KHÔNG LỐI THOÁT

 
     
 

Cao Thanh Tâm.

Chúng tôi quen nhau trong những ngày cùng học trường Y ở Huế, chàng học trên tôi một năm, là người thưòng đưa đón và săn sóc tôi ân cần. Không biết tôi có yêu chàng không, nhưng rất cần có chàng bên cạnh trong những năm học gian nan mà chúng tôi phải trãi qua trước khi được vào nội trú. Có lần đi chơi với nhau trong những ngày nghỉ,  nhiều khi tôi chợt nhìn chàng và thấy lòng mình bình lặng không một chút xuyến xao bồi hồi,  bỗng nhiên tôi chợt  lo sợ cho một tương lai lạnh giá và không mầy sáng sủa khi phải sống với nhau. Những ý tưởng đó đôi khi thoáng qua như một cơn gió độc gây cảm cúm cho tâm hồn nhạy cảm của tôi rồi thoáng chốc trở lại phẳng lặng như mặt nước sông Hương mùa hè.
Tuy nhiên tôi vẫn cần có chàng trong cuộc sống thường ngày, vì thế mà chúng tôi quyết định kết hôn sau ngày ra trường. Cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể nói là do tình yêu  theo dư luận, vì mọi người chung quanh thường thấy lúc nào chúng tôi cũng bên cạnh nhau trong những ngày đi học!
Cuộc sống chung của chúng tôi, bình thường, không nồng nàn sôi nổi, cũng không gượng ép ngột ngạt thế nhưng một tình yêu quá bình lặng đôi khi cũng thiếu đi những giây phút lãng mạng và hơi ấm nồng nàn của một bếp than. Nó lạnh lẽo quá làm chúng tôi lo sợ dù rằng kết quả của cuộc hôn nhân sau một thời gian là thằng con trai dễ thưong kháu khỉnh đã ra đời. Tuy thế vẫn không đủ sức mang chúng tôi đến gần nhau hơn, dù là vẫn chung sống dưới một mái nhà.

Sau biến cố 75, tất cả bị xáo trộn, gia đình chúng tôi vào Sai gòn và  tôi theo học hậu đại học để theo một ngành chuyên khoarồi trong một cơ hội hi hữu tôi và thằng con trai lên ba vượt biên theo chuyến tàu của một người quen. Quả thật là một thay đổi lớn lao cho cuộc sống gia đình tôi. Có lẽ từ tiềm thức sâu xa tôi đã thấy rằng cuộc sống chung này vô vọng nên đã liều lĩnh dấn thân vào một cuộc sống mới đầy cam go và thử thách.
Đến Mỹ, mẹ con tôi được thân nhân bảo trợ về nam Cali nắng ấm, hiền hòa cũng là nơi có nhiều người Việt sinh sống. Sau mấy năm gian nan, dần dần mẹ con tôi đã ổn định cuộc sống và tự nhiên tôi bâng khuâng nghĩ đến người chồng còn ở quê nhà và quyết định bảo lãnh cho chàng để gia đình có thể bắt đầu trở lại một cuộc sống mới.  Con tôi cần có cha và tôi cần có một người chồng bên cạnh trong cuộc sống tha hương cô quạnh này.
Một năm sau chúng tôi may mắn được đoàn tụ và chàng tiếp tục học trở lại để có thể hành nghề trên đất Mỹ. Cuộc sống chung vẫn không khởi sắc chút nào sau nhiều năm xa cách.
Chúng tôi giữ thái độ im lặng đến lạnh lùng và ngày chàng có thể hành nghề trở lại cũng là ngày chúng tôi quyết định ly dị. Tôi đã cố gắng dành cho chàng mọi thuận tiện trong việc học hành thi cử và khi tất cả đã hoàn thành thì cả hai chúng tôi đều thấy  rằng chia tay nhau là giải pháp tốt nhất. Chia tay nhau, nhưng chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên vì hạnh phúc của đứa con nhỏ. Tôi trở về cuộc sống độc thân với cuộc sống muôn vàn khó khăn trong một xã hội mới. Hai năm sau tôi gặp John một kỹ sư người Mỹ, tôi để ý đến John không phải vì anh ta đẹp trai hay có một sự nghiệp vững vàng mà vì anh mang lại cho tôi những cảm xúc trước đây tôi chưa hề có.
Sau khi ly dị Hùng người chồng cũ, tôi sống thu mình ít giao tiếp với người khác phái, tâm hồn tôi mệt mỏi chỉ muốn yên thân trong cuộc sống cô đơn bên cạnh thằng con trai độc nhất của mình. Tư cái nhìn đầu tiên tôi đã xúc động khi gặp John, chàng cao lớn nhưng vẫn có cái vẻ yếu đuối cần được che chơ,û khác với trước kia tôi cần sự che chở của Hùng. Sau một thời gian quen biết John và gia đình chàng, chúng tôi đã kết hôn trong sự vui mừng của ba má John, họ rất sung sướng khi con trai mình có một cô vợ Việt Nam, mặc dù tôi đã ly dị và có một con.
Hai năm êm đềm tôi vui mừng cho đời mình đã có một sân ga an bình đền bù cho cuộc đời thiếu hạnh phúc trước đây. Lúc nào John cũng yêu mến tôi, người vợ chăm sóc cho chồng con từng miếng ăn giấc ngủ và săn sóc thương yêu thằng con nhỏ của tôi như con ruột.
Trong một dịp đi công tác ở Thái Lan hai tháng, Jonh về lại nhà với tính cách của một ngưòi mà tôi cảm thấy rất khác lạ. Ban đầu tôi không lưu ý mấy vì nghĩ rằng anh ta mệt mỏi sau chuyến đi xa, nhưng dần dần anh ta có những thay đổi ï làm tôi băn khoăn! Mỗi buổi sáng anh ta tần ngần trước tấm gương rất lâu, chăm lo cho làn da như một người đàn bà, khi tôi nhìn thì anh ta vội lảng đi nơi khác và không còn gần gũi thân mật trong cuộc sống vợ chồng với tôi nữa. Tuy băn khoăn nhưng tôi vẫn im lặng cố tìm hiểu và càng ngày càng thất vọng vì John hoàn toàn là một con ngưòi khác, không còn một mảy may nào giống người chồng mà tôi chung sống hai năm nay.
Anh ta thường xử dụng những món đồ trang điểm của tôi những khi tôi đi làm, làn da rám nắng mạnh khỏe trước đây trở nên mướt mà, mọi cử chỉ của John cũng dịu dàng mềm mại một cách cố ý. Rồi anh ta lại tìm cách đi Thái Lan nhiều lần nữa với lý do là công tác, nhưng sau cùng thì tôi biết rằng anh ta đi Thái Lan để giải phẫu thanh quản làm  cho giọng  nói êm ái hơn giọng ồ ồ của một người đàn ông.

