NGƯỜI LÁNG GIỀNG (p1)

 

1_Trên khu phố cổ của người Do Thái có căn nhà nhỏ của bà Tám nằm cạnh nhà ông láng giềng người Ý ở góc đường. Người ta vẫn gọi khu Do Thái mặc dù họ đã dọn ra khỏi đó từ nhiều thập niên trước; họ đến định cư ở đây vào những năm cuối của thế kỷ thứ mười chín làm công trong các xưởng may mặc, áo lông thú, hoặc những cửa hàng bán lẻ trên con phố chính Spadina tạo nên khu vực Do thái chung quanh. Sau mấy đời làm ăn ở đây họ dần dọn ra những vùng xa hơn, rộng rãi và mới mẻ, vì những căn nhà nầy quá cũ kỹ nhường lại cho những người di dân mới tới. Khi công nghệ mới phát triển mạnh, những người trẻ ở thành phố nhỏ dọn về thành phố lớn để xây dựng sự nghiệp thì những gian nhà đó được sự chú ý của họ vì giá còn rẻ mà lại nằm ngay downtown rất tiện cho việc đi lại và sinh hoạt. Trong đó có con đường Manning nhà cửa hầu như được đổi thay và làm mới bởi những người chủ trẻ, thì hai gian nhà ở góc đường vẫn còn sở hữu của bà Tám và ông già Frank.

 

Hồi mới dọn đến trong những năm cuối của thập niên chín mươi, bà Tám ở với ba đứa con đang tuổi ăn học, đứa lớn đã vào trường Ryerson, đứa thứ hai mới vào ĐH Toronto, và đứa út đang học cấp ba. Bà mua căn nhà nầy vì con bà sẽ được đi học ở những trường chúng thích, gần nhà, có mẹ nấu ăn dọn dẹp khỏi tốn kém nhiều. Cũng từ đó bà Tám bận rộn hơn, bà làm thêm phụ bếp vào những ngày cuối tuần để đủ mua thức ăn cho con. Bà chẳng còn thời gian để ý đến những người chung quanh, chỉ biết sớm đi tối về mỗi ngày.

 

Cho đến một hôm, bà Tám bước ra khỏi nhà vào một buổi sáng tinh mơ tuyết lạnh, trước mặt bà là một ông già đang chậm rãi bước đi, bà bỗng thấy chiếc ví của ông rơi xuống tuyết, bà đến nhặt lấy và gọi ông già ơi ới “Hey, hey…”. Ông già quay lại, bà đưa cái ví cho ông và bảo nó vừa rơi xuống từ người ông. Ông cám ơn và hai người cùng bước đến trạm street car ở đường Queen. Bấy giờ bà mới biết tên ông là Frank ở cạnh nhà bà và ông cũng biết bà tên Tam ở sát lưng nhà ông. Từ đó thỉnh thoảng khi đi ngang qua nhà ông vào mùa nắng ấm bà thường để ý thấy ông làm vườn ở sân sau,

ông bà chào nhau bằng chữ “Hello” rồi bà bước vội. Có những buổi hoàng hôn khi thấy bà đi làm về, ông đưa tặng bà những trái cà chua đỏ mọng trong vườn qua cái hàng rào sắt của nhà ông, bà nhận lấy mỉm cười cám ơn và tình hàng xóm bắt đầu từ đó.

 

Mùa Giáng Sinh năm ấy ông Frank mời cả nhà bà Tám qua ăn bữa tối vì có con trai của ông từ nước Úc về thăm. Mọi người vui vẻ làm quen trong bầu không khí ấm cúng thân thiện mà lâu lắm bà mới có được kể từ ngày xa quê hương, hình như cả ông Frank và những người con của họ cũng vậy. Sáu người ngồi vào một cái bàn ăn với chén dĩa đẹp đẽ, con gà tây quay chễm chệ nằm chính giữa, chung quanh chất đầy các loại thức ăn và bánh trái. Một cây thông lớn tỏa mùi tinh dầu nhè nhẹ ở góc nhà đang được thắp sáng bởi những bóng đèn màu rực rỡ, và tiếng nhạc nền Giáng Sinh cổ điển tạo nên một bầu không khí gia đình thân mật. Tất cả đều do Paul con trai của ông sắp xếp để làm cho cha mình vui.

 

Lúc ra về, Paul có lời gởi gắm người cha già của mình cho bà Tám, có gì qua lại giúp nhau một tay bằng tình cảm láng giềng. Bà Tám vui vẻ nhận lời ngay, bà nghĩ Paul nói vậy để tỏ vẻ quan tâm đến cha mình chứ thật ra ông Frank rất siêng năng và tự lập.

Khuôn mặt của ông Frank có cái mũi lớn, khi nhìn ông người ta sẽ thấy ngay cái mũi chứ ít khi họ kịp thấy con người của ông. Thời gian sau đó mỗi lần đi ngang qua nhà ông, bà Tám thường để ý nhìn thấy ông đứng trồng trọt ở phía sau vườn, hoặc lai rai với ly cà phê ở cái hiên sau để biết ông đang khỏe, nhưng vào mùa đông thì ông trốn hẳn trong nhà, bà Tám khó biết được ông ra sao nên nhiều lúc bà nhờ thằng con út gõ cửa đem cho ông tô súp hoặc cái mấy cái cookies tự làm, bà biết ông đang cô đơn thui thủi một mình trong nhà. Bà quá bận để thăm viếng ông như đã hứa với Paul.

 

Thời gian trôi càng nhanh khi tuổi càng lớn, mới đó mà mấy đứa con của bà Tám đã ra trường, lập gia đình và dọn ra riêng, còn thằng út xin được việc làm tốt ở New Zeland, nó cũng bỏ bà ở lại một mình trong căn nhà nhỏ như ông Frank. Rồi tuổi già hiên ngang tiến tới khi bà Tám bước qua tuổi sáu mươi, mỗi sáu tháng bà có thể ngắm nhìn dung nhan của mình trong tấm gương ở tiệm cắt tóc với những sợi tóc bạc ẩn hiện trong mớ tóc đen dày của bà, hèn gì bà cảm thấy công việc giữ trẻ của bà khó hơn.

Bấy giờ bà đã nghỉ làm phụ bếp cuối tuần, ở nhà nấu mấy món ăn VN hay của Ý và đem qua biếu ông láng giềng một nửa, dẫu sao bà cũng không thể nấu phần nhỏ hơn riêng cho mình. Thỉnh thoảng cái vòi nước nhà bà Tám rò rỉ, bà phải gõ cửa nhà ông láng giềng nhờ sửa hộ, gọi người ngoài đã không tin còn nhiều tốn kém, ông luôn nhận lời rồi chậm rãi mang đồ nghề bước sang. Suốt cả đời ông Frank chỉ làm một nghề janitor trong những building mở văn phòng, chùi dọn và sửa chữa những việc lặt vặt trong những building ấy.

 

Thế rồi sau mấy hôm bận rộn với chuyện giấy tờ và thủ tục nghỉ hưu, bà Tám quên bẵng ông già. Vào buổi chiều cuối cùng của công việc bà đã làm hai mươi lăm năm qua, bà buồn bã trở về ngang qua nhà ông hàng xóm, bà mới sực nhớ mấy ngày nay không thấy ông ngoài vườn; bà vào gõ cửa, nghe tiếng ông hỏi ai đó nhưng phải chờ một lúc lâu bà mới thấy ông bước ra với khuôn mặt thiểu não. Ông mời bà vào nhà, bà hỏi chuyện thì mới biết Paul con trai của ông ở Úc vừa mới qua đời vì bệnh ung thư, ông không được nhìn mặt con lần cuối cũng như đưa tiễn con đi. Nhìn những dòng nước mắt lăn dài trên hai gò má xương xẩu của ông, bà không thể cầm được nước mắt của mình, bà đến ngồi vào chiếc ghế cạnh ông như một người thân trong gia đình để chia xẻ nỗi buồn của một ông già khóc cho con. May mắn kể từ hôm đó bà đã nghỉ hưu nên có nhiều thì giờ hơn để qua lại thăm viếng giúp đỡ ông trong lúc ông đau buồn.

 

Lúc đầu bà Tám hơi ngại, ông già sẽ nghĩ mình sỗ sàng muốn lợi dụng ông điều gì chăng nên bà phải ngồi lại hỏi ông, ăn có mời - làm có mượn dù Paul đã nhờ bà. Ông gật đầu bảo ông sẽ rất vui mừng nếu được người hàng xóm cạnh nhà giúp đỡ ông trong lúc này, ông rất sợ phải vào nursing home. Ông quen ở một mình, sống chết gì ông cũng muốn ở trong căn nhà quá quen thuộc với ông mấy chục năm qua. Có lần bà nghe mấy chị em ở chỗ làm bàn tán trong giờ ăn trưa là đàn ông có già bao nhiêu gần gũi phụ nữ lâu ngày cũng hay sinh chuyện, nên bà cần phải giữ ý tứ khi qua lại giúp ông. Nghĩ đi, nghĩ lại bà Tám mạnh dạn làm điều bà đã hứa với Paul, chỉ cần một tiếng đồng hồ là bà có thể giúp ông tất cả công việc nhà vì bà biết sắp xếp việc trước việc sau để hoàn thành nhanh chóng. Xong bà về lại nhà mình, bước ra mảnh vườn hoang phế từ lâu để vun xới trồng trọt như những nhà trong xóm. Bà thầm cám ơn trời đất đã ban cho bà một thể lực tốt để chăm sóc giúp đỡ những người chung quanh; ở tuổi này bà vẫn chưa uống một loại thuốc nào ngoài mấy viên Tylenol khi trái nắng trở trời.

 

Tuy lớn tuổi nhưng bà Tám vẫn còn dư âm của một thời xuân sắc, người con gái vùng biển mặn ngày xưa có khuôn mặt hài hòa, và một thân hình rắn rỏi, gọn gàng, bà luôn vận động không ngừng nghỉ để mưu sinh qua bao thời loạn lạc đổi thay. Hồi mới ly hôn xong có vài người đàn ông tán tỉnh bà, Tây trắng có, Trung quốc có, Việt Nam có, nhưng bà phải giả lờ, giả chết để được yên thân. Sống trên quê hương mới với ba đứa con và công việc giữ trẻ là quá đủ cho bà, mẹ con bà đã trải qua bao nhiêu gian khó, giờ được chút bình yên thì hãy giữ lấy, bà không muốn xáo trộn cuộc sống gia đình thêm nữa. Bà nghĩ ở xứ này làm nhiều tiêu nhiều, làm ít tiêu ít, không làm được cũng có nhà nước giúp đỡ chứ có tới con đường cùng như chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn“ đâu mà sợ. Người dân ở đây được sống thoải mái theo sự lựa chọn của mình, đó là cái tự do căn bản mà mọi người đều mơ ước.

 

Một thời gian sau bà Tám thấy ông Frank là con người trầm tĩnh ít nói, khi nói thì chậm rãi rõ ràng và nhìn thẳng vào mặt người đối diện với đôi mắt buồn còn chút tinh anh. Ông thường ngồi tư lự một mình trước mấy bức ảnh của vợ con trên lò suởi, hoặc đem kinh thánh ra đọc thì thào như một con chiên ngoan đạo, có lúc thì ông ngồi nhắm mắt tay lần chuỗi hạt mân côi, miệng lẩm nhẩm như để cầu nguyện. Vào những ngày nắng ấm bà Tám hay động viên ông ra vườn ngắm nhìn cây cối đang đâm chồi nở lộc, bà giúp ông cào xới đất đai để trồng trọt rau quả, đến ngày chúng ra hoa, đơm trái thì ông ngồi nhấm nháp tách cà phê, ngắm nhìn khu vườn sau nhà để tìm được một niềm vui nho nhỏ. Xem ra cuộc sống của tuổi xế chiều như vậy cũng đủ làm cho ông thanh thản.

Ông thường nói với bà Tám là ông sống đủ rồi, ông không sợ chết nữa, chỉ mong Chúa mang ông đi một cách bình yên. Có lúc ông lại nói gở, lỡ có chuyện gì xảy ra cho ông thì xin bà hãy đọc dùm những lời dặn dò của ông trong cái thùng gỗ dưới giường, và bà Tám đã nhận lời vì biết điềm gở đó có thể xảy ra cho ông bất cứ lúc nào.

 

Nhiều lúc bà muốn hỏi về gia cảnh của ông, nhưng bà biết không nên đào xới cuộc sống riêng tư của người khác trừ khi họ muốn nói đến. Bà đã hứa với Paul con trai của ông và bà đang làm điều bà hứa, mỗi ngày bà tiếp tục sang nhà ông hàng xóm nấu cho ông những bữa ăn ông thích, chùi dọn, giặt rửa áo quần cho ông vì ông suy yếu nhiều sau ngày Paul mất. Chợ búa thì Paul đã sắp xếp delivery cho ông hồi trước, ông chỉ cần thay đổi những thứ ông cần qua tấm giấy ghi bằng tay rồi đưa cho người đem đến hằng tuần. Việc tắm rửa ông luôn tự làm lấy khi có mặt bà Tám trong nhà để lỡ té ngã thì có người biết. Hồi Paul về thăm anh ta đã kịp gọi người làm cho cha mình một phòng tắm có đầy đủ thiết bị an toàn ở tầng chính rất tiện lợi. Vài tháng sau ông khá dần lên, bà Tám chỉ cần chuẩn bị những bữa ăn cho ông một lần vào buổi sáng sớm, rồi ông tự hâm nóng lại để ăn vào lúc ông muốn.

 

Ở xứ lá phong bốn mùa xuân hạ thu đông rất rõ rệt, mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa mang lại cho con người những cảm xúc khác nhau. Vào những ngày cuối thu trời se lạnh và những ngọn gió hắt hiu bên ngoài, ông Frank thường ngồi trên chiếc ghế bành cổ lổ sỉ, đôi vai co ro đắp lên chiếc mền xanh đậm màu, mắt nhìn xa xăm ra cửa sổ theo những chiếc lá vàng rụng rơi chao đảo trong không trung như luyến tiếc sự ra đi của người thân. Những lúc như vậy bà Tám ngồi lại chuyện trò với ông để ông quên đi nỗi đau của sự mất mác lớn, và qua những lần nói chuyện bà biết ông Frank di cư qua Toronto ở tuổi đôi mươi, chăm chỉ làm ăn với nghề janitor đã chọn và gắn liền với nghề gần năm mươi năm. Vợ ông đã qua đời mười lăm năm trước vì bệnh tim. Giờ ông ở nhà vui thú điền viên và đi nhà thờ vào mỗi chủ nhật. Người ta thường thấy một ông già với chùm râu bạc, chống chiếc gậy đen ngồi ở hàng ghế cuối. Vào mùa đông lạnh giá thì hàng ghế nầy thường bỏ trống. Ông Frank đang ở tuổi tám ba cũng đáng tuổi làm cha

của mình nên nhiều khi bà Tám thân mật gọi ông bằng “pop”.

 

Trong những ngày giá lạnh khi những bông tuyết rơi giăng giăng trên những mái nhà của khu phố cổ và trên con đường hẹp trắng xóa trước nhà, vài người lớn và trẻ con qua lại trên đường sau giờ tan học trong những chiếc áo khoác dày, đầu phủ kín bằng những chiếc mũ len đủ màu sắc, chân mang bốt cổ cao, tạo nên một bức tranh sinh động hữu tình. Ông Frank ngồi trên chiếc ghế bành mắt đăm chiêu nhớ lại những kỷ niệm đẹp của thời xa xưa với vợ con ông, một thời huy hoàng của tuổi trẻ dù ông chỉ là một janitor, nhưng hạnh phúc biết bao trong những ngày tháng đó. Bà Tám làm xong việc ngồi nán lại trên chiếc sofa lắng nghe ông kể chuyện lòng của những ngày tháng cũ thật êm đềm.

 

Có những ngày nhiệt độ xuống quá thấp, bà Tám thường mở cửa ra ngoài lấy thư đem vào cho ông, mấy lần bà thấy có lá thư viết địa chỉ bằng tay, dán tem từ Australia, bà cảm thấy ái ngại vì qua lại với ông hàng ngày như vậy có tai tiếng gì với người thân nào đó của ông ở Úc chăng? Người ta có thể nghĩ bà đang dụ dỗ ông ấy để lấy tiền bạc, nhưng bà biết rõ trong tâm mình không bao giờ có ý đồ đen tối như vậy nên bà vẫn vững lòng làm những gì có thể để giúp ông láng giềng trong lúc ông đang cần đến. Mùa Xuân năm sau, ông Frank đưa cho bà một tấm cheque khá lớn và nói bà nên đi một chuyến du lịch cho thoải mái, ông sẽ mướn người delivery mang thức ăn nấu sẵn và giúp ông vài giờ một tuần trong lúc bà vắng mặt. Bà Tám cảm thấy như ông đang trả công nên từ chối, bà bảo đi một mình không vui, bà nghĩ ông Frank cũng ăn tiền già như mình, lấy tiền phòng thân của ông làm gì, mình đang rảnh rỗi thì cứ giúp người giúp ta vậy cho yên, có đồng tiền xen vào thêm rắc rối. Nợ nhà của bà đã trả xong, tiền hưu và tiền già cũng đủ cho bà có cuộc sống thanh đạm.

 

Chỉ có thế, hai người già cô đơn đang giúp nhau để sống qua những năm tháng cuối đời giữa đô thị. Mấy người con bà Tám từ lúc rời cái tổ đơn chiếc của mẹ tung bay theo dòng đời kiếm sống, hiếm khi nhớ tới bà mẹ già còn lại trong mái nhà cũ kỹ nghèo nàn đó, may ra bà còn có ông bạn láng giềng để cảm thấy bớt cô đơn, qua lại giúp đỡ nhau chứ chẳng còn ai quan tâm tới họ nữa.

 

Ba năm sau…., trong một ngày cuối đông lạnh lẽo, bà Tám sang nhà ông hàng xóm sớm hơn thường lệ vì mấy hôm nay ông không được khỏe lắm, đêm qua bà lại nghe tiếng ông ho nhiều, bà làm bữa sáng nhẹ cho ông bằng một chén cháo lúa mạch, nhưng ông không ăn được miếng nào, chỉ nhấm chút cà phê rồi nằm mệt nhừ ho sù sụ. Bà hỏi ông điều gì ông cũng có vẻ lú lẫn khó nhớ, bà liền gọi ambulance chở ông đến khoa cấp cứu vì bà thấy ông đang bắt đầu có dấu hiệu khó thở. Vào bệnh viện bà Tám nhận làm “next of kin” của ông, vì chẳng còn ai chung quanh ông nữa. Nằm trên giường bệnh ông vừa thở phì phào trong ống oxygen vừa nói đứt quãng với bà Tám rằng ông nghĩ là ông sẽ không qua khỏi… Ba hôm sau bà thấy bệnh ông không thuyên giảm, ông có vẻ suy sụp nhiều nên bà tranh thủ chút thời gian vào chiều tối về nhà tìm lời dặn dò của ông để đọc nhanh, rồi vội tắm rửa ra ngồi hong tóc trên chiếc sofa. Bà đã rơi vào giấc ngủ lúc nào không hay, khi tỉnh giấc thì đã năm giờ sáng. Bà ăn lót dạ bằng miếng bánh mì nướng và vào bệnh viện ngay.

 

Ông Frank vẫn nằm nhắm nghiền đôi mắt, da mặt nhợt nhạt như thần khí trong người ông đang cạn dần, lồng ngực phập phồng theo nhịp thở khá nhanh. Bà Tám đi theo cô nurse mang khăn ấm đến lau mặt, lau tay cho ông, rồi bà cầm hai bàn tay xương xẩu tái lạnh của ông để trên cái bụng đang trũng xuống dần, mấy hôm nay ông có ăn uống gì đâu. Cô nurse nhìn bà với nét mặt hơi lạ và bà có thể đọc được là không còn lâu nữa, cô kéo chiếc ghế cạnh giường bảo bà ngồi xuống nếu bà muốn. Một lúc sau ông Frank lim dim mở mắt ra như nhìn bà lần cuối rồi yếu ớt khép lại, bà có cảm giác ông sẽ đi ngay. Cô nurse gọi bác sĩ đến đứng cạnh bà, nhìn ông thở mấy cái rồi im luôn. Ông Frank bị chẩn đoán viêm phổi nặng và như lời ông tiên đoán, ông đã ra đi mấy ngày sau, và bà Tám kịp có mặt trong những giây phút ông trút hơi thở cuối cùng. Người bác sĩ trẻ nghe lại tim mạch và kéo tấm ra trắng trùm lên đầu ông. Ông đã ra đi bình yên như ông hằng mong muốn. Bà Tám đứng lặng lẽ, rồi quay ra ngoài ngồi chờ tờ giấy khai tử.

 

Trong lời dặn dò ông Frank muốn thiêu xác, lấy tro rắc xuống hàng thông cạnh hồ Ontario, nơi ông đã rải tro cốt của vợ ông. Cái nhà ông đang ở đã có giấy tờ tặng cho nhà thờ và một bao thư gởi cho cha cố trong nhà thờ được dán kín, còn tiền bạc trong nhà băng của ông đã có trong di chúc, luật sư của ông và sẽ làm việc đó. Một lá thư riêng cho bà Tám cám ơn sự chăm sóc của bà trong những năm tháng cuối đời, ông bảo ông lớn lên từ một viện mồ côi ở Ý nên chẳng còn người thân nào trên cõi đời nầy, ông sẽ tặng tất cả những gì còn lại trong nhà băng cho bà, mong bà nhận lấy và làm những gì bà muốn, bà muốn làm từ thiện chỗ nào cũng tùy bà vì khi có được số tiền này thì ông đã già yếu không còn muốn làm gì với nó nữa, ông xin làm phiền bà lần cuối giúp ông làm những điều ông dặn dò trong thư. Bà Tám ngồi rơi lệ sau những dòng chữ ấy, nhưng chỉ mấy phút sau bà nhanh chóng chùi nước mắt để còn đi lo nhiều việc nữa, bà gọi nhà quàn đến đem xác ông đi, rồi đến nhà thờ đưa lá thư khá dày cho cha cố và sau đó là làm lễ tưởng niệm về ông Frank. Hai tuần sau bà đến báo với vị cha cho bà được rải tro cốt của ông ngày mai khi trời nắng ấm. Cha bảo cha sẽ

nhờ hai người volunteer giúp bà. Sáng hôm sau bà Tám đi cùng họ đến thuê chiếc xe van ở đầu đường, người đàn ông lớn tuổi ngồi sau bánh lái, người đàn bà trung niên ngồi bên cạnh, còn bà Tám ôm hũ tro cốt ngồi phía sau.

 

Trời đã bắt đầu sang Xuân nên thời tiết trở nên ấm áp, mới bảy giờ sáng mà mặt trời đã chói lọi trong cái lạnh nhè nhẹ của ban mai. Xe chạy ra khỏi Toronto hướng về phía Tây, vượt qua những căn biệt thự ở những thành phố phụ cận dành cho những người khá giả ở vùng Lakeshore, rồi băng qua những hàng thông hai bên đường, những cây thông cao xơ xác đang tắm những tia nắng đầu tiên sau những ngày đông giá, nơi đây là nơi ông Frank đã kể đến kỷ niệm của ông thường chở vợ con ngang qua đó để thưởng thức món hamberger đặc biệt cuối tuần ở thành phố cổ Cambridge, lúc đó cậu bé Paul chỉ mới vài ba tuổi. Xe chạy một hồi, quẹo sang trái rồi dừng lại bên đường, chỗ những hàng thông ông Frank đã chỉ trong thư.

 

Bà volunteer Maggie mặc áo khoác đen với cái mũ nỉ màu xám nhỏ vành, cổ đeo thánh giá màu bạc đi trước, miệng lẩm nhẩm như đọc kinh; bà Tám ôm hũ cốt bước xuống theo sau, còn ông John bước đi cuối cùng, cả ba người im lặng chậm rãi bước dần vào giữa những rặng thông già, mấy con chim cardinal thấy người lạ vẫn không bay đi, chúng vô tư nhảy múa trên những cành cây trụi lá như những thiên thần đến chào đón ông về với Chúa. Bà Tám ôm hũ cốt đứng ở một gốc cây cao hơn, hai người kia đứng tìm hướng gió đang thổi lao xao trên những ngọn cây thông cao vun vút, đất vẫn còn cứng bởi cái lạnh ban đêm, xong bà Tám mở nắp hũ tro, bước theo một đường dài rắc tro xuống theo chiều gió cho đến hết. Buổi tiễn đưa ông Frank đơn giản có thế, không nước mắt, không người thân, nhưng đậm tình người và phước lành của Chúa; quanh đây là một thế giới an bình của cỏ cây, chim muông, và bầu không khí thật tinh khiết trong buổi sáng mùa Xuân chan hòa.

 

Công việc rải tro cốt xong thì mặt trời đã lên cao, cả ba người đứng lại bàng hoàng nhìn những hàng thông trải dài xuống bờ hồ, họ đang để vài phút để tưởng nhớ đến ông Frank. Từ đây nắm tro tàn của ông sẽ tan dần trong lòng đất cùng vợ hiền qua những cơn mưa đầu mùa, những kỷ niệm đẹp trong đời ông đang vấn vương trên những hàng cây ấy, và linh hồn của ông sẽ được về với Chúa vì ông là người lương thiện và ngoan đạo. Bà Tám bỗng nhớ tới Paul, không biết anh ta có về với mẹ cha hay lưu lạc ở một thế giới nào xa xôi.

 

(còn tiếp...)

 

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.