Tác giả Phan Hội Yên đến với Hội YKH chúng ta lần này với bài viết “VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG “. Ông đã đóng góp lần đầu bài “MAI” vào tháng 3, 2015, 

http://ykhoahuehaingoai.com/99do/Mai_PHY.htm.

Trong bài viết lần này, không những chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều hình ảnh thân thương của xóm Cầu Đất, Huế mà còn cả vài ba cái tên của đồng môn YKH. Một câu chuyện đời xưa, của thuở thơ ấu và của thời thiếu niên mà hầu như mỗi chúng ta đều ấp ủ trong lòng.

 

BBT cám ơn tác giả Phan Hội Yên và trân quý tình cảm ông dành cho Hội YKHHN. 

 

BBT

Vụn vặt đời thường

Covi ngồi nhớ chuyện xưa.

Ba tôi khởi nghiệp bằng nấc thang thấp nhất trên bước đường “hoạn lộ”. Khi biết Ba đang làm việc gì để trả lời nếu Thầy, Cô hỏi đến là “Phái viên hành chánh lưu động”. Cái tên mới nghe qua là tụi bạn đã tròn mắt thán phục, bởi tôi giải thích công việc của Ba theo trí tưởng tượng của tôi:
- Chổ mô có ăn cướp là “phái” Ba tau tới dẹp.
Là thang bậc khởi đầu, nhưng không phải dễ dàng được tuyển chọn. Năm đó, Ba chở tôi bằng chiếc xe đạp mượn của ông Ngoại, từ nhà Ngoại trong Thành nội, ra tới trường Thượng Tứ để thi “ Sơ học Yếu lược”. Trước khi thi bằng nầy, tôi phải qua một năm lớp “đồng ấu” và một năm lớp “dự bị” ở trường cô Hường ngay cửa Nhà đồ. Có lẽ đây là khóa thi cuối cùng mà sĩ tử là những chú bé đang thò lò mủi xanh đã lo việc lều chỏng.
Sau đó, tôi không còn nghe các thi cử tương tự. Tôi thi “Sơ học yếu lược” xong, được vào học trường Tiểu học Trần Cao Vân thì ba tôi lo đi thi Premiere. Lúc đó khoảng năm 1952 phải có cài bằng premiere (sau nầy là bằng tiểu học) mới được vào làm phái viên hành chánh lưu động.
Ngày đầu tiên Ba được đi làm, ông dẫn tôi đến trước mặt Mệ Ngoại gởi gắm. Hình như Ba phải đi làm ở đâu xa lắm.
- Mệ cho con gởi thằng Đồng, con một mình không lo cho hắn được, khi mô yên chổ làm ăn, con về đón hắn.
Mệ Ngoại tôi lau nước mắt.
- Thì anh cứ đi làm, hắn ở đây với tui ăn học.
Việc Ba với Mệ ngoại nói chuyện, tôi không biết có điều gì quan trọng hơn việc tôi vẫn ở với Mệ. Tôi chỉ sợ, Ba muốn đem tôi đi khi tổ chào mào bốn trứng trên cay khế bên cạnh cửa sổ chưa kịp nở.
Bốn con, tôi chỉ cho thằng Nam con dì tôi một con, cái thằng nầy, chỉ ton hót với Mệ để đòi tôi chia cho nó hai con. Nhưng nó đâu có qua được tôi. Chắc chắn Mệ thương tôi hơn vì tôi “côi cút” như Mệ thường nói. Nó thua tôi ba tuổi, đi học về là tìm ngay anh Đồng, xin xỏ, nịnh bợ… “Anh Đồng làm cho Nam cái ni đi… anh Đồng bày cho Nam cái nớ đi”…
Mấy cái việc hắn nhờ tôi, chẳng khó gì, có khi hắn ngồi xổm trên nền nhà, tròn xoe mắt nhìn tôi chế “hỏa tiển” sau khi hắn tom góp đủ mọi thứ cần dùng … nầy nhé, cắt nhỏ film chụp hình củ nhét vào ống nhôm thuốc Dagenant hay Ganidant, lấy kìm bóp, kín một đầu, đầu kia đục một lổ nhỏ. Đặt lên dàn phóng là một cọng kẽm đơn giản, hỏa tiển được phóng lên bằng cách đốt đèn cầy. Nói là phóng cho nó oai, thực ra nó chỉ xịt khói, chạy lòng vòng một chút rồi bất động. Tuy thế, Nam vẫn hí hửng hít khói, bình luận…” Nam thấy cái mùi khói giống “bom nguyên tử”.. Anh Đồng giỏi thiệt”…

Mưa ở Huế, cứ rả rich dai dẳng. Ba ngồi với tôi không nói gì, hay Ba cũng buồn lắm. Tôi nghĩ như vậy, mưa và lạnh thế này nhà ai cũng đóng cửa, mấy lổ bi, lổ đáo bị bùn bít kín, sân chơi ù mọi người bên nhà thằng Bê anh cũng trơn ướt. Cũng tại sân bay mọi nầy, tôi đã vật chị Mai, chị thằng Bê anh trầy đầu gối. Bác Viên, Mạ hắn phết cho tôi ba roi mây đau điếng, mặc dù trước khi vào cuộc, hai phe đã cam kết”… cấm khóc, cấm la, về nhà cấm méc”…
Tôi còn ngồi bó gối huống gì Ba. Tự nhiên, ông ôm tôi vào lòng rồi hôn nhẹ lên tóc, tôi run rẩy đón nhận nguồn hơi ấm áp từ thân thể Ba chuyền qua và tủi thân khóc thút thít… không biết, mấy đứa bạn tôi có được Ba Mạ nó hôn hít, nhưng tôi, chắc chắn chỉ một lần đó suốt đời để tôi biết tôi còn có Ba tôi. Vì chỉ một lần, nên tôi không thể quên và mãi mãi khao khát cái cảm giác êm ấm khi nép vào lòng Ba. Ba đặt tôi nằm xuống và ông hát, cây mandolin trên tay ông run lên những âm thanh kì lạ, không biết Ba đang hát hay Ba đang khóc, hay Ba nhớ Mạ tôi…
“ … Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngưng trôi...”.
Bài hát và những giọt mưa đó, tôi suốt đời ôm theo, để suốt đời ân hận. Tôi có khi nào làm được với Ba những điều như thế…
Khi tôi thức dậy đi học, Mệ ngoại nói, Ba con đi làm rồi, mai mốt về. Ở đây với Mệ.

