TÌM LẠI MÙA XUÂN

 
     
 

Thân Hữu Hoàng Mộng Lương

Vừa bước xuống xe, Tuấn vội kéo cao cổ áo lạnh, bầu trời San Diego gần cuối tháng 12 dù vẫn trong xanh nhưng nhiệt độ buổi chiều xuống thấp.  Vừa đến cửa nhà hàng Kobé, một cô gái Á Đông với bộ đồ Kimono cổ truyền đã mở toang cánh cửa mời chàng vào với nụ cười thật tươi.

Sau khi được hướng dẫn vào chỗ ngồi ở một góc phòng, Tuấn đưa mắt nhìn quanh.  Nhà hàng trang hoàng thật trang nhã với những bức tranh của Phú Sĩ Sơn và những cành hoa đào nở rộ làm Tuấn hồi tưởng lại những công tác ở Nhật Bản, những đêm trời tuyết ngồi uống rượu Sake dưới chân Phú Sĩ.  Đang còn miên man suy nghĩ, bổng một giọng nói thật nhẹ nhàng dễ thương cất bên tai:  Thưa ông có dùng gì không trước khi chọn món ăn chính?  Tuấn ngửng đầu lên nhìn người con gái vừa nói với chàng mà tưởng như mình hoa mắt, chàng nhắm hai mắt lại, cố gắng định thần trước khi mở mắt trong nổi bàng hoàng:   có phải Quỳnh Hương bằng xương bằng thịt, người của hai mươi năm về trước đang đứng trước mặt mình?  Cũng dáng dấp đó, ánh mắt đó, khuôn mặt đó, đây là mơ hay thật?  Thấy người khách nhìn mình một cách trân trối đầy vẻ xúc động, cô gái cảm thấy có điều gì không được bình thường:  Ông làm sao vậy?  Sao lại nhìn cháu sửng sờ như vậy?  Trời khá lạnh mà trán Tuấn rươm rướm mồ hôi, chàng nhìn vào bản tên trên ngực áo của người con gái đang đứng trước mặt mình, YUKI, có nghĩa là đại dương, Tuấn nuốt nước miếng một cách khó khăn và cất tiếng hỏi:
-Cháu có phải là người Việt Nam không?  Tên Nhật của cháu là YUKI, tại sao cháu lại chọn tên này?  Cô bé đưa cặp mắt tròn xoe nhìn chàng và trả lời:
-Ông cũng là người Việt Nam hả?  Dạ cháu chọn tên này vì mẹ cháu rất yêu mến đại dương, mẹ kể rằng ba cháu là một sĩ quan Hải Quân và đã chọn đại dương làm tổ quốc thứ hai.
-Ba cháu là sĩ quan Hải Quân hả?  Ngày xưa chú cũng là sĩ quan hải quân, ba cháu tên gì?  Đơn vị cuối cùng đóng ở đâu?  May ra chú cũng được quen biết ba cháu ngày xưa.
-Dạ ba cháu tên Trần Minh Tuấn, đơn vị cuối cùng của ba cháu là Duyên Đoàn 14 ở Hội An.
Tuấn sửng sờ, cố gắng dấu xúc động mà giọng nói vẫn hơi run run:
-Có phải mẹ cháu là Nguyễn Thị Quỳnh Hương và tên cháu là Hải Yến không?
Đến lượt cô gái ngạc nhiên:
-Đây là lần đầu tiên gặp gỡ mà sao ông lại biết tên cháu và cả tên mẹ cháu?
Không cầm lòng được, hai dòng nước mắt tuôn trào từ khóe mắt của Tuấn, chàng đưa tay cầm lấy bàn tay nhỏ bé của cô bé.  Trên ngón tay đeo nhẫn của cô bé có một chiếc nhẫn của quân trường OCS.
-Tại sao ông khóc?  Tại sao ông cầm tay cháu?
-Hải Yến, con biết taị sao không?  Tại vì chú là Trần Minh Tuấn, là cha của con đây, cảm ơn ơn trên đã cho cha tìm được con, tìm được mẹ con trong một hoàn cảnh thật không ngờ.
-Ông là cha cháu?  Sao mẹ bảo cha đã chết từ năm 75 rồi? 
Tuấn ôn tồn bảo cô bé: con hãy ngồi xuống đây để cha kể một câu chuyện thật dài cho con nghe.

