Nhớ Về Tất Niên YK Huế Tháng GIÊNG, 1968

 

Tôi lớn lên trong “Thuở thanh bình ba trăm năm cũ” dù Miền Nam Việt Nam của tôi chỉ mới bắt đầu có mặt trên thế giới Tự Do từ năm 1954. Tuy đất nước bị chiến tranh kiểu du kích do bọn Việt Cộng nằm vùng quấy phá tại nông thôn và rừng núi, các thành phố vẫn thanh bình, cuộc sống dân chúng vẫn ấm no hạnh phúc. Tôi tập tễnh bước chân vào đại học trong một tinh thần thoải mái, chỉ biết ăn học vui chơi với chúng bạn, quay cuồng trong tiếng nhạc Tây Mỹ mà đa số các bạn cùng trang lứa ưa thích: En écoutant la pluie, Tous mes copains, La plus belle pour aller dancer, Le Penitancier, Tous les garcons et les filles, Le temps de l’amour, Smoke gets in your eyes, Put your head on my shoulder, Hey Jude, It’s now or never, Come together, Yesterday, Aline, Et pourtant, Sounds of silence, Let it be, Can’t stop loving you, Imagine…

 

Niên khóa 1967-1968, tôi học năm thứ Nhất trường ĐH Y khoa Huế. Ban Đại Diện Trường với anh chủ tịch Đặng Ngọc Hồ, năm thứ Sáu, và anh Tổng Thư Ký Trần Đình Ái, năm thứ Tư, quyết định tổ chức party Tất Niên cho Trường YK Huế vào cuối tuần trước Tết Mậu Thân. Tin vui party Tất Niên được tất cả anh chị em SV YK hân hoan đón nhận, và lẽ đương nhiên, tôi rất vui mừng và hãnh diện được tham gia. Hai ba tuần trước ngày tiệc, tin nóng sốt này là câu chuyện hàng ngày bên cạnh ly cà phê buổi sáng của hầu hết các SV, bất kể đó là YK hay các phân khoa khác của Viện ĐH Huế, vì theo truyền thống party nào do các anh chị YK Huế tổ chức đều rất thành công với số người tham dự luôn vượt sức chứa của phòng tiệc.

 

Chiều tiệc Tất Niên, trời mưa và lạnh, nhưng sân trước của Trường YK đầy ngập xe hơi và xe gắn máy. Nhóm bạn 7 đứa chúng tôi đến cùng với nhau. Phòng chính của trường trang hoàng lộng lẫy và sáng trưng, nghe đâu là do công của anh Võ Văn Đàn, năm thứ Sáu, Ngô Trọng Thọ, năm thứ Sáu và chị Lê Thị Mỹ, năm thứ Tư, cùng nhóm “Ngũ Quỷ” của lớp năm thứ Ba gồm có Trần Tiễn Lương Hoa, Trần Nhật Trí, Đồng Sĩ Nam, Hà Như Minh và Ngô Văn Tường. Nam thanh nữ tú và quan khách lần lượt đến giữa tiếng chào đón từ các anh chị YK trong Ban Tiếp Tân mà tôi còn nhớ là quý chị Phan Tường Ngọc, năm thứ Năm, Lê T. Diệm Trinh, năm thứ Tư, Trần T. Thiết Tranh, năm thứ Tư, Trần T. Bích Thụy, năm thứ Nhất, Lê T. Mỹ…

 