Trường tiếu học Trần Cao Vân, nằm cuối đường Chương Đức bên phải là ngã ba Hòa Bình, bên trái là ngả ba Tăng Bạt Hổ. Trường có năm lớp, từ lớp năm đến lớp nhất. Thầy hiệu trưởng lúc đó là thầy Tuân, lớp nhất của Thầy Vỹ, lớp Nhì của Cô Thí, lớp ba của thầy Hoàn, lớp tư của Thầy Trợ Diễm, và lớp năm, lớp tôi của Thầy Diển. Bác Cai trường đầu như thầy tu, kiêm tùy phái lo treo cờ mỗi ngày, đánh kẻng và vệ sinh.
Các Thầy Cô ở trường, chúng tôi đều được lần lượt thụ giáo.Tôi nhập học lớp năm khi Thầy Hoàng làm hiệu trưởng, sau đó là Thầy Hiếu Kính. Khi Thầy Hiếu Kính đi làm Thầy Giám Thị học Trung học Hàm Nghi thì Thầy Tuân thay thế. Thầy Diễm đi dạy vẫn mặc khăn đen áo dài, Thầy và cô Thí đều đi bộ vì gần nhà, theo sau có đám học trò ôm sách vở. Thầy Hiếu Kính đi xe Mobillete, Thầy Tuân đi xe đạp dura, dù Thầy chỉ có một tay, Thầy Vĩ đi xe đạp Peugot, Thầy Diễn đi xe đạp dàn (Dành riêng cho phái nam) Thầy Diển không phải vì lớp học chính đầu đời mà tôi mãi mãi không quên Thầy. Chúng tôi, cả lớp ngày ngày lấm lét nhìn khối gổ hình chữ nhật thầy để trên bàn để tối tối về ê alo học bài cho thuộc. Khối gỗ của thầy vừa đủ nằm gọn trong lòng bàn tay, đen bóng vì đã qua không biết bao nhiêu mồ hôi của những lớp năm Thầy Diển. Suốt một năm học, tôi cũng không ít lần vã mồ hôi vì khối gỗ đó. Thầy để hai tay trên bàn hoặc đi lui đi tới khi trả bài thì chưa sao, khi tay Thầy vừa chạm vào khối gỗ là bài vở bay biến, dù đêm trước lo tụng vì quá sợ. Cốp! một cái, một cục u nổi ngay trên đầu vì không thuộc bài. Một cái thôi, cho về, hẹn ngày mai trả bài lại. Xui xẻo hôm đó không thuộc bài lại bị Thầy gọi lên bảng, chỉ còn nước són…tại chỗ như có đứa đã bị.
Ngoài số học trò từ trường cô Hường chuyển qua, còn có những bạn mới cũng là lối xóm nên tôi quen gần hết… Hai anh em Thiện Tống, Thiện Tịch, em của anh Thẫm học lớp với Dì Nhạn tôi, Tống học rất giỏi, có học bổng đi Australia, sau nầy về nước giảng dạy tại đại học Bách khoa Sài Gòn, ngành hàng không. Thiện Tịch, tôi có gặp lại ở nhà Tống, ở đường Yên Đổ, mình xưng tên, hỏi anh có nhớ tôi không…hắn vùa lên cầu thang, vùa lắc đầu…tôi quê độ…nói với Tống, chắc hắn học về nông nghiệp nên không có trí nhớ tốt bằng ông em chế tạo máy bay… Hai anh em Sanh Dưởng, ở sát bờ hồ Ông Bộ Dục, nhà làm vàng mã bán các ngày rằm, mùng một và các am lên đồng, Dưỡng thường khoe mình có võ “ca đô”. Võ trọng Bảo có ông anh võ sĩ Võ Trọng Truyền, Mẫn, Đoàn phi Lít lớp trưởng, khi lên lớp nhất bị gọi là Lít Ngân, Thắng…mới lớp ba đã đàn banjo rất giỏi, Đỗ Duy Tú, Ngô Ái, Tôn Thất Ái, Tôn Thất Đào… Nghệ cụt. Có hai Phùng, một là Nguyễn Phùng ở thượng thành đầu đường Chương Đức, Phùng thứ hai là Phan Văn Phùng ở Cầu Đất, người duy nhất được Mạ đưa đón hàng ngày từ lớp năm cho tới lớp nhất. Không biết sao, hàng ngày nhìn thấy Mạ hắn chờ sẳn ở cổng trường, lấy khan lau mặt rồi nắm tay dẫn về, tôi lại thấy nghèn nghẹn, có thể vì thế mà tôi ghét hắn, a dua với tụi bạn kêu “Phùng mặt ngựa”.
Bên nữ có Diệu Trang, Quế Hương, Bình An, Ngân, Huệ dép râu, ở sau lưng Khuôn Tịnh độ Phước Tường, Cầu Đất. Lan con ông Bộ Dục lên tới lớp nhất thì mất vì lao phổi,…Oanh “bức tường hô hấp”…Không biết, Oanh lẩn đàng chân lên đằng đầu, lên trả bài học thuộc lòng, có đoạn …”bức tường vôi trắng, Oanh lại ấp úng …”bức tường hô hấp”…Tiếc quá, tôi không tài nào nhớ hết khoảng năm mươi đến sáu mươi đứa của lớp học.
Lớp năm! Đi học phải có hai cuốn vở, một cuốn ghi bài học gọi là “vở học” và một cuốn làm các bài tập gọi là “vở tập”. Các tập vở chỉ mới chừng một tuần là bắt đầu” cuốn vỏ đậu”. Đến bây giờ, tôi cũng không hiểu tại sao vở lại “cuốn vỏ đậu”, hai góc ngoài cong lên, cuốn tròn và xếp chồng lên nhau. Lại còn lem luốc mực. Không lem luốc sao được khi hàng ngày phải mang theo bình mực, là một lọ đựng thuốc trụ sinh peniciline, chế biến thêm một cọng giây kẽm để lọ mực lọt xuống lổ tròn được khoét trên bàn học ở trường, hai cọng kẽm gác lên trên giống như một lực sĩ đang biểu diễn xà ngang, nên sau nầy khi chúng tôi gọi lọ mực là lực sĩ… Huỳnh công Án (Lực sĩ thẩm mỹ đẹp nhất Đông Nam Á khoảng thập niên 50.???.)
Lọ mực đó, nếu cầm tay thì xanh lè, huống chi bỏ túi…áo nào không xanh. Có hôm đi học về, Mệ Ngoại phải lấy xơ mướp kỳ cọ tẩy rửa thân thể xanh màu mực của tôi. Riêng ngón tay trỏ và ngón giữa hằng ngày cầm bút, chấm mực viết bài… thì khỏi rửa, vì ngày nào cũng xanh, các dì tôi nói, Mạ làm răng mà rửa tay thằng Đồng cho được, mực thấm vào da hắn rồi.
Một ngày của tôi bắt đầu bằng việc Ôn Ngoại nắm hay chân và kéo tôi ra khỏi mùng (ngủ phải treo mùng (màn) tránh muỗi. Dù trước đó, Mệ Ngoại đã gọi từ lúc sáng sớm. Từ lúc Ôn kéo tôi dậy, cho đến khi đi học cũng phải hơn sáu mươi phút, vì có khi dì Nhạn gọi vào ăn sáng, còn thấy tôi ngồi ngủ gục bên chai hiên, bàn chải đánh rang chấm muối, ngậm trong miệng. Ăn sáng của Mệ, có khi cơm nguội, có khi cháo trắng… Ngày nào không có gì, Mệ mua bánh mì ba ổ hai đồng, và chỉ cho tôi, dì Nhạn và cậu Thứ là được ăn sáng…để đi học. Ngay cả Ôn Ngoại cũng không có phần. Mệ cứ chăm chút cho tôi, đến nổi Dì Nhạn, dù rất thương tôi cũng phải khiếu nại...” Mạ cứ tập hư cho hắn”…Vì Dì là em út của Mạ tôi, con út của Mệ.

