trong sân trường, như một cái gì đó làm nàng xao xuyến ngẩn ngơ. Dũng lại gần bắt đầu làm quen với câu hỏi rất bình thường: “Bạn học lớp nào?” Thế là họ quen nhau. Sau những buổi học Dũng thường quanh quẩn trong hành lang cố tìm gặp ánh mắt của Hoàng đâu đó, lòng phấn khởi những lúc may mắn được nói chuyện cùng Hoàng. Tháng Giêng năm ấy họ hẹn hò, mặc dầu hai bên đều quyết tâm không để xao lãng việc học; những bậc cha mẹ đang kỳ vọng họ thành tài trước khi nghĩ tới chuyện lứa đôi. Họ thường đi bộ về nhà trọ của mỗi người cùng nhau. Hoàng còn nhớ rõ một hôm cả hai đang đi trên con đường NTT, Dũng mạnh dạn nắm lấy tay Hoàng lúc qua đường làm nàng trằn trọc khó ngủ suốt đêm. Họ bắt đầu nói về gia cảnh, về thành phố họ lớn lên, và cả những kỷ niệm của thời thơ ấu.

 

Thế rồi những ngày hỗn loạn của tháng Tư ập đến. Trường học đóng cửa, mọi người xoay xở tìm đường thoát thân. Những tin đồn CS vào sẽ bắt những cô gái son trẻ làm vợ bộ đội, áo quần thời trang phải vứt bỏ, chỉ mặc quần đen và áo bà ba cũ để vào rừng lao động, móng tay phải cắt ngắn và không được sơn màu vì có thể bị chặt tay… tin tức cố đô Huế thất thủ, rồi ĐN mất liên lạc mấy tuần nay, Hoàng quay quắt mong chờ tin gia đình mà chẳng có, nàng tìm đến người bà con ở đường Công L., họ cũng đang tất bật với bao nhiêu nỗi sợ hãi và lo âu. Trong những ngày đó Dũng tìm đến nhà trọ của Hoàng để cùng nhau chia xẻ nỗi lo âu, cuối cùng chàng đề nghị xin cưới hỏi Hoàng trước khi bị làm vợ bộ đội. Hoàng còn lưỡng lự thì Dũng bảo chàng phải trở về Cần Thơ ngay để thăm mẹ, và mời mẹ lên SG làm lễ cưới gấp. Không còn kịp nữa, Dũng về Cần Thơ thì hôm sau tuyến đường CT-SG gián đoạn. Cần Thơ thất thủ. Dũng loay hoay như gà mắc đẻ, nôn nóng tìm cách đến với người yêu, nhưng chẳng có chuyến xe nào, mẹ già lại đơn chiếc đang cần đến bờ vai của Dũng trong sự hoang mang xáo trộn.

 

SG đang trở thành một thành phố chết, mọi cửa hàng sinh hoạt mua bán nhộn nhịp của Hòn Ngọc Viễn Đông đang đóng cửa. Một số khu vực khác như Tòa Đại sứ Mỹ, bến cảng SG, sân bay TSN… thì càng lúc càng trở nên hỗn loạn, Hoàng chẳng biết dựa vào đâu, mọi người đóng kín cửa trốn hẳn trong nhà hoặc đang tìm cách trốn thoát khỏi mảnh đất thân yêu của họ, và trong ngày kề cận của phút cuối đó, Hoàng đã phải làm một quyết định lớn nhất trong đời, bỏ lại đằng sau tất cả để tự cứu lấy thân mình. Hoàng đã bỏ lại mối tình đầu hoa mộng trong những giây phút căng thăng nhất của SG đang rơi vào tay CS.

 

Mấy ngày sau Dũng tìm cách lên SG, đến hỏi chủ nhà trọ thì họ bảo hai cô học trò đó đã bỏ chạy trên chiếc xe máy của họ, không biết họ đi về đâu. Dũng lang thang mấy ngày liền trên đường phố SG mong tìm lại bóng dáng người yêu, mỗi ngày trở về nơi căn gác trọ của người bạn, mặt Dũng bơ phờ, thất thểu, cho tới lúc chàng gặp được người bạn cùng lớp cũng đang lang thang trên con đường trước cửa trường Dược, anh ta bảo thấy Hoàng và một cô gái khác được hai lính Mỹ kéo lên xe buýt chạy thẳng lên phi trường. Anh ta cũng cố chạy theo xe đó nhưng không kịp. Dũng giật thót cả tim, chàng cảm thấy vô vọng bèn trở về lại quê nhà, nơi có bà mẹ thân yêu đang mòn mỏi chờ con từng giây phút. Cả mấy tuần liền Dũng ở nhà thẫn thờ như ốm tương tư, nụ hôn đầu đời vừa mới trao thì giờ người yêu đã biến mất một cách nhanh chóng. Bao nhiêu công lao học tập để được một ghế ngồi của trường Dược giờ cũng trôi theo mây khói. Bấy giờ thì mẹ mới dám than hết tiền, Dũng phải kiếm việc làm lao động khuân vác, kéo xe, đạp xích lô để sống qua ngày. Những khách hàng nhìn mặt mày trẻ trung sáng sủa của Dũng, họ đoán biết là anh sinh viên đang sa cơ thất thế nên chẳng ép công chàng. Làm được bao nhiêu cuối ngày Dũng đem về hết cho mẹ.

 

Những đêm trăng sáng Dũng bắt ghế ra vườn sau ngồi tư lự một mình, gởi hồn về phương trời xa xôi, nơi người yêu đang xiêu lạc đâu đó, nàng có được bình an hay đang bị hành hạ đau khổ. Đôi lúc mẹ bắt ghế ngồi với Dũng, hai mẹ con tâm sự đến khuya mới vào ngủ. Mẹ muốn chia xẻ nỗi mất mát của Dũng, cũng như ngày trước mẹ đã mất đi người chồng yêu dấu, mẹ hiểu Dũng nhiều lắm. Mẹ đau cùng với cái đau của thằng con mới lớn. Mấy tháng sau sinh viên trở lại trường trong đó không có Dũng, anh không có đủ điều kiện để trở lại SG, anh đang giúp mẹ già mưu sinh ở quê nhà. Ba Dũng là sĩ quan của QĐVNCH đã tử trận năm năm về trước, Dũng cũng không có lý lịch tốt.

 

*************

 

Năm tháng sau Dũng nhận được lá thư đầu tiên của Hoàng gởi theo địa chỉ của nhà mẹ Dũng. Nàng đã lấy địa chỉ này trong lúc Dũng trở về lại Cần Thơ mời mẹ lên SG làm lễ cưới hỏi, Hoàng nghĩ để có dịp là nàng sẽ thông báo với cha mẹ mình về người thông gia trong thời loạn lạc, mảnh giấy ghi địa chỉ ấy vẫn nằm trong xách tay của Hoàng. Hôm ấy là một ngày vui nhất của đời Dũng vì chàng đã biết rõ người yêu đang được bình an ở nửa vòng bên kia trái đất. Dũng đã thức trắng đêm để đọc đi đọc lại lá thư nhiều lần rồi viết hồi âm ngay cho Hoàng. Mẹ cũng vui mừng không kém theo niềm vui của Dũng. Lâu lắm Dũng mới thấy mẹ cười với dòng nước mắt hoan hỷ. Từ đó họ thư từ qua lại nhưng phải chờ bưu điện chuyển lâu lắm mới có được thư của nhau. Họ chẳng có lời hẹn thề nào cho ngày gặp lại trong lúc nhà nước đang đóng cửa với nước ngoài.

 

Một năm sau Dũng nhận giấy gọi đi thanh niên xung phong của thành phố, Dũng chẳng còn lựa chọn nào hơn; chàng không muốn đối phó với cái mũ phản động chụp lên đầu. Mẹ không đi dạy lại cấp hai như nghề của bà, mẹ đã học cách mua bán ở cửa hàng rau cải ngoài chợ đủ sống qua ngày. Dũng đến trình diện phường, và cùng với nhóm thanh niên thành phố lao động trên tuyến đầu để phát triển nền kinh tế XHCN, phá rừng làm rẫy, trồng bắp, trồng khoai với những khẩu hiệu “lao động là vinh quang”, “với sức người sỏi đá cũng thành cơm.”

 

Dũng phải xa mẹ để vào những vùng đất hoang vu chặt cây, cuốc đất làm rẫy cùng với bạn bè trang lứa, dần dần cũng quen đi cái không khí tập thể, Dũng biết đờn biết hát để giúp vui giải trí cho đồng đội sau một ngày lao động mệt mỏi. Có những đêm Dũng nhớ Hoàng quay quắt không ngủ được, chàng lại mang cây đờn ra ở góc rẫy ngồi hát một mình cho Hoàng trong mơ nghe, chàng thả hồn theo những nốt nhạc trầm bổng trong bài Tình Nhớ của TCS giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng hát vang vọng cả một góc trời của rừng rú để gởi đến người yêu nỗi nhớ của mình. Chàng chẳng sợ ông cán bộ nào quở mắng vì hát nhạc vàng đồi trụy, ông nào có đến thì chắc họ cũng lờ đi để được nghe những lời ca thắm thiết từ trái tim đang vọng đến nửa vòng bên kia trái đất.

 

Dũng được về thăm mẹ mỗi tháng một lần. Mỗi lần về râu tóc chàng để dài như người rừng, da rám nắng đen đủi, mẹ thường cầm kéo cắt sởn bớt tóc, Dũng cạo râu, nhìn chàng trẻ ra chừng hai chục tuổi. Dũng nhìn mẹ với mái tóc bạc thêm, hồi mới đi tóc mẹ tiêu nhiều hơn muối, giờ thì muối nhiều hơn tiêu, da mẹ cũng sạm nắng với những nếp nhăn rõ dần làm chàng thương mẹ vô cùng. Dũng thương mẹ đơn chiếc, mẹ càng thương Dũng đơn côi. Những lúc về thăm mẹ đọc được thư của Hoàng là Dũng vui mừng khôn xiết làm mẹ cũng vui lây.

 

Phần Hoàng đã trở lại trường Đại học, nàng chẳng ngờ đời sinh viên ở đây quá bận rộn, một phần bài vở quá nhiều, một phần cố gắng nghe và nói tiếng Anh cho rõ, một phần giao tiếp với bạn bè đủ màu da. Hoàng không còn thì giờ cho chính mình, nhiều lúc nàng quên cả tắm rửa nên thư từ với Dũng thưa dần, trong lá thư cuối Hoàng viết Dũng hãy quên Hoàng đi để gặp tình yêu mới vì nàng không những phải làm tròn bổn phận với bà mẹ nuôi mà còn với gia đình cha mẹ ruột đang thiếu thốn ở VN. Nàng phải cố học xong chương trình kỹ sư bốn năm để kiếm việc làm càng sớm càng tốt. Với đường lối đóng cửa của nhà nước chẳng biết lúc nào hai đứa có thể gặp nhau, mà có gặp được thì đã già. Dũng cũng nghẹn ngào viết lại lá thư giã từ và mong Hoàng gặp được người đàn ông tốt ở hải ngoại. Dũng sẽ hạnh phúc khi biết Hoàng được hạnh phúc. Trong lúc Hoàng cố vươn lên để nắm bắt được cuộc sống văn minh tiến bộ ở nước ngoài thì Dũng đang bị đẩy lùi về cuộc sống xưa cổ, chậm tiến ở quê nhà. Hai người như hai vectơ đi ngược chiều, sớm muộn gì cũng rời xa, cuối cùng cả hai đều cảm nhận được điều đó nên đã can đảm viết những lá thư tình chia tay. Vậy mà Hoàng chẳng bao giờ xé bỏ những lá thư tình của một thời yêu đương giữa hai tâm hồn trong trắng, nàng cất chúng vào cái hộp kẽm của bánh Lou, thỉnh thoảng cảm thấy cô đơn hoặc ưu phiền trong những chuyện tình ái ỉ ôi nàng lại đem thư Dũng ra đọc lại, những lá thư chuyên chở tình cảm nồng thắm và chân thành làm nàng cảm thấy tình yêu của Dũng đang quanh quẩn bên nàng, và nàng đang hưởng được nguồn yêu thương vô biên.

 

***********

 

Hai mươi năm sau khi nhà nước CS đã mở cửa với nước ngoài, Hoàng về thăm lại quê nhà, trong lòng rất mong gặp lại Dũng một lần để cám ơn những lá thư tình của Dũng và để khép lại cuộc tình đã lỡ năm xưa. Dũng không còn ở chỗ cũ vì trong lá thư cuối Dũng nói mẹ Dũng đang giao nhà cho ông chú để lên SG làm ăn. Biết tìm chàng đâu đây? May mắn nàng tình cờ gặp được một người bạn học cũ ở trong một quán ăn, họ cho nàng biết Dũng đã cưới vợ năm ngoái và đang có một con trai mới sinh, Dũng là chủ nhân của một chuỗi quán cà phê đông khách ở SG. Rồi đây có lẽ Dũng sẽ biết Hoàng đã có chồng cùng một năm Dũng lấy vợ từ người bạn ấy. Người bạn hỏi Hoàng có muốn gặp lại người xưa không? Trong lòng Hoàng như mở hội, nàng rất muốn gặp lại khuôn mặt yêu dấu đã in đậm trong tâm trí của mình, nàng muốn chúc mừng Dũng đã có được một mái ấm gia đình, nhưng Hoàng lại do dự sợ vợ Dũng thắc mắc, nhất là trong lúc đang sinh đẻ. Hoàng còn thương Dũng đủ để nén lòng lại, không dám chạm đến cái mái ấm mà Dũng đã mất một thời gian dài để tìm lại được. Hoàng lưỡng lự một lúc rồi trả lời không, nàng không muốn khuấy động sự đầm ấm của cái gia đình mới mẻ đó, chứ chẳng phải sợ “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, gặp lại nhau rồi ớn lắm anh ơi.” Hoàng lại ôm mối tình cũ giấu vào tâm tư một lần nữa.

 

Hoàng trở về Canada và mang bầu ngay sau đó. Thời gian cứ thế trôi đi, mối tình đầu dang dở vẫn chưa được chôn hẳn vào quá khứ. Hoàng ít có thời gian để đọc lại thư từ cũ của Dũng vì cuộc sống càng bận rộn khi nàng đã có con. Vậy mà những đêm khó ngủ vì những rắc rối trong công việc, Hoàng lại mở thư Dũng ra đọc lại. Những lá thư tình như những ly rượu nồng, như những lời ru đưa Hoàng vào giấc ngủ say. Giấy của thư đã vàng ố, màu mực cũng phai dần với thời gian, nhưng những lời lẽ lúc nào cũng nồng nàn, yêu dấu đem lại cho nàng một cảm giác thật bình yên và được che chở.

 

************

 

Bà Hoàng đã nghỉ hưu được vài tháng nay, bà có nhiều thì giờ hơn để chăm sóc cho bản thân, nhất là phần cảm xúc. Công việc của một kỹ sư phục vụ cho nhà nước gần bốn mươi năm làm tâm hồn bà càng ngày càng trở nên khô khan, và cảm xúc là một thứ xa hoa. Chồng bà một người da trắng, một consultant engineer, họ sống với nhau bằng công thức hơn là cảm tính, họ đối xử với nhau rất văn minh và tế nhị, hiếm có những xung đột lớn tiếng. Trong tình yêu mà như vậy là không đủ, đôi lúc bà Hoàng thích được cãi vả với nhau trong những lúc bất bình, hoặc thích ông chìu bà với những điều mà logic cho là vô lý.

 

Mấy tháng trước đây ông bà được mời đi xem triển lãm tranh ở một gallery của một người quen, bà nhìn chăm chú vào một bức tranh đang làm bà rung động, đó là vài nét chấm phá thô thiển diễn tả khuôn mặt của cô gái giương to đôi mắt trong sợ hãi. Ông biết bà thích bức tranh đó nhưng khi nhìn thấy giá mười ngàn đô thì ông cảm thấy vô lý và đã do dự. Cuối cùng bà dùng sổ băng riêng để đem bức tranh đó về nhà. Đôi mắt đó là đôi mắt thật đẹp mở to trong lúc sợ hãi của cô bạn trong những giây phút chạy theo xe buýt để anh lính Mỹ kéo cô ta vào xe. Đôi mắt đó là điểm đánh dấu những tích tắc Hoàng nhận biết thế là hết, nàng phải vĩnh viễn xa lìa người yêu trong mối tình đầu nồng thắm, hồn nàng như tê dại không còn nghĩ tới ai nữa ngoài một bóng hình, nàng cứ theo dòng người xô đẩy ra tận chiến hạm của Mỹ. Đã hai năm rồi, bà Hoàng không đụng tới hộp kẽm của bánh Lou, nhưng ngay tối hôm đó bà lại lấy ra một lá thư trong hộp vào buồng tắm ngồi đọc một mình, nước mắt bà chảy dài. Giờ thì chỉ có những lá thư ấy là phần cảm xúc còn lại của bà, làm bà khóc mỗi khi đọc lại.

 

 

************

Đứa con trai duy nhất của bà Hoàng sắp sửa ra trường để trở thành một kỹ sư về tin học thì lại rơi vào một căn bệnh phổ biến của thời đại, nhất là trong cơn đại dịch Covid, anxiety disorder. Bà Hoàng đang ra sức giúp con vượt qua bệnh tật, bà ở bên con gần như suốt ngày và đêm. Bà ngồi chống tay lên đầu trong đêm tối tự hỏi có phải cảm xúc của bà đã vướng mắc vào một mối tình đầu dai dẳng không đoạn kết, để bà không còn đủ năng lượng tình cảm ấp ủ cho đứa con duy nhất của bà. Bà bỗng giật mình nhớ tới câu thơ trong truyện Kiều mà bà đã nghe thầy giáo lớp chín đọc đi đọc lại nhiều lần trong bài luận văn: “Tu là cõi phúc tình là dây oan.” Bà biết suy ngẫm điều này khi đã đi gần hết cuộc đời. Mấy ai thấu hiểu được câu thơ đơn giản ấy lúc còn son trẻ, khi sắc đẹp, tiền tài, danh vọng và nhất là những mối tình nồng thắm đang vây bủa quanh họ. Giờ thì chẳng cần tu bà cũng ngộ được tình là dây oan.

 

Hôm nay bà Hoàng đem hộp thư tình cũ ra, ngồi một mình trên giường, bà giở từng cái thư để đọc lại, nước mắt bà lại tuôn trào cho lần cuối, đọc xong cái nào bà xé vụn cái đó không nuối tiếc, tất cả hai mươi sáu lá thư tình nồng nàn đã giúp bà cảm thấy bình yên và tin tưởng vào cuộc sống trong một thời gian dài, mặc cho bao giông tố trên con đường tình của một phụ nữ đẹp trên đất khách. Bà đang muốn cắt đứt cái dây oan nghiệt đó… vì bà tin tưởng rằng nó đang trói chặt đời sống tinh thần của con bà, nó đã cột phần tình cảm của bà lại làm bà thiếu đi năng lượng cảm xúc của người mẹ dành cho con từ lúc mang thai. Bà hy vọng việc làm đó sẽ giúp bà thanh toán hết món nợ tình đeo đuổi bà hơn bốn mươi lăm năm qua, và con bà sẽ được lành bệnh nhờ những năng lượng cảm xúc còn lại của bà đang đền bù cho nó.

 

Hoàng Lan

 

PS: Câu chuyện là hư cấu, nếu có chi tiết trùng hợp với chuyện tình của quí vị nào đó thì xin được bỏ qua.

 


 


Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.