Các Thầy Cô trong Ban Giảng Huấn của trường lần lượt đến, như quý Thầy Lê Văn Bách, xử lý thường vụ Khoa Trưởng, OB GS. Kranick, Thầy Discher, Thầy Alterkoster đến với người bạn gái, Thầy Cô Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Tự, Lê Huy Chước, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Duy Chi. Ngoài ra còn một số quý Thầy Cô của các phân khoa bạn…Tôi không thấy Thầy Võ Đăng Đài và Thầy Lê Bá Vận, chỉ sau này tôi mới biết được vào thời gian đó Thầy Đài vừa tu nghiệp 2 năm ở Đức về và đang nghỉ mát ở Đà Lạt, và Thầy Lê Bá Vận đang du học ở Mỹ. Khi GS. Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu vừa bước vào phòng tiệc, anh Lương Hoa (mà chúng tôi thường gọi là Coco) thả ngay bản nhạc Symphony #5 của Beethoven, để đón chào Thầy, cùng lúc mọi người đứng dậy nghênh tiếp. Xin mời quý bạn mở link của bản nhạc nói trên để mường tượng không khí rộn ràng của đêm Tất Niên 1968. http://youtu.be/OGnBrabqdP4  .

 

Sau phần nghi thức với đôi lời phát biểu của anh Hồ, Thầy Bách và Thầy Châu, phần vui chơi bắt đầu. Tôi nhìn thấy trên bục sân khấu có quý anh Hoàng Thế Định (năm thứ Năm), guitar lead, anh Phạm Đăng Thiện (năm thứ Năm), guitar đệm, anh Tôn Thất Sang (năm thứ Năm), chơi trống, anh Hà Thúc Như Hỷ (năm thứ Sáu) chơi vĩ cầm, anh Nguyễn Xuân Thanh (năm thứ Sáu) chơi hạ uy cầm. Có thêm cả anh Đặng Nho, một người bạn văn nghệ thổi Saxophone nổi tiếng thời ấy, do anh Trần Hưng Toàn (năm thứ Sáu) mời đến.  

 

Chương trình nghệ bắt đầu bằng bản hợp ca Tình Hoài Hương của các anh chị lớp lớn. Tiếng vọng của tình yêu đất nước dạt dào trong hình ảnh hương thơm của khói ấm quê hương làm phấn khởi tinh thần mọi người. Xin gởi theo đây bản hợp ca Tình Hoài Hương do quý vị YND Florida trình diễn (cần phải có Media Player mới nghe được). Với những vị nào không có Media Player, xin tạm mở link này nghe đỡ ghiền. http://tainhacmp3mienphi.info/play/hd/video/v-video/tinh-hoai-huong~ngoc-ha~ts3vs7w0q24t9n.html

Kế đó là màn đọc sớ Táo Quân do Mệ Tôn Thất Sang xướng lớn, bị ngắt quãng bởi những trận cười rộ của mọi người trong phòng vì những câu sớ nghịch tặc. Dân YK mà!!! Nhìn anh trong áo dài khăn đóng, người cao gầy và da trắng bóc, thật là điển trai.  

Trong chương trình văn nghệ, phần gây ấn tượng cho tôi là phần trình bày hứng thú của Thầy Lê Huy Chước, mà SV rất mến chuộng vì vẻ đẹp như Napoleon, với bản Thiên Thai, anh Trần Văn Biên (tự Biên bia 33 của năm thứ Ba), bất ngờ với giọng hát mạnh và cao theo kiểu Opera qua bản Nắng Loang thì phải?! Về sau tôi mới biết tác giả bản nhạc này chính là người đàn anh tài hoa Hoàng Thế Định, là người chơi guitar lead trên sân khấu đêm này; anh đã sáng tác bài này vào năm 1964 lúc khoảng vừa qua tuổi hai mươi để tặng cho người mình yêu. Mời quý bạn nghe lại bản nhạc tuyệt như thế nào để cảm hiểu vì sao người yêu của anh Định trở thành bà BS. Định sau này. https://youtu.be/86s3ocx9TMU . Ban Tam Ca Les Tuberculeux, do 3 anh Trần Nhật Trí, Đồng Sĩ Nam và Trần Tiễn Ngạc (bạn cùng lớp với tôi) trình diễn bản nhạc ngoại quốc Bachelor Boy. Cả phòng vỗ tay hoan hô la hét quá chừng, không phải vì hát hay, nhưng vì cái tên rất y khoa và quá dễ sợ và vì ai cũng biết là 3 chàng vừa ầm ầm dợt không bao  lâu trong phòng bên cạnh. Vui là ở chỗ đó: gan và dạn dĩ. Xin mời nghe Cliff Richard hát để vui cười với ban Tam Ca Les Tuberculeux    http://youtu.be/0uRlgNF7uAU . Hồi đó, anh Nam có khuôn mặt đẹp trai hơn bây giờ vì cái nốt ruồi duyên gần mép miệng, hao hao giống nốt ruồi duyên của ca sĩ Thanh Lan, nên các bạn âu yếm gọi anh là Đồng Sĩ Ruồi. Cô Ngân Hà, phu nhân của Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, cũng xung phong giúp vui qua bản nhạc Biệt Ly. Với giọng hát vút cao, cách trình bày điêu luyện, lại được phụ họa bởi tiếng trầm buồn của Saxo, réo rắt của vĩ cầm và ngân êm của hạ uy cầm, Cô đã làm khán thính giả khâm phục và đám SV hãnh diện.

 

Ngoài những mục hát, còn có màn Magic Show do anh Coco tự biên tự diễn, khiến không khí sôi động hẳn. Qua đôi bàn tay điêu luyện và diệu ảo, anh biến khăn mouchoir thành ra cái hoa, rồi cái hoa thành con chim bồ câu… nhưng có lẽ phần trình diễn ngoạn mục và hấp dẫn nhất của anh là nuốt các lưỡi dao cạo vào miệng, húp một miếng nước và sau đó từ từ kéo từng lưỡi Gillette ra. Tôi thấy các cô SV che mắt, rú lên sợ hãi. Cũng từ lần trình diễn này, anh Coco bỗng nổi tiếng vượt trội, khiến nhóm “Ngũ Quỷ” thơm lây.  

 

Vào phần khiêu vũ, GS. Lê Thanh Minh Châu được trân trọng mời ra sàn ouvrir le bal qua thể điệu Valse với cô SV Trần Thị Bích Hà, hoa hậu của Văn Khoa. Bản nhạc Le Beau Danube Bleu cũng do chính anh Coco chọn lựa và thả ra từ phono, ý thầm muốn nói dòng sông Hương của Huế ta cũng đẹp, trong xanh và và mơ màng không thua kém dòng sông Danube bleu. Mời quý bạn cùng nhau ra sàn nhảy nhé http://youtu.be/3XNdXpGv8eM

 

Sau bản nhạc mở đầu này, các SV nhào ra nhảy tưng bừng. Vài SV YK nhảy đẹp và điệu đàng nhất phải kể đến là Đinh Sơn Thắng, năm thứ 2, Phan Tiên Thái, năm thứ Tư và Phạm Đăng Thiện, năm thứ Năm. Tuyệt chiêu của những anh này là à terre trong điệu Twist. Tôi không nhớ thấy Thầy Cô Tự có mặt trên sàn nhảy bấy giờ, mặc dù Thầy Cô nhảy rất lả lướt và từ đầu cho đến cuối, trong những đêm Gala của Hội YKH Hải Ngoại sau này. Khiến mọi người thán phục, trong đó có anh Phạm Đăng Thiện với lời như sau: “Lúc xưa Thầy nói em nhảy chi mà như nằm lăn quay xuống đất. Bây giờ thấy Thầy Cô lả lướt em lại phải lăn quay lại, không phải vì à terre của twist mà vì phục lăn rồi đó!”