Trường nằm trong nội thành, cuối đường Chương Đức (Các tên Cầu Đất, Chương Đức, Lê Huân là tên của đường theo thư tự thời gian. Sau 1975 tôi không biết tên gì)...bên cạnh Hoàng cung, chung quanh là phủ đệ các ông hoàng bà chúa, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi tôi ...”phải” học chung vơi rất nhiều học sinh là ...Công tằng Tôn Tẩn. Vì tôi chỉ là thứ dân bách tính, dù Ôn ngoại tôi cũng là cậu Tôn, Mệ Nội tôi là Công huyền Tôn Nữ...

Học chung với tụi nó, tôi ghét cái mặt vênh váo của con Tôn Nữ Quế Hương (1), dù gặp hắn, tôi vẫn cười chào “Vịt đẹt”. Vịt dẹt là tên cả lớp đặt cho Quế Hương không biết tự bao giờ. Con Diệu Trang thì chết với tên “Trang trịn” dính với “tai nạn” từ hồi lớp năm của cô Tôn Nữ. Thằng Tôn Thất Đào...Tôn Thất Ái...Nhà chung đường với Quế Hương ở Kiệt Nguyễn Thiện Thuật. Ghét thì ghét, nhưng cũng phải công nhận tụi nó học giỏi hơn đám “bách gia chư tính” tụi tôi.

Trong đám Tôn Tẩn đó, Tôn Thất Ái là ...Chí cốt. Nhà hắn ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Bên cạnh ngôi chùa nhiều ma. Ngôi chùa không tên, hay có tên mà tôi đã không còn nhớ. ngôi chùa mà năm lớp nhì, khi tôi đã biết ngấu nghiến .. Tự lực văn đoàn, nó nghiễm nhiên trở thành nơi trú ẩn của Dũng (Đoạn Tuyệt)...hay của Mai (Nữa chừng Xuân) hay vẫn có thể của “Thị Mầu”trong truyền thuyết “Quan Âm thị Kính”. Ái ở đó, tất nhiên với tôi hắn phải quét là đa, tất nhiên, hắn phải làu thông quyền cước...và tất nhiên, hắn phải có nhiều “công lực”. (Vì ở gần vị sư phụ mai danh ẩn tích).

Nhưng không phải như thế, ...Hắn vẫn là người thường để cùng tôi đi bộ lên Nam Đài, (Sau nầy có thêm Lâm Thành Thanh) bắt đầu cuộc viễn du vòng quanh thượng thành, “phi thân” qua từng lổ châu mai, dáo dác từng chùm mận chín, hồi hộp từng con chim sẽ ríu rít trên cành tre đang bị chúng tôi nhắm bắn. Khi đã mệt nhoài và khát nước thì cùng khoanh tay sau ót nằm trên tường thành thiên cổ nhìn cụm mây thanh thản giửa trời xanh. Những lúc như thế, tự nhiên hắn lặng yên...làm tôi bối rối nhìn. Hắn đang nghĩ gì? Bài học chưa thuộc, bài toán chưa làm hay.., cái xơ mít mà Anh Sang đang đề dành cho tội lêu lổng.

