KHỔNG GIÁO VÀ CỘNG SẢN

Lê Đức Minh

Mọi người vẫn còn nhớ cách đây một thời gian, chính quyền Trung cộng đã cho đúc một bức tượng Khổng tử thật hoành tráng bằng đồng xanh, rồi mang ra đặt ngay trước quảng trường Thiên An Môn. Một thời gian sau không hiểu tại sao lại mang đi mất.

Việc làm đó hoàn toàn không phải là một việc ngẫu nhiên. Chúng ta nên nhớ lại rằng khi lật đổ chế độ phong kiến tại Trung quốc và Việt Nam, những người cộng sản đã coi Khổng tử như một tàn tích hủ bại của chế độ phong kiến.

Chế độ cộng sản coi luật pháp là công cụ của giai cấp thống trị. Ý nói rằng luật pháp tư bản là công cụ của giai cấp tư bản nhằm thống trị và đàn áp giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Do đó bản chất của chế độ cộng sản là sự từ chối pháp luật.

Marx từng nói “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.” Từ Liên xô cho đến các nước Đông Âu, các quốc gia cộng sản Á châu như Trung quốc và  Việt Nam..., chính quyền cộng sản ra sức đàn áp và tìm mọi cách để tận diệt tôn giáo. Bản chất của chế độ cộng sản là không đội trời chung với tất cả mọi tôn giáo.

Những người cộng sản Trung quốc và Việt Nam coi Khổng giáo là một thứ triết học phản cách mạng. Triết lý của Khổng tử về một xã hội “tôn ti trật tự” trong đó mọi người chấp nhận vị trí xã hội của mình, trung quân, ái quốc, thờ cha kính mẹ, tôn sư trọng đạo, kính người trên, nhường người dưới... Theo Khổng tử nếu mọi người trong xã hội đều nhận thức được vị trí của mình và làm tròn bổn phận của mình với vị trí xã hội đó thì “thiên hạ” sẽ tuyệt đối thái bình.

Những người cộng sản giảng giải rằng sự thấm nhuần những tư tưởng của Khổng giáo và Phật giáo khiến giai cấp vô sản tại Trung quốc và Việt Nam đã không dám thách thức những người có vị trí xã hội cao hơn, cam chịu làm nô lệ cho giai cấp thống trị phong kiến, không có đủ can đảm đứng lên làm cách mạng để đổi đời.

Khổng giáo và tôn giáo tại Trung quốc và Việt Nam được coi là trở ngại chính trong con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, là kẻ thù của cách mạng vô sản.

Theo những người cộng sản thì trong khi Khổng giáo kêu gọi mọi người tôn trọng trật tự xã hội, thì chủ nghĩa cộng sản kêu gọi cách mạng, lật đổ mọi thứ để xây dựng lên một xã hội  hoàn toàn mới của loài người. Như thế rõ ràng chủ nghĩa cộng sản và Khổng giáo phải khác nhau về căn bản?

Paul Mus, một triết gia Pháp có nhiều quan hệ và nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam cho rằng Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản hầu như không giống nhau ở bất cứ điểm nào.

Mus nói mặc dầu Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản đều bác bỏ chủ nghĩa cá nhân, coi trọng trách nhiệm tập thể, nhưng chủ nghĩa tập thể trong Khổng giáo có tính chất thiêng liêng hơn nhiều so với chủ nghĩa tập thể của chủ nghĩa cộng sản. Đối với người cộng sản, chủ nghĩa tập thể chẳng qua là là một nguyên tắc có tính chất thực dụng, dùng để huy động và phát huy sức mạnh tập thể cho mục đích cải tạo xã hội.

Tuy nhiên sự khác biệt mà Paul Mus nói đến khi đề cập đến Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản chỉ là sự khác biệt có tính chất hình thức.  Trong khi chủ nghĩa cộng sản là một sản phẩm của xã hội phương Tây, vốn thực dụng và hình thành dựa vào những nghiên cứu khoa học, thì Khổng giáo là kết tinh của những quan sát xã hội tự nhiên với trung tâm điểm là con người.

Trên thực tế Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản có rất nhiều điểm chung.

Khác với sự lầm tưởng của nhiều người, trong Khổng giáo không có chỗ dành cho tôn giáo. Theo Khổng tử, con người, trên hết là một thực thể xã hội. Và vì thế con người không nên hướng tinh thần của mình vào thế giới siêu nhiên. Tại đây Khổng giáo đã có điểm chung đầu tiên với chủ nghĩa cộng sản: Con người không nên tin vào tôn giáo mà nên tập trung suy nghĩ của mình vào xã hội loài người đang sống.

Theo Nguyễn Khắc Viện, một trí thức  cộng sản nổi tiếng của Việt Nam,thì cả Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản đều đề cao trách nhiệm tập thể và bổn phận xã hội. Ông ta nói rằng chủ nghĩa cá nhân tư sản hoàn toàn xa lạ với cả Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản.

Một đặc tính khác của Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản là khuynh hướng công nhận tính chính thống. Theo đó vị trí, thứ bậc trong xã hội là không thể thay đổi. Vua sinh ra để làm vua và dân sinh ra để làm dân. Do đó truyền thống cha truyền con nối của chế độ phong kiến được lập lại dưới chế độ cộng sản qua hình thức thế hệ lãnh đạo già nua giao quyền lực lại cho thế hệ kế thừa. Vị trí độc tôn của vua chúa và đảng cộng sản là bất khả thách thức.

Cũng theo ông Viện thì bản chất của Khổng giáo là bảo thủ, coi hành vi cá nhân chống lại người khác ở vị trí xã hội cao hơn hay chống lại nhà cầm quyền là hành động nổi loạn làm rối loạn sự an lành của xã hội.  Chính vì thế để đảm bảo mọi người đều hài lòng trong vị trí xã hội của mình, Khổng tử đề cao vai trò “đạo đức mẫu mực” của người cai trị như vua chúa và quan lại.

Theo đó, vị trí của vua chúa, quan lại là những vị trí đã định sẵn cho những người này. Trong những vị trí trọng vọng đó, họ phải có bổn phận làm gương, rồi dạy dỗ những điều hay lẽ phải cho dân, tức là những người có vị trí xã hội thấp kém hơn. Người Việt hay nói “quan cho ra quan, dân cho ra dân,” cũng là để nói đến cách xử thế của từng người tùy theo thứ bậc xã hội của mình.

Người cộng sản sau khi lật đổ chế độ phong kiến đã đưa ra khẩu hiệu rằng cán bộ phải “cần kiệm liêm chính chí công vô tư.”Thay vì nói “quan là phụ mẫu của dân”, người cộng sản nói “cán bộ là đầy tớ của nhân dân,” hay cán bộ là những người “gian khổ đi đầu, sung sướng hưởng sau.”

Tưởng không cần phân tích sâu xa cũng dễ thấy sự tương tự của Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản khi nói về vai trò của những người cai trị dân. Sự khác nhau chẳng qua chỉ là từ ngữ. Trong khi đó điểm chính yếu là quan lại phong kiến hay cán bộ cộng sản đều phải là những người làm gương, để qua đó giáo hóa quần chúng. Cụm từ “cần kiệm liêm chính chí công vô tư” không phải là một phát minh mới của những người cộng sản. Đó cũng chính là kim chỉ nam của những quan lại phong kiến, khi nhận lãnh trách nhiệm cai trị dân, vốn có thể tìm thấy khắp nơi trong những lời rao giảng của Khổng tử.

Một điểm khác là cả Khổng giáo lẫn chủ nghĩa cộng sản đều không coi trọng pháp luật. Trong Khổng giáo trật tự xã hội chắc chắn sẽ được duy trì nếu ai cũng biết rõ vị trí của mình và làm tròn bổn phận của mình trong vị trí đó. Vua biết vị trí của mình và biết mình phải làm gì, dân biết vị trí của mình và biết phải làm gì. Cần gì phải có pháp luật?

Nếu có chăng thì pháp luật đó chính là tư cách thái độ của những người cai trị. Khi đã nêu gương, họ có quyền giảng dạy cho người dân điều hay lẽ phải. Qua đó luật pháp nằm chính trong tay của vua chúa hay quan lại. Một ông quan đã thấm nhuần đạo thánh hiền, ra làm quan cai trị dân không cần bất cứ luật pháp nào. Bởi vì một vị quan công minh như Bao công thì ai cần phải có những bộ luật hình sự làm gì cho phức tạp?

Vua cho quan lại được quyền hành xử tối thượng thay mặt nhà vua tại những quận huyện quan cai trị. Quan được làm bất cứ điều gì miễn đừng đi ngược lại đạo thánh hiền. 

Những cán bộ cộng sản cũng hành xử tương tự. Cái duy nhất mà họ dựa vào đó là đạo đức cách mạng.  Đạo đức cách mạng là gì? Đó chính là “cần kiệm liêm chính chí công vô tư.” Nếu đạt được như thế thì khi đến một địa phương nào, mỗi cán bộ cộng sản có thể nói là một ông Bao công. Ai cần luật pháp làm gì cho phức tạp dưới chế độ cộng sản? Thay vì làm luật, đảng cộng sản ra sức đào tạo đảng viên cán bộ cho thấm nhuần cương lĩnh, chủ trương, đường lối của đảng. Cộng thêm với tư cách cá nhân của cán bộ là thành luật.

Đảng cho cán bộ quyền hành xử tối thượng tại địa phương nơi cán bộ thay mặt đảng điều hành cơ chế cai trị tại địa phương. Cán bộ có thể làm bất cứ điều gì miễn đừng đi ngược lại với chủ trương chính sách của Đảng.

Tại Việt Nam, từ sau khi thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 1945 cho đến giai đoạn cải cách vào cuối thập niên 1980, quốc hội nước VNDCCH và sau đó là nước CHXHCNVN chỉ ban hành một đạo luật duy nhất đó là Luật Cải Cách Ruộng Đất vào năm 1953.

Đạo luật này mở đường cho một cuộc đấu tranh giai cấp và thanh trừng nội bộ đẫm máu tại miền Bắc Việt Nam khiến hàng chục ngàn người bỏ mạng. Trong đó có cả những người từng tham gia và đóng góp lớn cho cách mạng chống Pháp.

Trong một thời gian khá dài tại miền Bắc XHCH, Bộ Tư Pháp cũng bị chính phủ giải tán. Vì sao?

Sự thiếu vắng luật pháp tại miền Bắc XHCN và việc đóng cửa Bộ Tư Pháp có thể giải thích với lý do rằng cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước bằng vũ lực đã chi phối toàn bộ thì giờ và nhân lực của chính phủ. Cho nên quốc hội cũng không có thì giờ để làm luật và Bộ Tư Pháp cũng không có việc để làm.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, những người cộng sản vốn dị ứng với luật pháp. Về mặt lý thuyết luật pháp là công cụ của giai cấp tư bản xấu xa. Về mặt thực tế luật pháp gây khó khăn cho việc thực hiện những chính sách đường lối của đảng, vốn cần phải uyển chuyển tùy theo từng giai đoạn. Hơn nữa nếu có luật pháp thì đảng và cán bộ cũng phải bị pháp luật chi phối.  Đây là điều tối kỵ với những người cộng sản. Các nghị quyết của đảng và bộ chính trị là loại pháp luật duy nhất đúng đối với những người cộng sản.

Nếu cán bộ sai sót, dựa vào chủ trương đường lối chính sách của đảng, đảng có thể xử lý nội bộ nhằm hạn chế đến mức tối đa sự ảnh hưởng đến uy tín của đảng. Nhưng nếu có pháp luật, thì việc xét xử những cán bộ của đảng được coi như là chính đảng bị xét xử!

Sau năm 1945 các trường đại học luật khoa tại miền Bắc bị đóng cửa hoàn toàn. Luật sư đoàn bị giải tán. Các luật sư được đào tạo trong thời Pháp coi như thất nghiệp phải chuyển sang làm những công việc chẳng giống ai. Một số lớn các luật sư thì di cư vào Nam. Một số khác thì chuyển ra sinh sống ở nước ngoài. Có thể nói luật sư là một nghề bị khai tử sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

Tình trạng tương tự xảy ra tại miền Nam sau năm 1975. Một lần nữa các đại học luật bị đóng cửa, luật sư đoàn bị giải tán. Các luật sư dù thân cộng cũng không được hành nghề chính thức. Nghề luật sư coi như cũng bị khai tử sau ngày chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng. Toàn bộ hệ thống luật pháp của Việt Nam Cộng Hòa bị chính quyền cộng sản vứt bỏ vào sọt rác.

Cần biết hệ thống luật pháp của Việt Nam Cộng Hòa có nguồn gốc từ hệ thống luật của nước Cộng Hòa Pháp. Tuy nhiên trong tiến trình phát triển hệ thống luật pháp của Việt Nam Cộng Hòa, nhiều đạo luật đã được biên soạn với sự giúp đỡ của các chuyên gia luật của Hoa kỳ. Một trong những đạo luật được coi là có tầm vóc thế giới là bộ luật thương mại của Việt Nam Cộng Hòa.

Khi Việt Nam thực hiện chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và chuẩn bị gia nhập thị trường thế giới, Việt Nam thấy rõ nhu cầu cần phải có một bộ luật thương mại hiện đại. Nhiều chuyên gia luật tại Việt Nam đã đề nghị sử dụng bộ luật thương mại của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên chính quyền cộng sản Việt Nam đã từ chối lời đề nghị này vì “lý do chính trị”! Bộ luật thương mại tại Việt Nam hiện nay được biên soạn dựa trên bộ luật tương tự của Trung quốc, có tham khảo với luật thương mại của Pháp.

Trong một thời gian ngắn, do nhu cầu chính trị và kinh tế cấp bách, Việt Nam đã soạn thảo một số lượng lớn luật và bộ luật. Có thể nói số lượng luật và bộ luật tại Việt Nam được soạn thảo quá nhiều và quá nhanh, đến nỗi cả đảng cộng sản, chính phủ và cán bộ cao cấp không có đủ thời giờ và khả năng để hiểu hết những luật này và tác động xã hội của chúng, chưa nói đến việc vận dụng các đạo luật đó vào đời sống chính trị xã hội và các hoạt động kinh tế.  Chính vì thế một luật gia nổi tiếng của Việt Nam là bà Ngô Bá Thành đã nói: “Việt Nam có một rừng luật, nhưng chỉ chuyên sử dụng luật rừng.”

Cùng với việc biên soạn cấp tốc luật và bộ luật, các trường đại học luật tại Việt Nam cũng được gấp rút mở cửa trở lại và tung ra một số lượng khá lớn luật sư. Đa số luật sư tại Việt nam, có ngoại ngữ kém, xa lạ với hệ thống luật của các nước dân chủ, không có đủ trình độ để tham gia các vụ tranh tụng hay tranh chấp có tầm vóc quốc tế.

Nghề luật sư tại Việt Nam hiện nay cũng là một nghề rất nguy hiểm. Không có nghề nào tại Việt Nam mà có nhiều người hành nghề ở tù như nghề luật sư! Đa số luật sư hành nghề như đi dây tử thần giữa luật pháp và quyền lực chi phối của đảng cộng sản. Sự hiểu biết luật pháp cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều luật sư tại Việt Nam chọn thái độ thách thức vị trí “ở trên pháp luật” của đảng. Điều này khiến các luật sư như Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài... phải vào tù. Nhiều luật sư khác bị loại ra khỏi luật sư đoàn. Nhiều luật sư khác ngày đêm bị hăm dọa.

Trong bối cảnh bất công xã hội ngày càng trầm trọng, tham nhũng tràn lan trong hàng ngũ cán bộ có quyền có chức, uy tín của đảng ngày càng suy giảm. Xã hội công dân ngày càng phát triển cũng góp phần làm cho dân chúng ngày càng bớt sợ sệt các công cụ bạo lực của đảng như công an hay quân đội. Các cuộc biểu tình xảy ra khắp mọi nơi kể cả ở Trung quốc và Việt Nam. Mức độ bạo động của các hành vi phản kháng ngày càng tăng đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ.

Việc quay trở lại với Khổng giáo có thể là một giải pháp cần thiết nhằm thiết lập lại kỷ cương xã hội và dập tắt những mầm mống chống đối. Hành động này của đảng cộng sản một lần nữa cho thấy Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản ở Á châu có một mối quan hệ đặc biệt mà không thể tìm thấy ở các nước cộng sản như Nga, Cuba hay ở Đông Âu.

Hơn lúc nào hết đảng cộng sản tại Trung quốc và Việt Nam mơ về một xã hội thấm nhuần những tư tưởng Khổng giáo, nơi người dân biết rõ vị trí của mình và tôn trọng vị trí “chí tôn” của đảng cộng sản như người dân cung cúc làm ăn và thờ vua dưới thời phong kiến.

Không phải tự nhiên mà đảng cộng sản Trung quốc cho dựng tượng của Khổng tử trên quảng trường Thiên An Môn. Có thể những người cộng sản Trung quốc còn muốn đặt tượng Khổng tử ngay bên cạnh tượng của Mao Trạch Đông. Tại Việt Nam Nguyễn Khắc Viện có lần đã nói: “Điển hình sinh động nhất sự chuyển biến của một người từ một học giả Khổng giáo trở thành một lãnh tụ cộng sản đó chính là chủ tịch Hồ Chí Minh.” Bản thân Mao Trạch Đông cũng từng là một nhà giáo theo truyền thống của đạo Khổng.

Từ sự phân tích về những điểm tương đồng của Khổng giáo và chủ nghĩa cộng sản, có thể nói rằng xã hội cộng sản chỉ là một xã hội phong kiến hiện đại không hơn không kém.

Khổng giáo đã tồn tại và đã ăn sâu vào tiềm thức, nếp sống và nếp suy nghĩ của người dân ở Trung quốc và Việt Nam hàng ngàn năm nay.  Đó chính là câu trả lời vì sao chủ nghĩa cộng sản khó có thể bị đánh bật gốc ra như đã xảy ra tại Nga và Đông Âu.

Sự kết hợp giữa truyền thống Khổng giáo và tư tưởng cộng sản đã làm tê liệt khả năng đề kháng của hai dân tộc Trung quốc và Việt Nam. Khổng giáo chống lại bất kể loại hình cách mạng nào. Cộng sản chỉ tiến hành một cuộc cách mạng hình thức. Sở dĩ cách mạng cộng sản thành công tại Trung quốc và Việt Nam vì những người cộng sản đã dùng chiêu bài chống Nhật, chống Pháp hay chống Mỹ, và đã khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, lòng yêu nước của đa số dân chúng. Nếu như không có chiêu bài chống ngoại bang, dành độc lập, chưa chắc những người cộng sản tại Trung quốc và Việt Nam đã lật đổ được chủ nghĩa phong kiến.

Xét cho cùng, cả hai dân tộc Trung quốc và Việt Nam, sống hàng ngàn năm trải qua hai chế độ phong kiến và cộng sản, chưa có một ngày được thật sự sống trong một chế độ dân chủ.

Dựa vào đâu người ta tin rằng các phong trào tự do dân chủ theo kiểu phương Tây sẽ có một ngày toàn thắng ở Trung quốc và Việt Nam?

Lê Đức Minh

(YKH-23. Luật Sư / Bác sĩ. Australia)

 

Tài liệu tham khảo

Stein Tonnesson, From Confucianism to Communism and back: Việt Nam 1925-1995, NIAS.

John Stanley Gillespie, Transplanting Commercial Law Reform – Developing A Rule of Law in Vietnam, Ashgate 2006

Bui Thi Bich Lien, Legal Education in Transitional Vietnam, ANU, 2011

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.