Năm 1969 chiến tranh đến hồi mãnh liệt, cha cùng một số bạn bè tình nguyện vào hải quân, sau đó được may mắn tuyển chọn qua Hoa Kỳ thụ huấn khóa OCS.  Mẹ con là một nữ sinh viên đại học, mẹ và cha yêu nhau được một thời gian, nhưng gia đình mẹ cấm đoán vì không muốn con gái mình thương một người lính trong thời ly loạn, sống chết không biết ngày nào?   Vì tự ái một người đàn ông, cha đành phải chia tay với mẹ con, rồi Mùa Hè Đỏ Lữa 72, lại đến với Biến Cố 75, gần cuối tháng 3, 1975, cha từ đơn vị về được Đà Nẳng mấy ngày để tìm bà nội cùng mấy cô-chú di tản từ Huế vào, tình cờ ba gặp lại mẹ con, không ngờ bao nhiêu năm xa cách mẹ vẫn còn yêu thương cha.  Và trong những ngày cuối tháng ba đó, mẹ và cha đã đến với nhau, cho nhau tất cả, không cần biết ngày mai sẽ ra sao?  Trong những phút giây mặn nồng mẹ và cha có đồng ý với nhau rằng, nếu có thai, sau này sanh con trai sẽ đặt là Hải Đăng và con gái sẽ là Hải Yến.  Trước khi chia tay cha đã trao tặng mẹ con chiếc nhẫn của quân trường OSC.  Sau đó cha trở về đơn vị, ngày cuối tháng ba theo đơn vị xuôi Nam, về đến Sàigòn có đến điểm hẹn, là nhà của một người bạn, nhưng sau bao ngày chờ đợi vẫn không thấy bóng dáng của mẹ con, như vậy là giờ phút cuối mẹ con đã kẹt lại ở Đà Nẳng.  Sau đó cha theo tàu di tản qua Subic Bay vào cuối tháng tư, rồi định cư tại tiểu bang Florida, USA.  Vừa đi làm vừa đi học, cha đã tốt nghiệp kỷ sư và sau đó đã làm việc cho Bộ Quốc Phòng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn từ ngày ra trường cho đến bây giờ.  Cha từng đi công tác ở San Diego nhiều lần, và cảm thấy yêu thích thành phố này rất nhiều, vì nó có núi, có biễn, giống như Huế ngày xưa.  Cha đã xin thuyên chuyển về đây, xa lìa tuyết lạnh mùa đông, tìm về một nơi nắng ấm, giống quê hương mình.  Mấy ngày vừa qua, cha đã theo một nhân viên địa ốc, chọn được một căn nhà vừa ý, gần biễn, đã ký giao kèo, cha dự định ngày mai sẽ về Los Angeles thăm mấy người bạn cùng khóa OCS, vài ngày sau đó sẽ về lại DC để thu xếp công việc và sẽ di chuyển vĩnh viễn về San Diego.

Bao nhiêu năm nay cha đã không ngừng tìm kiếm tin tức của mẹ con, đã gởi thư về địa chỉ cũ ở Việt Nam nhưng không bao giờ nhận được hồi âm, cách đây vài năm có gặp được một người bạn học ngày xưa của mẹ trong một ngày “NHỚ HUẾ” cho biết là sau 75, gia đình mẹ con trở lại Huế, ông ngoại mất trong trại học tập, sau đó bà ngoại và cả gia đình vào Sàigòn tìm đường vượt biên, không biết sống chết thế nào.  Trong lòng cha lúc nào cũng nghĩ đến mẹ, con, bao nhiêu năm nay cha vẫn ở vậy không lập gia đình, vẫn hy vọng một ngày nào được gặp lại mẹ con, hôm nay nhìn thấy con, giống mẹ con ngày xưa vô cùng, cha đã không ngăn được xúc động.  Hải Yến nước mắt đã ràn rụa từ lúc nào, ôm chầm lấy Tuấn và kêu lên: cha, cha của con, mọi người ơi, đây là cha của con...Mọi người trong quán xôn xao, vây quanh hai cha con Tuấn, khi hiểu được chuyện, họ đều vui vẻ chúc mừng.