Ái và tôi, miệt mài từ lớp mẩu giáo trường Cô Hường cho đến hết lớp nhất trường Trần cao Vân. Lên trung học, hắn học Nguyễn Tri Phương và tôi vào Hàm Nghi vẫn gần gủi bạn bè cùng xóm. Chuyện của hắn, phải đủ hai mươi trang viết riêng, đó là chưa kể khi tôi đã rời xa thành nội, hắn còn dun rủi tới chuyện “Hồng nhan đa truân” của một nhân vật mà đã nhiều lần tôi viết đến.

Mãi tới 1971, từ chiến trường Hạ Lào ghé về thăm Huế, tôi may mắn gặp lại Ái. Phần còn chưa nói, tôi sẽ dành riêng cho một câu chuyện khác. Cậu Tôn thân mến của tôi.

Một ngày đi học… tôi cũng có …” Hôm ấy vào cuối thu, là ngoài đường rụng nhiều và trên không, những đám mây bàng bạc”…con đường đến trường của tôi “cũng dài và hẹp”…nhưng tôi không có…” Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp”..đó? Một mình tôi tung tang đến trường, chân đi guốc” Xà lan”(1), tay ôm vở, đầu trần. Con đường quen đến nổi, nhắm mắt, tôi vẫn đi được đến trường…Từ nhà Mệ tôi, số 12 Chương Đức, góc đường Chương Đức và Kiệt Huệ An, đi ngang qua nhà Bình An góc Kiệt Chương Đức, qua am lên đồng của Mụ Bụi, qua nhà Thầy Trợ Diễm đối diện cửa Chương Đức huyền bí và đồn cảnh sát cùng tên đến Cầu Đất, qua” Chợ Vệ hậu ngủ”, nơi Mệ Ngoại tôi có sạp hàng tạp hóa, qua nhà Dì Quỳnh Như con “ Ông Đốc Bính” chạy “ Veslovap” sang như đầm (tôi gọi bằng Dì, vì dì học lớp với Dì Nhạn tôi).
Dì Quỳnh Như nầy thì tôi biết, Cậu Thứ tôi cũng khoái, nhưng sợ uống dầu đu đủ của ông Đốc Bính. Cái màn “Uống dầu đu đủ” nầy thiệt khủng khiếp, mà lớp tụi tui, giàu nghèo sang hèn gì không đứa nào trốn được.
Ông Đốc Bính theo tôi biết là Đốc tờ. Ở Huế lúc đó, tôi chỉ biết có hai Ông Đốc. Ông Đốc Bính trong xóm tôi, và Ông Đốc Quyến ở ngoài cửa Thượng tứ. Ông Đốc Quyến thì quá xa xôi, tôi chẳng bao giờ gặp mặt, nghe nói trong nhà thương Ông Đốc Quyến có cả nhà xác. Những bóng ma lảng vảng trên cửa thành Thượng Tứ là từ nhà xác của Ông Đốc Quyến hiện hồn về.
Hai cái bị rết treo sau chiêc Mobillette của Ông Đốc Bính cũng gây cho đám nhỏ tụi tôi nhiều nghi hoặc, nhiều bí ẩn. Có đứa nói, ổng chở đầu lâu người chết bên nhà thương Huế, về luyện Thiên linh cái, cọng với tiếng máy khi nhặt khi khoan mỗi lần ông về ngang xóm. Chúng tôi sợ ông một phép, đến nổi, dầu đu đủ ớn lạnh như thế, mà chính tay ông rót ra muổng, không có đứa nào dám ngậm miệng, mặc dù trước đó, cả Ôn Mệ, các cậu dì tôi cũng không cạy miệng tôi được khi uống thuốc ở nhà. Thuốc xổ đó các bạn. Mỗi năm hai lần, giun bé giun con từ những chiếc bụng ỏng eo lần lượt “xuất khẩu” sau hai muổng dầu đu đủ của ông Đốc Bính.
Xóm tôi ở, đa số gia đình công chức, thợ thuyền và lính tráng, cũng điểm vài nhà danh giá mà tôi nhớ được.
Nhà Mệ Ngoại tôi, số 12 Chương Đức. Chương Đức là tên gọi theo cổng thành nhìn suốt con đường. Khi tôi vừa biết đánh vần, hình như nhà vẫn chưa có số. Đường vẫn mang tên đường Cầu Đất, trên đường có chợ Cầu đất và cửa thành cũng tên là Cửa Cầu đất không biết khi nào thì đường đổi tên là Chương Đức, theo tôi biết là gọi cho đúng tên chử của cửa thành. Khi tôi vào lớp đệ nhất Trường Hàm Nghi thì đường đã có tên là Đường Lê Huân. Với tôi, tôi vẫn thích cái tên đường Chương Đức. Nhà Mệ Ngoại tôi nằm ngay góc đường Chương Đức và Kiệt Huệ An.
Cuối kiệt Huệ An, gần đường Nhà đồ, có gia đình cậu Ngự, cậu Khôi và dì Nguyệt. cậu Ngữ, cậu Khôi là bạn học của cậu Thứ tôi, dì Nguyệt, là bạn học của dì Nhạn tôi. Nhà ngói ba gian, với một căn nhà ngang rộng rải, lớn lên đến nổi mỗi lần Cậu Dì tôi sai đi lấy sách vở hoặc thư từ chi đó, mỗi lần bước tới ngỏ là chân tôi quíu lại, không dám vô nhà, chỉ đứng ngoài ngỏ…réo Cậu ơi…Dì ơi…Nhiều điệp vụ bí mật của các Cậu Dì bị tôi làm bể dĩa, vì ông cụ nghe được, đi ra hỏi đứa mô…đứa mô…là tôi cong giò bỏ chạy.
Căn kế bên cũng lớn không kém là thằng Hưng. Học sau tôi một lớp. Tôi chẳng biết ba mạ hắn làm gì, nhưng thấy nhà ngói là sợ cái đã.
Đối diện với nhà thằng Hưng là nhà dì Mảo. Dì Mảo, cũng là bạn học của dì Nhạn tôi, Nhà Dì có cái giếng, nước trong vắt và ngọt mát là giếng nước uống cho cả xóm. Và cả xóm cùng gọi “giếng mụ Thợ Trạch”. Chiều chiều, chúng tôi hay rủ nhau xách gàu tới cái giếng có vành đai chung quanh đổ xi măng trơn láng múc nước tắm và nghịch ngợm.
Dì rất đẹp nên lấy chồng sớm, khoảng mười sáu mười bảy là Dì đã lên xe hoa, để lại không biết bao sỏi đá trong lòng các Cậu của tôi. Các cậu! tôi chỉ có một cậu duy nhất là cậu Thứ. Nhưng hết các bạn bè cậu Thứ trong xóm đều là cậu của tôi. Cậu Ngữ sau này đi quân cảnh, cậu Khôi, cậu Lan, cậu Quý dạy học. Cậu Thái sau nầy là Đại úy Công Binh…Hình như cậu nào cũng tương tư dì Mảo, mà dì Mảo cũng lạ. Các cậu tôi trong xóm, thân quen biết mấy mà Dì không lấy, đi lấy cái ông mô lạ hoắc đâu ngoài cửa Đông Ba… Đám rước dâu đi bộ từ Kiệt Huệ An ra tới đường Chương Đức, ngay trước nhà Mệ tôi, dì cúi đầu xuống để lên xe “Bảo Đại”(*), (Chúng tôi hay gọi xe Citroen 4 chevaux màu đen là “Xe Bảo Đại, vì nghĩ chỉ có Vua Bảo Đại mới có xe đó) Dì hơi cao mà cửa xe thì thấp, nên đầu Dì va vào cửa xe, cái mủ cô dâu lủng lẳng kim cương, cẩm thạch rơi xuống, dì phải tự nhặt lên và ngồi vào xe. Cậu Thứ tôi nói…thằng cha Đường Minh Hoành nầy làm mất mặt Dương Quý Phi… Tôi mới nhớ ra, cô dâu, chú rể mặc áo quần giống Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng mà tôi đã được Mệ Ngoại dẫn đi coi hát bội, tuồng Đường Mình Hoàng-Dương Quý Phi ở rạp Đồng Xuân lâu, đường Hậu Bổ (Rạp Đồng Xuân Lâu).
Sau đám cưới dì Mảo, các cậu tôi ngẩn ngơ cả tháng trời…
Kế bên nhà thằng Hưng là nhà Mệ Mười, ông nội của thằng Vẽ, tên chữ của nó là Quý Nguyện. Thằng Vẽ là con của cậu Bảo Thái, cậu Thái là con Mệ Mười. Nó học lớp với thằng Nam, con dì Nai tôi. Khoảng năm 1972, tôi gặp hắn ở Quảng Ngãi, mang lon Hải quân trung úy. Mệ là tước danh thương gọi cho các gia đình hoàng tộc, như Ôn Ngoại tôi, được hàng xóm kính cẩn gọi Cậu Tôn, mệ Ngoại tôi được gọi là Mợ Tôn. Dù Ôn Ngoại tôi chỉ là một lao động thợ hồ, Mệ Ngoại tôi bán hàng xén.
Trước mặt Mệ Mười là nhà Ông Chuẩn, hay Ông Đại, vì ổng là ba của thằng Tuất, thằng Hợi. Tuất học sau tôi một lớp, Hợi học với thằng Nam, Ba của tụi hắn, ông Đại Úy Chuẩn, sáng có xe Jeep đến đón, chiều có xe Jeep đưa về, mặc hắc ám như ông Hoàng Hoa Thám. Tụi tôi chẳng khi nào dám ngó.
Sau lưng nhà ông Chuần và cũng sau lưng nhà Mệ tôi là “am lên đồng”. Mệ Ngoại tôi nói…Thằng Đồng, thằng Nam không lo học, Mệ qua bẩm “Cô” cho âm binh hốt vía. Mệ dọa, nhưng tôi chẳng sợ, vì ngày rằm, mồng một, nghe tiếng lóc cóc leng cheng chuông mỏ là đám con nít trong xóm đã thập thò trước cửa am, ngồi xổm thành hai hàng chờ “Cô” ban lộc. “Cô” gọi “thằng nam”, chúng tôi “bẩm cô” cô gọi” con nữ”, mấy đứa con gái xá xá. Cô nhảy lơn tơn một lúc rồi cho chúng tôi mỗi đứa một viên kẹo gừng.Có nhiều “Cô”, nên tụi tôi có nhiều kẹo cau hoặc kẹo gừng. Một hôm có “Bà Cô” tức là “Cô lớn tuổi” vừa chèo thuyền vừa nhảy nhót hang quá, đến nổi “bùm” một tiếng lớn. Cả am đều nghe, đám con nít tụi tôi cười khúc khích. Bác Lượm kéo đàn cò chầu văn…bèn hát…” Cô lên…a Cô lên. Cô lên cô rít cô chơi nì! Cô rít, Cô chơi a!. Cô bắn súng lục…mà…cô bơi a…thuyền rồng. Cô bơi thuyền rồng”…ò ẹ ò i…ò ẻ…Bác nghiêm nghị nhắm mắt, cây đàn cò của bác ò e ò ị kéo dài chuyển đoạn cho đến khi Cô thăng. (Cô giáng: đồng nhập xác-cô thăng: Đồng xuất hồn).
Bên phải nhà Mệ tôi là nhà Tôn Thất Phước, học sau tôi một lớp. Chị hắn, Dì Tịnh An học lớp với Dì Nhạn. Dì Nhạn tôi, thường hỏi mệ…Răng mà mạ đặt tên con nhà quê rứa…Mệ tôi nói…nhà quê răng??...mấy đứa nớ…Tôn Nữ Tịnh An…Tôn Nữ Như Quỳnh…Ô Thước…Còn con Tôn Nữ Thị Nhạn…thì mi ưng thêm chữ chi thì thêm. Từ đó, dì bắt tôi gọi là Dì Túy Nhạn…Dì Tôn Nữ Túy Nhạn. Cậu Quý cười hỏi cậu Thứ…rứa khi nớ ôn say hay răng mà con Nhạn thành Túy Nhạn…Dì Túy Nhạn không hiểu gì cả, chỉ nhăn răng cười.
Nhà thằng Phước có cây “khế dành”, một loại khế chua không chua lắm, ngọt không ngọt lắm trồng sát hàng rào. Mệ tôi nói, khế dành nầy là khế chua, người ta đổ vôi xuống vón cho gốc cây, nên biến thành nửa chua nửa ngọt. Cây khế nằm sát hàng rào, nên trái chưa kịp lớn thì đám con nít trong xóm đã “khèo” trụi lủi. Hàng rào nhà hắn còn nhiều cây mâm xôi và ngủ sắc, và hai con chó dữ, nên tuy cái giếng nhà hắn nằm trên “Long mạch” như hắn thường nói, cũng chẳng có đứa nào dám xách gàu đến tắm.
Bên phải nhà Mệ tôi là Mụ Viên Thước, mạ của thằng Bê Anh Nguyễn Hữu Tống, học lớp với Tôn Thất Phước, và Bê em Nguyễn Hữu Khương. Ba của hắn, Bác Viên Thước là quân nhân. Tôi không biết cấp chức, có lần cả đoàn xe mười bánh, hơn chục chiếc, dừng trước nhà hắn. Ba hắn lĩnh kĩnh súng ống đi vào nhà. Con nít cả xóm tụ lại xem. Thằng Bê anh nói …Lính của ba hắn đó, đứa mô đánh bi ăn gian, hắn sẽ kêu lính của ba hắn trị tội. Nói thiệt, tụi tui, làm chi mà biết ăn gian. Có điều hắn bắn bi quá dở nên khi nào cũng thua…mà chơi trò gì, chúng tôi cũng có giao kèo cùng sướng to lên trứơc cuộc chơi. Nếu đánh bi thì phải …” Mất bỏ, bể bỏ …cấm khóc, cấm la, về nhà cấm méc”. Nghĩa là, nếu bị bắn mất hay bể không được đòi bồi thường, về nhà không được mét ba mạ… cũng như trước khi chơi đánh căng, cũng phải thề rứa …” căn cù u óc. Cấm khóc, cấm la. Về nhà cấm méc”.
Mà chơi đánh căn cũng dễ bị “u óc”, nhất à cái thằng thuộc phe phòng thủ, nói theo ngôn ngữ football bây giờ là Defence. “Cây căn” dài khoảng 40 cm là một khúc cây bằng gỗ, càng nặng càng tốt. “ Cây cù” cũng là một khúc cây cùng loại nhưng ngắn hơn, khoảng 10cm. Cuộc chơi bắt đầu đặt một nửa phần “cù” xuống rãnh nhỏ moi dưới đất, nửa còn lại ngoi lên trên. Đoạn lấy “cây căn” gỏ mạnh vào khúc cù,gọi là chặt đầu gà. Khúc cù sẽ quay tít lên trên không, đón nhận cú đánh cật lực lao về phía trước. Nguy hiểm là ở chỗ nầy, phe bên kia phải bắt cho được “cù” trước khi nó rơi xuống đất nếu muốn thắng, mà đâu có phải dễ bắt, nên nhiều đứa về nhà mặt mũi sung vù, dù không “méc mạ” cũng không dấu vào đâu được…
Nói thêm về các hàng xóm của tôi, kêu tên bằng những tên mà tôi được nghe và nhớ, như mệ ngoại tôi được gợi Mợ Tôn, nhà bên phải như đã nói ở trên là nhà thằng Thống, mạ hắn được gọi là mụ Viên Thước, phân biệt với ông Viên bò, ba của thằng Phùng.
Qua khỏi nhà thằng Thống là ngạ của ông Đại Úy Đồng trùng tên với tôi, có Dì Nghĩa An ốm yếu, con gái ông, học lớp với Dì Nhạn tôi. (Phân biệt với Dì Tịnh An chị thằng Phước). Ông nầy sống với vợ hầu là Dì Tuyến, mở quán tạp hóa trước ngỏ, bán bánh kẹo, đường sữa, cà phê, trà…Tôi thường tới quán của Dì mua thuốc cho Dượng Nai tôi, Dượng tôi ký một tờ giấy, gọi là “ bong” đem tới giao cho Dì. Dì trao cho tôi một gói thuốc là hiệu MIC, và một cái kẹo Nugar cho tôi.Sau nầy, thằng Nam biết được nên dành phần đi mua thuốc là cho ba hắn. Tôi mất phần
(Nói thêm về kẹo Nugar)
Bên cạnh quán dì Tuyến là tiệm thợ may mà tôi và thằng Nam thường la cà. Tiệm may có bảng hiệu đàng hoàng, tên là “Xiêm Y”. Bác Hoàng chủ tiệm thường kể… hồi đó, Bác ở trong “Nội”…chỗ nớ tề…Bác chỉ qua tường thành bên trái cửa Chương Đức, Bác chỉ may xiêm y cho bà Từ Cung. Bà Hoàng Thái Hậu… ở chỗ ni tì…Bác chỉ qua tường thành bên phải…Rứa răng Bác không ở trong nớ nữa…tụi tôi hỏi…Thì tại sau nầy ngài hay mặc đồ đầm nên phải giao cho tụi thợ bên Tây qua lo hết… Tôi tưởng tượng Bà Hoàng Thái Hậu mặc đồ đầm chắc đẹp giống mấy Tiên Cô trong am lên đồng của Bác Lượm. Cậu Thứ tôi nói…Bác Hoàng là Thái giám.