 

Giữa những màn văn nghệ và khiêu vũ, Ban Đại Diện SV trường YK Huế còn trao giải thưởng các giải thể thao giữa các lớp cho các vô địch. Như giải cờ tướng được trao cho anh Phạm Gia Khánh, năm thứ Hai, giải Ping Pong cho anh Phan Tiên Thái, năm thứ Tư. Buồn là người đứng thứ nhì không được giải an ủi, còn nếu không thì tôi cũng được lên sau anh Thái. Chuyện cổ tích được truyền miệng trong trường là anh Thái, hồi đó là người SV đẹp trai nhất nhì YK, cỡi xe vespa đi học, mời cô Ngân Hà ra sàn nhảy và nhảy quá đẹp, nên bị Thầy Hùng “đì” cho rớt cuối năm và ở lại học chung với lớp “Ngũ Quỷ”. Trong cái rủi có cái may, vì từ kinh nghiệm “oan ức” ấy, anh Thái sau này đã trở thành 1 vị Thầy về Psychiatry tại ĐH YK North Carolina.

 

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Thầy trò, anh chị em SV chia tay nhau ra về trong đêm mưa. Tưởng như chỉ là bắt tay, vẫy chào của Ce n’est q’un au revoir, nhưng lại là một Adieu vĩnh viễn với khá nhiều người. Vì vài ngày sau, CS Bắc Việt và bọn Việt Cộng nằm vùng tráo trở xé bỏ đình chiến cho 3 ngày Tết và dốc sức tấn công chiếm giữ Huế trong 3 tuần, gây bao tang thương chết chóc cho dân Cố Đô. Xin ngậm ngùi xót xa tưởng nhớ đến Giáo Sư và Bà Gunther Krainick, GS. Raymund Disher, GS. Alterkoster đã bị thảm sát và chôn trong cùng một ngôi mộ tại khuôn viên chùa Tường Vân, Thầy Nguyễn Văn Đệ bị chúng bắt theo và chết trên đường dài ra Bắc, một số nhỏ anh chị em trong trường Y Khoa kẻ thì mất tích, người thì duồn theo phía địch, hay bị giết, cùng chung số phận với trên năm ngàn người dân, công chức, lính tráng… bị bắn bỏ, đập vỡ sọ, chôn sống trong các ngôi mộ tập thể…Thế giới sững sờ, và công phẫn khi nhìn thấy sự dã tâm và sắc máu của con người CS, giết người hàng loạt trong khi lại nhân danh giải phóng. Thật là mỉa mai và nghịch lý.

 

          Trong những giờ tối tăm ấy, trước bao nhiêu thử thách và lo sợ, vẫn có những người mở lòng tình nguyện săn sóc giúp đở các thường dân bị thương, như nhóm các đàn anh Lê Văn Mộ, Nguyễn Văn Bách “Già” và Trần Văn Hoa tại Phủ Cam, Thầy Nguyễn Văn Vĩnh, cùng các đàn anh Nguyễn Văn Chữ, Bảo Chủ và đàn em Trần Tiển Ngạc, V. Chánh…tại BV Trung Ương Huế, Thầy Nguyễn Văn Tự, dù dân sự, nhưng đã sát cánh với các BS. Quân Y mổ xẻ và cứu chửa hàng trăm thương binh nặng nhẹ, từ Bộ Binh cho đến Nhảy Dù, TQLC, bất chấp nguy hiểm của trận chiến và pháo của địch trong 21 ngày liên tục tại QYV Nguyễn Tri Phương trong thành Mang Cá. Và đương nhiên, còn biết bao anh chị YKH khác đã can cường chăm sóc các nạn nhân chiến cuộc trong những tình thế riêng biệt và khó khăn mà sự bất chấp nguy hiểm nói lên được tinh thần thấm nhuần đạo lý và tận tụy phục vụ truyền dạy bởi những vị Thấy trong Ban Giảng Huấn của trường ĐH YKH.

 

          Kể từ ngày ấy, mỗi khi Tết đến, tinh thần Tết không như trước vì bao nhiêu oan hồn chưa thể siêu thoát, vẫn còn tức tưởi đòi máu trả bằng máu. Sau biến cố mất nước năm 1975, Miền Nam trở thành nhà tù lớn, hàng triệu người bầm dập khốn khổ, hàng trăm ngàn người phải rời bỏ quê hương. Để từ đó, đường chia muôn ngã, đời rẽ vạn lối đi. Kẻ 30 tháng 4 múa rối thổi kèn, người quân tử chật đầy trong nhà tù. Kẻ đành xa xứ tản mác năm châu bốn bể, người câm lặng mòn mỏi ở lại. Mỗi chúng ta đều cõng trên lưng phận đời trôi nổi, nhưng chúng ta vẫn phải vươn lên mà sống, vẫn phải bươn bả về phía trước.

 

Và cũng kể từ đêm Tất Niên 1968 cuối cùng tại trường YK cho đến năm 1975, và ngay cả sau này tại hải ngoại, bản nhạc Biệt Ly đã được anh chị em đồng môn tránh hát tại những lần họp mặt. Không những vì có người cho bản nhạc là một điềm gở vì lời nhạc “biệt ly nhớ nhung từ đây” như báo trước sự ra đi vĩnh viễn của các Thầy người Đức và thầy Đệ, mà cũng vì Biệt Ly  luôn gợi nhớ đến sự đổ vỡ của tuổi thanh xuân và cái chết của một cuộc tình. Cho dù đó là tình yêu, tình bạn, tình gia đình, tình quý mến giữa thầy trò, hay đơn giản tình người.

 

Năm mươi năm đã qua. Những hình ảnh, những khuôn mặt cũng mờ dần theo thời gian. Điểm lại thấy mất đi những vị thầy, những người bạn khó quên, đã hiện diện trong đêm Tất Niên 1968: Nguyễn Văn Chữ trên chuyến máy bay bị không tặc, Lê Thị Mỹ trên đường tìm tự do, Thầy Nguyễn Mạnh Hùng (SGN/VN), Thầy Lê Văn Bách (Huế/VN), Lê Thuận (CA/USA), Trần Quang Hân (CA/USA), Đặng Ngọc Hồ (SGN/VN), Bác Vĩnh Tiên (Huế/VN)-Tổng Thư Ký của Trường YKH, Tạ Quang Hát (LA/USA), Lê Khắc Tánh (CA/USA), Phạm Kỳ Nam (Pháp), Bùi Cao Đẳng (MD/USA), Lê Văn Mộ (Na Uy), Thầy Nguyễn Văn Vĩnh (TX/USA), Tôn Thất Sang (CA/USA), Dương Quang Hớn (VA/USA)…

 

Tôi ước mơ có một ngày nào đó, khi thanh bình thật sự trở về trên nước VN, khi chính thể CS hoàn toàn tan rã, khi con người công chính trở lại làm nền tảng trong xã hội mới, chúng ta sẽ trở về, những ngưới bạn từ thời xa xưa, cùng nhau làm lại một bữa tiệc Tất Niên, mời vong linh các thầy, các bạn đã chết trong các biến cố của đất nước, trong các trại tù, trên biển… nhập tiệc và nghe họ tâm sự về cái chết oan khiên của mình. Được như vậy, linh hồn các vị đó chắc hẳn sẽ được siêu thoát và vĩnh viễn an nghỉ chốn nghìn thu.

 

Xin mời quý bạn chia xẻ ước mơ ấy qua bản nhạc “Hẹn Một Ngày Về” mà tác giả, GS. Lê Hữu Mục, vốn là một giáo sư văn chương trước đây của Viện ĐH Huế.

     

 https://youtu.be/86s3ocx9TMU

 

Chân thành cám ơn quý anh Hoàng Thế Định (Florida), Phạm Đăng Thiện (Paris), Trần Đình Ái (Seattle/WA), Đồng Sĩ Nam (Quận Cam, CA), Hồ Xuân Tịnh (Quận Cam/CA), Trần Tiễn Ngạc (Stockton/ CA)…đã lục lọi trí nhớ của mình để cung cấp dữ kiện cho phép tôi hoàn tất bài viết này.

 

Ngày 9 tháng 2, 2018

 

Vĩnh Chánh YKH-7

 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.