Kể chuyện du lịch từ Mỹ đến Âu và Á châu.

Phạm Đình Dương YKH-8

 

 

Vài lời thưa trước:

Thú thật, tôi không muốn đi du lịch những nơi xa xôi như Mỹ vì nhiều lý do khác nhau, nhất là đi trong mùa đông lại càng không. Thử tưởng tượng ngồi bó gối trong máy bay suốt 14 tiếng đồng hồ để đến Mỹ, tôi thấy qúa ngán ngẩm trong khi mình đã già với ½ bộ răng cha sinh mẹ đẻ đã ra đi và mắt thì…mơ huyền,cộng thêm bệnh viêm xoang mãn tính bất trị và ít chứng bệnh của tuổi già! Thế nhưng, vợ chồng truởng nam trước kỳ nghỉ thường niên đã nảy ra ý định đi du lịch Mỹ, ba nuớc ở Âu châu cùng hai địa điểm thuộc Á châu và chúng nó đã may và mau mắn thấy hãng phi cơ Virgin Australia quảng cáo bán vé giá rẻ hạng có ghế nằm liền chụp lấy cơ hội mua đến 4 vé, còn cháu gái dưới 1 tuổi được miễn. Vợ chồng chúng nó vốn có kinh nghiệm du lịch thời còn là tình nhân của nhau, đã lên chương trình với đầy đủ chuyến bay, nơi đến, nơi đi cùng danh sách nhiều khách sạn (tất nhiên trả tiền trước) những nơi sẽ ghé lại. Nếu một mình tôi được đi chơi theo chúng thì dễ khước từ nhưng bà xã ngay từ trước đã nhận lời, cứ một mực yêu cầu tôi đi theo cho bằng được. Vậy là cuối cùng đành phải…”xuất ngoại tòng thê”, cho công bình với… phái nữ “xuất giá tòng phu”! Dù sao đi nữa, vợ cũng là “boss” mình hay cao chót vót… ý vợ là ý trời!  Có người nói thế!

Nhìn vào tờ chương trình, tôi thấy không có mấy thì giờ ở Mỹ cho mình đi thăm bà con, huống chi bạn bè ở đó. Đây là lý do tại sao tôi đã định lên đường du lịch Mỹ một cách lặng lẽ mà không báo tin cho bạn nào ở Mỹ biết cả, trừ ra vài ngày cận kề trước đó báo cho bạn cùng lớp Vũ Văn Trọng. Tuy nhiên vào giờ chót, tôi thấy áy náy trong lòng vì một phần sợ mấy bạn hiểu lầm mình cố ý quên bạn bè (?) nên tôi đã làm ngược lại là gửi thư cho đàn anh Chánh biết ngay khi vừa đặt chân vào khách sạn Sheraton ở Anaheim! Khi tôi gửi e-mail với địa chỉ Google qua Iphone, anh Chánh không tin đó là tôi vì địa chỉ tôi thường dùng trên hộp thư Y khoa Huế là Yahoo và có lẽ vì trước đó, tôi không hề báo tin cho anh Chánh biết! Đùng một cái tôi … xuất hiện ở Mỹ thì anh Chánh nghi ngờ cũng phải thôi! Xin được phép có vài lời “thật thà khai báo” như trên hay đúng hơn là “có thì nói có, không thì nói không” trước khi kể chuyện du lịch.

 

Phần I: Hai tuần trên đất Mỹ.

Cỡi ngựa xem … Hoa Kỳ:

Đúng là “cỡi ngựa xem hoa”! Dù đã dành 2 tuần du lịch Mỹ nhưng đây là một đất nước vĩ đại với dân số đông hàng thứ 3 trên thế giới nên thời gian du lịch ở Mỹ ngắn như thế thì qủa là đi kiểu … phất pha phất phơ của mấy chàng công tử thời xưa ngoạn cảnh, thành ra có điều gì không chính xác, xin qúy vị thông cảm mà…đại xá cho!

Sau 14 giờ ê ẩm trên phi cơ, vượt khoảng 12 ngàn cây số, tôi đến Hoa Kỳ lúc 10 giờ sáng ngày 28.12.2017 với bầu trời nắng ấm mùa đông, chứ không lạnh lắm như tôi lầm tưởng, khiến tôi đã chuẩn bị vài thứ chống lạnh như body warmer (đồ làm ấm cơ thể, do Nhật Bản chế tạo) nhưng không có dịp xử dụng. Trước khi cho du khách (nước ngoài đến Mỹ) ra khỏi phi trường Los Angeles, hải quan Mỹ xét passport 2 lần qua 2 điểm kiểm soát một cách kỹ lưỡng để đề phòng khủng bố. Chúng tôi vào phòng đợi chờ lấy xe thuê để lái trong thời gian ở Mỹ, dĩ nhiên là con trai lái, chứ già như mình thì không dám, sợ lẫn lộn trái phải vì Úc lái bên trái còn Mỹ bên phải. Mãi đến khoảng hơn 2 giờ chiều mới đến nhận phòng khách sạn Sheraton, nằm trên đường South Harbor. Khách sạn này trông khá lâu đời, có lẽ nổi tiếng vì có nhiều nhân vật danh giá từng đến trọ ở đây như cô đào điện ảnh Monroe, ca sĩ Sinatra và cả cố TT.Reagan v.v.  Không biết có phải vì thế mà giá đắt nhất trong các khách sạn chúng tôi thuê ở Mỹ? Buổi tối có người bà con đến mời đi ăn hải sản gần đó, có lẽ ngon nhất nên chờ đợi bàn trống cũng khá lâu.

Đến thăm Little Saigon, quận Cam, California:

 

 

 

 

Sau một đêm nghỉ lấy sức, việc trước hết là điện thoại cho anh Chánh  để hỏi xem anh có rảnh thì gặp nhau rồi đi uống cà phê và cũng nhân tiện gửi thư xem có bạn cũ hay bạn đồng môn nào mà mình quen biết trên diễn đàn y khoa Huế ở gần vùng khách sạn mình trọ không, nếu có thì giờ thuận tiện thì có thể dễ dàng đến gặp gỡ chuyện trò nhưng tiếc là không có ai ngoài anh Chánh và Lợi, bạn cùng lớp là hai người bạn ở gần nhất. Cũng rất tiếc là Vũ Văn Trọng vừa rời khỏi Las Vegas trước đó một tuần từ Texas ghé qua và đã về lại Tennessee mà chương trình của chúng tôi dự định đi Las Vegas là tối 31/12. Tiếp đó, anh Chánh liên lạc được với Võ Đại Lợi và hẹn gặp 10 giờ ở trước khu Phúc Lộc Thọ để đến ăn uống ở một nhà hàng Pháp (?) mới mở ở Little SaiGon. Thấy còn lâu mới đến giờ gặp và gia đình con trai khó ra phố sớm hơn được nên ngay từ sáng sớm vợ chồng chúng tôi kêu xe taxi chở đi xem cho biết nhà thờ Crystal Church, thường gọi nhà thờ kiếng, ở Garden Grove. Đó là một toà nhà kiến trúc gồm 13 tầng bằng kính và thép. Mái và tường nhà thờ gồm hơn 10 ngàn khung kính hình chữ nhật, do mục sư Robert H.Schuller cho xây dựng xong năm 1980. Nhà thờ toạ lạc trên mảnh đất rất rộng với diện tích 40 mẫu Anh (16 hecta) và đỉnh cao nhất của khu này là 236 bộ (72 m). Toàn khu vực được bán cho giáo hội Công giáo Mỹ năm 2012 với giá 57,5 triệu Mỹ kim và từ 2015 được đổi tên thành nhà thờ Chúa Cứu Thế (Christ cathedral), của giáo phận Orange County.

 

 

 

Theo anh tài xế taxi, giá bán như vậy qúa rẻ, nội mảnh đất rộng rinh này có giá trị cao cho người nào muốn mua để đầu tư kinh doanh sau này, nếu giáo phận lại bán. Chúng tôi đi khắp thì thấy có vài bức tượng điêu khắc gợi hứng từ Kinh Thánh như “Người đàn bà ngoại tình” và “Đứa con hoang đàng” v.v. và đặc biệt có khu vực dành cho tín đồ đã qua đời mà thân nhân muốn xây mộ hay gửi tro tại đây sau khi thiêu.

Xong chúng tôi về khu Phúc Lộc Thọ của little Saigon và đợi anh Chánh đến, thay vì để anh Chánh mất công chạy tới đón ở khách sạn. Và con trai chở vợ con cũng đến luôn, tôi giới thiệu thì anh Chánh và Lợi đùa là “con trai mầy đẹp trai hơn mầy nhiều”! Chẳng hiểu sao câu nói đùa này làm tôi cứ tưởng hai bạn muốn ám chỉ là ngày xưa tôi không thuộc loại “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi” mà Y khoa Huế vào thời điểm đó có khá nhiều những công tử từ con quan chức đến con nhà thương gia giàu có. Buổi chiều, vợ chồng con trai với bà xã tôi cùng đi chơi ở Universal Studios Hollywood và Beverly Hills, theo chương trình còn tôi được một buổi chiều (hiếm có) riêng tư với bạn bè. Thấy có qúa nhiều điều để tâm sự mà chưa thấm tháp vào đâu, anh Chánh đề nghị Lợi chở tôi đến nhà Lợi trước rồi anh Chánh sẽ đến sau hầu… lai rai ba sợi hay nhâm nhi chút rượu (?) cho ấm người nhưng cuối cùng anh Chánh bận việc bất ngờ nên không thể đến được và tôi thông cảm với anh.

Nhà Lợi nói theo văn ngôn trong nước là rất “hoành tráng” mà giá rẻ qúa so với Úc. Nếu nhà này ở Úc sẽ có giá từ 5 triệu đô trở lên. Đây đúng là toà lâu đài xây cất kiên cố mà giới già bảo thủ như tôi thì rất thích kiến trúc kiểu này. Khi qua Las Vegas, tôi mới thấy kiểu nhà Lợi có cái gì đó na ná với khách sạn Caesars Palace và một số toà nhà màu trắng ở Ý, Hy Lạp với những cây cột thẳng tắp vươn lên trời, trông bề thế và vững chắc với thời gian! Ngồi chơi ở đây, tôi cũng có dịp nói chuyên qua điện thoại với vợ chồng đàn anh Vinh- Liên. Hình như anh Vinh bây giờ đang đi sâu vào việc nghiên cứu Phật học cũng như thiền học thì phải còn Liên nghe giọng nói không thay đổi mấy, vẫn từ tốn như xưa! Cuộc điện thoại làm tôi nhớ lại là hồi ở Sài Gòn, tôi từng có lần làm nghề “trình dược viên” không giấy phép tức là làm chui, đi giới thiệu một vài dược phẩm (nước ngoài gửi về) nơi phòng mạch 2 anh chị ở Bình Hoà (Bà Chiểu ?) và được anh chị đón tiếp rất vui vẻ và chân tình!

 

 

 

 

Buổi chiều vợ chồng Lợi chở tôi ra ngắm biển và Lợi lái vù vù trông vẫn còn phong độ lắm.  Đến Dana wharf of sportfishing and whalewatching chúng tôi cùng thả bộ để đi hóng gió biển ở đây rồi buổi tối được vợ chồng Lợi chở đi ăn cơm chay ở quán đồ chay Bồ Đề Tịnh Tâm và tôi được ăn một bữa cơm chay ngon tuyệt, hơn hẳn nhiều quán ăn chay ở Cabramatta mà tôi có thỉnh thoảng đến ăn.

Qua cuộc nói chuyện với anh Chánh và Lợi, tôi nhận ra cả 3 chúng tôi đều có trí nhớ không được hoàn hảo như xưa mà suy giảm theo tuổi tác, thậm chí đôi lúc nhớ lầm. Anh Chánh trông trẻ nhất trong 3 đứa tôi và đặc biệt là có tinh thần lạc quan với tiếng cười giòn giã. Hôi Ái hữu Y khoa Huế hầu như ai cũng biết là mỗi lần đi đâu, anh thường ưu ái đem theo cháu Bồ Câu. Tôi lên xe ngồi bên cạnh cháu và cháu có vẻ muốn chào tôi nên tôi tự nhiên nắm lấy bàn tay và ôm vai cháu như một người thân lâu ngày gặp gỡ và cháu tỏ vẻ dễ chịu cũng như có thiện cảm với tôi.

Phải nói “dễ thương”nhất trong thời gian tôi ở Mỹ là bạn Lê Cảnh Luận vốn học cùng lớp với tôi, người mà tôi không nghĩ sẽ gặp lại, tuy nhiên chúng tôi lại có duyên tái ngộ, nhờ bạn Lợi đã cho Luận biết số điện thoại của tôi. Nghe điện thoại bạn gọi cứ như tình nhân đồng phái (gay) năn nỉ nhau: “Dương ơi, cho tao gặp lại mày một lần”. Mới đầu, tôi hơi khựng lại vì nghĩ Luận nói “một lần cuối” có vẻ như nói “gở” nhưng tôi cho là thính giác mình kém nên nghe lầm thì đúng hơn. Sở dĩ Luận muốn gặp tôi là vì chúng tôi có nhiều kỷ niệm lúc ở chung nhà ăn cơm và ngủ trọ ở nhà bác cai trường Luật, vào năm thứ 3 của tôi còn Luận đã ở đó trước từ năm Dự Bị Y Khoa. Chúng tôi còn có vài kỷ niệm nữa khoảng đầu năm 1980, lúc tôi và Luận đều lang thang ở Sài Gòn tìm đường vượt biên, từng ngồi uống cà phê bên lề đường Trương Minh Giảng, trước Đại học Vạn Hạnh, cùng trao đổi tin tức về bạn đồng lớp và đồng hương Quảng Trị của Luận từng ăn cơm ngủ trọ cùng nhà! Những ngày ở Sài Gòn chán qúa phải không Luận vì chúng mình chỉ muốn ra đi khi thấy chế độ CS. coi cả nước như là “chiến lợi phẩm” mà họ ăn cướp được? Mừng là Luận vượt biên thành công trước tôi khá lâu. Và nay mình mừng hơn vì Luận đã trở lại làm việc trong nghành y tế trên đất Mỹ với nhiệm sở ngay trên đường South Harbor, cũng gần khách sạn tôi ở, nên tôi mới có duyên gặp lại! Dù mới trực đêm qua ở đó, Luận đã chở tôi đi ăn sáng ở tiệm phở Phoholic và đến ngồi uống cà phê ở Factory rồi phải chia tay nhau vội vã vì con trai gọi điện thoại cho biết phải rời khách sạn trước 11 giờ! Thật là một cuôc tái ngộ bất ngờ và thân tình!

 

 

 

 

 

Đi chơi Las Vegas:

Las Vegas là thành phố đông dân nhất của tiểu bang Nevada, ở một góc về phiá đông nam tiểu bang này và cách Los Angeles (thành phố chính của tiểu bang California) 274 dặm tức là độ 430 cây số. Chúng tôi mất một buổi chiều lái xe loanh quanh ở Garden Grove để tìm chổ ăn uống và mua một ít đồ ăn uống dọc đường, nhất là cho cháu bé nếu đói thì có ngay nên mãi cho đến gần tối mới lên đường trực chỉ Las Vegas. Cũng có thể gọi là điều may trong hành trình, khi Trọng gọi điện thoại nói chuyện nên cũng quên hết mọi nỗi lo lắng khi con trai lái xe vào ban đêm. Dù Trọng khen con trai dám lái đi ở Mỹ như vậy là “giỏi” nhưng mình đâu dám nói cho nó biết về chuyện này vì sợ nó cao hứng mà mất đi sự chú ý chăng. Tuy nhiên, cũng cám ơn Trọng đã báo cho biết việc lái xe ở San Francisco phải cẩn thận hơn với đường toàn lên xuống dốc, rất nguy hiểm. Nhờ đó mà mọi chuyện đều được an toàn trên xa lộ nhờ cảnh giác cao độ trong suốt 2 tuần ở Mỹ với hệ thống giao thông chằng chịt nhiều đường cao tốc nhất mà lần đầu tôi thấy!

Dọc đường xảy ra một chuyện cãi cọ giữa 2 sắc dân Mỹ La Tinh và Tàu khi chúng tôi ghé lại đổ xăng và nghỉ ngơi. Phần nhiều phòng vệ sinh nữ ở đâu cũng vậy và lúc nào cũng phải xếp hàng rất dài còn phòng của nam thì… lơ thơ tơ liễu buông mành. Thấy thế, một chàng người Tàu kêu cô bạn gái của mình đi vào cùng lúc và hai cô bạn Tàu cũng lợi dụng đi vào luôn khiến một bà có lẽ gốc Mỹ La Tinh bất bình chạy tới xô cửa vào rồi to tiếng với bọn này là chúng mày có biết đây là toilet nam hay không? May là bà chỉ nổi nóng một chút trước cảnh “chướng tai gai mắt” mà không muốn ẩu đả còn chúng đi ra…tỉnh như ruồi Úc (lì lợm đuổi không bay)! Bọn Tàu này tỏ vẻ thiếu lịch sự và không coi ai ra gì, ít ra cũng phải biết nói “sorry” mới phải chứ!

Mục đích đến Las Vegas của chúng tôi không phải để đánh bài mà là đi xem cho biết một trung tâm vừa giải trí vừa ăn chơi khét tiếng của Mỹ, được mệnh danh là thủ đô giải trí của thế giới hay còn gọi là thành phố tội lỗi (sin city). Nghe nói nơi này thu hút hàng năm gần 15 triệu du khách và là trung tâm du lịch dẫn đầu của cả nước Mỹ. Ai thích sắm đồ đẹp tốt từ nữ trang, mỹ phẩm cho đến quần áo, vật dụng thì không thể không ghé nơi đây. Phần lớn sòng bài này và các cửa tiệm đều tập trung ở dải Las Vegas (Las Vegas strip) nhưng liên tục thành một khu thống nhất, khác với sòng bài Macau gồm khoảng 10 địa điểm riêng rẽ, cách biệt nhau mà sau đó chúng tôi đã ghé thăm cuối chuyến du lịch.

Điều đặc biệt là giá khách sạn Caesars Palace ở Las Vegas rẻ hơn nhưng đẹp và tiện nghi hơn những chổ khác rất nhiều, có lẽ họ muốn chiêu dụ khách trước rồi lột tiền sau chăng? Buổi tối, vợ chồng con trai nhờ vợ chồng tôi giữ cháu để đi xem chương trình trình diễn ca nhạc của nữ danh ca Céline Dion. Buổi trình diễn qúa hay đến nỗi vợ chồng con trai tôi đều khen…hết sẩy còn bà xã tôi thì tiếc hùi hụi!

Phía trước khách sạn Bellagio, ở ngay bên đường chính, có màn “nhảy múa” của nước phun lên trong hồ, rất ngoạn mục, diễn ra cách quảng mỗi 30 phút. Phía bên kia đối diện là “phó bản” tháp Eiffel  mà người ta dựng lên làm tượng trưng cho nước Pháp. Chúng tôi đi dạo phố, rảo qua các cửa hàng sang trọng ở đây suốt buổi tối rồi ăn uống dưới bầu trời xanh đầy mây trắng. Nếu cô con dâu không nói bầu trời giả thì tôi vẫn lơ mơ tưởng thật, có lẽ người ta cố ý làm ra như vậy là để du khách tỉnh thức, không còn biết đêm hay ngày mà vùi đầu vào đánh bạc chăng? Cũng có “phó bản” của Ý cùng Hy Lạp với các linh vật và tượng thần, dựng ở đây hay trong khu vực Caesars Palace.

Nevada - núi chạm trời

bốn bề sa mạc thành nơi đánh bài

Ăn thì ít - chỉ một hai

Thua thì bạc vạn cũng bay cái vèo!

 

 

 

 

 

Đến thăm San Diego:

Rời thành phố mua sắm và giải trí, chúng tôi về lại California để đi chơi San Diego, cách Los Angeles độ 300 cây số và trú ngụ ở khách sạn Hilton nhìn ra biển. Đây là thành phố lớn thứ nhì của tiểu bang California, vừa là nơi đặt căn cứ Hải quân Hoa Kỳ vừa là Tổng hành dinh Hải Quân cho khu vực Thái Bình Dương và cũng là nơi tàu ngầm hoạt động v.v… San Diego còn nổi tiếng với hình ảnh chàng thủy thủ ôm hôn tình nhân và cây cầu Coronado hình chữ L độc đáo và đẹp tuyệt về đêm nhờ ánh sáng tràn ngập. Nghe thân nhân nói là đến San Diego mà chưa đi xem cây cầu Coronado là kể như…chưa đến! Buổi tối chúng tôi chạy qua cầu, có lẽ chưa phải lúc, do đó ánh sáng chỉ đủ để xe cộ di chuyển nên không biết đẹp ra sao, đẹp về đêm hay ngày, dù cầu khá dài!

Chúng tôi ghé thăm nơi này là vì cũng muốn gặp lại người-chú-một-thời -lạc-quan của chúng tôi. Hồi đó, sau khi đi tù cải tạo về, chú đi đạp xích lô để kiếm sống nuôi 8 đứa con nhưng thứ 7 và chủ nhật, chú nghĩ xả hơi và chú qua chơi nhà Ba chúng tôi.Trong khi tôi ngồi chơi domino với bạn bè thì chú lúc nào cũng nói chuyện về việc tù cải tạo sắp đuợc bảo lãnh qua Mỹ với một niềm phấn khởi và hy vọng tràn trề mà tôi thì ngược lại bi quan với thời thế cực độ. Tôi hết sức nghi ngờ thiện chí của cả 2 bên Mỹ và VC trong vấn đề cho phép tù cải tạo đi Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng một “phép lạ” đã xảy ra là chú sang được Hoa Kỳ và sau đó lần lượt là tất cả con cháu. Đến thăm, chúng tôi nghe chú và vài đứa con đang bàn luận rôm rả về việc Vũ “Nhôm”, đại tá (?) tình báo mới bị bắt vì y là nạn nhân của phe lợi ích (nói thẳng là tham nhũng) đang chiếm thế thượng phong. Hoá ra chú vẫn còn quan tâm tình hình chính trị quốc nội, chứ không vô tình với đất nước đang ở trong gọng kìm của CS. độc tài và thối nát! Hoan hô chú, một tấm gương về niềm tin và hy vọng để sống còn, dù rơi vào trạng huống đen tối nhất đi nữa!

Buổi tối, gia đình chúng tôi dạo phố San Diego tìm chổ uống cà phê. Nơi đây quy tụ rất nhiều di dân với nguồn gốc khác nhau nhưng dân Ý đông nhất qua banderol giới thiệu nơi này là “Little Italy” giăng ngang trên đường chính. Đọc thấy (nghe nói) cũng có Little Saigon trên đường El Cajon nhưng tôi không có thì giờ đi tìm cho biết thực hư. Điều mà tôi để ý là có khá nhiều người vô gia cư sống vạ vật bên đường giống như San Francisco, vốn cũng là nơi có nhiều sắc dân đến cư ngụ. Nói thế không có nghĩa là vắng mặt người da trắng homeless! Xin nói thêm về dân Ý Đại Lợi ở Mỹ, họ cũng lập ra một vùng Venice giống tên gọi bên Ý, cách Los Angeles độ 12 cây số,được xem như “phó bản tự nhiên” của Venice (Venezia) với dòng nước xanh trong và nhiều chiếc cầu bắc qua những con kênh đào với kích thước lớn hơn đường thuỷ lộ bên Venice, chỉ khác là nước ở đây là nước ngọt, chứ không phải nước mặn từ biển Adriatic như ở Ý. Nói “phó bản tự nhiên” là để phân biệt với “phó bản giả tạo” giữa lòng Macau, ”thủ đô” đánh bạc của châu Á, trong khu kết hợp sòng bài và cửa hàng mua sắm “The Venetian”!

 

 

 

Hành trình đến San Francisco:

San Francisco là chặng du lịch cuối cùng của chúng tôi trên đất Mỹ, ở phía bắc tiểu bang California và cách Los Angeles khoảng hơn 600 cây số. Sau khi mua một vài vật dụng cần thiết, cả gia đình chúng tôi khởi hành đi San Francisco bằng cách chạy dọc ven biển để ngắm cảnh. Con đường thơ mộng với biển một bên và núi một bên. Xui là khi chạy trên đường giống như lên đèo Hải Vân thì gặp phải một đoạn đường đang sửa nên hành trình chạy ven biển cũng không được trọn vẹn.

Đáng chú ý là có những địa danh ở Mỹ nghe rất tượng hình, chẳng hạn như Bãi Biển 1000 Bậc Thang (1000 steps Beach) nằm ở khoảng giữa từ Dana Point đến Laguna Beach hay Thành phố Ngàn Cây Sồi (City of thousand oaks) cách Los Angeles 56 cây số nên nơi đây vẫn thuộc về vùng gọi là Đại Los Angeles.

Đi khoảng gần 200 cây số nữa là chúng tôi đến Pismo Beach vào lúc trời tối,  đó phải thuê 1 trong những khách sạn gọi là Oceanfront Hotel để ngủ qua đêm. Đây là một bãi biển khá đẹp mà lại nằm sau khách sạn chỉ cách chục mét, do đó sáng sớm ăn điểm tâm xong ở khách sạn là chúng tôi đi dạo dọc theo bờ biển và chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Đặc biệt có nhiều tảng đá mà tảng đá khổng lồ nằm án ngữ trên bãi biển!

 

 

 

 

 

Thú vị nhất là đến Piedras Blancas, cách Pismo Beach khoảng gần 100 cây số, chúng tôi được nhìn cảnh những con hải cẩu–voi (elephant seal hay sea elephant to hơn sea lion - cùng loài hải cẩu) đuổi nhau và rống lên ầm ỹ. Con đực cân nặng đến 2 tấn còn con cái nhỏ hơn, chỉ gần 1 tấn là cùng. Vùng này gọi là “rookery”, một thứ “lãnh địa” dành riêng cho chúng để chúng giao phối và sinh sản. Trên toàn Piedras Blancas có độ 23 ngàn hải cẩu nhưng chúng không đến cùng một lúc mà tăng dần số lượng từ hàng trăm những tháng 7 và 8 đến hàng ngàn từ tháng Giêng đến tháng 5. Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, các chàng tượng - hải cẩu mở ra trận chiến dành độc quyền gây giống cho nhiều nàng hải cẩu cái, tạo nên một harem (hậu cung) cho các nàng mang thai rồi tiếp đến là sinh nở và cho con bú. Hải cẩu con mới sinh nặng hơn 30 ký và lớn gấp 4 lần khi đầy tháng là lúc hải cẩu mẹ thôi cho bú để con đi kiếm ăn một mình. Sau 3-5 tháng lần lượt từng con ra đi về hướng Bắc, có con đi xa lên tận tiểu bang Alaska và sáu tháng sau chúng lại trở về, tức là đi Bắc mùa hè và về Nam mùa đông, chúng lại trở về chổ cũ.Thật là huyền diệu bản năng của loài vật mà trời phú cho!

Đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”! Khôn ở đây là hiểu về loài vật và thiên nhiên, chứ không phải hiểu biết về thế thái nhân tình! Sau mấy tiếng đồng hổ vừa đi vừa thưởng ngoạn cảnh vật, chúng tôi đến San Francisco thì trời tối sầm lại và đổ mưa. Thành phố này ở trong quận cùng tên, được xây trên hơn 40 ngọn đồi mà dốc nhất nằm ở hai vùng trước kia là ngọn đồi Nob Hill và Russsian Hill v.v.  Đó là lý do tại sao đường sá ở đây toàn lên xuống dốc, có khi 45 độ nên lái xe phải rất thận trọng vì trơn trợt khi gặp trời mưa, dễ có nguy cơ bị tai nạn. Rủi thay, những ngày chúng tôi đến đây đều phải ca bài “trời làm mưa bay giăng giăng, mây tím dệt thành sầu” (Anh Việt Thu)! Thật ra, không phải mây tím thơ mộng mà là sương mờ cùng với mây mù và mưa giăng cả ngày, do đó cầu Golden Gate Bridge không thể ngắm được ở “cự ly” gần, như ý mình muốn mà phải đứng ở chổ vừa xa vừa cao từ một công viên để nhìn xuống nên ảnh chụp trông lờ mờ chiếc cầu nổi tiếng này, như trôi lơ lửng trong màn mưa! Thật tiếc cho…số mình xui!

 

 

 

Không biết người khác nghĩ sao chứ trước kia tôi từng lầm tưởng chiếc cầu này có màu vàng nhưng tờ rơi quảng cáo du lịch có lẽ cũng lầm lẫn như tôi khi giải thích là màu đỏ của cầu trong sương mù sẽ được nhìn thành màu vàng khi trông thấy từ xa. Có lẽ đúng nhất là Cửa Vàng hay Cổng Vàng, cửa vào vịnh San Francisco, mới có màu vàng nên được gọi là ”Kim Môn” và cây cầu “ăn theo”tên gọi trên thành ra Cầu Kim Môn, chứ cây cầu được sơn màu đỏ cam (orange vermillion)!

Tưởng cũng nên nhắc lại một chút về lịch sử Cầu Kim Môn (Golden Gate Bridge), cũng là một địa điểm thu hút du khách nổi tiếng của Mỹ, được xây xong 1937. Cầu cao 227 mét, cách mặt nước 67 mét với chiều dài gần 3 cây số và rộng gần 30 mét cho đường 6 làn xe chạy. Đây cũng là nơi có số người nhảy cầu tự tử cao nhì thế giới (hạng nhất dành cho cầu Nanjing bên Tàu nhưng theo một thống kê khác thì Aokigahara ở trên núi Phú Sĩ, Nhật – không phải cầu - có nhiều người tự tử nhất).

San Francisco hay Cựu Kim Sơn là thành phố tài chính và văn hoá hàng đầu của Bắc California, được phát triển nhanh chóng sau khi người ta đổ xô đi đào vàng (gold rush) vào năm 1849 trong đó người Hoa đông nhất và họ đã dựng lên Chinatown. Đây là nơi Hiến chương về Liên Hiệp quốc được bàn thảo và ký kết năm 1945 và là nơi có vài hội đoàn đầu tiên của giới đồng tính.

(Theo nhà giáo Bùi Văn Phú, ở đây còn có Little Saigon, nằm trên đường Larkin, kề đường Ellis có tấm bảng “Welcome to Little Saigon”nhưng tôi nghĩ nơi này có lẽ không đuợc xây dựng quy mô, có bài bản và được đại đa số người VN. biết đến như ở Westminter, quận Cam).

Ngoài vận xui không được mãn nhãn ngắm cầu Kim Môn vì mấy ngày ở San Francisco toàn gặp trời mưa, chúng tôi còn bị khách sạn Sheraton’s Fisherman Warf “chơi khăm” giữa đêm khuya do báo động cháy nhưng hoá ra là lầm. Báo hại, tất cả du khách đều phải thức giấc vùng chạy ra khỏi khách sạn trong đêm đông giá buốt gần cả tiếng đồng hồ nhưng chúng tôi còn mơ mơ màng màng nên chạy chậm ra sau cùng! 

San Francisco còn để lại nhiều dấu ấn của lịch sử, trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm, từ “cơn sốt vàng” đến mỏ bạc (được khai thác sau đó) là nơi tập trung nhiều sắc dân nhất với nguồn gốc khác nhau như Á châu, Nam Trung Mỹ, Phi châu và Âu châu như Pháp, Tây Ban Nha, Ý v.v. kéo tới đây lập nghiệp. Một tiệm bánh mì nổi tiếng của người Pháp là Boudin Bakery (bánh mì từ sourdough là bột chua), đến nay vẫn còn hoạt động ngay ở Bến Ngư Phủ (Fisherman’s wharf) này, trên đường Jefferson. Tuy nhiên, di dân gốc Hoa đông đảo nhất mà phần lớn quy tụ ở phố Chinatown với những cửa hàng và tiệm bán tạp hóa trông có vẻ luộm thuộm, không khác gì mấy với Chợ Lớn bên VN. mình.

Thành phố này có khá nhiều chổ đi chơi hay ngoạn cảnh nhưng vì trời chẳng chiều lòng người nên chúng tôi chỉ đi thử một trò chơi mà tờ rơi quảng cáo nói không chơi là chưa đi San Francisco trọn vẹn. Vả lại, chúng tôi muốn đến Chinatown bằng xe này. Đó là xe cáp ngầm (classic cable car) chạy trên 3 tuyến đường: (1) tuyến đường Powell – Hyde, (2) tuyến đường Powell – Mason và (3) tuyến đường California. Điểm độc đáo là loại xe này chỉ di chuyển với vận tốc bất di bất dịch là 9,5 dặm/1 giờ (15 cây số). Đặc biệt nhất là nó luôn ngừng lại ở giữa ngã tư đèn đỏ cho du khách lên xuống và tất cả các phương tiện giao thông khác đều phải nhường đường cho nó chạy ưu tiên! Lý do có thể là vì trước khi muốn lên dốc, chiếc xe cần phải đậu ngay giữa ngã tư là chổ bằng phẳng thì nó mới đủ sức mà chạy lên dốc chăng?

Những địa điểm du lịch khác ở San Francisco là Maritime Museum, The Golden Gate Park, Alcatraz Island (nơi ngày xưa là trại tù thời Nam-Bắc nội chiến và từng có thời giam tướng cướp khét tiếng Al Capone). Riêng người Hoa cũng có Nhà Lưu Niệm Tôn Dật Tiên, cha đẻ thuyết Tam Dân, người từng đến đây nghiên cứu về nền dân chủ Mỹ.

Sau 4 ngày và 3 đêm lưu lại đây, chúng tôi chuẩn bị rời thành phố S.F. để đáp phi cơ về lại Los Angeles rồi từ phi trường quốc tế này bay qua Anh vào tối nay. Tiện đường đi, chúng tôi có ghé thăm San Jose, cách San Francisco 65 cây số và là thành phố đông dân hàng thứ 3 ở Mỹ, sau Los Angeles, San Diego. Nơi đây có khu buôn bán của người Việt Nam mình có tên là Vietnamtown, có vẻ mới xây vì trông khang trang và sạch sẽ với một số cửa hàng còn trống chưa có người thuê.

 

Như vậy là chúng tôi sắp giã từ nước Mỹ, một đất nước vĩ đại và cực kỳ năng động, thậm chí là tất bật, đầy tính cạnh tranh mà tôi nghĩ là thích hợp nhất với giới trẻ hay trung niên muốn tìm một cơ hội để vươn lên trong “giấc mơ Mỹ” với đủ “thượng vàng hạ cám”! Tiếc là chúng tôi không có nhiều thì giờ để thăm và thưởng ngoạn hết những thắng cảnh tuyệt đẹp ở Mỹ cùng bao địa điểm du lịch lừng danh như Grand Canyon (dự tính đi từ trước nhưng bỏ vì mùa đông sương mờ che phủ, muốn nhìn rõ phải bay phi cơ trực thăng), tượng Nữ Thần Tự Do, thác nước Niagara hay Yellowstone National Park v.v.

Dù “cỡi ngựa xem hoa” nhưng ít ra chúng tôi cũng biết được đôi điều về nước Mỹ và Cộng Đồng Người VN. Tỵ Nạn ở Hoa Kỳ! Phố xá ở đây chia ra từng khu vực và chổ đậu xe rộng rãi, nhất là cho đậu xéo rất dễ đậu đối với người mới có bằng lái xe và nữ giới cũng thích kiểu này! Chúng tôi đã đi qua khu thương xá Little Saigon ở Westminter, Chợ Hoà Bình ở Garden Grove, Siêu thị Thuận Phát (?) ở Linda Vista cũng như Vietnamtown ở San Jose. Đâu đâu chúng tôi cũng thấy người Việt cần mẫn lao động và có nhiều người thành công vượt bậc tầm cỡ quốc tế, không thua bất cứ sắc dân nào, dù mới tỵ nạn qua Mỹ vài thập niên trong khi các sắc dân khác như người Hoa đến Mỹ hơn 150 năm! Điều tôi quan tâm hàng đầu là ở Mỹ với khối người Việt đông đảo nhất thế giới đang bị chia rẽ nhiều hơn những nơi khác. Có lẽ vì có qúa nhiều tổ chức chính trị trên đất nước tự do và điều chắc chắn là VC. cũng tìm đủ cách lợi dụng nền dân chủ Mỹ để đánh phá cộng đồng như VNCH. trước 1975 ! Nguyện vọng và “lý tưởng” của chúng ta là mong sao nước ta được tiến bộ hoà nhập với thế giới, cho xứng đáng với trí tuệ và nhân phẩm Việt cũng như dân ta có được những quyền tự do hiến định thực sự, chứ không phải “bánh vẽ” như hiện nay nhưng tham vọng của VC. là muốn trường trị càng lâu càng tốt ,dù nước ta  đang lệ thuộc Tàu cộng nhiều mặt từ chính trị cho đến an ninh tình báo (hai đảng mới ký thoả thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao của hai đảng Cs./VN. và Trung Quốc đầu năm 2017)! Chính đó là những mâu thuẫn lớn nhất, có tính đối kháng tất nhiên và sâu sắc về chính trị, như 2 đường ngược chiều,  khiến cho cộng đồng người Việt tỵ nạn CS. trở thành một “lực đối lập” mà chế độ VC. luôn tìm cách phân hoá và tiêu diệt, bất kể người đối lập ở trong hay ngoài nước.

Mong sao người VN.hải ngoại biết đoàn kết, hầu làm lực đối trọng hay đối lập “từ xa” vì trong nước, mọi tiếng nói phản kháng đều bị tận diệt từ trứng nước! Dân chủ chỉ có được một khi trong ngoài nước đều có chung một tâm thức: cứu nước là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay!

 

(Hết phần I)

Phạm Đình Dương. Australia 01/3/18.

 

 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.