Chồng tôi đã biến thái thành đàn bà một trăm phần trăm sau nhiều cuộc giải phẫu!
Vừa đau đớn vừa kinh hoàng, tôi đối diện hằng ngày với một người đàn bà đã là chồng mình hai năm nay!!! Tôi muốn khóc cũng không khóc được, muốn điên cuồng cho quên thực tế phủ phàng cũng không xong và lại buột phải  ly dị một lần nữa.
Lúc này Jonh đã ra tòa làm lại giấy tờ với cái tên Nancy. Anh ta đi Thái Lan một lần nữa để hoàn tất cuộc giải phẫu sau cùng, nhưng tiếc thay đã thất bại. Những cuộc giải phẫu liên tục đã hủy hoại giọng nói của anh, bây giờ những âm thanh phát ra từ cuống họng của anh ồ ề như tiếng nói của ma quỷ từ địa ngục vọng về. John bị chứng trầm uất trầm trọng vì bây giờ anh không thể nào trở lại làm một người đàn ông như cũ! Trong cơn hoạn nạn John bị gia đình và xã hội từ bỏ nên lại càng tuyệt vọng muốn tự tử. Người nhà John cũng không chứa chấp anh ta, sau lần thăm John, tôi cầm lòng không đậu cho anh share lại nhà mình và săn sóc anh như một người chị gái! Thật oái oăm cho tôi, nhớ lại ngày đầu gặp John tôi đã có trực giác rằng anh là một người yếu đuối cần được che chở nhưng tôi có ngờ đâu rằng tôi phải chăm sóc anh trong tình thế hiện nay! Đôi mắt êm dịu của John ngày trước tôi tưởng biểu hiện cho một tâm  hồn nghệ sĩ không ngờ chỉ là một đôi mắt nhung mà bây giờ hằng ngày anh dành nhiều thì giờ để tô vẽ cho nó long lanh gợi cảm. Không biết tôi đổi cách xưng hô với anh từ bao giờ, đôi khi nghe mình gọi anh là chị” Nancy” tôi nghe lòng mình buốt lên từng cơn. Có khi săn sóc John những khi anh đau ốm, lúc này John bịnh triền miên do hậu quả những cuộc giải phẫu, tôi đau đớn nhớ rằng đã có lúc tôi âu yếm thương yêu người chồng đầu ấp tay gối, tôi lại cồn cào buồn nôn như những cơn đau bao tử  hành hạ. John có nhiều lúc hối hận, vì anh thật là một người chồng tốt nhưng không hiểu tại sao lại trở nên như vậy. Có lúc anh nhìn tôi ngẩn ngơ như một đứa trẻ vừa làm mất đi một vật gì quý giá nhất, và mơ ước được trở lại là một người đàn ông, người chồng yêu dấu trước kia của tôi. Khi đôi tay mềm mại có những móng tay thon dài sơn màu của anh cầm tay tôi mà nói rằng anh không thể sống mà không có tôi,  lòng tôi lại cồn cào một cảm giác khó tả, vừa tiếc nuối thương yêu vừa ghê sợ tội nghiệp, tôi quay mặt đi để dấu những giọt nước mắt đắng cay.
Tôi vẫn không sao bỏ John được, có những kỳ phép hai mẹ con tôi đi chơi thật xa những mong ước có những phút giây bình yên, nhưng hình ảnh John tội nghiệp trong chiếc áo đầm mầu hồng với bàn tay có những móng thon dài sơn màu làm tôi  vừa khó chịu bực mình vừa bâng khuâng nhớ hình ảnh cao lớn hiên ngang của anh ngày tôi mới quen cùng những chăm sóc chu đáo của một người chồng trong những ngay sống chung hạnh phúc,  nước mắt tôi tràn ra ướt má. Tôi đắt tay con ghé vào một shop bán đồ nữ trang cho khách du lịch và mua cho “chị Nancy” một xâu chuỗi ngọc trai trắng ngà.
Lẩn thẩn dắt con sang tiệm đồ chơi mua cho nó chiếc máy bay chạy pin rồi không biết nghĩ sao tôi quay về phía hàng quần áo đàn ông mua cho “ chồng” mấy chiếc quần đùi và áo may ô là những thứ tôi thương mua cho chàng sau những chuyến đi xa!..
Thời gian qua, tâm hồn tôi dần dần trở lại bình tĩnh, tôi vẫn lo đi làm và nuôi dạy con kèm theo cả việc săn sóc “chị Nancy” nhưng tôi không còn bực dọc hằn học với chính mình, tôi thật tâm tội nghiệp và lo lắng cho Nancy, người đàn bà đã một thời là chồng tôi.
Một hôm người bạn thân của tôi ở Florida rũ tôi qua đó học một lớp tu thiền,  đó là niềm mơ ước từ lâu của tôi kể từ khi ly dị lần thứ hai trong đời. Tôi muốn tu học để tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Trước khi nhận lời tối hôm đó tôi vào phòng Nancy mang cho chị một cái bánh ngọt mà tôi vừa làm xong. Nancy đang xem TV, chị vui mừng thấy tôi và hỏi tôi đã ăn uống gì chưa. Tôi kéo cửa sổ lại và nói:
-Nancy phải cẩn thận, mùa này gió máy dễ bị cảm lắm!
Nancy cảm động nhìn tôi:
-Cám ơn Mai đã lo lắng cho tôi, nếu không có Mai thì có lẽ tôi đã chết lâu rồi, kể từ ngày tôi không còn được diễm phúc làm chồng Mai nữa...
Tôi gạt đi:
-Chuyện qua rồi quên đi là hơn. Nancy này tuần sau tôi và thằng cu Tý đi Florida một tháng. Nancy ở nhà nhé.
Nancy hoảng hốt:
-Mai lai đi xa cả tháng à?
Nói xong Nancy ứa nước mắt, lúc này chị không khỏe lame, mỗi ngày có cô y tá đến chăm sóc nhưng tôi vẫn lo lắng cho chị mọi thứ, không hiểu sao tôi bị buộc chặt vào người chồng đặc biệt này một cách tự nguyện như vậy. Tôi thở dài:
-Thôi Nancy đừng khóc nữa, tôi sẽ ở nhà, đi ngủ sớm và nhớ mặc cho đủ ấm. Chủ nhật này nếu Nancy muốn, tôi sẽ đưa chị đi chùa vào dịp rằm tháng tư này nhé, tôi tin rằng chị sẽ thích không khí ở chùa.
Nancy vui mừng cầm tay tôi:
-Cám ơn Mai, Mai cũng ngủ sớm đi...
Tôi mỉm cười vuốt tóc chị và cảm thấy tâm hồn an lạc hơn bao giờ hết. Nhìn mái tóc dài uốn dợn sóng đã có sợi bạc của chị tôi cảm thấy mình như một nữ tu đang hiến cuộc đời cho những nỗi đau của nhân loại.
Khép cửa phòng Nancy tôi nhè nhẹ bước ra vườn sau, đêm nay gió nhiều làm lay động những bóng cây trong vườn. Dưới ánh trăng khuya, trời đêm lạnh lẽo, tôi trầm ngâm nhìn những bông hồng nhạt màu, nghĩ đến đời mình và những đớn đau tuyệt vọng đã đi qua như một giấc mộng, mà tôi buộc phải dừng chân  ở một nơi là ngõ cụt không lối thoát.

Tiếng thằng Tý kéo tôi trở về thực tế:
-Mẹ ơi có điện thoại của ba!
Đi vội vào nhà cầm điện thoại từ tay thằng bé tôi nghe tiếng nói ấm áp từ đầu dây bên kia:
-Em ngủ chưa? Xin lỗi đã gọi trễ, chủ nhật này em có rãnh không? Anh định đón em và thằng Tý đi Disney Land chơi.
-Để em xem lại, chủ nhật này là rằm tháng tư có lẽ em và Tý cùng Nancy đi chùa...
Tiếng Hùng vui vẻ:
-Lần khác vậy, lúc này em ra sao? Tuần trước anh nghe thằng Tý nói lúc này Nancy không khỏe lắm, tội quá, em lúc nào cũng bận rộn vất vả...
Giọng Hùng ái ngại như cảm thông cho tôi, tự nhiên tôi thấy vui vẻ vì có một người bạn thân, người chồng cũ đã một thời hiểu mình. Tôi ân cần hỏi:
-Lúc này anh ra sao? Vẫn đi làm đều đặn đó chứ? Hay tuần này anh đi chùa thăm mẹ con em, nếu cuối tuần không gặp anh, thằng Tý buồn lắm. Em định đi Florida theo lớp tu thiền nhưng chị Nancy không khỏe thành ra phải ở nhà.
Giọng Hùng cảm động:
-Em thì bao giờ cũng vậy, có hề sống cho mình đâu. Thôi tạm dừng cho em ngủ, cho anh gởi lời thăm chị Nancy!
Gác phone tôi bâng khuâng bước sang phòng Tý, nó đang chơi game, tôi bước lại gần vuốt tóc con:
-Không còn sớm đâu! Con ngủ đi mai còn đi học, chủ nhật này sẽ gặp ba trên chùa.
Tý vui mừng:
-Vậy lần sau mới đi chơi Disney Land phải không mẹ, mau lên không thì qua mùa đông đó!
Tôi cười xoa đầu con rồi lặng lẽ trở về phòng, nhìn tấm hình Hùng và mẹ con tôi ở bãi biển Thuận An năm nào tôi bùi ngùi như trở lại những ngày xưa bên nhau. Bao giờ chúng tôi cũng là bạn thân, là cha mẹ của Tý, là đôi bạn đồng hành trong thời niên thiếu hiểu và thông cảm nhưng không bao giờ có thể ở bên cạnh nhau.

Chắc giờ này Nancy vẫn còn thao thức tiếc nuối cho hậu quả điên cuồng của mình, tôi vẫn ở bên cạnh nhưng chỉ là một người em gái bất đắc dĩ, tôi thở ra nhè nhẹ tìm dần vào giấc ngủ  khi những giọt nước mắt cô đơn còn đọng trên má. Trong mơ tôi là một ni cô đang chăm sóc cho những người mất trí. Khi săn sóc cho một bịnh nhân mới nhập viện nằm co quắp trên giường, tôi nhẹ nhàng cởi áo và lau mình mẩy cho bà ta thì giật mình vì đó chính là Nancy, tôi kêu lên hốt hoảng làm người bịnh mở mắt thì đó lại là John của những ngày hạnh phúc. Tôi ôm chầm lấy anh mừng rỡ nhưng trong tay tôi chỉ là một khoảng không. Tôi gục xuống nức nở, một bàn tay ấm áp đặt lên vai tôi. Tôi ngửng lên, Hùng đang nhìn tôi ái ngại.... Giấc mơ dẫn dắt tôi vào nhiều ngõ ngách của cuộc đời, của tâm hồn.. nhưng hôm sau khi thức dậy tôi đã quên hết,  chỉ còn lại ánh bình minh ấm áp chan hòa lên vạn vật, phản chiếu long lanh những giọt sương khuya còn đọng lại trên cỏ hoa.

Cao Thanh Tâm. 

   

 

 
 
mission | staff | researches | announcements | events
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved