Mùi vị Quê Hương

 

Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là cái ngày mà sáng sớm mọi người rủ nhau đi hái lá gì đó. Cái trưa thì người lớn cúng gì đó. Cái sau đó con nít được ăn chè kê, bánh tráng, bánh tro, cháo vịt, dưa hấu.

Mấy Chú thì quét dọn bàn thờ. Mấy O, người thì ra sau giếng để nhổ lông vịt người thì ra sau hè để quạt than nướng bánh tráng. Mấy đứa nhỏ chạy lăn xăng tới chỗ này coi thì bị đuổi "tránh ra cho người lớn làm việc", chạy qua chỗ khác thì "coi chừng nước sôi nè"...

Con mèo mướp nằm lim dim trên hàng hiên sưởi nắng, con chó vàng có hai tai vểnh và cái đuôi cong tròn chạy loăng quăng theo lũ con nít. Không có một con thằn lằn nào trong ngày này, người ta nói chắc tự nó về quê ăn tết. Bầy vịt không cạc cạc như mọi ngày, chỉ có đàn gà con chíp chíp theo tiếng cục cục của mẹ bươi bươi trên mấy hạt bông cau rụng cuối vườn.

Mít nhà Ôn Nội ở Truồi có trồng 2 loại: mít ướt và mít ráo. Mít ráo múi vàng nhìn rất đẹp mắt, ăn dòn sựt và ngọt nên dân gian có câu ngon như múi mít.

Không biết có phải vì hồi đó ở Truồi dưa hấu hiếm hay sao mà chỉ được ăn có miếng nhỏ hình bán nguyệt thôi. Thật sự là còn thèm lắm. Trái thơm trồng sau vườn nhỏ bằng nửa trái thơm miền tây thôi nhưng vỏ đỏ và ngọt chi lạ, có điều ăn vô rốp lưỡi mấy ngày nên cũng thèm mà không dám ăn. Sau này lớn thích gọt trái thơm ra để trong tủ lạnh cho nó có mùi mỗi khi mở cửa. Hèn gì người ta gọi là trái thơm cũng phải.

Có khi còn được tắm nước nấu lá chanh hay ổi gì nữa, bởi vì nghe người ta nói ngày này mà hái lá gì thì nó cũng thành thuốc cả. Buổi trưa mọi người còn rủ nhau ra ngoài sân nhìn lên mặt trời cho sáng mắt. Chói thấy bà, chảy nước mắt ràn rụa luôn. Mà hay thiệt, nhờ vậy sau này lớn lên đi học không phải đeo kính gì cả, lúc già rồi thì có mang kính lão, nhưng bị cái này là do lớn tuổi nên không tính.

Cái xế trưa ai chưa biết bơi thì bắt con chuồn chuồn cho cắn vô rún thì sẽ tự nhiên bơi được. Con chuồn chuồn cắn nó vừa nhột vừa đau chảy nước mắt luôn. Nhà gần sông Truồi nên cắn xong là cả lũ chạy ào xuống, nhưng cũng không đứa nào bơi được. Mấy chú trong xóm nói chắc tại nó cắn chưa sâu (?)

 

 

 

Hạt kê có màu vàng, nhỏ xíu, nhỏ hơn cả hạt mè, không phải là món ăn ngày thường của người Việt. Có lẽ người ta chỉ nhớ tới mỗi khi gần cúng mùng 5.

"- Đứa nào mua kê chưa bây? - Dạ. - Bữa Mự Xạ Hương có cho mấy lon, để mô rồi? - Dạ chắc cột để trong lu gạo. - Ời, coi chớ gần mùng năm rồi đó"...

Do ít nấu hàng ngày nên chè kê nấu rất dễ bị khê, phải quậy đáy nồi liên tục. Vút hạt kê trong nước cẩn thận vì hạt nó rất là bé, ngâm với nước ấm cho nở ra xong mới nấu. Hạt nào nổi lên là bỏ đi, vì như vậy hoặc là ruột lép hoặc là con sâu mọt gì nó ăn hết ruột của hạt đó rồi mà do hạt nhỏ quá không nhìn thấy lỗ sâu ăn. Không biết nấu chung với đậu xanh hay hạt sen có dễ hơn không mà thấy người ta thỉnh thoảng cũng nấu chè kê với đậu xanh hay với hạt sen.

Sách vở thì còn gọi nó là Hoàng lương hay Tiểu Mễ. Nói tới nó cái nhớ câu chuyện ngày xưa hay nghe kể là Giấc mộng Hoàng Lương hay Giấc mộng Nam Kha. Chuyện thời nhà Đường, có chàng thư sinh thi mãi không đậu. Một bữa nọ đi thi về, ghé vào quán trọ, trong lúc chờ người chủ quán nấu cháo kê, em nó mệt mỏi ngủ thiếp đi và mơ một giấc mơ dài về cuộc đời vinh hiển, nào thi đậu Trạng Nguyên, nào được Vua gả con gái cho, làm Phò mã, chinh chiến, cuộc đời phú quý... cái rồi cuối cùng tự nhiên sa cơ, thua trận. Giật mình tỉnh dậy thấy nồi cháo kê vẫn chưa chín.

Hồi nhỏ nghe kể xong cái nghi nghi hoặc hoặc, tức lắm mà không hiểu làm sao kỳ vậy. Sao nằm mơ có một chút thôi thì giờ đâu mà thấy cả cuộc đời vậy. Cái cứ hỏi ông đó sau này có sao không, có đậu Trạng nguyên thiệt không, có lấy được Công chúa không?... Ai cũng trả lời "Chuyện đời xưa kể ngang đó thôi, khúc sau không ai biết sao cả". Cái rồi lan man nghĩ lại, hình như mình cũng có như vậy, nhiều khi thấy mắc tiểu mà không biết là đang tỉnh hay mơ, bị nhiều lần rồi, nên cẩn thận ráng chạy ra cho tới gốc chuối rồi mới yên tâm cầm chim đái. Thấy rõ ràng mình đái vào thân cây chuối, vào cái tàu lá chuối khô kêu rột rẹt, vung tới vung lui, vậy mà tự nhiên giật mình thức dậy lại ướt quần và ướt cả tấm phản, rồi còn bị la "Hư quá, tối ngủ không lo đi đái sao giờ đái mế vậy?" Ức gì đâu!

 

 

 

Dâu Truồi thì khỏi nói. Vườn trước và vườn sau nhà ôn Nội đều có trồng một cây. Cả hai cây cao to, vỏ cây màu sáng nhưng không hiểu sao nó không láng như thân ổi mà cứ sần sùi. Hóa ra là tới mùa hoa nó mọc ra quá trời chùm hoa từ thân cây, khi kết trái thì thấy cả một thân cây chi chít trái. Trái dâu non màu xanh, khi chín chuyển qua vàng, ửng đỏ phần dưới. Bẻ ra bên trong có 3 múi, có khi 2 múi. Ăn ngọt lịm pha vị chua thanh nhẹ nhẹ rất là ngon, ngon tới mức nhiều khi quên nuốt luôn cả hột.

 

Nói chung thì ngày mùng 5 vui chứ không trang nghiêm như Tết.

Sau này lớn lên thì biết nó là Tết Đoan Ngọ...

"Mồng năm gói bánh ú tro

Tết mừng Đoan Ngọ tỏ bày tình thân

Nấu thêm cơm rượu thật cần

Dân gian gọi Tết giết dần bọ sâu

Buồng cau, nải chuối đây rồi

Mang ra chợ bán được hồi giá cao

Quê nghèo nào có gì đâu

Quanh năm lam lũ giãi dầu nắng mưa..."

(Thơ: Hân Đặng)

 

Hôm nay chợt nhớ quê nhà và những tháng ngày tuổi dại…

 

Mississsauga, Aug, 2020

Nguyễn Đình Bội Anh

YKH-20

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.