Tuấn kéo con gái vào một góc phòng, mừng mừng, tủi tủi, hỏi han tin của Quỳnh Hương và những người thân, Hải Yến kể cho Tuấn nghe rằng sau khi ông ngoại mất, cả gia định dọn vào Sàigòn, tìm đường vượt biên, sau hai lần thất bại cuối cùng họ cũng tìm được bến bờ tự do, định cư ở San Diego, Quỳnh Hương, Hải Yến, lúc đó vừa tròn 3 tuổi, cùng mấy cô chú cùng bà ngoại.  Mười bảy năm qua, mấy cô chú đã thành đạt, lập gia đình, chỉ còn bà ngoại và mẹ ở với Hải Yến, năm nay gần tròn 20 tuổi, đang học năm thứ hai đại học, vừa đi làm vừa đi học, Quỳnh Hương bao năm nay dù có nhiều người theo đuổi vẫn ở vậy nuôi con, phụng dưỡng mẹ già.  Hải Yến tươi cười nắm tay cha mà nước mắt vẫn lưng tròng thủ thỉ: Cha biết không hồi nảy vừa thấy cha bước vào là con đã cảm thấy một cái gì thân thương, chiếc áo lạnh hải quân cha đang mặc trên người con đã thấy trong một  bức hình cũ mèm mà mẹ vẫn thường hay cho con xem, mẹ kể rằng hôm đó trời lạnh, đêm Giáng Sinh ở Huế, cha đã quàng cho mẹ chiếc áo trên vai.  Hai cha con bàn kế đêm Giáng Sinh, Tuấn mang danh nghĩa là một người bạn cùng đơn vị ngày xưa với cha của Hải Yến sẽ đến thăm Quỳnh Hương và gia đình.
Quỳnh Hương dọn dẹp lại nhà cửa, hôm nay đúng là 24 tháng 12 rồi đó, chỉ mấy ngày nữa là sinh nhật 20 tuổi của Hải Yến, nàng thấy thương con vô cùng, từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ được một tiếng “cha”, không biết bây giờ Tuấn ở đâu, còn sống hay chết?  Nếu còn sống đã lập gia đình hay chưa?  Có khi nào nghĩ đến mẹ con nàng không?  Bao nhiêu năm nay nàng sống khép kín, không hề gặp một bạn bè nào của Tuấn ngày xưa.  Hôm qua Hải Yến đi làm về, cho nàng biết là có gặp một người nhận là bạn cùng đơn vị với Tuấn, xin phép chiều nay được đến thăm nàng và sẽ cho biết tin tức của Tuấn.  Đêm qua nàng không ngủ được, bao nhiêu kỹ niệm cứ hiện về, lòng cứ nôn nao, sáng nay nàng thấy con mình thật vui, thỉnh thoảng chạy vào ôm lấy mẹ, cười nói huyên thuyên, càng lớn nó càng đẹp, nhiều người nói nó giống mẹ như hai giọt nước.  Phải chi có Tuấn giờ này ở đây chắc mẹ con nàng sẽ mừng lắm.

Có tiến chuông cửa reo, Hải Yến vội chạy nhanh ra cửa, Quỳnh Hương bước theo con.  Dạ chào chú ạ, mời chú vào đây, đây là mẹ con, mẹ đây là chú bạn của cha con.  Người đàn ông bước vào nhà, ôm mấy hộp quà cao ngất che cả mặt mũi, Quỳnh Hương thấy người ấy mặc một chiếc áo lạnh da màu nâu của hải quân, giống như chiếc áo của Tuấn ngày xưa, bàn tay trái mang một chiếc nhẫn của quân trường OCS, sao lạ quá, hình như là chiếc nhẫn của Hải Yến mà nàng cho nó năm vừa đầy 18 tuổi, sáng nay này không thấy con đeo nhẫn, cứ tưởng là nó để ở trong phòng, bây giờ sao lại ở trên tay người này, nàng đã từng dặn nó đó là chiếc nhẫn kỷ niệm, không được đánh mất, hay trao cho một ai.

Thấy vẻ thoáng buồn trên mặt mẹ, Hải Yến cười một cách ranh mãnh, vội nói: Cha, à chú để con giúp chú đem mấy món quà nầy xuống, sao chú mua nhiều quà thế.  Người đàn ông theo Hải Yến để mấy món quà xuống trên chiếc bàn ở góc phòng, nhìn theo lưng người lạ, Quỳnh Hương cảm thấy một cái gì thật quen thuộc, thân thương.  Sau khi để mấy hộp quà xuống người đàn ông quay mặt lại và mỉm cười với Quỳnh Hương trong khi đó Hải Yến ôm cánh tay người đó một cách thân mật.  Tim nàng như muốn ngừng đập, vẫn nụ cười nữa miệng đó, vẫn ánh mắt ân tình đó, dù mái tóc đã nhuộm chút phong sương, nước mắt chảy dài trên đôi má, Tuấn của nàng đây mà, Tuấn của thương yêu, của năm tháng đợi chờ.  Anh, Tuất, đây là mơ hay là thật?  Sao anh không nói cho em biết sớm?  Hải Yến, sao con lại dấu mẹ?  Tại cha và con muốn dành cho mẹ một sự ngạc nhiên và món quà Giáng Sinh thật bất ngờ, Quỳnh Hương bổng bật khóc một cách ngon lành, khóc như chưa bao giờ được khóc. Mẹ nàng nghe tiếng khóc hốt hoảng từ bếp chạy lên, thấy Quỳnh Hương đang gục đầu vào ngực Tuấn, Hải Yến quàng tay ôm cả cha lẫn mẹ, bà đưa bàn tay lên chậm lấy giọt nước mắt vui mừng.  Ngoài kia tiếng chuông nhà thờ vừa đổ, báo hiệu Chúa ra đời.

THẰNG SUI

Hơn ba mươi năm qua rồi tôi vẫn còn nhớ rõ những điều gì xẫy ra ngày 30/4/1975.  Lên sửa chữa hạm 802 đêm 29/4 ngoài khơi bờ biễn Vũng Tàu, chúng tôi đa số chạy từ Vùng Một Duyên Hải vào, những sĩ quan trẻ, cấp bậc Trung Úy và mấy cô vợ trẻ, hoặc mới cưới hay là theo nhau vào những giờ phút cuối cùng ở Miền Trung.  Vì cùng chung hoàn cảnh nên chúng tôi rất thân nhau, nào Lễ, nào Xin, nào Minh, nào Diêu.  Sáng ngày 30/4 sau khi lịnh đầu hàng của Tổng Thống cuối cùng Dương Văn Minh, hạm trưởng quyết định ra đi, tàu nhổ neo trực chỉ Subic Bay, Phi Luật Tân, ngồi quay quần trên bong tàu, mấy cặp vợ chồng mời cùng hoạch định tương lai, dù không biết ngày mai sẽ như thế nào, những mỗi người đều mong ước nếu sau này có con cái, hy vọng tụi nó sẽ thương yêu nhau, kết thành vợ chồng, và tụi mình sẽ có dịp kêu nhau thằng sui thay vì anh chị sui hoặc ông bà sui giống như bình thường.  Sau mấy ngày lệnh đênh trên biễn, cuối cùng chúng tôi cũng đến Subic Bay, tày neo ngoài khơi, làm lễ hạ kỳ, trao lại con tàu cho Hải Quân Hoa Kỳ, nhìn lá cờ màu vàng ba sọc đỏ lần cuối cùng, mọi người đều rơm rớm nước mắt.  Chúng tôi theo tàu nhỏ vào đất liền, trong số đó có bảy vị tướng lảnh, không biết lên tàu từ lúc nào???!!!
Rồi từ Subic Bay qua Guam, đến Fort Chaffee, Arkansas.  Vợ chồng Lễ và chúng tôi đi chung với nhau.  Được bảo lãnh về thành phố Columbus, Georgia, chúng tôi ở chung với người bảo trợ một thời gian ngắn, rồi chúng tôi dọn ra mobile home để được tự do hơn và không phải cho chó ăn và dắt chó đi chơi dùm ông bà chủ nhà mà Hải Quân Trung Úy Lưu Văn Lễ cho là một điều không mấy hảnh diện.  Bà xã tôi mang bầu hồi còn ở Việt Nam, còn Kim Phụng vợ Lễ, qua đến Columbus mới có thai, cách nhau khoảng sáu tháng.  Lễ kiếm được việc làm ở một nhà máy, còn tôi làm Security Guard cho một công ty bảo hiểm.  Sau hơn một năm ở Columbus, nhà tôi sinh được một cháu trai đặt tên là Đan và vợ chồng Lễ có cháu Nam Hải, chúng tôi quyết định xuôi nam, về miền nắng ấm Florida, thành phố Gainesville, vừa đi làm vừa đi học, mong sao sẽ có một tương lai sáng sủa hơn.  Được hơn 2 năm, một lần nữa Lễ lại nổi máu giang hồ, theo người anh em chú bác ruột của tôi, Thiếu Tá Hoàng Đoan, Đại Đôi Trưởng Hắc Báo ngày xưa lên đường qua California lập nghiệp.  Còn tôi quyết định ở lại tiếp tục học hành.  Sau khi ra trường, tôi nhận làm việc cho Bộ Quốc Phòng, rời Gainesville, tôi lên Warner Robins rồi về Orlando, trong thời gian đó thỉnh thoảng vẫn liên lạc với vợ chồng Lễ, hè 1900, tôi nhận chức vụ Thanh Tra cho Bộ Quốc Phòng ở California, nghe tin tôi thuyên chuyển qua California, Lễ rất mừng, vội vàng thuê dùm tôi một ngôi nhà chỉ cách nhà Lễ có mấy bước, dù chưa biết chỗ làm việc của tôi xa hay gần, làm sau này mỗi buổi sáng tôi phải rời nhà từ năm giờ sáng và đến bãy giờ tôi mới về đến nhà (vì chỗ làm cách nhà đến 50 miles) nhưng được một cái là mỗi buổi chiều đi làm về Lễ đã chuẩn bị đồ nhậu sẳn sàng.  Đan và Nam Hải đã gần 15 tuổi, chúng tôi đã có năm con và Lễ cũng có bốn cô công chúa.  Vì nhu cầu công vụ, hơn một năm sau đó tôi lại thuyên chuyển về San Diego và cuối năm 1991 về lại Orlando.  Sau khi tốt nghiệp trung học, Đan trở lại Gainesville tiếp tục đại học Y Khoa, trong thời gian đó không biết Đan và Hải liên lạc với nhau như thế nào, chỉ biết khi xin chọn nhà thương cho Residencies, Đan chọn Cali thay vì Florida, điều này làm bà xã tôi buồn không ít.  Ngày Đan ra trường, Lễ và Nam Hải đã bay qua để chia vui cùng gia đình chúng tôi.  Ba năm sau tại Cali, ngày Đan chấm dứt thực tập cũng là ngày đám cưới của hai cháu.  Bạn bè, bà con từ mọi nơi về tham dự thật đông đủ, hơn 10 cặp vợ chồng ngày xưa cùng di tản trên sửa chữa hạm 802 cùng về để chia vui với chúng tôi.  Được đại diện hai họ, ngỏ lời với quan khách, còn nhớ tôi đã nói rằng:

Hơn ba mươi năm về trước, trên chiếc 802, chúng tôi có một ước mong chung là sau nầy sinh con đẻ cái, tụi nó lớn lên sẽ thương yêu nhau, kết thành vợ chồng và chúng tôi được cơ hội kêu nhau thằng SUI, không ngờ giấc mơ đó hôm nay thành sự thật, Lễ đâu, mầy lại đây cho tao bắt tay thằng SUI.

10/26/2005

** vài dòng về tác giả:
Anh Hoàng Mộng Lương sinh ra và lớn lên ở Huế. Cựu học sinh Quốc Học, cựu sinh viên ĐH Sư Phạm Huế, Cựu Sĩ Quan Hải Quân (OCS); tốt nghiệp kỷ sư điện từ ĐH Florida. Hiện đang hưu trí tại Orlando, Florida, sau 22 năm làm việc cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Anh là hội viên Hội thơ Tài Tử VN/ Florida và hội viên hội Văn Bút VN Hải Ngoại/ Trung Tâm Đông Nam Hoa Kỳ. Anh HM Lương và cá nhân Vĩnh Chánh là một cặp bạn chí thân trong thập niên 60 và 70 khi chúng tôi cùng lớn lên trong một môi trường lý tưởng: đó là trường Đồng Khánh. Bài thơ này được trích ra từ Tuyển Tập “Khung Trời” mà anh Lương cùng 2 bạn chiến đấu Đào Quang Vinh và Tô Văn Cấp trong binh chủng Không Quân và Thuỷ Quân Lục Chiến vừa xuất bản năm nay. Thay mặt Ban Biên tập Website YKH, chúng tôi chân thành cám ơn sự đóng góp thơ văn của anh và cầu mong sự nghiệp viết văn của thân hữu Hoàng Mộng Lương không còn ở giai đoạn “thẹn thùng” mà tiến mạnh theo nhịp đập con tim dẻo dai của anh. Thân mến.   

   

 

 
 
mission | staff | researches | announcements | events
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved