Cung Đàn Xưa

Phương Lâm

 

 

Huỳnh ngọc Anh với Đặng quang Hải là bạn thân; họ học với nhau từ đệ nhất cấp rồi lên đệ nhị cấp. Hải thuộc hàng con nhà giàu, gia đình có mấy chiếc xe khách chạy Sài Gòn-Vũng Tàu, ba Hải là công chức có tầm cỡ làm việc ở phủ Thủ Tướng, gia cảnh bề thế như vậy nên Ngọc Anh luôn tránh những buổi họp mặt bạn bè tại nhà Hải. Mùa hè năm đó Hải đến tìm Ngọc Anh năn nỉ:

- Em gái của mình năm nay thi, má mình bắt mình dạy kèm, nhưng không thể làm được. Ngồi với nó câu trước qua câu sau là hét hò đập gõ, hai tuần qua không bữa học nào mà không khỏi bị đòn. Con nhỏ bướng bỉnh, ngồi lầm lì, không ư hử, mẹ mình thấy con gái cưng của bà bị đòn bà luôn xít xoa, mình biết bà buồn lắm. Mình cũng không biết tính cộc cằn từ đâu mà cứ đổ lên đầu con nhỏ, đánh nó rồi nghĩ cũng tội nghiệp, bữa nào cũng tự nhủ với lòng đừng đánh nó nữa, nhưng không hiểu sao ngồi với nó là nổi khùng ngay. Ngọc Anh làm ơn giúp mình kèm cho nó một thời gian.

 

Ngọc Anh im lặng lấy bao thư đưa cho Hải coi lệnh gọi nhập ngũ, Hải coi xong nói:

- Xin hoãn lại một năm, cuối mùa mưa năm tới mình trình diện là đúng chín tháng mùa nắng trong quân trường, hơn nữa mới buông sách vở nghỉ xả hơi cái đã chứ vào lính rồi không cựa quậy gì được đâu, quy tắc, kỹ luật. Mình cũng có lệnh gọi như cậu cũng đã xin hoãn, thủ tục nầy cậu giao mình lo cho, sang năm hai đứa sẽ trình diện một lần.

 

Ngọc Anh cũng muốn nghỉ ngơi một thời gian nên bằng lòng hai đề nghị của Hải. Ngày hôm sau Ngọc Anh đến nhà Hải đúng hẹn; Hải đưa Ngọc Anh vào phòng khách giới thiệu với mẹ. Mẹ của Hải có đôi mắt với cái nhìn hiền từ, khuôn mặt phúc hậu, bà ân cần hỏi han đủ điều, Ngọc Anh cúi đầu chào Bà rồi đi theo Hải ra nhà sau.

 

Hàng hiên nhìn ra khu vườn nhỏ, cây cối trồng tỉa rất công phu, có hòn non bộ, có tàng liễu rủ, trên ghế xích đu, cô bé em Hải đang say sưa bên chiếc đàn Guitar miệng hát nho nhỏ.

Hải bực bội nói với cô em:

- Ngày nào cũng vậy, sắp thi rồi không lo học, đàn với địch, không biết hát hò ra sao mà lẩm bẩm như con khùng suốt ngày.

Hải lớn tiếng:

- Quỳnh! Cất đàn vào học, kể từ nay anh Ngọc Anh sẽ dạy kèm cho em. Tui xin đầu hàng, cố gắng mà học nghe cưng.

Cô bé Quỳnh lõ mắt nhìn Ngọc Anh từ đầu đến chân rồi nói:

- Thầy đến dạy em mà đi hai tay không à?

Hải hỏi:

- Không đi hai tay không thì còn gì nữa.

- Em nghĩ anh Hải phải dặn ông thầy đến dạy em phải mang theo vài cái gậy chứ đừng có dùng tay gõ lên đầu như kiểu của anh vì đầu của em anh gõ mấy lâu nay đã chai rồi, bây giờ đụng vào sẽ rất đau tay.

Hải quay qua nói với Ngọc Anh:

- Cậu coi đó mình không chịu nổi miệng lưỡi của nó, chua hơn giấm, thôi cậu làm ơn trị nó giúp, mình dọt lẹ chứ đứng đây một lát với giọng điệu đó là bợp nó liền.

Hải bỏ ra nhà ngoài, Ngọc Anh nói với cô bé:

- Em yên tâm! Anh đang chuẩn bị lấy đai đen tam đẳng Thái Cực Đạo, bình thường hai cục gạch tay anh đụng nhẹ là bể làm đôi, đầu của em không cứng như hai viên gạch đâu, thôi đừng cãi lẫy nhau nữa em vô học đi.

 

Thông thường ngựa chứng là ngựa hay, cô bé thông minh, lanh lợi, chịu nghe và chịu học, mấy ngày sau không khí bớt căng thẳng có nói có cười.

 

Trên chiếc xích đu như mọi ngày, trước giờ học cô bé vẫn ôm chiếc Guitar say sưa ngồi hát nho nhỏ. Một hôm Ngọc Anh tới sớm, Quỳnh ngoắt Ngọc Anh lại chỉ ngồi xuống đầu chiếc xích đu và nói:

- Thầy à! Thầy muốn nghe em hát không?

Ngọc Anh trả lời:

- Thôi đừng gọi thầy nữa nghe ghê quá, gọi anh hay chú cho thân thiện. Anh rất muốn nghe, cũng rất tò mò muốn nghe thử cô tiểu thư khó tính hát hò ra sao mà lúc nào cũng lảm nhảm trong miệng.

Quỳnh trả lời:

- Em đang luyện để tham dự buổi thi tuyển lựa giọng ca của đài phát thanh Sài Gòn, mộng của em là làm ca sĩ.

Ngọc Anh góp ý:

- Theo anh nghĩ sau khi hoàn tất chương trình đệ nhị cấp em vào trường Quốc Gia Âm Nhạc để được đào tạo chính quy và là nơi mình phát huy năng khiếu của mình rất dễ thành danh.

- Chú à!

- Khoan khoan! Em đã hát bài “Đừng gọi anh bằng chú” chưa?

- Thôi thì thưa anh cũng được. Mẹ em yêu cầu em chọn một trong hai điều, du học hay ngành Y, cả hai em không thích. Em muốn thực hiện giấc mơ của mình cho bằng được. Hôm nay anh là người thứ nhất nghe em hát; em hát cho anh nghe hai bài. Sau nầy nếu được làm ca sĩ thì hai bài nầy là hai bài ruột của em dành tặng cho anh, người đầu tiên gọi là ngày khai khẩu nghiệp ca sĩ, bài ca thứ nhất là bài Tình Cuối của Ngô Thụy Miên.

 

Quỳnh say sưa đàn hát, diễn đạt tâm tư qua từng lời từng chữ.

Mưa có rơi và nắng có phai

Trên cuộc tình yêu nhau ngày nào

Ta đã yêu và ta đã mơ

Mơ trăng sao đưa đến bên người…

 

Rồi hát tiếp bài thứ hai, bản “Cung Đàn Xưa” của Văn Cao:

Hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn

Ngày dần trôi sầu vắng cung đàn

Từ người ra đi chờ vắng tin người

Từ người ra đi là hết mơ rồi…

 

Ngọc Anh vỗ tay khen thật lòng:

- Em hát rất hay không thua ca sĩ nhà nghề, anh nghĩ em sẽ nổi tiếng nếu có cơ hội.

Rồi cứ như vậy ngày nầy qua ngày khác, mỗi lần Ngọc Anh đến, Quỳnh cũng ngồi chỗ đó cũng lời nói“Em hát cho anh nghe”, cũng hai bài hát đó; gần cả năm cứ trước mỗi buổi học Quỳnh say sưa hát. Ngọc Anh nghe đến nỗi thuộc lòng. Một hôm Quỳnh nói:

- Anh có biết tại sao em luôn mở đầu câu nói “Em hát cho anh nghe,” rồi cứ hát lui hát tới hát mãi hai bài đó mà không hát bài nào khác không? Đó là cách nhồi sọ nếu mai kia mốt nọ ở đâu đó anh nghe điệp khúc nầy anh nhận ra cô học trò ngổ ngáo của anh, cũng như bài quốc ca hễ anh nghe “Nầy công dân ơi…” là tự nhiên anh liên tưởng tới lá cờ vàng đang bay trước mặt anh.

 

Quỳnh nói đúng, Ngọc Anh đã bị nhồi sọ. Một câu nói và hai bài hát được nhồi nhét mỗi ngày đến thuộc lòng. Có khi vào quán cà phê hay nơi nào đó tình cờ nghe một trong hai bài nầy là Ngọc Anh không thể nào quên được hình ảnh của Quỳnh, tóc xõa che mặt, má ép vào ve đàn Guitar, say sưa hát.

 

Tháng ngày qua, tình cảm nhẹ nhàng đến với họ, Ngọc Anh mãi suy nghĩ không biết đây là thứ tình cảm gì, tim rạo rực, lòng rất vui trong những buổi dạy kèm, về nhà nhớ nhớ, mong mong, hình ảnh cô học trò cứ ám ảnh từ nụ cười, mái tóc, giọng ca. Nhiều lúc Ngọc Anh ngồi hàng giờ như người mất hồn, nhiều lần muốn nói với Quỳnh lời chi đó nhưng không dám mở lời. Ngày thi sắp tới, Ngọc Anh cũng chuẩn bị thi hành lệnh động viên, rồi hai người bịn rịn chia tay không có lời hẹn ước nhưng ánh mắt nồng ấm trao nhau, gởi cho nhau những cái nhìn hứa hẹn. Ngọc Anh vào trường Thủ Đức, Quỳnh thi đậu Tú Tài, hằng tuần Quỳnh xin phép Ba Mẹ đi thăm anh Hải nhưng thực sự đi thăm Ngọc Anh. Ngọc Anh mãn khóa đào tạo Sĩ Quan cũng nhận được tin Quỳnh thi vào trường Y đã rớt, Ngọc Anh được chuyển tới đơn vị mới ở Nha Trang. Hơn một tháng sau, buổi chiều tan sở ra cổng đơn vị Ngọc Anh hết hồn thấy Quỳnh đứng đó, Ngọc Anh hỏi:

- Em ra tới khi nào?

- Cũng khá lâu rồi, em ngồi quán nước đợi giờ tan sở mới tới đây.

- Em ra đây làm chi?

- Trời đất ra kiếm anh chớ làm chi nữa.

- Ôi trời! Nói bậy không hà.

- Em nói thật đó.

- Gia đình có biết em ra đây không?

- Không.

- Hải có biết không?

- Hỏi hoài, em nói không ai biết.

 

Ngọc Anh phân vân không biết Quỳnh nói chơi hay nói thật. Nếu bỏ nhà ra đây với mình sẽ rắc rối vô cùng, muốn có cuộc tình miên viễn thì phải danh chính ngôn thuận chớ kiểu dạy học rồi cù con người ta bỏ nhà đi theo trong độ tuổi chưa vị thành niên chắc chắn mệt chuyện với ông già của Quỳnh. Rõ ràng đây tình ngay mà lý gian, giỡn với ổng không xong đâu. Ngọc Anh thở dài. Quỳnh nói:

- Bộ em ra tìm, anh không vui hay sao mà thở dài thườn thượt vậy?

- Vui lắm chớ sao không.

- Vậy thì anh không hỏi nhiều, không suy nghĩ chi khác, chỉ thấy trước mặt anh Quỳnh đang hiện diện.

 

Họ đưa nhau đi ăn tối, vòng ra hóng gió biển.  Lúc chuẩn bị về Ngọc Anh hỏi:

- Em về nhà bà con của em chứ?

- Quê ngoại em ở đây nhưng không còn ai ở nhà về đó làm chi. Hơn nữa mục đích em ra tìm anh,  thăm anh chứ không phải thăm ngoại, nếu anh cảm thấy bất tiện có em về ở lại thì anh cứ về đi em ngồi đây mai em về lại Sài Gòn.

- Anh hỏi thật mà, không thì thôi có chi mà lẫy. Phòng trọ của anh chật chội lắm, chiếc giường cá nhân với cái bàn nhỏ là bí tỉ, không có chỗ trống để trải chiếu nằm dưới đất.

Hiểu ý của Ngọc Anh muốn nói gì, Quỳnh trả lời.

- Không sao! Anh chủ nhà anh nằm giường em khách em ngồi có chi mà lo.

Từ nhà tắm trở ra với bộ đồ lụa trắng, Ngọc Anh không dám nhìn Quỳnh. Ngọc Anh đứng lên nhường giường cho Quỳnh nhưng Quỳnh kéo Ngọc Anh ngồi lại nói:

- Anh dạy học hùng hổ lắm mà, anh cứ ngồi đây em có ăn thịt anh đâu, nếu ăn anh được em xơi anh lâu rồi.

 

Họ lặng im ngồi bên nhau, trời về khuya bản năng tiềm tàng của đôi trai gái đã xuôi theo tự nhiên của tạo hóa; lúc nầy họ mới hứa hẹn, mới thề biển hẹn non. Quỳnh ở lại mấy ngày, Ngọc Anh hối thúc Quỳnh nên về với gia đình đừng làm cho Ba Mẹ lo lắng tội nghiệp, Quỳnh cau có trả lời:

- Đó là việc của em, em tự lo liệu, bộ anh sợ tốn cơm hả.

Như suy nghĩ ban đầu, Ngọc Anh không muốn sau nầy khó trả lời với Ba Mẹ của Quỳnh nhất là Hải nên đã lén gởi điện tín báo cho Hải biết Quỳnh đang ở đây.

Ba ngày sau Ngọc Anh đi làm về không thấy Quỳnh, đồ dùng cá nhân vẫn y nguyên. Người bạn ở phòng bên nói:

- Cô ấy nhờ tôi chuyển lời cho anh, cô đã theo anh Hải về Sài Gòn rồi, đừng thư từ tìm kiếm cô ấy nữa.

- Cám ơn anh.

Quỳnh nổi giận vì Ngọc Anh tự giải quyết vấn đề không qua ý kiến của Quỳnh. Ngọc Anh đợi vài hôm rồi sẽ gởi thư cho Quỳnh; thư gởi mỗi tuần, tháng rồi năm vẫn không nhận thư hồi âm. Thư cho Hải cũng không thấy trả lời.

 

Ngọc Anh xin phép về Sài Gòn tìm Quỳnh, tới nhà gặp mẹ Quỳnh, bà cũng vui vẻ như ngày nào, mời vào nhà ngồi chơi, bà hỏi đủ thứ chuyện, cuối cùng bà đứng dậy kéo hộc bàn lấy ra một xấp thư nói:

- Đây là thư của cậu gởi cho cháu Quỳnh, cháu về một tháng sau là đi du học, hơn năm nay cháu không liên lạc với hai bác nên không chuyển tiếp thư của cậu cho cháu được, cậu đem về có dịp đưa cho cháu.

- Dạ con cám ơn bác, còn Hải lúc nầy khỏe không Bác?

- Hải cũng đang theo khóa huấn luyện bên Mã Lai, Hải nói ngày mãn khóa sẽ qua Mỹ thăm Quỳnh, Bác cũng đang chờ ngày đó,  Quỳnh tánh khí lạ lùng muốn là làm, gan lì, cứng cỏi.

 

Ngọc Anh đem xấp thư ra về nặng trĩu buồn lo. Ngọc Anh hối hận việc làm của mình nên mất Quỳnh rồi, mất mối tình đầu của hai người phải nói là mối tình rất đẹp. Ngày tháng trôi nhanh, đã bốn năm trông chờ tin, một hôm Ngọc Anh nhận được điện tín của Hải báo: “Quỳnh tháng sau sẽ về.

Được điện tín Ngọc Anh gọi điện thoại cho Hải, trách Hải sao để Quỳnh về giữa lúc nầy, đất nước trong cơn dầu sôi lửa bỏng, cuộc chiến khốc liệt, thất thủ nhiều nơi, dân chúng nhốn nháo bất an, một tháng nữa không biết đất nước mình sẽ về đâu. Hải nói cho Quỳnh biết tình hình đất nước như vậy yêu cầu Quỳnh nên hủy chuyến về.

Hải trả lời:

- Mẹ mình mong nó về thăm, nó cũng muốn vậy, ở lại một hai tuần rồi qua lại liền vì chương trình Quỳnh theo học chưa xong.

Khả năng Ngọc Anh chỉ làm được ngang đó, sau mấy năm chờ đợi hôm nay được tin Quỳnh về đáng ra phải vui mừng nhưng đằng nầy ngược lại Ngọc Anh không muốn Quỳnh về trong lúc nầy. Chuyện Quỳnh về cũng đành phải xếp lại, Ngọc Anh lo trách nhiệm và bổn phận của một quân nhân, cuộc chiến mỗi ngày một căng thẳng.

 

Ngày 30 tháng 4 tới vội vàng, mảnh đất miền Nam Tự Do đã khép lại, lịch sử đã sang trang, niềm tự hào bảo vệ Tự Do của một quân nhân đã chấm hết.

 

Ngọc Anh cũng như bao nhiêu đồng đội khác lây lất trong các trại giam từ Nam ra Bắc rồi ngược trở vô, ba năm rồi năm năm. Ngày rời trại tù xác xơ tàn tạ mang về một khối bệnh, người không giống người, ma chẳng là ma, một bộ xương di động, việc thứ nhất của ngày đầu đặt chân lại thành phố nầy là đi tìm Quỳnh. Ngọc Anh đoán bảy tám chục phần trăm Quỳnh đã bị kẹt lại, trong tâm vẫn thầm cầu nguyện cho Quỳnh thoát ra khỏi đất nước nầy.

 

Tới cổng nhà Quỳnh nhìn qua khe hở cánh cửa sắt, bên trong lá cờ đỏ đang rủ xuống trước ban công, kế bên mấy cái quần đen vắt lên sợi dây kẽm, hàng cây sứ héo úa, con chó ốm xo đang  nhe răng cặm cụi cào đất tung tóe.

Thoáng nhìn qua biết nhà nầy ai đang ở rồi. Nhà của Quỳnh là miếng mồi ngon làm sao lọt qua tay của chế độ. Không biết tình hình bố con của Hải bây giờ ra sao? Quỳnh và Mẹ đã đi đâu, vượt biên, kinh tế mới, hay về Nha Trang quê ngoại.

Mẹ con họ có đủ can đảm để đối diện với cảnh cướp giật trên tay người khác của chế độ nầy không?

 

Những người trở về từ trại tù coi như người về từ cõi chết, họ không được xếp hạng thứ dân nào của đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa, ra khỏi nhà tù nhỏ bây giờ họ sống trong nhà tù lớn với bản hiệu “Ngụy”. Họ thấy nhan nhản khắp nơi câu khẩu hiệu viết to “Lao động là vinh quang”. Thật mỉa mai hai chữ vinh quang. Vinh quang là gì? Có lẽ họ suông miệng nói a dua, chứ thật sự họ không hiểu họ viết gì, nói gì. Thôi thì cứ cho lao động là vinh quang, Ngọc Anh hòa nhập vào số phận xã hội dành riêng cho Ngụy, mang theo bản hiệu lao động là vinh quang lăn xả ra đường kiếm cơm, cần câu cơm của Ngọc Anh là chiếc xe Suzuki của người em rể sau khi vượt biên để lại.

 

Vinh quang của Xã Hội Chủ Nghĩa là con người làm việc thay thế con vật. Ăn một phần cơm chín mươi chín phần còn lại là khoai sắn, gọi là cơm độn. Con người bị vắt cạn xương tủy đã đành, các phương tiện giao thông cũng thê thảm không thua chi con người. Xe bốn bánh gắn thêm cái lò than, bắt nó phải chạy ì à ì ạch, gầm gừ lê lết, đoạn đường mười cây số mà chạy hơn nửa ngày.  Xe hai bánh của Nhật như Honda, Suzuki và các loại xe gắn máy khác cũng chẳng thua chi, mồi một tí xăng ban đầu cho máy nổ sau đó độn bằng dầu hôi, nó giận dữ la hét nổ vang trời, khói đen mù mịt cả đường phố.

Ngồi lên cần câu cơm chạy rong khắp các nẻo đường cũng có ý dò la tin tức của gia đình Quỳnh. Đó là nghề mà XHCN gọi là xe ôm. Ưu việt của xã hội chủ nghĩa là “ÔM”, cái gì cũng ôm từ xe đạp ôm, xe gắn máy ôm, bia ôm, cà phê ôm, cắt tóc ôm, mọi thứ đều ôm, ôm chặt, ôm cứng, ôm tháo mồ hôi, ôm ứa nước mắt, đặc biệt có một loại ôm rất mơ hồ đã đưa không biết bao nhiêu người vào tù, đó là ÔM CHÂN ĐẾ QUỐC, đây là cái ÔM thòng lọng chờ chực trặc cổ bất cứ ai mà chế độ muốn .

 

Ngọc Anh đã mệt mỏi trong vai người dân không hàng số, chưa khi nào được chút bình an nội tâm, cuộc sống luôn ở thế thủ và bị động, không biết tin vào ai trong cái xã hội tráo trở, lòng người trở nên xơ cứng vô cảm, sống đây là được hít thở chứ không phải sống để sống, sống hiện tại cũng như đã chết. Ngọc Anh quyết tâm phải đi  tìm sự sống trong sự chết, Ngọc Anh suy nghĩ nhiều về điều nầy và  quyết định phải ra đi, cuộc sống hiện tại chẳng khác chi những giây phút hấp hối của một người lâm trọng bệnh nằm trên giường chờ chết .

Đem cần câu cơm tặng cho người bạn già cùng đơn vị ngày xưa đang ngồi lề đường bán vé số, nhất quyết ra đi cho dù chết cũng không chết trong lò hỏa ngục trần gian nầy.

 

Vượt biên là lối thoát duy nhất: Tự Do hay Chết.

 

Chuyến đi của Ngọc Anh bắt đầu với trộ mưa trái mùa nặng hạt rơi ầm ầm trên mái tôn như đánh thức suy nghĩ của ba người: Mẹ, em gái, và Ngọc Anh. Họ đã ngồi trước bàn thờ thần sắc phờ phạc, khi thì nhìn lên bàn thờ như cầu khẩn van nài, khi thì liếc nhìn nhau không ai nói với ai lời nào; họ đã im lặng ngồi suốt đêm bên nhau. Em gái nhìn đồng hồ đứng lên nói:

- Đã tới giờ.

Ngọc Anh đến ôm vai Mẹ rồi lặng lẽ ra cửa. Em gái của Ngọc Anh đã một lần đưa chồng vượt biên nên có kinh nghiệm. Chiếc xe Honda chạy quanh thành phố nhiều vòng rồi trở về bến xe Vũng Tàu, theo lộ trình ấn định xe ra tới Long Thành thì xuống, bắt xe khác ra Bình Tuy, đón xe ôm đi tiếp ra Hàm Tân, vào chợ Tân Thành mua đồ ăn rồi kiếm xe ôm chạy lên Xuyên Mộc tìm nhà bà K.

Theo chỉ dẫn căn nhà bà K. cũng dễ tìm vì nó riêng rẽ nằm sâu dưới trũng cát chung quanh là rừng lá kè, mật khẩu nhận nhau: “Bà có bán trứng gà tôi mua vài trứng cho người bệnh.”

 

Chuồng gà được che chắn mấy lớp lá kè, chung quanh dựng mấy bó củi khô mấy bó rơm, bầy gà ngủ bên trên. Ngọc Anh khòm lưng bò vào bên trong hai chiếc đệm trải trên nền cát hùn đen, đã có năm người vai kề vai ngồi trong đó, ánh mắt mệt mỏi nhìn nhau, có lẽ họ cũng như Anh đang vui vì đã có thêm một đồng chí, chị phụ nữ xích qua bên nhường cho Anh một chỗ ngồi . Chuồng gà bây giờ đã quá tải, hết nhúc nhích cựa quậy, vấn đề tiêu tiểu phải nghiến răng chờ đêm mới bò ra giải quyết.

Thời gian ngột ngạt chầm chậm trôi, trời nhá nhem tối có lệnh chuẩn bị. Họ lần lượt bò ra khỏi chuồng, không dám đi mạnh, không dám quay lại nhìn đàng sau, họ lần lượt chạy vội vào lùm cây ngồi lại giữa đám rừng lá cọ, trời tối không thấy bàn tay, im lặng, sự im lặng ngột thở. Không biết tại đó đã có bao nhiêu người ngồi chờ sẵn. Rồi sau tiếng tè te của gà rừng, họ bắt đầu khom dậy lần mò từng bước trong đêm, chỉ nghe tiếng xào xạt, một vài bóng đen thấp thoáng nhanh nhẹ phía trước. Nhớ lời dặn của trưởng đoàn “giữ khoảng cách bám sát coi chừng lạc,” vừa chạy vừa đi rất lâu, chắc cũng khoảng hơn giờ đồng hồ, họ dừng lại bên lùm bụi trên một mô cát, nghe có tiếng rì rào sóng vỗ, rồi toán Anh sáu người nắm tay nhau chạy nhanh qua bờ cát, leo vội vào, té chồng lên nhau trong hai cái thúng to, thúng chòng chềnh muốn lật úp, rồi bắt đầu bập bềnh rẽ sóng, nhanh, bí mật, gọn gàng chẳng khác chi một chuyến đột kích đường thủy.  Cám ơn Thiên Chúa, sau tám ngày lênh đênh trên đại dương ghe của Ngọc Anh đã được tàu tuần hải quân Hoa Kỳ kéo vào Phi Luật Tân.

 

 

Sau thời gian sưu tra lý lịch ở lại hơn một năm trên đảo, Ngọc Anh được vào định cư tại Hoa Kỳ.  Vạn sự khởi đầu nan. Những ngày tháng khó khăn nơi đất nước xa lạ và văn minh nầy luôn nhắc nhở phải cố gắng để chinh phục số mạng, cơ hội vươn lên trong tầm tay của mình, việc gì hôm nay  làm được thì  làm  không hẹn ngày mai .

 

Sau hơn chục năm nỗ lực không ngừng vừa học vừa làm đã mang lại kết quả cuộc sống ổn định, Ngọc Anh đã hội nhập được vào môi trường sống mới.

 

Được tin Mẹ già bị bệnh nặng, Ngọc Anh khó khăn lắm mới quyết định trở về thăm. Một chuyến đi trong nghi ngờ và lo lắng, chế độ Cộng Sản không thể lường trước được những gì sẽ xẩy ra, nói vậy mà không phải vậy. Câu nói bất hủ của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu luôn nhắc nhở mọi người:

“Đừng nghe những gì Cộng Sản nói hãy nhìn những gì Cộng Sản làm.”

 

Chẳng đặng đừng trong thế một chuyến trở lại quê hương.

 

Mười một năm sau ngày vượt biển chua cay ấy, cái nhãn hiệu Ngụy Quân mà ngày xưa họ gắn lên bây giờ cũng chính họ tự nguyện gỡ xuống để thay vào nhãn hiệu mới nghe rất kêu, rất đẹp so với những người ngây thơ cạn suy nghĩ: “Việt kiều yêu nước, khúc ruột ngàn dặm.”

Thôi kệ chi chi đó cũng được miễn sao chuyến về thăm Mẹ rồi trở lại Mỹ an toàn là OK.

 

Sau khi Ngọc Anh trốn đi, Mẹ của Anh bị áp lực chính quyền bắt phải đi kinh tế mới. Bà buộc lòng phải từ giã Sài Gòn về Nha Trang sinh sống.

 

Chuyến xe lửa rời ga Sài Gòn sáu giờ chiều để trở về thành phố biển quê của Mẹ, nơi đã để lại trong Anh nhiều kỷ niệm. Gần mười hai tiếng ì ạch chạy xuyên đêm tàu đã dừng lại khi bình minh vừa ló dạng. Rời sân ga Ngọc Anh lặng nhìn thành phố đang trở mình thức giấc sau một đêm dài. Ngọc Anh cám ơn từ chối tiếng mời của mấy anh chạy xích lô, muốn đi bộ để tìm lại chút gì của ký ức còn vương đọng đâu đây.

 

Hàng me hình như đã già thêm, nhiều cành khô trơ trụi, một vài lá nhỏ đẫm sương mai bay lượn trong gió sớm. Những cây phượng bên đường tháng nầy rồi mà chẳng thấy ra bông. Sân cỏ rộng của nhà thờ ngày xưa bây giờ không còn nữa; dãy nhà của chế độ mới đã mọc lên .

Không khí ban mai của thành phố biển thật trong lành, nhưng trên gương mặt của mỗi người dân đang hằn lên nét u uẩn, đôi mắt quầng thâm buồn lặng, hình như lâu lắm rồi họ đã quên cười.

 

Từ ga xe lửa đi về Ngọc Anh lang thang qua không biết bao nhiêu con đường. Đã mỏi, đã mệt, Ngọc Anh ghé vào một quán cà phê. Nhìn quanh, Ngọc Anh là người khách thứ hai vào quán giờ nầy, chọn cái bàn gần cửa sổ để chận mớ không khí bên ngoài vào, nhìn cách trang trí quán đã gây trong đầu Ngọc Anh một ấn tượng sâu sắc, chính giữa quán chậu sành to trồng gốc cây sứ già hình thù rất đẹp, dưới gốc sứ cái nón sắt bể nằm nghiêng, trên quầy tính tiền cây phượng lan hoa tím đang trổ được trồng trong một phần trái bom với những miếng vỏ cong vòng còn dính lại, cái gạc nai bên tường móc mấy cái mũ lưỡi trai lính với mấy cái mũ bê rê đủ màu, quanh vách nơi nầy móc chiếc áo trận xanh, nơi khác áo hoa dù, đôi giày đinh rớt gót, đôi giày vải rách được chưng trong tủ kính dưới quầy tính tiền, tóm lại toàn là những kỷ vật chiến tranh. Ngọc Anh nhìn đồ vật mà lòng bâng khuâng. Những gì đã xảy ra như cơn ác mộng, chứng tích vẫn còn đó, áo trận đã rách, mũ sắt đã bể, đôi dày đã rách nhưng tinh thần cuộc chiến vẫn nguyên vẹn, nhìn cách bày biện trang trí nầy thì chủ quán chắc là một cựu quân nhân; Ngọc Anh dòm chừng về phía sau quầy biết đâu gặp người bạn chiến đấu ngày nào.

 

Ly cà phê đen được mang ra. Trước đây thành phố nầy cà phê rất ngon, nguyên chất, không pha chế, vì đây là ngã ba Buôn Mê Thuột, Pleiku, Đà Lạt; cả ba nơi là gốc sản xuất cà phê đều tuôn về đây nhưng bây giờ chưa biết sao, hi vọng không bị độn như cơm  độn ngày nào.  Nhìn những giọt cà phê từ từ rớt xuống ly, Ngọc Anh biết là ngon vì màu nâu đậm, cầm bao đường nhỏ trong dĩa men trắng định xé cho đường vào ly, một hàng chữ in màu xanh đập vào mắt làm cho Ngọc Anh suy nghĩ và tò mò “Cà phê Quỳnh Anh.” Ngọc Anh xót xa nhớ lại Quỳnh Anh, cái tên ghép mà mười mấy năm trước Quỳnh ghép với tên của Anh.

 

Phin cà phê đã không còn giọt, cầm bao đường mân mê mãi không muốn xé ra, đặt bao đường xuống vẫy tay gọi người chạy bàn xin thêm một bao đường nữa.

Cái loa nhạc trong góc quán tiếng rè rè bụp bụp vang lên, bản nhạc mới được phát ra, người nữ ca sĩ réo rắt … thôi anh đi về đi … tiếp theo là hai bản nhạc mà Ngọc Anh đã được nhồi sọ, Ngọc Anh đứng phắt dậy như bị điện giật sững sờ nhìn quanh rồi từ từ ngồi xuống lại. Ngọc Anh ngồi im hơn hai tiếng đồng hồ không biết để làm gì mà cũng chẳng muốn đi. Ngọc Anh cũng biết có hàng triệu băng nhạc phát hành, và cũng có hàng vạn tên Quỳnh Anh. Nhưng sao lòng Ngọc Anh vẫn như bị lửa đốt linh tính báo hình như Quỳnh đang ở đây đang chăm chú nhìn mình. 

 

Hai chục ngày tại thành phố nầy không ngày nào Ngọc Anh không đến quán Quỳnh Anh, ngồi suốt buổi, có khi tới rất sớm có khi tới rất khuya, hy vọng gặp được người chủ quán. Lần nào cũng vậy Ngọc Anh nghe hai bản nhạc đó rồi mới về. Một hôm Ngọc Anh nói với người chạy bàn:

- Cô có thể giúp cho tôi gặp chủ quán được không? 

 Người chạy bàn trả lời:

- Chủ quán cháu đã về quê.

- Vậy à! Tiếc quá không biết khi nào mới trở lại?

- Dạ thưa cháu không rõ lắm.

 - Chủ quán đi bao lâu rồi.

- Dạ cả tuần rồi.

- Xin lỗi chú tò mò một chút, chủ của cháu ông hay bà?

- Dạ thưa bà ạ.

- Cháu có biết tên bà chủ không?

- Dạ con nghe họ gọi bà chủ là Quỳnh Anh.

- Cám ơn cháu, có thể cho chú gởi một lời nhắn khi chủ trở về hay không?

- Dạ chú cứ nói.

- Nhờ cháu chuyển lời hỏi của chú, Quỳnh Anh là tên ghép của hai người phải không? Nếu đúng vậy thì tên Quỳnh là người chú tìm mười lăm mười sáu năm nay, chú đang đợi, đang tìm và tìm khi nào gặp mới thôi. Xin cháu nói lại với cô chủ như vậy. Chú sẽ trở lại, mai chú tạm đi xa một thời gian, cám ơn cháu nhiều.

 

Chuyến bay 14 giờ chiều đưa Ngọc Anh trở về quê hương thứ hai, cuộc sống bình yên của Ngọc Anh trước đây không còn nữa, bị lật tung lên, tên Quỳnh Anh đã sống lại và đang hành hạ tâm trí. Lời nói mười mấy năm trước Ngọc Anh vẫn nhớ như in:

“Cho dù hoàn cảnh nào em vững vàng chờ đợi.”

 

Ngọc Anh biết những chua xót bây giờ là hậu quả do Ngọc Anh gây nên, lời hứa hẹn năm xưa Ngọc Anh vẫn giữ, đã nhiều năm tháng kiếm tìm trong vô vọng. Ngọc Anh không bỏ dở một cơ hội nào, luôn nuôi hy vọng sẽ gặp lại, và tin rằng Quỳnh con người đầy tự ái và ngang bướng nầy cũng như Ngọc Anh chắc chắn lòng thủy chung vẫn luân lưu trong huyết quản.

 

Sáng nay Ngọc Anh nhận được thiệp mời dự đám cưới con trai của người bạn, cũng như đã đọc mục đăng tin vui trên các báo Việt ngữ. Ngọc Anh để ý tên cô dâu Cathy Quỳnh Anh, Cha Huỳnh Ngọc Anh, Mẹ Đặng Như Quỳnh, Việt Nam. Hôn lễ sẽ cử hành tại nhà thờ Thánh Saint Barbara lúc mười một giờ sáng thứ Bảy.

 

Ba cái tên trong thiệp mời đã gây lên sự tò mò không ít, mấy lần đến nhà người bạn định hỏi tin tức gia cảnh cô dâu tương lai của anh ấy nhưng Ngọc Anh ngại không dám hỏi.

 

Thiệp mời đám cưới đã nhận trước cả tháng, Ngọc Anh chờ từng ngày trong hồi hộp, linh tính báo chuyện ngờ ngợ sẽ xảy ra cho ba người mang ba tên nầy.

Càng đợi ngày càng dài ra; Ngọc Anh nôn nóng điều chi đó nên gọi điện thoại nói có dịp ghé thăm mời bạn đi uống cà phê, họ ngồi với nhau nói chuyện vui, rồi như vô tình Ngọc Anh hỏi:

- Cô dâu tương lai của anh là du học sinh à?

- Cháu không phải là du học sinh, nghe nói ngày xưa mẹ cháu mới là du học sinh, qua học rồi sinh cháu tại đây gởi cháu cho gia đình ông bác để về trình bộ Giáo Dục xin ký giấy xác nhận trợ cấp tiếp học bổng cho năm tới, ai dè bị nạn 75 kẹt bên đó cho tới nay, chồng cô ấy nghe đâu đã bị mất tích kể cả ông Ngoại và ông cậu cũng mất tích luôn.

- Thế đám cưới nầy bà Sui của anh qua dự chứ.

- Có! Phỏng vấn được rồi cũng sắp qua.

Ngọc Anh càng hồi hộp hơn, tin tức chỉ có thế không thể hỏi thêm gì nữa, nhưng Ngọc Anh chắc chắn Đặng Như Quỳnh của mình đây chứ không ai khác.

 

Thời gian chờ đợi đã tới, Ngọc Anh khởi hành trước hai tiếng mặc dù từ Rosemead về Little Sài Gòn thường chỉ chạy một tiếng mà thôi. Xe chạy ngon trớn trên Freeway không biết chuyện gì đàng trước chạy chậm lại, rồi dòng xe bắt đầu bò bò rồi dừng hẳn. Một lúc sau trực thăng cứu thương bay vòng vòng đáp xuống rồi vút lên, đoàn xe Cảnh sát hú còi nhức óc ùa về phía trước, lưu thông bắt đầu nhúc nhích nối đuôi nhau từ từ chuyển động. Ngọc Anh coi lại đồng hồ trên xe gần 12 giờ trưa rồi,Thánh lễ Hôn Phối cử hành lúc 11 giờ. Ngọc Anh cố gắng lách luồn chạy đến nhà thờ; sân nhà thờ vắng lặng, những cánh hoa rải thảm trên đường lên cung thánh của cô dâu chú rể bay bay trong trưa gió lộng.

 Đứng ngước mặt nhìn tháp chuông nhà thờ vươn lên cao vút nhưng lòng Anh lại chùng xuống:

Lạy Chúa! Con xin vâng theo Thánh ý Ngài.

Ngọc Anh rời sân nhà thờ, để tránh tình trạng kẹt xe Ngọc Anh không về nhà nữa, chạy quanh, vào quán cà phê, quán ăn, chợ Phước Lộc Thọ đợi đến 7 giờ chiều dự tiệc, phải tới sớm, quan trọng là phần giới thiệu mẹ cô dâu mà Ngọc Anh nơm nớp chờ đợi cả tháng nay .

 

Ngọc Anh rất vui vì thời gian cũng chiều lòng người qua khá nhanh, cũng gần 5 giờ chiều rồi, Ngọc Anh ra bãi đậu xe chạy đảo một vòng chuẩn bị tới nhà hàng trước.

“Họa vô đơn chí”! Ầm! Chiếc xe quẹo trái khi đèn vàng đã tông vào hông phải xe của Anh. Cánh cửa kẹt cứng không đẩy ra được, Ngọc Anh gục đầu vào tay lái hồn phi phách tán, người run lên bần bật vì cú đụng quá mạnh lại thêm sợ, sợ trễ giờ như ban sáng, làm sao bây giờ, không lý mở cửa bên trái vất xe đây chạy bộ lại nhà hàng.

 

Không như thế được, phải đợi Cảnh sát tới, lưu lượng giao thông tại ngã tư bắt đầu ùn tắt. Xe cứu hỏa, xe cấp cứu tháp tùng xe cảnh sát chạy tới. Họ hỏi thăm tình hình sức khỏe của Ngọc Anh rồi bắt đầu lập thủ tục, mọi chuyện xong xuôi, xe Ngọc Anh còn chạy được mang vết thương móp méo tức tốc tới nhà hàng đã trễ nhưng không trễ mấy, rất tiếc là mục giới thiệu thân nhân hai họ đã qua rồi.

 

Ngọc Anh đi bàn nầy qua bàn khác để tìm, hy vọng tìm được chút dấu tích nhan sắc thời con gái còn đọng lại trên gương mặt của những người phụ nữ đang ngồi nơi đây nhưng không gặp. Nếu là Quỳnh thì ít nhiều cũng nhận ra mình, tại sao không ai lên tiếng chào, hy vọng tan biến, về bàn ngồi nghĩ lại thời gian qua gần ba mươi năm rồi, đá cũng mòn huống chi nhan sắc con người mà người mình tìm lại sống trong nước.

Phải làm sao xác nhận nghi vấn nầy đây?

 

Để tìm câu trả lời Ngọc Anh làm theo cách nghĩ của mình, lên sân khấu tâm sự với người phụ trách dẫn chương trình, dứt bản nhạc người dẫn chương trình giới thiệu:

“Cuộc tình đi qua, người yêu mãi miết kiếm tìm mang theo kỷ niệm buồn đau, dấu ấn tình yêu đậm nét của đôi tình nhân”, đó là bài hát “Tình cuối” của Ngô Thụy Miên, ông Ngọc Anh xin gởi tới người tình của ông, người tình mà ông đã mấy chục năm tìm kiếm, người ấy ở đâu xin nhận và lắng nghe.”

Bản nhạc bắt đầu réo rắt, Ngọc Anh ngồi chong mắt đợi, bản nhạc chấm dứt hôn trường vẫn lặng thinh. Đèn màu bật lên, ban nhạc bắt đầu chơi lại bản khác. Ngọc Anh dán mắt về phía sân khấu để coi có tín hiệu gì đặc biệt hay không, sinh hoạt văn nghệ vẫn bình thường, bản nhạc chấm dứt. Gần tàn buổi tiệc, từ bàn số 2, người phụ nữ dong dỏng cao đứng lên chầm chậm rời bàn, dáng đi không bình thường, hơi khập khiễng, có lẽ một chân gỗ, đang từng bước, bước chậm lên sân khấu, ghé tai nói gì đó với người hướng dẫn chương trình, lồng ngực sắp nổ tung, Ngọc Anh đứng lên chờ đợi.

 

Người hướng dẫn chương trình giới thiệu ngắn gọn:

- Thưa bà con! Mẹ cô dâu hát tặng bản “Cung đàn xưa” của Văn Cao.

Lời réo rắt vang lên:

Hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn.

Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn.

Từ người ra đi chờ vắng tin người

Từ người ra đi là hết mơ rồi…

 

Ngọc Anh từ từ đi tới đứng dưới bục, nhìn người đang hát giọng ca nghẹn ngào đứt khoảng  dừng lại nhiều khúc, vóc dáng người phụ nữ gầy khô, mặt không phấn son trang điểm, đôi mắt u buồn, tóc đã bạc, nhiều nếp nhăn trên trán trên đuôi mắt. Sự lạnh lùng buồn khổ đang vây kín gương mặt người đang hát.  Dứt bài hát mẹ cô dâu đứng lặng trên sân khấu không đi xuống, đôi mắt sâu thẳm như vô hồn hướng về nơi nào đó.

 

Hôn trường im lặng chăm chú nhìn lên bục hát, mẹ cô dâu vẫn không lui xuống nguyên vị không nhúc nhích. Ngọc Anh cũng đứng lặng người nhìn mẹ cô dâu, Quỳnh đây rồi, người con gái của một thời tung tăng nhí nhảnh bây giờ là người phụ nữ tật nguyền đang đứng trước mặt mình, tội nghiệp quá.

“Cho dù hoàn cảnh nào hôm nay và mãi mãi về sau” …

 

Câu nói của hai người vẫn luôn là hành trang của cuộc tìm không ngừng nghỉ. Ngọc Anh bước lên bục hát, tới bên người phụ nữ hỏi: 

- Như Quỳnh của Anh đây hả?

Đôi mắt người phụ nữ long lanh sáng, hai dòng lệ tuôn trào trả lời:

- Dạ phải! Em đây.

 

Thời gian cũng ngừng lại để đồng cảm phút giây giao hòa của hai thân xác già trong hai con tim trẻ, họ ôm nhau thật chặt, họ nức nở khóc, khóc thành tiếng, khóc thật to, khóc thật lâu như hai đứa trẻ. Như Quỳnh xuống bục, Quỳnh đưa Ngọc Anh đến bàn con gái giới thiệu:

 

- Huỳnh Ngọc Anh, tên Người mà mẹ thường kể cho con nghe chính là Người nầy đây.

 Cô dâu sửng sốt:

- Thật thế sao Mẹ?

- Ba con đây sao Mẹ?

 

Mừng vui trong ngỡ ngàng, vòng tay mở rộng, Ngọc Anh ôm lấy họ. Nước mắt lại tuôn trào, họ đã khóc trong yêu thương hạnh phúc ngập tràn.

Hôn trường reo hò vỗ tay vang dội.

Tiếng người hướng dẫn chương trình vang lên:

 

Lạy Chúa! Xin Ngài chúc phúc cho bốn con tim đang cùng gõ một nhịp, xin tình yêu Ngài mãi trường tồn trên hai cặp tân hôn hôm nay và mãi về sau.

 

Tháng 7, 2017

Phương Lâm

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.