Các Khoa Trưởng ĐHYK Huế


 

Lịch sử Đại học Huế VNCH chỉ trong vòng chưa đến 20 năm mà đã xẩy ra quá nhiều sự kiện, gắn liền với tình trạng an nguy đất nước thời ấy, đặc biệt là các biến động ở miền Trung, ở Huế, tuy là chốn Thần kinh cố đô, nhưng lại là nơi địa đầu giới tuyến Nam Bắc, ‘hàm chó vó ngựa, đứng mũi chịu sào’’: lúc thanh bình thì ca hát, lúc loạn lạc chạy cuốn cờ.

Viện Đại Học Huế được thành lập năm 1957 giữa thời bình, cho đến 1975 trong thời chiến các Viện Trưởng là: Cao văn Luận, Trần hữu Thế, Bùi tường Huân, Nguyễn thế Anh, Lê thanh Minh Châu. Trường Đại học Y khoa Huế được thành lập 2 năm sau đó và các Khoa Trưởng là Lê tấn Vĩnh, Lê khắc Quyến, Bùi duy Tâm, Lê bá Vận (Viện Đại Học Huế, kỷ niệm 40 năm, Dòng Việt, 1997, tr.22b).

Các Trường Đại học khác: Khoa học, Sư phạm, Văn khoa, Luật khoa, theo thời gian cũng thay đổi nhiều Khoa Trưởng, sự kế nhiệm tiến hành thuận lợi, suôn sẻ. Đối với Viện Đại học và nhất là đối với trường Đại học YK, mỗi lần thay đổi lãnh đạo lại không bình thường. Sự thành lập một trường ĐHYK ở Huế trước đó, khác hẳn với các phân khoa khác, cũng đã gặp nhiều khó khăn, chống đối tưởng chừng không thể vượt qua.

Ở miền Nam trước 1975, Đại Học có qui chế tự trị rất lớn, Chính Quyền mọi cấp rất tôn trọng, không chỉ thị, chỉ đạo, nghị quyết, pháp lệnh… chỉ can dự khi được yêu cầu. Mọi mục tiêu, đường lối chính sách… đều do giới Đại Học tự quyết định. Đại Học ‘phi chính trị’, mọi người đều hiểu như vậy, đó là nguyên tắc căn bản.

                                                                 ***
1) Bộ Giáo dục VNCH đã bổ nhiệm các vị sau đây nắm giữ chức vụ lãnh đạo trường ĐHYK Huế, Khoa Trưởng, Quyền Khoa trưởng, Xử lý thường vụ: Lê tấn Vĩnh, Lê khắc Quyến, Thân trọng An, Lê văn Bách, Bùi duy Tâm, Lê bá Vận.

Bác sĩ Lê tấn Vĩnh là Khoa Trưởng đầu tiên được chính thức bổ nhiệm giữ chức vụ Khoa Trưởng Đại học YKHuế. Ông là một nhà bác học tầm cỡ quốc tế, giáo sư Thạc sĩ Nhi Khoa và lúc đó đang làm việc tại Phòng nghiên cứu của Giáo sư Lelong tại Trường ĐHYK Paris, Pháp. BS LT Vĩnh vì bận các công trình nghiên cứu tại Pháp, mỗi năm chỉ có thể về Huế sáu tháng.

Sự kiện BS Lê tấn Vĩnh giữ chức vụ Khoa Trưởng ĐHYK Huế rõ ràng mang lại uy tín lớn lao cho Trường trong bước đầu vì Ông là giáo sư tại ĐHYK Paris đồng thời có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học lớn được biết tiếng trên bình diện quốc tế.

ĐHYK Huế xuất phát với những thế rất mạnh về lãnh đạo và giảng dạy:

Ban Giảng huấn chính thức của Trường gồm các Giáo sư, Bác sĩ Đức, Pháp, và Việt tốt nghiệp tại Pháp, Hà nội, Sài Gòn. Ban Giảng Huấn ủy nhiệm/thỉnh giảng gồm các Bác sĩ Hoa kỳ, phần lớn trong quân đội, các bác sĩ Pháp ở Sài Gòn và một số các bác sĩ ngoại quốc khác.

Về phần cận lâm sàng, Bệnh viện Trung Ương Huế, 1400 giường, rất lớn, có đầy đủ phương tiện xét nghiệm, X-Quang, dược liệu ngang hàng với các Bệnh viện lớn ở Hà nội (trước 1954) và Sài Gòn. Phái bộ Đức lại trang bị đầy đủ các phòng thí nghiệm tại trường cho sinh viên về các môn học khoa học cơ bản. Bệnh viện Toàn khoa Đà Nẵng lại là một bệnh viện thực hành rất tốt cho các sinh viên Y khoa năm cuối luân phiên thực tập nội trú.

Chuyển ngữ khởi giảng ở Trường là Anh, Pháp và Việt. Điều này cũng tương tự như ở trường ĐHYK Sài Gòn thời đó. Có lớp Đức ngữ buổi tối dành cho những Sinh viên ưa thích học thêm ngoại ngữ. Tuy nhiên các giáo sư Đức đều giảng dạy bằng Pháp hoặc Anh ngữ mà họ rất thông thạo. Sinh viên YK sĩ số năm đầu dưới 30, các năm sau tăng dần nhưng chậm, lúc nhiều lúc ít, lên đến 50-60 vào niên khóa 1974-75. Thầy đông, giỏi, phương tiện đầy đủ, sinh viên ưu tú số lượng không quá nhiều, chất lượng đào tạo rất tốt.

Giáo sư Lê tấn Vĩnh được bổ nhiệm vào gần cuối năm 1960 đến năm 1962 mới về Huế. Giữa năm 1961, Bác sĩ Lê khắc Quyến, Giám đốc Bệnh Viện Trung ương Huế đã được chính thức bổ nhiệm kiêm nhiệm Phụ tá Khoa Trưởng, và xử lý mọi việc ở Trường. GS Vĩnh về Huế nhận nhiệm sở, tiếp xúc với ban giảng huấn, lúc đấy chủ yếu các giáo sư Đức, Pháp, các bác sĩ Việt thì không nhiều lắm mãi cho đến ít năm sau, với tòa Viện Trưởng và có thể với các giới chức hành chánh, tôn giáo trong tỉnh…

BS Vĩnh người tầm thước, cỡ tuổi BS Quyến, nói giọng miền Nam, hòa nhã, cởi mở. Tôi nhận xét ông nét mặt hao hao bác Cách, nhân viên của Trường, nhưng đầy đặn, trí thức. Thời gian sau ông vào Sài Gòn, đến trường ĐHYK trong đó, gặp các giáo sư, lên bộ Giáo dục v.v… bàn việc trường.

Lúc BS Vĩnh trở lại Huế có tổ chức một buổi nói chuyện đề tài khoa học tại Trường, các giáo sư, bác sĩ tham dự đông đảo. Ông thuyết trình bằng tiếng Pháp, có chiếu tiêu bản. Đề tài là các tổn thương gan về phương diện giải phẫu bệnh ở trẻ em, gây ra do loại vi sinh ?? gì đó, một tên rất mới lạ, cũng khó nhớ mà bây giờ thì tôi quên khuấy. Đây là một đề tài ông đang dày công nghiên cứu. Qua cách ông trình bày, hấp dẫn nắm vững đề tài, tôi sinh lòng vô cùng ngưỡng mộ và thầm nghĩ Giáo sư Vĩnh thật xứng đáng là một nhà bác học làm rạng danh cho người Việt tại nước người. Trong lúc trao đổi chuyện trò tiếp theo, BS Vĩnh vui vẻ kể lại, có đôi chút hóm hỉnh, ông đã thuyết trình vừa qua, cũng đề tài này tại trường ĐHYK Sài Gòn và GS Trần quang Đệ đã kêu lên:”Quel est cet animal là ?” (Con vật đó là gì vậy cà?) Theo cung cách thành thật của người miền Nam, như GSTQĐệ chẳng hạn, tôi hiểu đó là một câu tỏ sự ngạc nhiên và khen ngợi.

BS TQ Đệ giáo sư tại ĐHYK Sài Gòn lúc đó, vừa là Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, lớn lắm. Theo chỗ tôi nhận định, thì ông ta còn cao hơn mấy ông giáo sư Thạc sĩ YK khác ở Việt nam cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bề ngoài vóc dáng ông dềnh dàng cao lớn, khoảng 1m80, nghe nói có quốc tịch Pháp, luôn nói tiếng Pháp, chuyện bình thường lúc đó, giọng Paris, dáng dấp cử chỉ qúi phái. Các bác sĩ và sinh viên khi nói đến ông đều trầm trồ khen ngợi, thán phục vì ông là cựu nội trú bệnh viện tại Paris, khó lắm và danh giá lắm. Các giáo sư Phạm biểu Tâm (Sài Gòn), Tôn thất Tùng (Hà nội) v.v…đều là người Huế, trước cũng là cựu nội trú bệnh viện tại ĐHYK Hà nội. Theo hệ thống giáo dục y khoa Pháp, sinh viên YK sau khi thi đỗ Ngoại Trú, từ năm thứ tư trở lên có thể dự thi Nội trú bệnh viện, được trả lương, phụ tá trực tiếp cho các giáo sư và hướng dẫn sinh viên đi thực tập tại bệnh viện, đồng thời cũng là con đường chính qui để trở thành ban giảng huấn của trường. GS TQ Đệ vừa hữu danh hữu thực. Người ta khen ngợi ông động tác cầm dao kéo mổ xẻ rất đẹp và nhanh. Ông giảng bài đi lại trên bục, vừa nói vừa viết lên bảng, rất hấp dẫn lôi cuốn, giảng theo kinh nghiệm thực sự, không theo lý thuyết sách vở bài bản. Tôi cố ý so sánh giữa 2 ông bác sĩ Trần quang Đệ và Lê tấn Vĩnh cùng là Thạc sĩ YK một tại Sài Gòn, một tại Pháp, một tài hoa về lâm sàng, một sắc sảo ở Phòng nghiên cứu khoa học. Cả hai đều tuyệt vời khi thuyết trình, nói lên những kinh nghiệm thực sự tích lũy của mình, và họ thực sự hiểu biết, kính trọng nhau. Đó là 2 Giáo sư Việt nam, Thạc sĩ YK mà tôi rất ngưỡng mộ, và Trường ĐHYK Huế thật may mắn lớn lao có được GS Lê tấn Vĩnh một nhà bác học tài ba, là Khoa Trưởng đầu tiên của Trường.

Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, LM Cao văn Luận, trong “Bên Dòng Lịch Sử Việt Nam 1940-1975” có đoạn viết: “Ngày nay sở dĩ ít ai nhớ đến ông Vĩnh là vì ông làm Khoa Trưởng Y Khoa được vài tháng thì bị bịnh, phải trở sang Pháp để chữa trị. Thực ra bên trong còn nhiều uẩn khúc, mà tôi ngần ngại không muốn nói ra, sợ làm mất lòng một số người. Nhưng tôi thiết nghĩ cần phải nói lên, để lưu ý những người có trách nhiệm về sau. Quả thực ông Vĩnh bị bịnh, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính buộc ông từ bỏ Đại Học Y Khoa Huế vĩnh viễn. Sau mấy tháng làm Khoa Trưởng, ông Vĩnh cố gắng hết sức, nhưng gặp phải sự đố kỵ của giới Y Khoa Sài Gòn, làm cho ông buồn bực, chán nản…” 
Đúng là ngay từ đầu, trường ĐHYK Huế chưa thành hình đã gặp chống đối mạnh từ nhiều nơi. Tuy nhiên LM CV Luận đã không bỏ cuộc, kiên trì vận động tranh thủ được sự chấp thuận của Tổng Thống, sự bảo trợ của Đại học Freiburg Đức và GS Lê tấn Vĩnh, một nhà bác học nổi danh ở Paris nhận lời về làm Khoa Trưởng ĐHYK Huế. Các thành quả này có khi lại làm tăng thêm lòng đố kỵ, hiềm khích, ý muốn ông Vĩnh phải ra đi... Tôi rất ngưỡng mộ GS Lê tấn Vĩnh và tôi thông cảm với ông quyết định rời Huế: 1- Ông là một con người thuần túy khoa học, LM CV Luận viết: “…tính ông không muốn rơi vào những mưu mô, những vận động đen tối…” 2- Các nghiên cứu khoa học của ông ở Paris rất quan trọng, mà thời gian ông ở Huế không giúp gì. 3- Vào năm 1962 ĐHYK Huế rất vững mạnh, GS Vĩnh nghĩ mình có thể rút lui mà không làm hỏng đại cuộc. Ngay từ đầu, từ 1960 ông chỉ nắm chức danh Khoa Trưởng, nhằm đem lại uy tín cần thiết. Ông từ chức rời Huế lúc nào tôi cũng không hay, tôi chỉ biết vì thường ngày BS Lê khắc Quyến trên các giấy tờ, thông báo của Trường vẫn ký là “Phụ tá Khoa Trưởng”, nay ký là “Q. Khoa Trưởng” . 4- Ông Vĩnh bị bệnh là một điều thực sự, và tôi thấy rất quan trọng đối với ông lúc đó. Gặp ông tôi đã nhận xét các đầu ngón tay của ông đều bị phong lở lói nhiều ít, vì một nguyên nhân nào đó, bệnh ngoài da, vì dị ứng, vì nhiễm độc?? BSPhùng Hữu Chí có kể lại GS Vĩnh thình lình bị bất tỉnh té xuống đất khi chủ tọa kỳ thi tuyển Giảng nghiệm viên cho Trường (ĐSan YKH 2006, tr113). Chuyện nghiêm trọng, lúc đó tôi suy nghĩ có vẻ GS Vĩnh cũng không thể sống lâu ở Huế. Tuy nhiên về Pháp cho đến gần 30 năm sau ông mới từ trần ở tuổi thọ trên dưới 75.

Hội Ái hữu ĐHYK Huế Hải ngoại lúc GS Lê tấn Vinh từ trần có phúng gởi lời phân ưu sau:

Toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Đại Học Y Khoa Huế          
Xin thành kính phân ưu Giáo sư LÊ TẤN VĨNH Cựu Khoa Trưởng Đầu Tiên Của ĐẠI HỌC Y KHOA HUẾ Đã thất lộc tại Paris Trong tháng 7 năm 1991

  Giáo sư Lê tấn Vĩnh là một bác sĩ y khoa lỗi lạc đã được vinh danh như là một trong những nhân 
vật thông thái của Pháp quốc với rất nhiều công trình khảo cứu y học. Với Đại học Y Khoa Huế, Bác sĩ Lê Tấn Vĩnh đã bày tỏ lòng thiết tha đóng góp tài năng siêu việt của mình cho đất nước Việt Nam nói chung và cho Đại Học Y Khoa Huế nói riêng.

ĐẠI HỌC Y KHOA HUẾ XIN VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
(Đặc San hội Ái hữu ĐHYK Huế, 1991, tr. 63)

Riêng tôi, đối với BS Lê tấn Vĩnh, ngoài sự ngưỡng mộ, tôi cảm nhận một sự thân tình, gần gũi, tôi nghĩ cũng do phong cách và cá tính của ông.

                                                   *****

2) Bác Sĩ Lê khắc Quyến kế nhiệm BS Vĩnh. Ông được bổ nhiệm Quyền Khoa Trưởng ĐHYK Huế vào cuối tháng 1 năm 1963, chức vụ mà ông giữ cho đến năm1966.Tuy nhiên trước đó ngay từ khi Trường đang thành hình, BS Quyến trong nội bộ đã được xem là người gầy dựng ra trường y khoa và điều hành mọi việc. Tính ông ưu ái lo lắng chu đáo cho nhân viên, sinh viên. Kể ra thì tôi là đồng môn với ông vì cùng là cựu sinh viên trường thuốc ở Hà nội, tuy nhiên BS Quyến vào trường Y Hà nội trước tôi đến cả một hai thập kỷ, như thế có thể làm thầy dạy của tôi. BS Lê khắc Quyến cùng BS Tô đình Cự, Phạm biểu Tâm, Tôn thất Tùng, Đặng văn Chung v.v… ở trường Đại học Y khoa Hà nội thời đó học cùng lớp hoặc chỉ cách nhau một hai năm. Hồi đó mà đậu cho được Tú Tài để vào Đại học rất gian nan và phải rất giỏi. BS Quyến thì phụ tá cho Giáo sư Henri Gaillard, Khoa Trưởng trường ĐHYKhoa, giáo sư vi trùng, ký sinh trùng học. Sau này ở Huế BS Quyến là trưởng khu kiêm trưởng khoa lây (truyền nhiễm) ở Trường và Bệnh viện.LKQ

Trong thời gian BS Quyến lãnh đạo trường YK Huế và ngay từ niên khóa đầu tiên, lớp YK1, 1961-62 sự giảng dạy ở Trường ở vào điểm cực thịnh nhờ các giáo sư, bác sĩ thuộc phái bộ ngoại quốc, nhất là phái bộ Đức hùng hậu, dù cho từ hè 1963 ở Huế có các biến động chính trị và chính BS Quyến lại có liên hệ ít nhiều.

BS Quyến cũng hăng hái với văn nghệ, thể thao. Bệnh viện TƯ Huế do ông làm Giám đốc thường bao giàn các gánh cải lương Sài Gòn ra Huế lưu diễn. Ông thành lập và làm ông bầu đội bóng tròn Bệnh viện Huế. Hồi đó tôi có nhà ở trong bệnh viện kề sát nhà mệ Bửu Tu, nhân viên phòng X- Quang và phụ tá cho BS Quyến về hoạt động thể thao. Các cầu thủ, nhân viên bệnh viện thường tụ họp trước sân và trong nhà mệ Tu và BS Quyến cũng năng đến. Mặc dầu được trang bị áo quần giày dép rất cẩn thận, các thành tích của đội bóng tròn bệnh viện hình như cũng khiêm tốn. Năm 62 BS Quyến lại thành lập và làm ông bầu đội bóng tròn bác sĩ bệnh viện. Các bác sĩ trẻ chủ nhật hàng tuần lái xe hơi cả đoàn, rất oai vệ, vào trường Đồng Khánh tập dượt ở sân cỏ sau. Hai cầu thủ nổi bật nhất là BS NK Nam Anh và NV Vĩnh. May mắn hoặc rủi thay chưa kịp ra quân thử sức thì chắc BS Quyến quá bận việc, không theo dõi kỹ, đội bóng tròn bác sĩ giải tán, quần áo giày tất biếu đội bóng bệnh viện. Thú thật các bác sĩ Nam Anh, Vĩnh và tôi tuy cũng thích bóng đá, ngay từ hồi nhỏ, nhưng đến nay lại thích chủ nhật ra sân tennis hơn. Các bác sĩ khác thì có những giải trí riêng.

BS Quyến tuy được mọi người kính nể nhưng ông lại dễ dàng, xuề xòa, tốt bụng, có khi tốt nhịn. Ở trong cương vị lãnh đạo Trường và Bệnh viện, đi chiếc Mercedes trắng bề thế, ông vẫn kéo đôi dép lẹt xẹt, áo sơ mi trắng bỏ ngoài quần, trời lạnh khoác thêm một áo dạ đen hở nút, nét mặt tươi cười. Hình ảnh rất quen thuộc, như những lúc ông đứng chụp ảnh chung với sinh viên Y khoa, Cán sự Y tế, Nữ hộ sinh, nhân viên. Đối với các bác sĩ trẻ tuổi đồng nghiệp dưới quyền lúc nào ông cũng xưng “toa, moa”, nhưng ai cũng thưa lại “anh, tôi” (‘toa moa’, tiếng Pháp dùng xưng hô thân mật, trong gia đình, quen thân).

Có lần trong buổi họp thứ bảy hàng tuần tại văn phòng giám đốc, BS Nam Anh phàn nàn về một điều gì đó, bác sĩ Nam Anh tính thường hùng hổ, bộc trực. BS Quyến có vẻ tức bực, bảo: “Mais c`est toi qui as demandé à venir!” (nhưng chính ‘toa’ đã xin về đây). BS Nam Anh trả lời liền: “C`est vrai, mais je n`ai pas demandé à rester”, (đúng, nhưng tôi không hề xin ở lại). BS Quyến nhượng bộ. Hòa khí trở lại, vui vẻ, thật ‘dĩ hòa vi quí’.

Bác sĩ Quyến tận tâm giúp đỡ mọi người, vì quyền lợi của bệnh viện, của Trường, nhưng tôi thấy trước hết, tính ông là vậy, tốt bụng, quan tâm đến người. Tôi chỉ kể ít trường hợp của tôi:

Vào năm 1962 Trường sắp mở thi tuyển giảng nghiệm viên cho tất cả, nhất là để các bác sĩ trong quân đội có thể được biệt phái về Trường nếu trúng tuyển. Tôi nói với BS Quyến tôi cũng sẽ thi. Ông ngạc nhiên bảo tôi: “Toa thi làm gì, để moa làm giấy chuyển toa qua Trường”. Tôi nói: “Anh cứ để tôi thi, tôi muốn qua Trường danh chính ngôn thuận”.

Qua năm 64, BS Quyến xin cho tôi và Bs Vũ công Thưởng đi Anh. Tôi ưu tiên đứng đầu danh sách; chờ cũng lâu, nhưng cuối cùng năm đó British Council chỉ cấp một học bổng, dành cho BS Thưởng, giải thich ngành chỉnh xương trong thời chiến quan trọng hơn ngành mắt.

Tiếp đến BS Quyến xin cho tôi đi Pháp. Giấy tờ nhanh chóng không ngờ, vé máy bay sắp có thì năm ấy Chính phủ VNCH xích mích với Pháp, để trả đũa, hủy bỏ tất cả các học bổng Pháp cấp. ‘Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết’.

BS Quyến cho biết phải có ECFMG thì qua Mỹ mới được cho vào phòng bệnh, khám bệnh nhân, học các khoa lâm sàng. Nói là làm, ông rủ rê ở đâu được môt Đại úy bác sĩ Mỹ đến dượt ECFMG cho các bác sĩ trẻ và hối thúc họ đi học. Tuần hai lần ông Đại úy Mỹ khoảng 8 giờ tối, lái xe Jeep đến Trường. Ông Cách đã mở sẵn cửa giảng đường A phía tay mặt, ngay cửa chính đi vào. Học viên khoảng sáu, bảy người, học đến 10 giờ về, có tài liệu học do ông Mỹ cấp. Sau đó nghĩ lại thật nguy hiểm, nhỡ Việt Cộng biết được tìm cách hạ sát ông bác sỹ Mỹ này thì vạ to. Được vài buổi số học viên giảm dần còn lại hai ba người. Chắc các bạn bỏ dở đang xin học bổng đi Đức. Ông bác sĩ Mỹ vẫn đến đều đặn, và cuối cùng chỉ còn lại mỗi mình tôi tha hồ độc quyền một thầy một trò. Như vậy được thêm gần một tháng thì bác sĩ Mỹ thuyên chuyển, đổi đi nơi khác. Tôi đang còn ham nhưng lớp học chấm dứt.

Đầu năm 1965 BS Quyến cho biết Mỹ có tổ chức thi ECFMG hàng năm tại VN. Ông chu đáo cấp cho tôi công vụ lệnh, cả vé máy bay khứ hồi lẫn công tác phí vào Sài Gòn thi, thi ở một sở Mỹ trên lầu rạp hát Nguyễn văn Hảo (?), có tất cả ba thí sinh.

Ít tháng sau, tôi đưa cho BS Quyến xem giấy thông báo tôi đậu ECFMG, cả phần chuyên môn lẫn Anh ngữ, ông cũng tức cười thích thú vì công lao ông tổ chức lớp học cũng có đôi chút kết quả và hăng hái bảo: “Để moa xin AMA Sài Gòn cho toa đi Mỹ “. Tuy nhiên AMA Sài Gòn từ chối lý do họ không có chương trình bảo trợ YK Huế, phải tự xin ở Mỹ. Mấy tháng sau BS Quyến lại bảo: “Có ông tướng quân y Humphrey sắp ra Huế, có ghé thăm Trường, để moa xin cho toa.”  ÔngTrung tướng Humphrey này rất được nổi danh ở Việt nam vì tại Sài Gòn, ông đã mặc áo giáp, dùng dao kéo dụng cụ mổ dài đặc biệt để mổ gắp một ngòi nổ ghim trong cơ thể một người lính Việt nam. Ca phẫu thành công, báo chí VN đưa tin, ca ngợi quá trời, vì chuyện đầy rủi ro nguy hiểm. Bác Sĩ Humphrey đến Huế, tôi không gặp, chỉ được BS Quyến sau đó cho biết BS Humphrey vui vẻ hứa lưu ý, “Sự bất quá tam” là thế. Lúc Tết Mậu Thân đầu năm 68, tôi ở Mỹ nghe tin Huế bị Việt Cộng đánh chiếm mà xiết bao lo lắng cho nước nhà, đại cuộc và vợ con đang ở tại Huế, trong khuôn viên bệnh viện. Đến gần 3 tuần sau Mỹ thông báo cho tôi gia đình vô sự.

BS Quyến trong cương vị lãnh đạo Trường đã rất tích cực, hăng hái tìm mọi cách sớm gửi các bác sĩ trẻ ra du học nước ngoài, phần đông đi Tây Đức với sự giúp đỡ của GS H. Krainick tại Trường; kết quả các năm 1965, 66, 67 nhiều bác sĩ đã trở về thay thế các giáo sư ngoại quốc mãn nhiệm kỳ giảng dạy, giảm dần lệ thuộc. Công lao này của BS Quyến đối với Trường rất lớn.

Được BS Quyến chỉ định đại diện Trường, qua năm 1966 tôi sang New Delhi, Ấn độ trong 2 tuần lễ dự hội nghị Thế giới kỳ 3 (?) về Giáo dục Y khoa. Trưởng đoàn VNCH là GS Phạm biểu Tâm, Khoa trưởng ĐHYK Sài Gòn, thành viên đoàn gồm GS Nguyễn Hữu, ĐHYK Sài Gòn và tôi (Lê bá Vận), ĐHYK Huế. Hôm lên máy bay đoàn lại có thêm BS Hoàng ngọc Minh đi tự túc. Sang đến New Delhi, GS PB Tâm, là khách mời của ban tổ chức và Chính phủ Ấn độ, ở khách sạn riêng. Ba người còn lại, GS Hữu rủ vào ở YMCA cho rẻ tiền, vì ở đến 2 tuần lễ, mà cũng là giữa trung tâm thành phố; cùng nhau đi phố, đi ăn cơm cà ri, đi hội nghị, đi thăm Taj Mahal. Có hôm cùng nhau đi shopping, tôi chỉ nhìn ngó, GS Hữu thì mở cuốn sổ tay ghi chi chit những điều ở nhà dặn mua, đồ trang sức, vải lụa, kỷ niệm… thấy ông chọn lựa rất kỹ, tôi không dè ông quá rành mua bán. Tôi chỉ chú ý thấy có sân đất, và khi vào phủ Tổng Thống thấy có sân cỏ, cũng tennis, lạ mắt. Không thấy có phái đoàn ĐHYK miền Bắc. 

Có hôm tôi đang đọc cuốn EMC (encyclopédie médico-chirurgicale) là bộ sách lớn gồm nhiều tập, các trang có thể tháo rời để cập nhật hàng năm, thì BS Quyến từ văn phòng Khoa Trưởng bước vào thư viện. Thấy tôi đang chăm chú đọc, ông cười hài lòng, ý ông muốn tất cả các bác sĩ trẻ đều năng vào thư viện. Cuốn EMC này có lần ông Séror, giáo sư Thạc sĩ Pháp về ngoại phẫu, đến làm việc mấy tháng ở Huế vào năm 1962, cùng lúc với GS Lê tấn Vĩnh, bảo với tôi, thời gian này đang làm việc với ông, được dùng để thi Thạc sĩ Y Khoa. Ông giải thích khi thi Thạc sĩ Y khoa, bốc thăm một đề tài, vào thư viện mở sách soạn, ai cũng dùng cuốn EMC, hôm sau trình bày trước hội đồng giám khảo và trả lời các câu hỏi. Chắc cũng để thử luôn tài sư phạm. Chữ nho “Thạc” có nghĩa là lớn, rộng. Thạc sĩ là người có học vấn và đạo đức uyên thâm. Theo nền giáo dục Pháp, chỉ riêng về Y khoa và Luật khoa thì học vị ‘Thạc sĩ’ cao hơn ‘Tiến sĩ’. Giáo sư Thạc sĩ sau một thời gian có thể được bổ nhiệm Giáo sư thực thụ.

 Ở nước ta thời còn ảnh hưởng Pháp có nhiều Thạc sĩ Y khoa, thi tại ĐHYK Paris, dành cho sự giảng dạy ở Đông Dương, Professeur Agrégé pour l’ Indochine mở ra cho các bác sĩ Pháp, Việt, Lào, Miên. Năm 1954 Trường YK Hà nội di cư vào Nam nhập chung với ĐHYK Sài Gòn; qua năm 1956 để tranh giành ảnh hưởng với Mỹ, Chính phủ Pháp chấp thuận một loạt các bác sĩ Việt nam trong ban giảng huấn ở Sài Gòn qua ĐHYK Paris, Pháp thi lấy bằng Thạc sĩ. Cho nên ở Sài Gòn lúc đó đột nhiên có nhiều giáo sư mới có học vị này, các sinh viên đều vui mừng cho Trường. Các năm sau lai rai có thêm. Riêng các giáo sư Trần quang Đệ, Phạm biểu Tâm, rồi sau đó Nguyễn Hữu, Đặng văn Chung, Vũ công Hòe (2 vị sau này ở lại Hà nội) thì đã là Thạc sĩ Y khoa trước 1954. Về Luật có giáo sư Vũ văn Mẫu, Thạc sĩ Luật Khoa.

Kể từ khi Bác sĩ Lê khắc Quyến được bổ nhiệm Q. Khoa Trưởng ĐHYK Huế vào đầu năm 1963,  các biến động Miền Trung đã manh nha rồi bộc phát mạnh, nhất là tại Huế, nơi có Viện Đại học, nhiều thầy, nhiều sinh viên. Sự điều hành Trường YK cũng như giảng dạy vẫn tốt, nhưng BS Quyến bị thiên hạ lôi cuốn vào làm chính trị, có tình nghi Phong trào Mặt trận Hòa Bình, có giam giữ, có Hội đồng nhân sĩ, hội đồng nhân dân cứu quốc, khối ‘Lập Trường’  v.v… gì đó, kẻ khen người chê, có khi nặng lời, làm chính trị là vậy, và cũng thật khó nhận định đúng, đánh giá tốt sự việc như hỏa mù ngay đang trong thời điểm ấy 1963-66. Tuy nhiên không bao giờ tôi nghe ông bàn luận chính trị ở nơi làm việc, tại Trường và Bệnh viện. Tinh thần Đại học là “phi chính trị”, trong bài viết này tôi nhằm kể lại chuyện xưa, những suy nghĩ, nhận xét về các khía cạnh và diễn biến trong việcđiều hành trường của các người lãnh đạo; nếu có đề cập đến sự kiện chính trị cá nhân nhất là trong cương vị công bộc có liên quan đến trường, thì cũng tránh không bàn rộng, dành dư luận cho những diễn đàn khác.

BS Nguyễn văn Thuận, một học trò cũ YK1 của ông, ở Houston, Texas đã viết: “Bác sĩ Quyến đã đi vào chính trị như một cơn lốc, kéo theo những cơn bão. Và cuối cùng, từ 1966 ông bị cô lập ở Sài Gòn, và không còn một dịp nào trở lại Huế, trở lại với niềm ước mơ của đời thầy, được thấy những học trò của thầy thành đạt” (DÒNG VIỆT 1997,tr.89). Các cựu sinh viên YKH các khóa đầu tiên, được BS Quyến dạy dỗ đều hiểu rõ và cảm thông với Ông.
“Lỡ bước một phen, nghìn đời ân hận.
                          Quay đầu nghĩ lại, chín suối ngậm ngùi.”

Tôi thật nghĩ BS Quyến không nên làm chính trị. Tôi không phải là nhà tướng số gì, song nhìn ông ngồi trên ghế bành, tôi thấy có khi thật giống đức Phật Di Lặc, hiền hòa, mặt tròn, bụng mập, tươi cười. Ông nhân ái, không trừng phạt, không thủ đoạn, như thế khó làm chính trị??

Sự kiện BS Lê khắc Quyến phải rời Huế tôi nghĩ là một mất mát to lớn nhất cho Trường, hơn bất cứ ai trong chức vụ điều khiển ĐHYK Huế, tạo ra một khủng hoảng lãnh đạo kéo dài. Chúng ta mất một người lãnh đạo giàu kinh nghiệm quản trị, một người có tâm huyết với Trường, một giáo sư hàng đầu về khoa lây nhiễm rất quan trọng trong nội khoa, và đang trực tiếp hàng ngày giảng dạy sinh viên tại trường, bệnh viện. Sinh viên Tô đình Đài YK1, vào năm thứ ba đi thực tập ở khoa truyền nhiễm viết tưởng nhớ như sau: “…Cũng trong thời gian này, BS (BSQuyến) đã cho phép chúng tôi tập trung tại phòng khách tư gia của BS trong các buổi tối để được ăn bánh ngọt, uống nước trà, đồng thời được nghe BS giảng dạy… truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm về chuyên môn nhất là những trường hợp cấp cứu khi trực gác… (ĐSan YKH 2006, tr. 33).

 Rời Huế vào Sài Gòn, BS Quyến được mời làm Giám đốc Bệnh viện Sùng Chính, rất lớn của người Hoa, trên đường Trần hưng Đạo. Từ đó ông chỉ chăm lo công việc chuyên môn và quản trị. Năm 1973, tôi vào Sài Gòn, được bộ Y tế mời tham dự Hội thảo về Kế hoạch gia đình. Trong buổi tối chiêu đãi, BS Quyến và tôi ngồi cùng bàn, sát cạnh. Ông vẫn ‘toa, moa’ hỏi thăm chuyện trường và căn dặn nhiều điều trong giao tế để đoàn kết anh em trong Trường. Tôi luôn vâng dạ. Đó là lần cuối cùng tôi gặp ông. Tôi vẫn luôn nhớ ông đã làm ơn nhiều cho tôi và lại còn nhiều hơn cho nhiều người khác, cho mọi người.

 BS Quyến mất tại Sài Gòn, tại nhà riêng, năm1978, ngoài Huế ít người biết. “Vào tháng 7-1994, một buổi lễ tưởng niệm cố linh mục Cao văn Luận (1908-1986) và cố khoa trưởng Lê khắc Quyến (1915?-1978) đã được tổ chức tại chùa Vạn Phật Thành, Talmagage, California… Các cựu sinh viên YK Huế đã dự lễ tại chánh điện của chùa dưới sự chứng giám của tỳ kheo Hằng Trường là con của cố khoa trưởng Lê Khắc Quyến. Sau buổi lễ, mọi người đã được mời thụ trai, một bữa ăn chay đạm bạc nhưng đầy tình thân ái.” (ĐSNam, ĐSan YKH 2006, tr.138)

*****

3) Bác Sĩ Thân trọng An, được Bộ hợp thức hóa thay thế BS Quyến vào cuối tháng 10-1966 và giữ chức vụ cho đến cuối tháng 3-1967. BS An, có vợ đầm (?), học ở Pháp về, làm ở khoa ngoại. Trong thời gian ngắn ngủi ông làm Quyền Khoa Trưởng ĐHYK Huế, việc giảng dạy ở Trường không có thay đổi. Tuy nhiên vì có nhiều xung khắc, va chạm với các đồng nghiệp, nhất là đối với các bác sĩ cùng ở Pháp về, ông mất sự tín nhiệm và sau đó từ chức. Ông có vẻ cũng không có mối giao hảo tốt với các giáo sư, bác sĩ Đức ở trường. Bác sĩ An tính thân mật với sinh viên, chỉ bảo nhiều cho họ ở bệnh viện, được sinh viên ưa thích. Cách khoảng trên 10 năm trước, ông từ Pháp qua Canada trong một chuyến công tác phẫu thuật cho cư dân một hòn đảo nhỏ thuộc Pháp tại ngoài khơi, gần Canada. Nhân chuyến đi này của ông, các bác sĩ cựu sinh viên YKHuế, tại Montréal đã tổ chức buổi gặp mặt thật vui vẻ, cảm động.

                                                          *****

4) Bác sĩ Lê văn Bách lên thay thế, được Bộ Giáo Dục cử Xử lý thường vụ Khoa Trưởng kể từ đầu tháng 4-1967 và giữ chức đến cuối tháng 12-1967. BS Bách về Trường, được gửi đi tu nghiệp ở Đức rất sớm, lúc về làm ở khu Nội thương và sau đó giữ chức Trưởng khu Nội cho đến lúc ông về hưu, năm 1995. Các cựu sinh viên, đồng nghiệp đã viết về ông như sau:

“…Thầy Lê văn Bách đã đem hết công sức nuôi dưỡng, duy trì cho sự sống còn của trường Y khoa Huế. Trải qua bao nhiêu sóng gió, biến cố; từ các vụ tranh đấu năm 1964-66, từ biến cố Mậu Thân, mùa hè đỏ lửa 1972, thầy vẫn luôn ở sát với Trường, với khu Nội thương thuộc trường Y khoa Huế… Thầy Lê văn Bách đã được mọi người, mọi giới biết tiếng về mẫu mực nghiêm chỉnh và giản dị của thầy. Là một người tận tâm với nghề nghiệp, một nhà mô phạm đầy lương tâm chức nghiệp… (NT Tinh Châu, YK2, Bản tin 6- 2002, Kỷ yếu YK Huế 2010).

“...Thầy Lê văn Bách vào làm cho Y Khoa Huế ngay từ lúc trường mới thành lập. Thầy là người rất có trách nhiệm, nguyên tắc và ghét tham quyền cố vị, vì vậy khi Thầy được bầu lên làm Quyền Khoa Trưởng, mặc dầu lúc đó Thầy được sự ủng hộ mạnh mẽ của các giáo sư người Đức và hầu hết nhân viên giảng huấn, hành chánh… và sinh viên, Thầy luôn đòi hỏi Viện phải thúc dục Bộ Giáo Dục bổ nhiệm một Khoa Trưởng thực thụ (Võ đăng Đài, Giáo sư YKH, ‘Tính sổ…’ ĐSan YKH 2006, tr.12).

“ Bác sĩ Lê văn Bách đã giữ vững Y Khoa Huế trong thời gian rất nhiễu nhương để trao lại cho tôi. Ông là một bậc thầy khả kính đối với sinh viên. Ông có một đời sống khắc khổ với ông và nghiêm nghị với mọi người. Ông là một người bảo thủ, nhưng không hề cản trở công cuộc cải cách táo bạo của tôi (Bùi duy Tâm, Giáo sư, Khoa trưởng ĐHYK Huế, Kỷ yếu YKH 2010).

Riêng tôi nhận thấy Bác sĩ Lê văn Bách sống thật đạm bạc. Ông luôn mặc áo sơ-mi trắng, tay dài và đi đôi dép xăng đan nâu, giản dị nhưng chỉnh tề. Suốt thời gian ở Huế, ông chỉ đi xe gắn máy, không hề sắm xe hơi như tất cả các bác sĩ khác.Ông cũng không đánh bài, văn nghệ, thể thao, đến Câu lạc bộ Huế…, ông quá bận bịu vì công việc giảng dạy và phòng mạch rất đông thân chủ. Tôi chỉ nghe ông đến chùa xem bệnh cho các thầy. Có vẻ ông không được sức khỏe lắm, phổi yếu (?), có lần phải nghỉ dưỡng bệnh hai ba tháng.

LVBThời gian BS Bách xử lý thường vụ Khoa Trưởng, qua các bài viết nói về BS Bách, nhất là các nhận xét của GS VĐ Đài ở trên, tôi nghĩ vào thời gian đó ban giảng huấn của Trường đầy đủ, BS Bách xử lý thường vụ trường rất tốt, được cả Trường tín nhiệm, chỉ có vẻ khủng hoảng bề ngoài (??) vì thiếu một Khoa Trưởng thực thụ, như trường hợp trước kia GS Lê tấn Vĩnh từ Pháp, đã được mời làm Khoa Trưởng đầu tiên dù chỉ nắm chức danh. GS Bùi duy Tâm cũng ca ngợi BS Lê văn Bách đã giữ vững Y khoa Huếtrong thời gian rất nhiễu nhương…

Một thành quả to lớn của BS Bách trong thời gian ông tạm lãnh đạo Trường là đã tổ chức thành công khóa thi lâm sàng đầu tiên vào tháng 9-1967 và khóa đề biện luận án tiến sĩ y khoa quốc gia lần đầu tiên ngày 21 tháng11,1967 tại Trường. Bác sĩ Bách đã mời các giáo sư Trần Vỹ, Đặng văn Chiếu, Hoàng ngọc Minh đến từ ĐHYK Sài Gòn để cùng các giáo sư Horst. G. Krainig, R. Discher, J. J. Caron của ĐHYK Huế thành lập hội đồng cứu xét luận án. GS Trần Vỹ là chủ tịch hội đồng. Sự kiện các Giáo sư Trần Vỹ, Thạc sĩ Y khoa, cựu Tổng trưởng Y tế VNCH, Đặng văn Chiếu - Khoa trưởng ĐHYK Sài Gòn những năm về sau, và Hoàng ngọc Minh đã nhận lời mời ra tận Huế, một tỉnh địa đầu biên giới, nói lên sự quan tâm của họ về nền giáo dục y khoa và lòng yêu nước tha thiết thực sự. Tôi rất ngưỡng mộ.

BS Bách đã trao Trường lại cho GS BD Tâm ngày 26-12-1967. Nếu qua tháng sau, cận Tết, bộ Giáo dục vẫn chưa kịp bổ nhiệm Khoa trưởng thực thụ thì nhiều người nghĩ, sau biến cố Tết Mậu Thân, lúc tình hình tạm ổn định, BS Bách có thể đem Trường tạm vào Đà Nẵng, có sự giúp đỡ của BS Đinh văn Tùng, Giám đốc Bệnh viện Toàn khoa Đà Nẵng. Tổng y viện Duy Tân (Quân Y) Đà Nẵng, rất lớn cũng là nơi nương tựa tốt. Các bác sĩ ngoại quốc, nhất là Hoa kỳ, ở Đà Nẵng rất nhiều và nhiệt tâm. Ngoài ra các giáo sư Sài Gòn nếu bay ra Đà Nẵng  giảng dạy thì cũng thuận lợi; trong lúc quốc biến, tinh thần yêu nước, tương trợ, lá lành đùm lá ráchlên rất cao, chẳng ai lại nhân cơ hội “em ngã chị bâng miệng cười”. Tạm dời Trường vào Đà Nẵng trong niên khóa đó là một điều vô cùng khả thi.

Từ năm 1966, BS ĐV Tùng trong ban giảng huấn ủy nhiệm của Trường, cùng các bác sĩ PV Hạnh (ngoại phẫu), VV Tùng (Nhi khoa) v.v…tại BV Đà Nẵng phụ trách giảng dạy sinh viên YKHuế năm thứ 6 thực tập nội trú tại  Đà Nẵng. BS Lê đình Thương YK1 viết hồi ký có đoạn: “Sáu năm Y khoa rồi cũng qua nhanh. Năm cuối (1966-67) còn đi thực tập nhiều nơi ngoài Bệnh viện Huế: về Phú Bài làm việc với nhóm quân y sĩ Mỹ, được ăn hotdog, uống coca cola, coi xiné trong lều. Vào Đà Nẵng được Giáo Sư Đinh văn Tùng dành cho một căn nhà nhỏ trong khuôn viên bệnh viện, còn biệt phái cho một chiếc xe hơi International Scout chạy trên bãi cát. Đây là chưa nói đến công lao dạy dỗ chí tình của bác sĩ Tùng, cho chúng tôi nhiều vốn liếng hữu ích trước ngày ra trường (LĐ Thương ‘Vài kỷ niệm…’, ĐSan YKH 2006, tr.19).

 BS Đinh văn Tùng lúc học ở ĐH Y Dược khoa Hà nội trước 1954 là Ngoại trú Bệnh viện, ở ĐHYK Sài Gòn là Nội trú Bệnh viện, đặc biệt xuất sắc. Cho nên ông rất ham thích giảng dạy, hết lòng với sinh viên. Sau ngày “Hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972, Đại học Huế di tản vào Đà Nẵng, BS ĐV Tùng đã giúp đỡ hết sức tận tình, không những trường Y khoa Huế mà còn các phân khoa khác” (Lê thanh Minh Châu, ’Diễn văn’, Đại hội YKH 2009). Giáo Sư Đinh văn Tùng mất tại Mỹ năm 2003, tất cả cựu sinh viên YK, học trò cũ của ông vô cùng thương tiếc, nhớ lại những gì qúi giá, bổ ích ông đã làm cho họ tại Đà Nẵng.

Dù sao nói cho cùng, nếu Trường vẫn cố ở lại Huế (như ý muốn của chính quyền) thì có thể phải kéo dài niên học qua mấy tháng hè. Các phân khoa khác trong Đại học Huế đều không di tản. Lúc biến cố Mậu Thân, Huế nhiều nơi thiệt hại nặng nhưng các cơ sở Đại Học chỉ hư hao nhẹ. Sự hồi phục nhanh chóng không ngờ. “Xa đáo sơn tiền tất hữu lộ”. Xe đến trước núi tất có đường đi. Ở đâu có ý muốn, có quyết tâm là có giải pháp.

Thời gian từ cuối 1972 cho đến cuối tháng 4-1975 BS Bách đảm nhiệm chức vụ phó Khoa Trưởng đặc trách lâm sàng. Ông được xem là cột trụ lớn vững chắc của Trường, cầm giữ mối rường, khuôn phép, rất uy tín và được kính nể như vị Trưởng Lão Chấp pháp của Trường. Ông ít trò chuyện, khi phát biểu thì chậm rãi, suy nghĩ, sâu sắc, thuyết phục. Trong năm 1974 ban giám đốc Trường đã lên Bến Ngự, thăm hỏi và giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của gia đình Bác sĩ Trần tiễn Ngạc, YK7, lại vào lao xá Thừa phủ viếng thăm, gởi quà Bác sĩ Phạm thị Xuân Quế, YK1 đang bị giam giữ; cả 2 bác sĩ Ngạc và X. Quế đều là giảng ngiệm viên của Trường. Hai chuyến thăm viếng đó đều do BS Bách đưa ý kiến và hoạch định tổ chức từ đầu đến cuối.

Bác sĩ Lê văn Bách mất tại tư gia ở Huế, ngày 2 tháng 4, 2002, thọ 72 tuổi (?). Tính ra ông đã phục vụ cho trường ĐHYK Huế thời gian lâu dài nhất, đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên. Dân chúng, các học trò cũ, các giới y tế, giáo dục đi đưa đám tang ông đông đảo. BS Nam YK5 viết: “Một buổi lễ tưởng niệm cho Thầy (Giáo Sư Lê văn Bách) đã được tổ chức tại Orange County 1-8 2002 với sự hiện diện của thầy Viện Trưởng Lê thanh Minh Châu, cựu Khoa Trưởng Bùi duy Tâm, các thầy Nguyễn văn Tự, Phùng hữu Chí, Lê bá Vận, Bùi minh Đức và nhiều các vị khác trong cộng đồng. Chị Tinh Châu đã đứng ra để lập quỹ học bổng mang tên thầy, quyên góp được một số tiền lớn gởi về cho gia đình thầy ở VN (Đồng sĩ Nam, Đặc san YKH, 2006, tr. 141)”.

                                                         *****

5) Bác sĩ Bùi duy Tâm, Giáo sư Trưởng khu Sinh hóa ĐHYK Sài Gòn được bộ Giáo dục bổ nhiệm Khoa trưởng ĐHYK Huế vào cuối tháng 12-1967. Lần đầu tiên ở Sài Gòn ra, từ sân bay về đến cổng trường, ông đã được một số đông sinh viên, những vài chục, biết tin chực sẵn đón tiếp, nói lên được sự tin tưởng và hân hoan của họ có được một Khoa trưởng mới cho Trường. Họ đã không nhầm lẫn vì chỉ một tháng sau đó xẩy ra thảm họa Tết Mậu Thân, Huế bị tàn phá nặng, Trường cũng thiệt người hao của, và vị tân khoa trưởng đã có quyết định tạm đem trường vào Sài Gòn học. Quyết định này đã mang lại thành công tốt đẹp, được sự đồng ý khen ngợi. Bác sĩ Bùi BDTduy Tâm, nói giọng Bắc, là một người giao du rộng, có tài ăn nói, ứng đáp sắc bén, quyết định nhanh, ưa thích làm văn nghệ, làm văn hóa, phong thái lãng tử như ông tự nhận, bất cần đời, tuy nhiên ông là một người tốt đối với đồng nghiệp.

Thời kỳ ông làm Khoa trưởng ĐHYK Huế 1968-1972 có thể được chia ra 3:

a- Giai đoạn ngay trước biến cố Tết Mậu Thân.Trường Y Giẫy Chết ?. Tình hình Trường lúc đó như sau lấy ý kiến từ nhiều nơi:

a1 Từ một sinh viên khóa 1 “…Ngày 21 tháng 11, 1967, 4 luận án tiến-sĩ y-khoa quốc-gia đầu tiên được đệ trình. Giáo sư Trần Vỹ là chủ tịch hội đồng cứu xét luận án… Rượu champagne lần đầu được mở mừng cho sự trưởng thành trọn vẹn của trường… (Nguyễn văn Thuận, Khóa 1 y-khoa Huế, ‘Trường ĐHYK Huế’, Dòng Việt 1997, tr.90)”.

a2 Từ một sinh viên khóa 7 “…Giáo sư  Bùi duy Tâm…vào cuối năm 1967, khi tôi mới bước chân vào năm thứ nhất của trường. Khi được biết Thầy là một Bác Sỹ Y Khoa có luôn cả bằng Ph.D về Biochemistry ở Mỹ, chúng tôi rất ngưỡng mộ và mơ hồ nhìn thấy một hướng đi mới của Viện Đại Học Huế và của Trường YK. Chúng tôi sẵn sàng chờ đợi những thay đổi, những bổ sung nhân lực quan trọng trong ban giảng huấn cũng như sự cộng tác thân thiện và hữu ích của các giáo sư thuộc Đại Học YK Saigon… (Vĩnh Chánh YK7, ‘GS BDTâm…’, Đặc San YKH 2006, tr.41)”.

a3 Từ GS Võ đăng Đài “…Vì còn phải giảng dạy ở SàiGòn, Thầy Tâm chỉ có thể ra Huế mỗi tháng một lần nên Thầy đã cử hai phó Khoa trưởng... Phó Khoa trưởng Học vụ là Thầy Nguyễn văn Tự, Phó Khoa trưởng Hành Chánh là tôi… (Võ đăng Đài, ‘Tính sổ…’  ĐSan YKH 2006, tr. 6)”. GS Đài, Tiến sĩ khoa học (Sinh Hóa) tại Đức, Trưởng khu Sinh hóa YKHuế.

a4 Từ GS Bùi duy Tâm “…Bộ Giáo Dục Đại Học cử tôi ra Huế đảm trách trường Y Khoa trong tình trạng gần như tuyệt vọng (cuối năm 1967).
-Bác sĩ Lê khắc Quyến phải rời bỏ chức vụ vì lý do chính trị.
-Giáo sư Nguyễn ngọc Huy được cử ra thay thế; ông ra Huế, lắc đầu rồi trở về SàiGòn.
-Phái đoàn AMA (American Medical Association)… lại về hùa với Y Khoa Sài Gòn (mà đại diện là Giáo sư Phạm Biểu Tâm) để vận động đóng cửa trường Y Khoa Huế lấy cớ làm 2 trường Y Khoa giống nhau, không cần thiết, lại quá tốn kém.
-Họ cử tôi ra Huế, không trông mong nhiều vào phép lạ, nhưng có lẽ muốn làm một ân huệ cuối cùng trước khi quyết định dẹp bỏ 1 gánh nặng (Bùi duy Tâm, ‘Một Quãng Đời Qua’, Kỷ Yếu YKHuế 2009)”.
Theo BSTâm nhận định, cuối năm 1967, số phận trường ĐHYK Huế lúc đó gần như hoàn toàn bế tắc: “…Không có lãnh đạo như rắn mất đầu. Ban Giảng Huấn thiếu hụt trầm trọng. Chương trình giảng dạy không thống nhất: Tây, Ta, Đức, Mỹ tùy hứng” (Bùi duy Tâm ‘Trần minh Tùng’, Kỷ yếu YKH 2009). BS Tâm cũng phân loại, gọi ĐHYK Huế “từ lúc thành lập đến năm 1967 là  GIAI ĐOẠN BI THẢM (Bùi duy Tâm ‘Lịch sử YKĐH Huế’, Kỷ Yếu YKHuế 2009)”.

Các ý kiến trên về tình hình trường có khác nhau, nhưng ở Huế dưới thời các bác sĩ Thân trọng An, Lê văn Bách điều hành trường, không một ai có ý nghĩ hoặc hô hoán Trường đang gần đất xa trời, chờ đóng cửa; sự giảng dạy vẫn tốt, ban giảng huấn vẫn đầy đủ; các người gửi đi học nước ngoài lại về thêm, các giáo sư Đức như GS R. Discher tuy mãn nhiệm kỳ 4 năm giảng dạy, đã đưa gia đình về nước, nhưng nán ở thêm để chờ người thay thế (và do đó bị tai họa diệt thân lúc Tết Mậu Thân).

BS TVThuận (YK1) cho rằng Trường đã trưởng thành trọn vẹn. BS V. Chánh (YK7) nói lên đúng tâm tư của sinh viên mới vào trường. Họ sẵn sàng chờ đợi 1)những thay đổi, đúng vậy, ĐHYK Huế từ nay tổng hợp Đông Tây Y: --Y lý Đông phương (y học cổ truyền) được đưa vào  dạy ở ĐHYK Huế từ chương trình năm thứ nhất đến năm thứ 5 (với tổng số giờ về lý thuyết 195 giờ và nho văn 60 giờ, BDTâm ‘Một Quãng Đời Qua’ Kỷ yếu YKH 2009): “Lấy hơn bù kém, đem ngắn nuôi dài”; --lời thề Hippocrate khi ra trường đã được thay thế bằng lời thề Hải Thượng Lãn Ông; --lễ phục khi tuyên thệ là quốc phục. 2) những bổ sung nhân lựcquan trọng trong ban giảng huấn: các cô Bội Tiên và Hạnh Phước đã chịu thôi làm ở phòng sinh hóa YK SàiGòn để về đất thần kinh (Đsan YKH 2006, tr. 42). 3) sự cộng tác thân thiện và hữu ích của các giáo sư thuộc YK SàiGòn. Điều này thì không tưởng. Các giáo sư uy tín ở ĐHYK Sài Gòn phần lớn rất thân thiện, nhưng không hữu ích, đơn giản họ không thể bỏ phòng mạch của họ để ra Huế dạy, đặc biệt vào bệnh viện ở lâu, giảng dạy lâm sàng, phẫu thuật, khác hẳn với các Thầy trường Luật, Văn khoa, Sư phạm, Khoa học…  Chúng ta phải hiểu điều đó, và thực tế. Từ trước đến nay và về sau đều như vậy, chẳng ai quan trọng ra dạy. Chúng ta vào hoặc gởi người vào thì họ sẵn sàng chỉ bảo. Sau này GS BDTâm sốt sắng nhận lời linh mục Bửu Dưỡng, Viện trưởng Viện Đại Học tư thục Minh Đức tại Sài Gòn mời làm Khoa trưởng trường ĐH Y Khoa Minh Đức, tổng hợp Đông Tây Y, cha vừa thành lập, cũng là GS Tâm nắm chắc dễ dàng có được các giáo sư Sài Gòn cộng tác, ngay tại Sài Gòn. Các giáo sư, bác sĩ ngọai quốc đến giúp chúng ta thì lại khác, họ đến Huế và ở luôn nhiều ngày, tháng, năm sống ngay tại Huế, giảng dạy.

Trường hợp GS Nguyễn ngọc Huy cũng tương tự, ông được cử ra Huế thay thế, nghe nói đâu gần giữa năm 1967, lắc đầu (?) rồi trở về Sài Gòn. Không vì trường Huế hấp hối, vô phương cứu chữa, nhiều người cố tình đổ tội như vậy, nhưng vì ông cũng khó bỏ công việc tư để ra Huế sáu tháng mỗi năm nếu không phải là sự việc tối ư cần thiết, như GS Lê tấn Vĩnh đã làm, hoặc còn gì đó nữa không liên can đến trường mạnh yếu, về hội nhập, về giao tế chẳng hạn... GS Huy người miền Nam (?) là Thạc sĩ Nội khoa. Tôi nghĩ nếu ông nhận lời thì ngoài chức vụ Khoa trưởng, ông lại càng quá tốt cho sự giảng dạy lâm sàng. Tôi biết rõ GSHuy, khi tôi còn là sinh viên nội trú ở bệnh viện Chợ Rẫy thì ông là bác sĩ trưởng phòng bệnh lý (chef de Clinique). Ông là người thầm lặng, tự trọng, ngay thẳng. Người ta nhờ ông ra Huế cứu trường YK ra khỏi hoàn cảnh tuyệt vọng, ông tin thật, nhận lời. Ra tận nơi, tiếp xúc với mọi người, ông thấy khác hẳn, ở trường sự giảng dạy bình thường, xử lý thường vụ trường tốt, sự bổ nhiệm một Khoa trưởng là chuyện phải có nhưng không phải là quá cấp bách, do đó ông trở lại Sài Gòn. Trong suốt 5 năm, từ đầu 1963 cho đến cuối 1967 ĐHYK Huế đã vẫn không có Khoa trưởng thực thụ và trước 1963 GS Lê tấn Vĩnh cũng chỉ về Huế ở lại mấy tháng, tuy nhiên ban giảng huấn là một thế mạnh.

Mặt khác, trường ĐHYK Huế thành lập và sinh tồn không hề phụ thuộc vào quyết định của cơ quan AMA, hoặc ĐHYK Sài Gòn do đó họ không có thẩm quyền gì trên ĐHYK Huế. Cũng không ai tin người Mỹ đang cố giúp Việt nam lại nhỏ nhen muốn cản trở, phá hoại Huế…

Bộ Giáo dục tất nhiên không có thẩm quyền tự ý đóng cửa ĐHYK Huế. Đây là một vấn đề chính trị, quốc sách mà chỉ Tổng Thống quyết định, cũng như trước kia Tổng Thống Ngô đình Diệm đã đích thân cho phép thành lập trường Y Khoa Huế. Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, người miền Trung, cũng rất cương quyết, sau biến cố Tết Mậu Thân ra lệnh cho tất cả các cơ quan không được di chuyển rời Huế. ĐHYK Huế cũng chưa bao giờ là một gánh nặng cho bộ Giáo Dục, hoặc cho trường YK Sài Gòn; YKH chưa từng đòi hỏi họ cung cấp ban giảng huấn, phương tiện, mè nheo, yêu sách…GS Võ đăng Đài cho biết Thầy Tâm chỉ có thể ra Huế mỗi tháng một lần (ngày đi ngày về) nên đã cử 2 Phó Khoa trưởng để lo việc trường (trước kia không có Phó Khoa trưởng). Điều này cho thấy trường YKH vững vàng.

Trận đánh Tết Mậu Thân kéo dài gần suốt tháng 2 năm 1968 gây thiệt hại nặng cho Huế và nhân mạng cho trường YKH, các giáo sư Đức bị thảm sát thật bi thảm. Tuy nhiên mọi người, những ai có sống ở Huế, theo dõi YKH, hoặc gạt bỏ được các thành kiến, các chủ ý dụng tâm như của một số rất ít giáo sư ở Sài Gòn, đều không nghĩ lịch sử của Trường từ khi thành lập đến năm 1967 là “GIAI ĐOẠN BI THẢM”, ngược lại sự giảng dạy rất tốt.

b- Giai đoạn Trường di tản vào Sài GònTriệu Tử Long Phò Ấu Chúa.  Việt Cộng bất ngờ tràn chiếm và kiểm soát thành phố Huế vào khuya mồng một Tết Mậu Thân (1968). Trận đánh tái chiếm sau đó kéo dài gần một tháng. Huế bị tàn phá nặng. Sau khi tình hình tạm yên, BS Bùi duy Tâm, Tân Khoa trưởng từ Sài Gòn ra, đem Trường tạm vào Sài Gòn học. Quyết định này, được nhiều giới Giáo dục, Y tế, Y khoa, Quân y ở Sài Gòn bàn đến, và đối với BS Tâm dễ hiểu, dời trường vào Sài Gòn ông luôn ở cạnh, thường trực chăm lo. Lúc quốc biến kích thích lòng yêu nước, trường YK Huế chạy lánh nạn vào Sài Gòn được sự giúp đỡ tận tình của khắp mọi nơi: ĐHYK Sài Gòn, trường Quân Y, Tổng Y viện Cộng Hòa (Quân đội), Bệnh viện Grall (Pháp), Viện Pasteur v.v…. Tôi nghe thuật lại các sinh viên Huế học chung đã chứng tỏ họ cũng học giỏi như sinh viên Sài Gòn. Quyết định của GS Tân Khoa trưởng dời Trường vào Sài Gòn lúc đó thành công tốt đẹp, mọi người không tiếc lời khen ngợi, nhất là về phía các sinh viên, rất nhiều. Họ đã kể: “…Theo với sự dời Trường, Thầy đã cụ thể giúp đỡ rất nhiều chúng tôi bằng cách tìm phương tiện di chuyển vào Sài Gòn , và các nơi tạm trú cho sinh viên xa nhà…(Vĩnh Chánh YK7). Sinh viên Trần lương Hoa YK5 thì viết: “…Tôi không thể nào quên được những buổi trưa nắng chang chang… ngoài hành lang Thầy Tâm đi tới đi lui, xem chúng tôi học hành ra sao. Chờ các bác sĩ quân y dạy xong, Thầy chở họ về lại nhà. Cám ơn Thầy. Thầy không bỏ sinh viên Huế bơ vơ và đã tận tình giúp cho các sinh viên không mất năm học (Kỷ Yếu YKH 2009). BS Tâm cũng kể lại: “…Tôi vừa là Tổng Tư Lệnh chiến dịch vừa là tài xế đưa đón các giáo sư đến giảng đường. Tôi xung đột tứ phía, hung hãn như Triệu Tử Long một đao, một ngựa vùng vẫy trong gươm giáo trận mạc để cứu Ấu Chúa của tôi là Sinh viên Y Khoa Huế, rồi ôm ấp bảo vệ nuôi dưỡng Ấu Chúa để đem về trả lại cho đất Mẹ- xứ Thần Kinh. Mọi người tưởng tôi thần thế lắm, được Nhà Nước và Mỹ ủng hộ…Tôi rất thú vị được tưởng là CIA hay Việt Cộng. ”(BDTâm, ‘Một Quãng Đời Qua’, Kỷ Yếu YKH 2009). Đúng là BS Tâm đã làm hết sức mình không nề hà khó nhọc, trường Y Khoa có những năm sáu lớp từ YK1 đến YK5, YK6, biết bao nhiêu giờ học mỗi ngày, nếu các bác sĩ giáo sư y khoa Sài Gòn không dùng xe hơi riêng, mà họ đều có để di chuyển thì công việc đưa đón chờ đợi quá tất bật, hơn nữa còn kéo dài, lao tâm lao lực, khổ tứ.

BS Tâm cho biết ngoài việc học hành “…sinh viên được vui chơi trong những bữa tiệc (quán Ánh Hồng…), buổi trình diễn Nhạc Phạm Duy, với ca sĩ Thái Thanh, được Y Sĩ Đoàn tặng sách, được học bổng, được phát phần thưởng,… và được trở về cố đô, cố hương Huế trong niềm hân hoan của gia đình, của nhân dân Huế” (BD Tâm, Kỷ Yếu YKH 2009). Bác sĩ Vĩnh Chánh YK7 nhớ lại: “Các bạn tôi cũng không thể quên được lần Thầy (GS Tâm) tổ chức trại hè lịch sử tại đảo Phú quốc với sự cộng tác của Hải quân và ban ca Gió Khơi (mà thầy là trưởng đoàn), trước khi trường chính thức trở về Huế (ĐSan YKH 2006, tr.42). 

Mọi việc dù tốt đến bao nhiêu cũng có mặt trái. Trường YK Huế di tản vào Sài Gòn, ở lại trong gần hai niên khóa, một số bác sĩ, giáo sư trong ban giảng huấn theo Trường dọn vào Sài Gòn, sau đó ‘đất lành chim đậu, ở lâu mến cảnh’ cùng gia đình ở luôn trong đó, chỉ thỉnh thoảng ra Huế dạy; họ cũng ỷ y, theo ông Khoa Trưởng.

c-Giai đoạn Trường hồi cư về Huế đến mùa hè đỏ lửa 1972Trường Viện Phân Tranh.

Trường YKH trở về Huế trong niềm vui hồ hỡi toàn thắng, bắt đầu niên khóa học mới 1969/70, trường ốc đã sửa chữa hoàn bị, duy Bệnh viện Trung ương Huế bị phá sập phía trước, gần một nửa, khu hành chánh, các bệnh phòng nội và ngọai khoa, phòng mổ, thiệt hại nặng, còn chờ xây lại. Khoa Nhi, Sản, Dược, X-Quang, Xét nghiệm… còn nguyên vẹn. Bệnh viện Huế rất lớn rộng cho nên việc tạm dồn phòng ốc cũng dễ dàng. Việc học tập nói chung vẫn là tốt, do công lao của ban giảng huấn hợp sức cùng các bác sĩ ở bệnh viện Huế, Đà Nẵng. Một số bác sĩ ngoại quốc cũng đang còn ở Huế. Các ý kiến và sự việc trong giai đoạn này như sau:

**Học hành. Sinh viên khóa 9, vào trường niên khóa 1969/70 đã viết về một quãng đời cách đây hơn 40 năm: “…Qua năm thứ ba, chúng tôi bắt đầu đi thực tập ở bệnh viện… Khóa 9 là khóa có nhiều thầy mới, môn học lạ. Các thầy Mỹ đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, có vị như mới về từ chiến trường với bốt-đờ-sô lấm bùn chiều hành quân, dạy 1, 2 bài rồi đi không bao giờ trở lại. Chúng tôi còn nhớ các  thầy Momin, Pickering, Candela, Dupuis, Maes… Khoảng thời gian này khóa 9 có khi còn được “lùa” đi học Đông Y. Vì không coi trọng môn học, khi đến giờ đông y chúng tôi thường “chạy trốn”. Đến nỗi thầy Tự phải đích thân bắt học trò vô lớp và than “thôi ta mệt lắm nờ, cứ như là cảnh sát” (thầy Đông Y: thầy Nguyễn văn Ba, Sài Gòn, và Trương Thìn, Quân Y)… Còn có GS Đào mộng Nam (Sài Gòn) dạy chuyên về chữ Hán, nhất là cách viết. Nếu có ai đó tình cờ vào giảng đường Y Khoa vào giờ Hán tự có thể tưởng lầm là mình đang ở trong trường Văn khoa! (Lê văn Hùng 49, YK9, ‘Khóa 9 – ĐHYKHuế’, Kỷ yếu YKH 2009). Các sinh viên đỗ Tú Tài ban C (Văn, Triết), nếu học Đông Y thì có nhiều thích hợp và thuận lợi thấy rõ. Thời xưa “tấn vi quan thoái vi sư”, bổ ra làm quan hoặc lui về dạy học, bốc thuốc.

**Sinh hoạt văn nghệ. Phong phú trong giai đoạn này. BS Vĩnh Chánh YK7 viết: “Ngoài cách hành xử cứng rắn nhưng đầy hiểu biết của một vị khoa trưởng, GS Bùi duy Tâm còn là một vị thầy có tâm hồn nghệ sĩ và rất tình cảm. Tôi còn nhớ những lần Thầy tổ chức cho cả trường đi chơi bằng thuyền từ dưới Đông Ba lên đến lăng Minh Mạng, hay những đêm nghe nhạc trên thuyền ở sông Hương, hoặc những đêm dạ vũ tại trường…, hoặc cùng chở nhau đến lăng Tự Đức rồi chạy qua lăng Khải Định, để cùng nhau hát hò với sự thành lập ngay tại chỗ ban nhạc “les tuberculeux’ gồm các anh… Cũng không quên được chuyến đi chơi hè năm 1971 tại Đà Lạt… chưa bao giờ có một Khoa Trưởng mà được các sinh viên quý mến và cảm thấy gần gũi như thế… Ngay khi Huế vừa tan mùi khói súng sau Tết 68, Thầy đã bay ra làm việc ở trường YK và mang theo một phái đoàn văn nghệ gồm có chị Nhã Ca và thân hữu Chu Mai để ủy lạo sinh viên chúng tôi (ĐSan YKH 2006, tr.41, 42).

**Điều hành trường.  “Mỗi lần tôi ra Huế (một tháng 2 lần) ngồi trên xe hơi từ Phú Bài về tới trường thì ông (GS Võ đăng Đài, Phó Khoa trưởng) đã báo cáo xong công việc. Ngồi trong văn phòng một buổi sáng, hai anh em tôi ký xong hết giấy tờrồi đi thăm các phòng sở, phòng thí nghiệm, chiều đi thăm gia đình ban Giảng huấn nhất là gia đình BS Đệ (bị mất tích) và các bác sĩ đi du học vắng nhà.Tối đi ăn nhậu và ngủ đò (tôi xin lỗi Giáo sư Đài đã phải đưa đón tôi đến bến đò với bộ mặt ngượng ngùng đau khổ vì cái phong thái lãng tử của tôi). Sáng hôm sau lên lớp giảng bài rồi đi thăm sinh viên thực tập tại bệnh viện. Đến trưa qua chợ Đông Ba, ngồi xổm xuống ăn tô bún bò rồi ra Phú Bài về Sài Gòn. Trên đường ra phi trường, Giáo sư Đài lại ghi chép chương trình phải làm cho kỳ tới… (BDTâm, ‘Lịch sử YKĐH Huế, Kỷ yếu YKH 2009).

**Bước thăng trầm. Uy tín của GSBDTâm lên rất cao khi trường từ Sài Gòn về lại Huế, nhưng sau đó bắt đầu xuất hiện những nứt rạn. Trước đây khi GS Tâm nhanh chóng nhận bổ nhiệm Khoa Trưởng YK Huế và cứ hàng tháng ra Huế một lần (?) ngắn ngủi, thì nhiều người đã nghĩ đây không phải là một ‘trường cửu chi kế’, hầu như một hạ sách phải chấp nhận, một tình trạng ‘bắt cóc bỏ dĩa’ không vững bền. Biến cố Mậu Thân, Trường dời vào Sài Gòn tạo cho ông có dịp thường xuyên ở cạnh, chu đáo lo cho Trường. Trường về lại Huế, ông không thể về theo. “Công thành thân thoái” mới là thức thời vụ.

 Với thời gian:1) ở Trường có những bất bình trong ban giảng huấn về tư tưởng, chính kiến, đường lối, tác phong... tăng dần khi mọi người lại biết Viện Đại học cũng bực mình.  2) “Sống trong chế độ mà tinh thần dân tộc không được chú ý, mang nặng đầu óc tự ti, sùng bái kỹ thuật nước ngoài, Ông Tâm vấp phải sự chống đối mãnh liệt nhất là trong các giáo sư, chính quyền lại chèn ép; cuối cùng đến năm 1972 Ông phải rời khỏi chức vụ khoa trưởng trường Y Khoa Huế (BDTâm, ‘Một Quãng Đời Qua’, Kỷ Yếu YKH 2009). 3) Đòi hỏi từ Viện Đại học Huế yêu cầu BS Tâm dành nhiều thời gian có mặt tại Huế, dự họp Hội đồng Viện, lo việc trường. GS Đài họp thay thế không dám tự quyết định, khác với thời BS Lê khắc Quyến giữ chức phụ tá khoa trưởng nhưng lại quyết đoán tất cả. GS Đài kể lại:”Trong những buổi họp Hội đồng Viện, Thầy (GS Nguyễn văn Hai) thường ít ủng hộ tôi” (Đsan YKH 2006, tr.12). Điều này cho thấy quan hệ Trường- Viện không tốt đẹp. Quan hệ này không thấy được cải tiến: mỗi lần BS Tâm ra Huế không có chương trình tiếp xúc Viện Đại Học, thăm các phân khoa trường bạn...  4) Trong ban giảng huấn Việt ở trường hiện có nhiều giáo sư, giảng sư có thể đảm nhiệm chức vụ Khoa Trưởng. 5) BS Tâm không thể dành cho Huế nhiều thời gian hơn, ông quá bận vì làm Khoa trưởng nhiều trường Y Khoa, với các chương trình Đông Tây Y tổng hợp lớn lao, lại cũng không có ý định  rút lui, từ chức ở Huế khiến Trường Y Khoa và Viện Đại Học Huế ở trong thế giằng co bế tắc trong một hai năm trời, cho đến khi xẩy ra vụ “Mùa hè đỏ lửa 1972” giải quyết được sự phân tranh âm ỉ,  khủng hoảng kéo dài này.

**Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị, Đại lộ kinh hoàng, từ tháng tư tháng 5, 1972 Việt Cộng đánh chiếm Quảng Trị. Dân chúngt gồng gánh chạy bộ uà vào Huế. Trận đánh tái chiếm ác liệt kéo dài. Nhân dân Huế lo sợ thảm họa Tết Mậu Thân 1968 tái diễn, chạy loạn vào Đà Nẵng, Viện Đại học và trường YK cũng vậy. GS Lê thanh Minh Châu, cựu Viện trưởng ĐHHuế nhắc lại: “Sau Tết Mậu Thân lại đến mùa hè đỏ lửa Quảng Trị, đưa đến quyết định di tản Đại Học Huế vào Đà Nẵng.Chỉ trong vòng mấy ngày, Đại Học Huế phải di tản hồ sơ, thư viện, dụng cụ thí nghiệm, giáo sư, nhân viên, sinh viên vào Đà Nẵng… Sau khi trường hồi cư từ Đà Nẵng về lại Huế, thầy Lê bá Vận thay thầy Tâm trong chức vụ Khoa Trưởng …” (Lê thanh Minh Châu, ‘diễn văn’, Đại hội kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ĐHYK Huế 1959/2009. Đặc san YKHuế 2009).

Biến cố ‘Mùa hè đỏ lửa 1972’ rõ ràng cho thấy cấp lãnh đạo cần thường trực bám sát nhiệm sở. Sau khi niên học mới 1972-73 bắt đầu, bộ Giáo Dục theo đề xuất của Viện ĐH Huế (?), ra quyết định BS BD Tâm  thôi giữ chức vụ Khoa Trưởng ĐHYK Huế. Vụ giải chức này, chưa từng xẩy ở Trường trước đó, đột ngột tuy không quá bất ngờ đã tức khắc gây ra một tình trạng căng thẳng như chưa bao giờ thấy ở trường ĐHYK Huế. Theo lẽ tự nhiên các Phó Khoa trưởng sẽ tạm thay thế, nhưng chuyện này không xẩy ra. Không người lãnh đạo Trường như quân mất tướng, gây nhiều hoang mang và phản ứng dữ dội?? Một nhóm đông sinh viên, có đến vài chục người đã giăng các biểu ngữ “phản đối sự giải nhiệm dành cho GS KHOA TRƯỞNG ĐHYK”, “toàn thể SVYK biết ơn thầy” (BD Tâm, ‘Một Quãng Đời Qua’, hình ảnh, Kỷ Yếu YKH 2009). Tình trạng có thể gây bạo động, lan tràn toàn trường và làm cho Viện Đại học lâm vào thế bất lợi, phải nhượng bộ hoặc còn gì nữa chưa biết. Đến đây đang cơn dầu sôi lửa bỏng, nhiều người khen ngợi sự khéo léo của Viện Đại Học đã hóa giải nhiều được tình thế: Viện thông cáo  GS Viện Trưởng sẽ đảm nhiệm tạm điều hành trường YK (chờ Trường cử Khoa Trưởng mới), đồng thời GS Võ đăng Đài được cử Phụ tá Viện trưởng. GS Đài sau này có tiết lộ: “Tôi thật cám ơn Thầy (GS Tâm) đã tin tưởng tôi …Tuy nhiên lời cám ơn này không xóa được cái ân hận mà tôi vẫn giữ mãi trong lòng về việc Thầy ra đi khỏi Huế. Một số áp lực ở Trường làm tôi không tìm mọi cách để giữ Thầy lại…” (VĐ Đài, ‘Tính sổ…’, ĐSan YKH 2006, tr 11).

** Hội đồng Khoa sau đó khi tình thế lắng dịu, họp cử Khoa trưởng, với sự hiện diện của GS Viện trưởng Lê thanh Minh Châu. Không có ứng cử viên, tôi (Lê bá Vận) đang tạm xử lý thường vụ trường, được đề cử. Cuộc bỏ phiếu kín tiến hành, kết quả toàn bộ phiếu chấp thuận, không có phiếu chống hoặc phiếu trắng. Rõ ràng các thành viên trong hội đồng Khoa, chung cuộc đã đồng lòng gạt bỏ các bất đồng, dị biệt vì tiền đồ của Trường, quyền lợi chung của sinh viên. Kết quả này đưa ra làm tan dịu tất cả mọi dị nghị, chống đối dù ở đâu, Huế hoặc Sài Gòn vì đó là ý nguyện của Trường, không do áp đặt. Căn cứ trên biên bản Hội đồng Khoa ĐHYK và đề nghị của Viện Đại Học Huế, một tân Khoa Trưởng cho trường ĐHYK Huế được bộ Giáo dục bổ nhiệm (với đầy đủ quyền hành và phụ cấp chức vụ). Một lễ nhậm chức đã được cử hành trọng thể.

LBVLúc đó tôi suy nghĩ có thể tôi được chọn làm Khoa trưởng vì những thuận lợi sau: --tôi thuộc về lớp kỳ cựu trong ban giảng huấn ; -- tôi có học ở Hoa Kỳ ; --lúc mùa hè đỏ lửa 1972, gia đình chạy vào Đà Nẵng nhưng tôi vẫn ở lại Huế làm việc tại bệnh viện, điều này cũng là một nguyên do sau này tôi được tưởng thưởng Y tế bội tinh VNCH; --tôi không dính dáng hoặc chịu ân huệ trong thời gian GS Tâm làm Khoa trưởng YKH; -- GS Lê văn Bách rất có uy tín và có công to với Trường lại có người nghi ngại có cảm tình với kháng chiến (?), tuy đó chỉ là lời đồn đãi. --những yếu tố khác (?) bên trong mà tôi biết rất ít, ngay cả không hề biết, tình hình lúc đó phức tạp, ngoài 2 GS LTM Châu và BD Tâm, những người biết sự việc nhiều nhất tôi nghĩ là các thầy VĐ Đài, LV Bách, NV Tự, TT Chiểu. Tôi cũng ngay tình thuật lại chuyện cũ, theo suy nghĩ chủ quan. Dù sao sự lựa chọn Khoa trưởng vừa qua là do Hội đồng Khoa quyết định thông qua bỏ phiếu kín.Tôi không hề mảy may vận động bầu cử, nếu có ai làm việc này cho tôi hoặc cho một ai khác thì tôi không được rõ. Mà hình như lúc đấy mọi người đều giữ yên lặng.

**Sống hải ngoại. GS Lê thanh Minh Châu, GS Bùi duy Tâm, các Thầy trong ban giảng huấn của Trường cũ và tôi vẫn sinh hoạt thân thiết với các anh chị cựu sinh viên Hội Ái Hữu ĐHYK Huế hải ngoại, rất đông. Đặc biệt đầu tháng 8, 2009 Hội Ái Hữu ĐHYK Huế tổ chức lễ Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường ĐHYK Huế 1959/2009 tại California, Hoa Kỳ, với sự tham dự đông đảo thầy trò cũ đến từ nhiều nơi trên thế giới, bao gồm những mấy chục anh chị cựu sinh viên từ Việt Nam . Trong dịp này GS BD Tâm đã đọc một bài diễn văn rất cảm động nói lên những cảm tình tha thiết của ông đối với Trường Huế, với sinh viên YK Huế mà ông xem như gia đình ruột thịt, yêu mến vô cùng và mãi mãi như trong một phần đời của ông (diễn văn). Tuy nhiên ít tháng sau đó, vào cuối năm 2009 ông nhận lời đón tiếp tại tư gia ở San Francisco  Hoa Kỳ, đồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị Đảng CSVN Trương vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng CHXHCNVN và phái đoàn sang viếng thăm Hoa Kỳ. Sự việc có quá trình và mặc dầu ông đã giải thich nhưng việc làm này của ông gây bất bình lớn trong cộng đồng Việt nam tị nạn CS ở hải ngoại cũng như trong Hội Ái Hữu ĐHYK Huế hải ngoại khiến ông phải từ giã Hội, đoạn tình với các học trò cũ mà ông thương mến (1).

                                     “ Nhất thất túc thành  thiên cổ hận,
                                       Tái hồi đầu thị  bách niên thân.”

Cũng như năm xưa, năm 1972 cách 37 năm trước ông buộc lòng rời bỏ ĐHYK Huế với nhiều luyến tiếc, và viết: “ …Họ (các SV) là một phần đời tôi. Ngày rời trường, tôi cho họ tất cả số lương tôi vừa lãnh. Họ dùng tất cả số tiền đó để mua một bức tranh sơn mài rất qúy về “Cảnh Huế, người Huế” đề tặng tôi với dòng chữ: “NGƯỜI ĐẾN TRONG GIAN NGUY và RA ĐI KHI AN BÌNH” (BD Tâm 3/3/2003, Kỷ yếu YKH 2009).

 Với nhiều giới, đặc biệt sinh viên, BS Tâm là Khoa trưởng được nhớ đến của biến cố Tết Mậu Thân và Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị có các tác dụng trái ngược trên sự nghiệp của ông và cũng của sự cố cuối 2009, song điều làm ông tự hào, mãn nguyện nhớ đời là như ông đã viết:

“…Nhưng mọi người (cả Việt Nam lẫn ngoại quốc) đã gắn liền tôi vào Y khoa Huế, dù ai muốn hay không muốn. Lịch sử Y Khoa Huế có chuyện dỉ chuyện gì, cũng chẳng ai để ý. Dư luận chỉ nhớ đến Y Khoa Huế qua huyền thoại “Tổng Hợp Đông Tây Y, lời tuyên thệ trước Hải Thượng Lãn Ông và các bộ Quốc Phục Việt Nam”. Gần hai chục năm sau, mọi người còn trân trọng nhắc nhở đến các việc làm của tôi ngày xưa ở Huế…
Thế mới biết:

                                   “Trăm năm bia đá thời mòn,
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ...”
(Bùi duy Tâm “Một Quãng Đời Qua”, Kỷ Yếu YKH 2009).

                                                               *****

6) Bác sĩ Lê bá Vận (là tôi) được bổ nhiệm Khoa trưởng ĐHYK Huế thay GS Bùi duy Tâm và giữ chức vụ từ cuối 1972 cho đến ngày 30/4/1975 thì miền Nam Việt Nam sụp đổ. Trước đó, từ khi Trường thành lập, tôi (BS Vận) chỉ giữ một vai trò thứ yếu ở Trường, khiêm nhường ít gây chú ý. Mới đây tôi được nhắc nhở đến cũng khá nhiều(!)  vì tôi hay viết lách (ví dụ viết bài này), phát biểu trên diễn đàn của hội Ái Hữu ĐHYK Huế hải ngoại. Trong tập Kỷ Yếu YK Huế ấn hành nhân lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ĐHYK Huế 1959/2009, theo lời yêu cầu của Hội, như mọi người, tôi cũng viết tiểu sử của tôi như sau:     

Lê Bá Vận.  Vài dòng tiểu sử, tính đến ngày 30/4/1975.
Nguyên quán: Lệ thủy, Quảng Bình.
Sài Gòn: Tú Tài Pháp, Tú Tài Việt Nam.
Hà nội: Đại học Y Dược Khoa, Cựu Ngoại trú  Bệnh viện.
Sài Gòn: Đại học Y Khoa, Cựu Nội trú Bệnh viện.
Huế:  Y sĩ Trung úy trưng tập, Bệnh viện Quân Y Mang cá, Huế.
Huế: Từ 1959 đến 30/4/1975:
BVTU Huế: Y sĩ Quốc gia Chính ngạch, Bộ Y Tế.
ĐHYK Huế: Giảng nghiệm viên, Hậu Đại Học Hoa Kỳ, Giảng sư, Giáo sư, Khoa     Trưởng ĐHYK Huế.        
Y tế Bội tinh, Giáo dục bội tinh VNCH.  
Vợ: Võ thị Lệ Thủy, Luật sư Tòa Thượng thẩm Huế. Năm con (4 gái 1 trai).

Các đồng nghiệp cũng có viết về tôi:
Giáo sư Võ đăng Đài viết: “Ở Đại học Huế trước 75 cấp trên của tôi còn có hai người nữa là Thầy Lê văn Bách và Thầy Lê bá Vận… Trước khi làm Khoa trưởng, người ta nói Thầy (Lê bá Vận) có tính gàn gàn, nhưng sau khi lên làm Khoa trưởng, Thầy đã tỏ ra không gàn tí nào, trái lại rất uyển chuyển, khôn ngoan đối với Viện, đối với các Khoa khác cũng như đối với nội bộ của Trường. Thầy hành xử đúng là một người lãnh đạo. Sự khôn ngoan của Thầy càng thấy rõ sau 75 trong những buổi học tập chính trị. Thầy đã đưa ra những câu hỏi rất khó trả lời nhưng không ai bắt bẻ được. Sau 75 Thầy được giữ lại Trường chỉ vì Thầy có chuyên môn rất giỏi…” (VĐ Đài ‘Tính sổ…’, ĐSan YKH 2006 tr.12). Và ở một đoạn khác trước đó: “Có sự ủng hộ nhiệt tình của Viện và sự hợp tác tích cực của ban giảng huấn và sinh viên, Thầy Lê bá Vận vừa mới đưa Đại học Y Khoa lay tỉnh trở lại thì đầu năm 1975 Huế thất thủ, Viện Đại học Huế tan rã, một số giáo sư và sinh viên đi vào Sài Gòn” (tr. 8).

Giáo sư Bùi duy Tâm trong bài diễn văn đọc nhân lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường có đoạn nhắc lại chuyện xưa: “Thầy Lê bá Vận cùng Thầy Nguyễn văn Tự nhẹ nhàng lái con thuyền Y Khoa Huế đi hết con đường. Khi còn đi học ở Sài Gòn tôi vẫn thường sang gặp Thầy Lê bá Vận tại nhà trọ đường Cá Hấp để mượn sách vở học thi Nội trú. Thầy Vận là một đàn anh học giỏi mà tôi ngưỡng mộ. Chị Vận là một luật sư giỏi với dáng người thanh lịch mà tôi khó quên. Trong biến cố Mậu Thân, thầy Nguyễn văn Tự, bác Cách, anh Sơn là… ” (ĐSan YKH 2009). Tôi đọc những lời chân tình và xin cám ơn hai người bạn tốt là GS Đài và GS Tâm.

Các anh chị học trò cũ viết về tôi cũng nhiều, nói chung các anh chị ấy có rất nhiều huyền thoại để kể về các thầy cô cũ. Các câu chuyện về tôi được ghi lại rải rác ngắn gọn nhiều nơi, song cũng có những bài viết dài hai ba đến sáu bảy trang trong đó “mười phần bớt bảy còn ba, bớt hai còn một mới ra sự tình”. Tôi thật tình vui thích và cảm động được các anh chị học trò cũ viết về mình, gồm chính truyện, ngoại truyện và nhiều hư cấu. Hiện giờ tôi nghĩ các cựu sinh viên hiểu biết tôi  rõ vì tôi hay viết chuyện của mình, của các anh chị, các thầy, trường, bệnh viện, đất nước. Các anh chị cũng hiểu biết Thầy Bùi duy Tâm nhiều qua các bài viết, phát biểu, tranh luận…

Tân Khoa trưởng đã được chọn, tôi vẫn chưa có ý định chính xác về ban giám hiệu trường; như GS Tâm vì ở xa thì có 2 Phó Khoa trưởng! Ông Viện Trưởng Lê thanh Minh Châu hôm sau đó hớn hở báo tôi ông đã mời được Giáo Sư Lê văn Bách nhận lời giữ chức Phó Khoa Trưởng (đặc trách Lâm sàng). GS Bách đã nhận lời vui vẻ nhanh chóng khiến ông nhẹ nhõm, mừng quá đỗi. Tôi lại còn mừng rỡ hơn ông lúc đó. Ở Trường Y Khoa, GS Bách đặc biệt được kính trọng, được ông nhận lời tham dự việc trường, ban giám đốc Trường tăng uy tín rất nhiều. GS LT Minh Châu còn nhận xét ở những buổi họp ai cũng chờ nghe GS Bách cho ý kiến vì là mực thước, xác đáng, thuyết phục. Tôi cũng nhận thấy thế. Tiếp theo GS Châu lại khéo léo mời được Giáo Sư Nguyễn 
văn Tự vẫn đảm nhiệm chức vụ Phó Khoa trưởng Học vụ mà ông có sẵn nhiều kinh nghiệm khiến  uy thế ban giám hiệu càng vững mạnh; lại tiếp xúc mời thêm các Thầy Lê bá Nhàn, Lê xuân Công, Tôn thất Chiểu giữ các chức vụ Phụ tá Khoa trưởng về Khoa học vụ, Sinh viên vụ, Đối ngoại vụ. Trong một bài viết tôi có nhận định: “Thầy LB Nhàn thì chân phương mộc mạc, Thầy LX Công nói năng mạnh mẽ, rõ ràng, thẳng thắn, Thầy TT Chiểu thì trình bày nhẹ nhàng, từ tốn, hiểu rõ thế cuộc, sự tình (ĐSan YKH 2006, tr.202)  Riêng tôi nghĩ tuy tôi là Khoa trưởng do Hội đồng Khoa bầu ra, nhưng có vẻ cũng có sự vận động sắp đặt của Viện để giúp đỡ Trường trong thời kỳ dao động chuyển tiếp, cẩn thận nắm chắc tình thế. Cùng lúc, các giáo sư, giảng sư khác được phân nhiệm giữ những chức vụ Trưởng khu chuyên môn của trường.

Cuộc khủng hoảng kéo dài giữa Viện Đại học Huế và Trường Y Khoa, do Viện khởi xuất, đến đây đã chấm dứt. Viện đã bỏ ra biết bao công sức, tâm huyết mà lẽ ra, theo nguyên tắc tự trị Đại học, Viện không thể và không nên xen lấn vào nội bộ Trường Y Khoa. Do đó Viện cũng đã nhẫn nhịn suốt một hai năm trời. Lúc tình hình căng thẳng cao độ sau ‘mùa hè đỏ lửa’, tôi nhận thấy ngoài bề mặt, tương quan lực lượng như sau: một bên là GS Tâm, một hai thầy (?) và một số đông sinh viên tích cực, bên kia là GS Viện trưởng Lê thanh Minh Châu, có GS Nguyễn văn Hai hỗ trợ (?). Ban giảng huấn của Trường phần lớn thì hình như bị trung lập hóa, có khi lại thiên về Viện, không bày tỏ thái độ, và đó là điều ước mong của Viện tìm đạt cho bằng được. Ngay sau khi Viện đã tranh thủ được quyết định của bộ Giáo dục ngưng chức GS Tâm, sự việc thắng bại cũng chưa ngã ngũ rõ rệt trong mấy hôm cho đến khi GS Viện trưởng tạm đảm nhiệm điều hành trường YK. Tôi suy đoán nước cờ cao này có thể do từ GS NV Hai (?). GS Đài có nhận xét: “Thầy Hai thuộc những nhân vật có cá tính loại A (personality A). Thầy nóng nảy, mưu lược nhưng không thâm độc và thù hận” (Đsan YKH, 2006, tr. 12). Tôi cũng nhận định: “Hồi đó Hội đồng Viện họp coi như hàng tuần, gồm Viện Trưởng, Phó Viện Trưởng, các ông Khoa Trưởng và ông Tổng Thư ký Viện. Giáo sư Nguyễn văn Hai, Phó Viện trưởng, Khoa trưởng trường ĐHKH được xem là chiến lược gia của Viện, nắm vững tình hình, mưu thâm trí viễn. Giáo sư Nguyễn sĩ Hải , Khoa trưởng Luật Khoa phát biểu khôn ngoan, chín chắn, mực thước tương tự Giáo sư Lê văn Bách; các vị khác và tôi phát biểu ít hơn ngoại trừ việc liên quan đến Trường. Ông Viện Trưởng nói ít, cân nhắc lựa lời, nghe nhiều, tổng hợp và hành xử khôn khéo, mềm dẽo.

Từ sau ngày ban Giám hiệu Trường được thành hình, Viện Đại học Huế chấm dứt can thiệp ở Trường YK, tôn trọng sự tự trị Đại học, như từ hồi nào.

Tôi lên giữ chức vụ Khoa trưởng ĐHYK Huế thừa hưởng được những thành quả lớn lao của những vị tiền nhiệm từ lúc thành lập Trường vun xới, tích lũy, phát triển trong nhiều năm, giúp tôi có nhiều thuận lợi trong nhiệm vụ:

--Hiện nay Trường có nhiều vị có tước vị giáo sư, giảng sư khiến trường không lệ thuộc, bị động.
--Sinh viên ra trường đã nhiều khóa, nhiều bác sĩ ưu tú được giữ lại Trường, gửi du học.
--Thư viện, phòng ốc, tiện nghi giảng dạy tốt, bao gồm các bệnh viện thực hành.
--Huế yên, sau bài học Mậu Thân 68, Hè 72; các phần tử gộc nằm vùng không còn.

Các thuận lợi riêng gồm:
--Tôi là Khoa trưởng thực thụ đầu tiên sống ngay tại Huế, và đã được bầu lên.
--Ban giám hiệu hoàn chỉnh, uy tín, thầy trò ổn định.
--Quan hệ với Viện Đại học và các phân khoa bạn rất tốt.
--Quan hệ với cơ quan AMA thiết thực, họ đã ra Huế dự họp, tìm hiểu.
--Cánh bên hữu của trường được hoàn tất, nới rộng hơn ½ diện tích. 
--Bệnh viện Huế cũng hoàn thành tái thiết, đồ sộ, hiện đại.
--Tại Đà Nẵng,Viện Đại học cộng đồng được thành lập với sự bảo trợ của viện ĐH Huế, lễ khai mạc trọng thể, đem lại lạc quan tin tưởng cho miền Trung, Vùng 1, địa đầu giới tuyến..

Hoài bão lớn nhất của tôi là thành lập tại trường Y khoa Huế các lớp/khóa đào tạo chuyên khoa sâu, hậu đại học ngắn hoặc dài hạn. Tôi trông đợi nhiều ở sự góp sức của thế hệ thứ 2 của ban giảng huấn, nghĩa là các bác sĩ cựu sinh viên của trường, được tuyển dụng và gởi đi học trong hoặc ngoài nước. Làm từ từ vì đây là vấn đề về lâu về dài, song “Miễn là cá ở dưới hồ, cỏn con cũng có ngày to kết sù. ” Và rồi điều gì cũng có thể làm được. Trường Y khoa được sự hậu thuẫn mạnh mẽ và hữu hiệu của Đại học Huế.

Nhiệm vụ trước mắt và những thành đạt là:

--Tiếng Việt là chuyển ngữ giảng dạy và đến một cách tự nhiên, không do quảng bá. Có cha Vilajos (Bồ đào nha), nhân viên ban giảng huấn, dạy Mô học, histology, song cũng nói tiếng Việt. Chỉ có BS Zerzavy thỉnh giảng, dạy sản và y khoa cộng đồng là người Mỹ. Ở Bệnh viện Đà Nẵng thì vẫn còn các bác sĩ ngoại quốc.

--Tôi quan niệm thư viện tốt là quan trọng hàng đầu cho giảng dạyhọc tập,nghiên cứu. Trường tìm cách xin hoặc đặt mua các sách báo Y khoa Anh Pháp, Mỹ. Có cô Hường, cử nhân, nhân viên trường, đang học lớp ‘quản thủ thư viện’ tại Sydney, Úc. Tôi có gặp, hỏi han việc học trong chuyến công tác ở Úc tháng 11, năm 1973, và trong dịp này lên tận Brisbane thăm thầy Lê xuân Công đang học về Niệu phẫu (Urology). Có giờ dạy Anh ngữ y khoa thêm cho sinh viên, để họ dễ dàng đọc sách báo tiếng Anh ở thư viện, tôi nhờ thầy Bùi minh Đức phụ trách.

--Về việc thực tập ở bệnh viện, tôi có ý định gởi ban giảng huấn của trường vào thêm ở Đà Nẵng, đồng thời thiết lập một ban giảng huấn ủy nhiệm/thỉnh giảng để các bác sĩ cộng tác với Trường được phong giảng viên, giảng sư, giáo sư… được trường Y khoa và Viện Đại học Huế công nhận.

--Tôi không có chủ trương mời các giáo sư ở Sài Gòn ra Huế giảng dạy, nhưng tôi vẫn khuyến khích các trưởng khu chuyên môn (Head of Department) mời các thầy ở Sài Gòn ra, giảng, thuyết trình đề tài để sinh viên học được từ nhiều nguồn. Trường cũng gởi các bác sĩ trẻ vào Sài Gòn học các khóa hậu đại học, một vài khóa có mở.

--Hội đồng giám khảo các kỳ thi Lâm sàng, đề biện luận án tốt nghiệp, thi tuyển giảng nghiệm viên đều do Trường đảm trách, không mời ngoài trường.

--Tôi tuyệt đối tin tưởng Giáo sư Lê văn Bách ở bệnh viện và Nguyễn văn Tự ở trường, sắp đặt kế hoạch, phân phối giảng dạy, lo liệu tất cả. Tôi nghĩ sự phân nhiệm này giúp 2 giáo sư Bách và Tự tập trung điều hành công việc trường hữu hiệu.

--Thời gian tôi làm Khoa trưởng không dài, chấm dứt khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, những thành tựu gì của tôi, nếu có cũng giới hạn.

Tân quan tân chế,”  tôi lên làm Khoa trưởng tức nhiên có những suy nghĩ riêng về chính sách, phương hướng, mục tiêu đào tạo của trường. Tôi tán đồng lời cố Giáo sư H. Krainick năm 1961 đã nói với các sinh viên: “Hãy cố gắng học hỏi và riêng tôi sẽ cố gắng tạo dựng cho các anh thành những mẫu người y sĩ đầy đủ khả năng không thua kém bất cứ một Đại học Y Khoa nào trên thế giới.” Và tôi nhận xét GS Krainick đã làm trọn lời hứa. Linh mục Viện trưởng ĐH Huế Cao văn Luận năm 1958, khi  vận động thành lập trường Y Khoa, đã lấy lý do chính dân ta quá thiếu bác sĩ chăm sóc bệnh tật cho người dân ; tỷ lệ 1 bác sĩ cho 30,000 dân ở Việt nam, trong khi ở Phi châu tỷ lệ này là 1/20,000. Các giới ở Sài Gòn chống đối cho rằng Việt nam không cần thiết phải có 2 trường Y Khoa (!) (cũng như không cần có 2 Đại Học ???), quá tốn kém, và nhất là thiếu thầy khiến chất lượng đào tạo kém. Hai điều này đã được giải quyết tốt đẹp sau khi ĐHYK Huế được ĐHYK Freiburg, Tây Đức bảo trợ và có sự cộng tác của Phái bộ viện trợ Kỹ thuật Pháp.Giới Y Khoa Sài Gòn không còn gì để nói.

Tôi lên làm Khoa trưởng muốn đem Trường trở về bản chất, sắc thái, tinh thần, mục tiêu yêu cầu đào tạo cũ, năm xưa khi trường thành lập. Tôi mong muốn có một trường Y khoa tốt, giảng dạy tốt, đào tạo các bác sĩ giỏi, tay nghề cao, có lương tâm nghề nhiệp.Tôi không quan niệm YKH kết hợp Đông Tây Y nhằm đào tạo các thầy thuốc chữa bệnh phối hợp thuốc tây, thuốc ta, tinh thông cả hai, có khi khách lấn chủ (trong lời thề  khi ra trường, các tân Bác sĩ hứa gắng sức làm phát triển các sắc thái đặc biệt của nền Y học Việt nam, BDTâm, Kỷ yếu YKH 2009). Tôi cũng không quan niệm phối hợp giảng dạy Đông Tây Y ở YKH có ý nghĩa làm văn hóa, giáo dục: nêu cao tinh thần dân tộc, tránh đầu óc tự ti sùng bái kỹ thuật nước ngoài, lại càng tuyệt đối không quan niệm trường ĐHYK Huế tổng hợp Đông Tây Y là do phải có sắc thái đặc biệt “bệnh quỷ thuốc tiên,” để không phải chỉ là phó bản của Y Khoa Sài Gòn, để có lý do tồn tại (một trong hai nguyên tắc GS BD Tâm đưa ra khi nhậm chức, nguyên tắc kia là phải mời các giáo sư, bác sĩ uy tín ở Sài Gòn giảng dạy; BDTâm, Kỷ Yếu YKH 2009) (2).

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” đã chọn học Khoa học Tây Y, bao la bát ngát, thì chuyên tâm học cho đến nơi đến chốn. Để học Đông Y qui mô, cần đầu tư thời giờ và tạm gác bỏ suy luận logic Tây Y. Sự giảng dạy Đông Y được duy trì thu hẹp, thay vì nhằm sách lược nền tảng tổng hợp Đông Tây Y, nay chỉ đơn thuần nhằm giúp kiến thức làm quen, căn bản cho những ai muốn nghiên cứu thêm; lời thề Hải Thượng Lãn Ông thôi dùng, và không còn buộc dùng quốc phục trong lễ tuyên thệ đề biện luận án ra trường. Sau này các Thầy thì mặc lễ phục áo thụng Đại học, các sinh viên ra trường tôi thấy họ tự động mặc âu phục, nhiều người kiếm mượn được lễ phục Đại học (Trường, Viện ĐH chưa có đủ số lễ phục Đại học cho các tân Tiến sĩ), không thấy ai chọn vận quốc phục. Sau 1975 ở ĐHYK Huế, chỉ sinh viên năm thứ 5 mới học một số giờ lý thuyết đông y, được xem như một chuyên khoa lẻ, không bắt buộc. Tôi cũng nghe nói ở Hà nội có Viện Đông Y, bệnh viện y học cổ truyền riêng biệt… “Dưới triều Nguyễn, ở Huế có Thái Y Viện đào tạo các thầy thuốc cho triều đình và một số cho các tỉnh. Các y sinh được tuyển chọn hàng năm là những thầy lang xuất sắc hành nghề tự do trong các tỉnh. Trong Thái Y Viện, các thầy thuốc nam và thầy thuốc bắc, có phẩm hàm, làm việc bên nhau, mỗi người có một nhiệm vụ rõ ràng” (theo Tôn thất Hứa, ‘BVTU Huế’ ĐSan YKH 2009).

Trường Y Khoa Huế đã không còn hô hào tổng hợp Đông Tây Y, tiến tới một nền Quốc Y Việt Nam, và trường YK Sài Gòn cũng không có ý kiến trách cứ trường Huế đánh mất sắc thái đặc biệt để có lý do tồn tại, mà lại rất hòa thuận, nhã nhặn. Tôi lặng lẽ làm việc nên ngày nay cũng chẳng ai nhớ hoặc biết tôi có chủ trương gì trong việc này. Nếu trường YK Huế cần có một sắc thái đặc biệt, ví như có những mũi nhọn nghiên cứu về một lãnh vực Y khoa nào đó, tim, thận, bệnh nhiệt đới, nội tiết, di truyền v.v… thì đúng là một việc rất tốt, nhưng đó là chuyện còn lâu về sau, trước mắt không liên hệ đến điều kiện sống còn của Trường.

Hành chức Khoa trưởng ĐHYK Huế có những nét đặc biệt. Sau biến cố Tết Mậu Thân đầu năm 1968, tình trạng ở Huế bi đát và sau đó Giáo sư Bùi duy Tâm, Khoa trưởng đương nhiệm đã ra Huế đem Trường tạm vào Sài Gòn học. Tôi nghe kể lại, thấy cũng thật đúng với tình trạng ở Huế, tâm trạng và hoàn cảnh của tôi trong các tháng ba và tư năm 1975 khi tôi là Khoa trưởng. Lúc Mùa hè đỏ lửa Quảng trị 1972, Trường dọn cả trường vào Đà Nẵng, tôi chẳng tham dự vì không phải phần việc của tôi di tản trường, tôi vẫn ở Huế làm việc tại bệnh viện.

Năm 1975 thì lại khác, tôi đang là Khoa trưởng, trách nhiệm và danh dự chỉ mình tôi:
Tại Huế “…Tôi cùng tài xế đem xe di tản vào Đà Nẵng. Chỉ hôm sau đường bộ Huế-Đà Nẵng bị cắt đứt (ĐSan YKH 2006, tr 143). Tôi nghĩ tôi là người cuối cùng trong ban giảng huấn đã rời Huế. Tại Sài Gòn “…Hai là họp với ĐHYK Sài Gòn bàn chuyện sát nhập hoặc hỗ trợ. Ba là tôi đã hội kiến với Bác sĩ Hưỡn, Tổng trưởng Y Tế và là một bạn học cũ. BS Hưỡn đề nghị giao Bệnh viện Vì Dân cho tôi hoàn toàn, tôi có thể cho sinh viên đến thực tập…(Lê bá Vận “Một vài chuyện…”, ĐSan YKH 2006, tr.147). Lúc đó tôi nghĩ ban giảng huấn của Trường có mặt rất đầy đủ, gồm từ Huế vào và gồm nhiều vị đã ở sẵn Sài Gòn; bác sĩ Lê khắc Quyến cũng đang ở Sài Gòn, Giám đốc Bệnh viện Sùng Chính. Tuy nhiên thời cuộc biến đổi nhanh chóng đến ngày 30 tháng Tư.

Trách nhiệm của chức vụ Khoa trưởng ĐHYK thời đó rất lớn, nhất là trong những tình huống biến động 1968, 1972, 1975. “Đã bứng thì phải bưng, đã đẵn thì phải vác,” đã nhận trọng trách thì phải chu toàn nhiệm vụ; được phục vụ cho Trường, tôi xem là một vinh dự, tôi hăng say không nề hà khó nhọc, và tôi nghĩ đó chỉ là bổn phận phải làm. Cũng như bổn phận của một vị chỉ huy tại trận tiền.

Trường ĐHYK Huế được thành lập và trưởng thành trong biến loạn khói lửa chiến tranh cách đã trên dưới nửa thế kỷ. Các ngưởi đóng góp công sức sáng lập, điều hành trường cùng các nhân chứng trong thời gian ban đầu này đầy diễn biến, tình tiết đã đi vào lịch sử hào hùng và huyền thoại quý báu của Trường.

June 2010. Lê bá Vận.

 

(1)Thư ngỏ của BCHYKHHN. California 27/11 năm 2009. BS Lại đức Thuần, Chủ Tịch.
(2) Đặc san và Kỷ yếu YKH, 2009: CD và www.ykhoahuehaingoai.com

Góc Giải Trí

  • Thuyền và Biển  - Hoàng Thế Định
  • Tiếu Lâm Võ Hiệp  - Châu Bá Thông
  • Giã Từ Biển Khơi  - Đăng Phương
  • Chuyện cười: "Câu đối ... hoang"
  • Cười: "20 Ways To Maintain A Heathy Level Of Insanity"
  • Y Khoa Huế Tôi Thương  - Tô Đình Đài, Lê Khắc Thanh Tuý
  • Giải trí cuối tuần. - NMPT đóng góp. 
  • Nghe Mưa Cảm Tác - Ngọc Khuê
  • Nhớ Quê Mẹ - Thơ Nguyễn Đình Minh Hùng
  • Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
    Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.