Tụi tôi hay la cà ở tiệm “Xiêm Y” để chờ xin trục chỉ. Cái trục chỉ bằng gỗ nầy làm được nhiều món mà chỉ có tôi làm được cho mấy đứa em con các Dì tôi. Làm cối xay nè…làm bốn bánh xe vận tải nè…làm bàn quay chong chóng nè…Các thứ đồ chơi mà không phải đứa nào cũng làm được.
Bên phải quán Dì Tuyến là nhà Bình An. Xóm tôi có nhiều tên An. Bình An học lớp tôi, hay cặp kè đi về với Quế Hương. Hai đưa học giỏi nhất lớp. Nó học giỏi, nên thấy mặt là tôi đã sợ…Nó hay hỏi “Voa xi ma manh…in la…mấy ngón???”…là tôi đã ú ớ…”Ấy”mà không học bài là tui méc Cậu Thứ. Nó biết, trong nhà, tôi chỉ sợ Cậu Thứ. (Tiếp phần này).
Những phút hồi tưởng của tôi, đôi khi chảy róc rách trong ký ức, nhỏ từng giọt xíu không đủ định hình như bình mực”Nguyễn Công Án” cạn kiệt. Đôi khi chợt vỡ òa như một dòng thác trôi về sông lớn, hổn loạn, nhảy xổ vào nhau. Róc rách, cũng chẳng đâu vào đâu, khi vắng khi dài, chẳng thứ tự lớp lang, chẳng tuần tư diển biến. Thác đổ ra sông càng hổn loạn hơn, tóm được khúc gổ mục từ thượng nguồn trôi về chưa kịp giữ, đã quýnh quáng bên tai một âm vang đại ngàn khác thôi thúc, mời gọi…thôi thì tới đâu hay tới đó. Ký ức của bảy mươi năm một đời, sót lại cho tôi chút mơ hồ năm nào, cũng sẽ đem mình trở về trẻ thơ năm đó để cám ơn cuộc sống.
Trường tiểu học Trần Cao Vân lúc đó, khoảng năm 1962, so với tấm hình tôi trở về chụp lại năm 1992 cũng chẳng có gì thay đổi. Bốn mươi năm rồi còn gì.Mà sao những gốc nhãn còi cọc trước cửa lớp vẫn chưa kịp lớn…để tôi thấy, hình như mới đó, mấy đứa con gái lột guốc lót xuống, ngồi chơi đánh thẻ. Một trái bòng(*) xanh với sáu que thẻ là đồ chơi của tụi nó. Bó thẻ được trải xuống đất, tụi nó luân phiên, một đứa tâng trái bòng lên cao, nhanh chóng nhặt một que thẻ trước khi hứng được trái bòng rơi xuống, cũng bằng cái tay đã nhặt que thẻ. Ai nhặt đủ sáu que thẻ trong phiên của mình, mà trái bòng không rơi xuống đất, người đó thắng…và đi tiếp, nhặt hai thẻ rồi ba thẻ…rồi cuối cùng là hốt hết để thắng chung cuộc. Còn tiếp theo là gì…tôi không nhớ được. Trước khi ngồi xuống chơi thẻ, tụi nó thường dáo dác ngó trước ngó sau xem chừng thắng Thắng. Cái thằng đàn banjo mỗi thứ hai chào cờ như tôi đã nhắc ở trên. Không biết núp ở đâu, con Huệ mới tung trái bòng lên, cúi xuống nhặt que thẻ, thì ào một cái, hắn xẹt qua, chụp trái bòng chạy mất. Con Huệ í ới chụp chiếc dép râu liệng theo…và sau đó là tan hàng. Lạ một điều là tuy bị phá như vậy, mà cả mười mấy đứa con gái trong lớp không có đứa nào ghét hắn, không có đúa nào thưa gởi… thưa thầy trò Thắng…Chắc tụi nó thích tiếng đàn banjoja của trò Thắng…Sau nầy đàn đúm với nhau ở Sài gòn, hắn đã là Nhạc sĩ MĐ Thắng, mỗi lần hành quân trở về,nhằm ngày thứ bảy hắn đến doanh trại đơn vị tôi ở ngã tư Bảy Hiền, hai đứa đèo nhau trên cái xe Suzuky M15 màu đỏ của hắn, đến hội quán Cây Tre, bên cạnh sân vận động Hoa Lư để nghe hắn hát…Cái giọng hát của hắn, chẳng giống ai.Chẳng giống Anh Ngọc, cũng chẳng giống Anh Khoa, chẳng giống Duy Trác mà cũng chẳng giống Jo Marcell…là những giọng ca tôi thích. Nhưng sao tôi vẫn ứa nước mắt khi hắn cao giọng…
“Hỡi người anh phía trước.
Hỡi người bạn sau lưng.
Hỡi từng viên đạn nhỏ.
Cho tôi ly rượu mừng.
Mùa xuân nào lại đến.
Lời ca nào lại bay.
Tiếng ru nào của mẹ.
Mắt lệ nào của em…
Lạy trời, lạy trời tôi đừng biết.
Xin cho tôi đừng chết.
Tôi là người như anh.
Tôi chết vì tay anh!
Chết! Chết vì chiến tranh!” (trích lời ca cảnh “Lời Nguyện pháp trường-Phạm Thế Mỹ).
Hắn hát xong, xuống ngồi với tôi, im lặng không nói.Cái im lặng của hắn càng làm tôi buồn hơn, tôi thấy hắn chợt xa lạ vô cùng. Có khi một lằn ranh vô hình đã chia hai bè bạn, bằng hai cách nhìn khá biệt về cuộc chiến tranh, mà mãi bốn mươi năm sau, dù là bên thua cuộc. Tôi chẳng thấy mình sai lệch ở điều gì.
Khi đó, hắn chưa đi lính, nên hắn có “ người anh phía trước”, hắn có “người bạn sau lưng” năm sau, khi hắn nhập ngũ, ở tận Pleiku. Tôi không biết, người anh phía trước cửa hắn..có ngưng bóp cò khi thấy hắn.?
Khi tôi đi tù về, hắn đón tôi đi uống cà phê ở cư xá Bắc Hải. Hai đứa ngồi xuống, chưa kịp gọi cà phê thì Tư Đóa đi vào. Ở cư xá Bắc Hải khoảng 1981-83, ai lại không biết, không sợ Tư Đóa. Hung thần của Cư xá Bắc Hải, Phường đội trưởng phường đội 25 Quận 10. Vậy mà hắn ta, bạn Thắng của tôi lại cao giọng hát…
“Người Việt nhìn nhau xa lạ
Người Việt nhìn nhau căm thù…
Tôi, nhìn thấy những vân màu đỏ trong đôi mắt Tư Đóa.
Buổi sáng, trước khi ra cửa, tôi phải nép sau gốc phượng già nhìn trước ngó sau, sợ thằng Phùng đó. Thằng Phùng, Phan Văn Phùng con ông Viên bò ở cuối đường Chương Đức, trên thượng thành, nếu thấy nó phía trước, đằng xa, tôi mới rời chỗ núp hồi hộp sợ hắn quay lại. Cái thằng thiệt hiện ngụy, chỉ lăm lăm nhìn cập vở của tôi. Mà nào giờ tôi chưa bao giờ có cặp. Hai cuốn vở bọc bằng báo “Thế giới tự do’ ôm chặt trên tay, cùng với bình mực “Nguyễn Công Án” rứa mà “bốp” một cái, hắn không biết từ đâu, đánh văng xuống đất rồi bỏ chạy. Hắn ức hiếp tôi cho mãi tới năm lớp Ba, khi cậu Thứ tôi học xong sư phạm Thượng Tứ, và được bổ về dạy tại trường Trần Cao Vân, hắn mới sợ.
Chuyện tôi kể về trường Trần Cao Vân thường thiếu mạch lạc, có khi mới chuyện lớp năm đã chạy qua chuyện lớp nhất. Nhưng với tôi, trong năm năm học tiểu học, chúng tôi ngồi với nhau cũng chừng đó đứa, cũng chỗ ngồi đó tuy phải thay phòng học mỗi năm, nên tuy năm năm mà cơ hồ như một, tuy qua đi hàng năm mà vẫn quanh quẩn một sân trường.
Ngoài việc tổ chức dạy dỗ tôi từ tấm bé, với cộng trừ nhân chia, ê a đánh vần, tập viết. Từ lớp năm đã biết bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng…lớp Tư đã mê mẩn tấm hình không rõ nét của “Quân Âu Lạc phục kích Quân Tàu”. Quân Âu Lạc mang khố và choàng da thú, sử dụng cung tên, ẩn nấp trong lá rừng. Quân Tàu giáp trụ, trùng trùng gươm giáo… cũng hổn loạn bỏ chạy…Cho tới lớp nhất đã biết Vua Hàm Nghi và Duy Tân bị Pháp đày qua Tân Đảo, biết phong trào Đông Du, biết Nghĩa Quân Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng chống Pháp… dù Quan Thanh tra Tây vẫn thỉnh thoảng đến trường và trên cột cờ đại nội, cách đó không lâu vẫn đã phần phật cờ Tam tài. Vẫn còn học tiếng Pháp… Le cords de l’hombre…
Lòng yêu nước thuần túy, không chỉ được giảng dạy từ tấm bé, mà gần như đã mặc nhiên định hình cho cốt cách của cả một dân tộc.
Trường còn tổ chức Hiệu đoàn. Tôi chẳng biết “Hiệu đoàn” để làm gì, nhưng thích thú và hãnh diện vô cùng khi ưởn ngực trước sân chào cờ mỗi sáng thứ hai. Một trò lớn lớp nhất, giữ tấm bảng lớn, ghi “Hiệu đoàn Trần Cao Vân”. Chúng tôi đứng sau tấm bảng lớp ghi rõ ràng: Đoàn Phù Đổng cho lớp năm, đoàn Đinh Tiên Hoàng cho lớp tư, Đoàn Mê Linh cho lớp ba, đoàn Chí Linh cho lớp nhì, đoàn Chí Linh cho lớp nhì, đoàn Bạch Đằng cho lớp nhất…Và Quốc ca nổi lên với tiếng đàn banjo của thằng Thắng…bên ngoài cổng trường im phăng phắc, người đi xe đạp thì xuống xe, bác gánh rau đặt vội quang gánh, chú xích lô đứng nghiêm cùng với hành khách cũng đã đứng xuống. Bác cảnh sát tình cờ đi qua, cũng vội vàng nghiêm chào…” Nầy công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…Xứng danh dòng giống Lạc Hồng”.

 

Phan Hội Yên

 

  1. Tôn Nữ Quế Hương trong bài viết này không phải là Cô Tôn Nữ Quế Hương của Phượng Vỹ, tức phu nhân của BS. Nguyễn Khoa Nam Anh. Chỉ là một sự trùng tên.

 

 

 


Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.