Họp mặt Tân Niên
Vài Hình Ảnh
Ghi Vội

 

 

 

 

 

 

 

  Trang sinh hoạt Y Khoa Huế Hải Ngoại.  
 

 

Hai mươi năm ký ức  1986 - 2006

Đồng Sĩ Nam

 



Hai mươi năm rồi thoáng qua mau
Mừng vui tái ngộ lẫn thương đau.
Mong tình thân hữu luôn bền vững
Anh em trong hội mãi thương nhau.
&
Nhớ những lần gặp lúc năm xưa
Thầy cô bạn hữu đấu say sưa.
Một chín tám sáu chuyện chưa hết,
Hai ngàn lẻ sáu nói cho bưa.

Giọng hát giựt gân của bạn Bùi Cao Đệ trong nhạc phẩm “Sáu mươi năm cuộc đời”: “Anh ơi có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời. Hai mươi năm đầu, vui sướng không bao nhiêu. Hai mươi năm sau...” làm tôi liên tưởng đến một sự thật hiển nhiên của cuộc đời, mà không ai chối cãi được. Thời gian trôi quá nhanh, vụt một cái đã hai mươi năm trôi đi. Tuy vậy, trong khoảng thời gian đó, cũng đã biết bao nhiêu chuyện, mà một kẻ tầm thường với đầy đủ thất tình lục dục đã chứng kiến những hỉ nộ ái ố của một thời. Mừng rỡ khi gặp được thầy xưa bạn cũ, những tưởng sẽ khó có khi được gặp lại. Khóc tiếc thương cho những người đã vội vã vĩnh viễn ra đi. Buồn vì những chuyện không hay đã xảy ra, giận khi nghĩ đến những sự hồ đồ mà nếu tế nhị chờ cho lúc không nóng giận để giải quyết thì đã không xảy ra những chuyện lục đục.

Với khả năng ghi nhớ của một kẻ đã gần đến tuổi sáu mươi, người viết cố gắng gợi nhớ cùng quý thầy cô,  cùng các đấng đàn anh,  các bạn đồng môn cùng các thân hữu những ký ức của hai mươi năm 1986 - 2006, với tinh thần càng già càng nhớ chuyện xưa, càng hay quên chuyện mới xảy ra, sẽ cố gắng ghi chép lại.

Tháng 4 năm 1975, một kỷ niệm khó quên trong lòng mọi người dân Việt Nam, nước nhà được thống nhất, nhưng người dân lại không được đoàn tụ. Kẻ ở phương Bắc vào giải phóng người phương Nam thì mới hay cố nhân đã vì quá sợ hãi, vì quá chán nản, không chấp nhận người xưa cộc cằn, thô lỗ đã đành phiêu lưu trôi giạt tản cư về những phương trời vô định. Những người thiếu may mắn không di tản được đã được người xưa dang cánh tay sắt máu ôm vào lòng mời đi nghỉ mát tại các vùng rừng thiêng nước độc, để anh em một nhà cùng nhau chia sẻ cùng nhau nếm mùi gain khổ cho biết. Người nào còn sống sót được chuyến nghỉ mát này (ngoại trừ vài anh như Phạm Bá Khá..), đã không thể nào sống được với chế độ mới, tìm mọi cách trốn thóat ra đi.

Từ khoảng năm 1977 trở đi hiện tượng thuyền nhân đã làm kinh ngạc cả thế giới, khi hàng trăm ngàn người với phương tiện đi biển rất là thô sơ, đã cả gan tìm cách thoát chạy qua những chuyến hải hành, ra cho khỏi cái hải phận của một nước mà họ đã có nhiều gắn bó. Cuộc vượt biên mà một nhà văn đã ví von là một cuộc bỏ phiếu vĩ đại bằng chân của những người đi tìm tự do, no ấm, một khẩu hiệu mà kẻ chiếm đóng đã nêu ra, đã không làm được hay làm ngược lại.

Qua đến thập niên 1980, một sô đông người Việt tị nạn trong đó có cả đại gia đình Y Khoa Huế nay đã định cư ở khắp nơi trên thế giới từ Âïu sang Úc, sang Mỹ, nhận những nơi tạm dung làm quê hương thứ hai. Họ từ từ ổn định lại cuộc sống, tìm cách trở lại hành nghề cũ; hoặc nếu chưa hoàn tất được những việc tái huấn luyện thì cũng đã có những phương tiện khả dĩ để nảy ra ý định là muốn gặp gỡ nhau,  lập ra một hội tương tế ái hữu để cho những ngươi đã một thời cùng học trường Y Khoa Huế có được một địa chỉ chung để liên lạc, để nối lại những dây thân ái.

Ý định và ý kiến tổ chức một buổi họp mặt của tất cả các cựu giáo sư đã từng một thời là nhân viên giảng huấn của trường Y Khoa Huế, cũng như các cựu sinh viên đã từng một thời theo học tại trường này đã được anh Trần Tiễn Sum phát động và thực hiện. Miền Nam California , Orange County, thủ đô của người tị nạn là nơi có nhiều người Việt sinh sống nhất tại hải ngọai, lẽ tất nhiên cũng là nơi mà các bác sĩ đã thi nhau, sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện tìm cách về an cư lập nghiệp ở tại vùng đất này. Sau thời gian âm thầm nghiên cứu cho chương trình đêm họp mặt y khoa Huế tại một buổi tối có thể được diễn tả là một  đại hội của hội ái hữu đại học y khoa Huế đã được tổ chức vào thành phố Fullerton, California, thứ Bảy đầu tháng 8 năm 1986. Do tài điều hợp khéo léo của anh Trần Tiễn Sum, tối hôm đó đã có sự hiện diện của giáo sư cựu khoa trưởng Bùi Duy Tâm, các anh thuộc lớp 1 và lớp 2 như Đoàn Yến, Lê Quốc Bảo, Trần Hữu Thế, Hà Thúc Như Hỷ và các anh khác thuộc khóa nhỏ hơn như Hà Công Lương, Bùi Cao Đệ, tuy nhiên đông nhất vẫn là đám bạn cùng thời như Phan Thiên Thái, Trần Tiễn Sum, Nguyễn Đăng Tri, Phạm Gia Khánh, Đồng Sĩ Nam và các cựu sinh viên khoá 7 như Trần Tiễn Ngạc, Võ Văn Phác, Nguyễn Đình Minh Hùng  cùng  vài người ở các lớp dưới hơn nữa mà tôi còn nhớ tên là Phan Chánh Đức v.v..

Sau khi ăn nhậu chuyện trò đến khan cả giọng, mọi người đều đồng nhất tiến tới việc thành lập một hội ái hữu Y Khoa Huế ở hải ngoại.  Ban chấp hành lâm thời gồm có chủ tịch là anh Đoàn Yến khoá 1, phó chủ tịch: anh Trần Tiễn Sum khoá 5, phó chủ tịch ngoại vụ : anh Hà thúc Như Hỷ- khoá 3, Tổng thư ký : Đồng Sĩ Nam- khoá 5, thủ quỹ : Phạm Gia Khánh- khoá 6. Mục đích và tôn chỉ của hội không ngoài ý nghĩa tìm kiếm, quy tụ những cựu giáo sư giảng sư nhân viên cũng như các cựu sinh viên đã từng một thời phục vụ và theo học tại trường Y Khoa Huế. Tạo ra một địa chỉ để cho tất cả các thân hữu có thể liên lạc với nhau ; giúp đỡ, yểm trợ cho các anh chị em mới vừa đến định cư tại Mỹ lấy lại bằng hành nghề hoặc tìm những chương trình huấn luyện về lâm sàng . Tôi còn nhớ mãi khi buổi họp mặt đã xong, bọn chúng tôi gồm Tri, Sum, Thái, Nam vẫn tiếp tục uống nước trà đấu láo đến lúc trời sáng bét mắt mới hay, anh em lại rủ nhau xuống Santa Ana ăn phở, cà phê nói chuyện đến trưa rồi mới chịu chia tay. Một năm sau đó, khoảng năm 1987, hội ái hữu Y khoa Huế lại gặp nhau. Lần này ở một địa điểm khác tại miền Nam Cali, vùng Encino nơi có dinh thự của bác sĩ Trần Tiễn Sum là hàng xóm của nam ca sĩ nổi danh Micheal Jackson.Bước vào toà nhà đồ sộ của ông bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, mới hiểu tại sao là các đấng tu bíp rất hâm mộ ngành chuyên khoa này. Biệt thự của anh chị Trần Tiễn Sum trong nhà với lối trang trí Đông Tây hoà hợp, màu sắc thanh nhã trông thật đẹp mắt. Anh em đã được anh Sum dành cho một phòng khách lớn trên lầu để làm nơi hội họp. Trong lần gặp này, một cuộc hội thảo đã được diễn ra rất sôi nổi về nội quy của hội. Thành phần tham dự hôm đó lại còn có mặt của cả giáo sư Âu Ngọc Hồ, cựu viện trưởng viện đại học Huế, cựu giáo sư Bùi Minh Đức , các đàn anh như Võ Văn Tùng, Võ Văn Cầu. Lúc đó, anh Cầu sắp sửa hoàn tất chương trình huấn luyện chuyên khoa về sản phụ khoa .Đặc biệt là sự hiện diện cuả thầy Nguyễn Văn Tự vừa mới sang Mỹ. Ngoài ra còn có anh Lê Thuận, Võ An Dân, Lê Khắc Tánh. Thành phần ban chấp hành lâm thời 1986 nay được lưu nhiệm là BCH chính thức của hội Y khoa Huế, nhiệm kỳ 1987-1989. Sau một màn tranh luận sôi nỗi, mọi người vui vẻ ra ăn tiệc tại vườn sau nhà của ông phó chủ tịch., Vườn nhà ông rộng lớn quá đến nỗi đi bộ khá mỏi chân, có hồ nuôi cá quý, có cả cây trái, đặc biệt là cây khế trồng ở Huế nay cũng được đem qua trồng. Khách được thưởng thức một tuồng chèo cổ Thị Mầu lên chùa, do ban chèo cổ không biết có phải là Đỗ trí Đức hay không, trình diễn.

Đến năm 1988, hội ái hữu Y khoa Huế lại chọn thủ đô Hoa Thịnh Đốn làm nơi họp mặt, Đại hội này được tổ chức vào một ngày tháng 10, năm1988 tại tư gia của anh Dương Quang Hớn - khoá 6, với sự tham dự của hơn 31 người. Một điểm son là trong lần họp mặt này, hội đã bầu ra được một ban đại diện cho mỗi vùng, miền Tây, miền Đông Hoa Kỳ, cũng như đại diện của các vùng khác trên thế giới như Âu, Úc.  Danh sách hội viên của hội bây giờ đã có đến 120 người. Ngoài ra BCH cũng xúc tiến việc đúc kết curriculum của trường Huế từ lúc mới thành lập cho đến tháng 4-1975. Một bản văn kiện mà sau đó đã được BOMQA( Board of medical quality assurance ở California) dùng để duyệt xét credential cho các cựu sinh viên YK Huế mới nộp đơn xin bằng hành nghề ở California. 

 

Buổi họp mặt ở San Jose năm 1995

Đại hội Y khoa Huế năm 1989 đã thu hút được rất nhiều thầy cô, các anh em bằng hữu từ phương xa ghé đến miền nam California để dự đại hội y nha dược sĩ thế giới tổ chức tại Anaheim, California. Buổi họp mặt của y khoa Huế đã được tổ chức tại tư gia của anh Bùi Cao Đệ, khoá 4 y khoa Huế, ở Larguna Beach. Trong buổi họp này anh chủ tịch Đoàn Yến đã tuyên bố BCH nhiệm kỳ 1987-1989 xin từ chức vì hết nhiệm kỳ và yêu cầu cử toạ bầu lên một BCH mới. Sau một lúc bàn cãi sôi nỗi, vì không có ai tình nguyện ra ứng cử, cử toạ đã đồng ý bầu anh Trần Tiễn Sum, khoá 5 vào chức vụ chủ tịch hội ái hữu y khoa Huế nhiệm kỳ 1989-1991 với thành phần như sau : chủ tịch : anh Trần Tiễn Sum, khoá 5, phó chủ tịch số 1: anh Hà Đức Như Hỷ - khoá 3, phó chủ tịch  số 2: anh Võ Văn Cầu, khoá 2 (Lúc này đang hành nghề tại Orange County, California), tổng thư ký: Đồng Sĩ Nam, phụ tá tổng thư ký : Phan Chánh Đức- khoá 9, và thủ quỹ : Võ Văn Phác, khóa 7. Kỳ họp mặt này ngoài sự hiện diện của cựu khoa trưởng Bùi Duy Tâm, phó khoa trưởng Võ Đăng Đài, các cựu giáo sư Bùi Minh Đức cũng như các thân hữu từ các phương xa như từ Pháp có anh Trần Hữu Thế, và từ Canada có Tôn Nữ San, Bích Thụy. Ngoài ra các tiểu bang khác như Louissianna có anh Vĩnh Chánh, Hầu mặc Sửu. Trong nhiệm kỳ này hội đã có danh xưng Mutual Association of Hue, School of Medicine Graduated, thủ quỹ Võ Văn Phác và tổng thư ký Đồng Sĩ Nam đã đi mở trương mục tại Ngân Hàng East West Bank ở Bolsa Ave., Orange County.

Song song với Đại Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ được tổ chức tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Mỹ quốc một ngày họp mặt y khoa Huế cũng đã được tổ chức tại tư gia của anh Bùi Cao Đẳng khoá 7 vào ngày 11-8-1990. Lần họp mặt này ban tổ chức đã quy tụ được một số rất đông đảo quý thầy cô và thân hữu từ cựu khoa trưởng Bùi Duy Tâm cho đến các anh chị thuộc khoá 1, khoá 2 như:  Nguyễn Văn Thuận, Tôn Thất Viên, Lê Quốc Bảo, Đoàn Yến, Đoàn Thế Hưng, Lê Đình Thương, Lê Văn Danh, Nguyễn Thị Đinh Châu, Hầu Mặc Sữu, Ngô Trọng Thọ, Nguyễn xuân Thanh,  Đoàn Kim Phước cho đến những anh em các khóa 5, 6, 7 như anh Dương Quan Hớn, anh Nguyễn Văn Bách, anh Trần tiễn Sum, Hoàng Anh Tuấn , Vĩnh Chánh, Trần tiễn Ngạc, Bùi Cao Đẳng, Hoàng Ngọc Vinh, ngoài ra còn có sự hiện diện của một cựu sinh viên thuộc khoá sau này là anh Trần tiễn Hiền, người đã phối hợp với anh Bùi Cao Đẳng tổ chức buổi họp mặt rất là thành công ở tại xứ miền Đông Hoa Kỳ này. Trong khoảng thời gian nhiếp chánh này, hội đã cố gắng hoàn tất những điều đưa ra trong thư ngỏ vào tháng 10-1989 của anh chủ tịch Trần tiễn Sum, thứ nhất là thắt chặt mối dây liên lạc giữa các hội viên, thứ hai là thành lập hội quản trị hội ái hữu đại học y khoa Huế, thứ ba hợp thức hóa về pháp lý cho danh xưng của hội, và thứ tư là thành lập ủy ban tương trợ.

Buổi họp mặt năm 1991 của hội ái hữu y khoa Huế đã mang một sắc thái rất đặc biệt và độc đáo. Lần đầu tiên tại một nơi nhỏ bé nhưng nổi tiếng ở Tây Đức , một số các vị trong ban giảng huấn cũ cũng như các cựu sinh viên y khoa Huế đã tụ tập đông đảo tại địa danh này, Freiburg là trường đại học y khoa của tỉnh này đã giúp đỡ, yểm trợ rất nhiều cho trường y khoa Huế từ năm 1960 và chấm dứt vào năm1968, sau khi hai ông bà thạc sĩ y khoa Krainick, bác sĩ Disher và bác sĩ Alterkoster đã bị thảm sát vào biến cố tết Mậu Thân.

Trong vòng 2 ngày 20/21-7-1991, với sự điều hợp của anh Tôn Thất Hứa khoá 1 ở Đức, hội ái hữu y khoa Huế đã đến đặt vòng hoa và dựng bia ở tại mộ của hai ông bà Krainick và mộ của ông Disher. Sau đó, phái đoàn đã làm lễ truy điệu cho cố linh mục Cao văn Luận, cố khoa trưởng Lê Khắc Quyến, và các bác sĩ người Đức. Chắc chắn là những người đã tham dự buổi họp mắt trên, không ít thì nhiều , cũng đã lưu lại cho mình rất nhiều kỷ niệm về chuyến đi này.

Trong kỳ họp mặt này các hội viên có mặt đã đồng ý lưu nhiệm anh Trần tiễn Sum trong chức vụ chủ tịch của hội niên khoá 1991-1993. Ngoài ra hội đã thay đổi nội quy để bầu thêm một chủ tịch chuẩn nhiệm là anh Lê Đình Thương khoá 1, phó chủ tịch anh Lê Quốc Bảo khoá 1, tổng thư ký: anh Hà Thúc Như Hỷ- khoá 3 và thủ quỹ là Đồng Sĩ Nam khoá 5. Sau buổi họp mặt mọi người đều sang thủ đô Paris tham dự đại hội y nha dược sĩ thế giới, một cuộc hành trình du lịch đầy kỷ niệm.

Nhiệm kỳ 1993-1995 của anh chủ tịch Lê Đình Thương đã bắt đầu với việc tổ chức một buổi họp mặt cho y khoa Huế tại Orlando, Florida, Mỹ Quốc. Như các lần trước, song song với đại hội y nha dược sĩ thế giới, hội y khoa Huế đã tổ chức một đại hội thường niên để bầu ban chấp hành. Tham dự buổi họp mặt này có các quý vị trong ban giảng huấn như bác sĩ Đinh Văn Tùng, bác sĩ Nguyễn Văn Tự cùng gia đình hội viên hội ái hữu y khoa Huế như Tôn nữ San, Diệm Trinh từ  Canada sang, Hầu Mặc Sữu, Tạ Quang Hát từ  Louisiana qua, Bửu Cần , Dương Quang Hớn, Bùi Cao Đẳng, Lê Đình Thương, Ngô Trọng Thọ từ miền Đông xuống. Đoàn Yến, Trần tiễn Sum, Trần tiễn Ngạc, Lê Quốc Bảo ,Võ Văn Phác, Đồng sĩ Nam đến từ California . Tại địa phương Florida thì thâý có anh Bùi xuân Định, Nguyễn Chiến, và đặc biệt là anh Tôn Thất Sơn từ NaUy qua.

Thành phần ban chấp hành được bầu lên như sau. Chủ tịch: anh Lê Đình Thương khoá 1, chủ tịch chuẩn nhiệm: anh Lê Quốc Bảo khoá 1, phó chủ tịch: anh Ngô Trọng Thọ khóa 3; tổng thư ký anh Dương Quang Hớn, khóa 6; ủy viên liên lạc: anh Hầu Mặc Sữu khoá 1; ủy viên tài chính: Đồng sĩ Nam, khoá 5. Ủy viên báo chí: anh Hà Thúc Như Hỷ khoá 3. Chủ trương và đường lối làm việc của hội là kêu gọi sự tiếp tay của tất cả các hội viên; tu chỉnh nội quy và đặc biệt là niên liểm sẽ được giảm đi để cho có sự đóng góp đồng đều. Trong kỳ họp này, tại đêm dạ tiệc do hội Y Nha Dược thế giới tổ chức tại Orlando Convention center, khách tham dự đã được thưởng thức tài của hai nhạc trưởng: anh Hoàng Thế Định điều khiển ban hợp ca hội y sĩ Florida, và anh Hà Thúc Như Hỷ, ca đoàn trưởng ca đoàn áo trắng của miền Nam California.
Vào tháng 7-1994, một buổi lễ tưởng niệm cố linh mục Cao Văn Luận và cố khoa trưởng Lê Khắc Quyến đã được tổ chức tại chùa Vạn Phật Thành,Talmagage , California cách San Francisco khoảng ba tiếng lái xe. Một nhóm các cựu sinh viên y khoa Huế đã cùng sinh hoạt với nhau ở trong khuôn viên tại chùa. Sáng hôm sau đã dự lễ tại chánh điện của chùa dưới sự chứng giám của tỳ kheo Hằng Trường là con của cố khoa trưởng Lê Khắc Quyến. Sau buổi lễ, mọi người tham dự đã được mời thụ trai, một bữa ăn chay đạm bạc nhưng đầy tình thân ái.

Ngày 29-7-1995, một lần nữa, buổi họp mặt của hội y khoa Huế lại được tổ chức cùng lúc với  đại hội y nha dược sĩ thế giới ở tại San Jose, California. Một số đông các hội viên đã họp để bầu lên một ban chấp hành như sau: chủ tịch: anh Lê Quốc Bảo khoá 1, phó chủ tịch: chị Nguyễn Thị Tinh Châu, khoá 2: Tổng thư ký: anh Lê Văn Hùng khoá 9, và thủ quỹ: Đồng Sĩ Nam. Sau Đó vào tháng 10-1995, anh Trần tiễn Sum đã vận động  nhóm y khoa Huế ở Canada để bầu anh Lê Đức Tâm vào chức vụ chủ tịch chuẩn nhiệm, nhiệm kỳ 1997-1999.

Trong nhiệm kỳ 1995-1997, hoạt động của hội ái hữu y khoa Huế gồm có: hợp thức hoá pháp lý hội non-profit organization với danh xưng là Mutual Association of Hue of School of Medicine Graduates, viết tắt là MAHSMG. Mở trương mục của hội tại Bank of America. Từ đó, tiền đóng góp cho hội được trừ thuế. Tổ chức một cuộc họp mặt hội ngộ thường niên ngày 11-8-1996, tại Wesminster, California, với sự tham dự đông đảo vào khoảng 200 người. Trong buổi lễ này, hội đã ghi ơn và vinh  danh các vị giáo sư và giảng sư đã từng phục vụ tại đại học y khoa Huế, đặc biệt là cựu viện trưởng viện đại học Huế: thầy Lê Thanh Minh Châu.

Trong thời gian từ lúc hội bắt đầu hoat động cho đến năm 1996, một hội viên mà tất cả chúng ta cần phải có một lời cám ơn, một người không bao giờ quản ngại, không bao giờ từ chối làm những việc, những chức vụ nào cũng được, miễn sao là giúp đỡ được cho hội tồn tại và phát triển. Người đã giúp cho hoạt động thông tin, văn hóa của hội được khởi sắc, đó là anh Hà Thúc Như Hỷ, khoá 3 y khoa Huế. Nếu không có sự hợp tác nhiệt tình của anh, có lẽ chúng ta đã không có được cơ hội đọc những bản tin đầy súc tích. Anh đã cố gắng không ngừng nghỉ, đem hết tim óc sáng tác ra những áng thơ hay , những bài văn chải chuốt. Ngoài ra, chúng ta còn được thưởng thức những bức tranh đầy màu sắc, ý nghĩa, thanh nha, độc đáo được dùng làm bìa cho các tập san như Giai phẩm xuân Kỷ Tỵ 1989, Giai phẩm xuân Nhâm Ngọ 1990, Giai phẩm Xuân Tân Mùi 1991, Giai Phẩm Xuân Quý Dậu 1993. Và từ mùa xuân, giai phẩm y khoa Huế bắt đầu chuyển qua mùa hạ. Có hai đặc san như giai phẩm mùa hạ 1994, giai phẩm mùa hạ 1995 mà ngoài những tập hồi ký đầy súc tích và kỷ niệm, những bài thơ lời văn nhẹ nhàng, lãng mạn, còn có không ít những bài vỡ sưu khảo có gía trị về tập tục văn hóa Việt Nam, cũng như về y khoa. Các đặc san này đã được hưởng ứng nồng nhiệt không những của hội viên y khoa Huế, mà còn gây sự chú ý từ các hội đoàn y khoa bạn. Tôi đã có dịp cộng tác với anh trong nhiệm vụ tà lọt. Hội đã xử dụng cơ sỡ ấn loát của nhà văn Nhã Ca, để in ra những tập san đầy giá trị mà chúng ta vẫn còn giữ mãi cho đến suốt đời (Nhã Ca là tác giả "Giải khăn sô cho Huế", cũng như người đã lập ra học bổng cho y khoa Huế, năm 1969-70.)

Đến ngày 1-8-1997, cuộc họp mặt của y khoa Huế lại được tổ chức tại China Restaurant ở Montreal, Canada. Trong dịp này đại hội đã vinh danh bác sĩ Lê Bá Vận, bác sĩ Mac-Kinzie. Thời gian này (nhiệm kỳ 1997-1999), hoạt động của hội được giao lại cho nhóm bác sĩ Canada đảm nhận.  Những công tác sau đó đã được thực hiện là lập ra ủy ban duyệt xét và xác nhận các sinh viên y khoa Huế đã tốt nghiệp sau 1975 tại Việt Nam. Ủy ban gồm giáo sư Nguyễn Văn Tự, các anh Lê Quốc Bảo, và anh Trần tiễn Sum. Trong nhiệm kỳ 1997-1999, hội ái hữu y khoa Huế đã tổ chức một buổi họp mặt tại Virginia, Hoa kỳ vào ngày 4 tháng 7, năm 1998. Ngoài ra hội đã cố gắng để phát hành giai phẩm xuân 1999. Trong thời gian này hội cũng đã bầu lên ban chấp hành gồm chủ tịch là anh Lê Đức Tâm, khoá 10 y khoa Huế, chủ tịch chuẩn nhiệm :anh Trần Quang Hân, khoá 7 y khoa Huế, phó chủ tịch anh Trần tiễn Ngạc, khoá 7 y khoa Huế, tổng thư ký chị Tôn Nữ San, khoá 10 y khoa Huế, thủ quỹ Đồng Sĩ Nam khoá 5, báo chí là chị Lê Thị Diệm Trinh khoá 4 và anh Hà Thúc Như Hỷ .

Nhiệm kỳ của cố hội trưởng Trần Quang Hân 1999- 2001 đã được bắt đầu vào 2 tháng7, năm1999, ở một buổi họp tại nhà Đồng Sĩ Nam. Lễ bàn giao giữa hai hội trưởng cũ, mới Tâm Hân, cũng như một cuộc bầu cử đã được thực hiện, Anh Võ văn Cầu sẽ là chủ tịch chuẩn nhiệm cho nhiệm kỳ 2001-2003. Hôm sau 3-7-1997 lại có buổi lễ trao plaque cho giáo sư cựu khoa trưởng Bùi Duy Tâm tại nhà hàng Sea Food World ở Orange county. Rất tiếc, ông đã không đến được.

Anh Trần Quang Hân, với chức vụ chủ tịch, đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình. Sau 15 tháng ngắn ngủi làm hội trưởng, anh đã đột ngột qua đời vào ngày 8-5-2000. Ban chấp hành lúc đó gồm có hội trưởng anh Trần Quang Hân khoá 7, phó chủ tịch nội vụ kiêm chủ tịch chuẩn nhiệm: anh Võ Văn Cầu khoá 2, phó chủ tịch ngoại vụ, anh Trần tiển Ngạc khoá 7, Tổng thư ký anh Võ Văn Phác khoá 7, ủy viên tài chính: Đồng Sĩ Nam; ủy viên xã hội và y tế chị Nguyễn ThịTinh Châu, ủy viên báo chí anh Lê văn Hùng. Dưới sự điều hợp của anh Trần Quang Hân, ban chấp hành nên được khen ngợi về công việc làm cuả họ. Đáng đề cập nhất là anh Lê Văn Danh, chị Nguyễn Thị Tinh Châu, với sự hợp tác cao độ và tinh thần làm việc hăng say, trong công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt taị Thừa Thiên, Huế, anh chị đã vận động quyên góp được một số hiện kim hơn 10000 đồng. Số tiền này đã được anh Trần Lương Hoa tận tay đem về VN giao cho anh Bùi an Bình, trưởng khu Nhi khoa, bệnh viện trung ương Huế .Anh Bình phối hợp cùng các vị trong ban cứu trợ của chị Phan Kim Ngân, cùng đi với anh Hoa, đến  trao tiền thẳng cho các đồng bào tị nạn lũ lụt tại các ấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế vào tháng 11-1999.

Một công tác khác mà anh Hân đã hăng say làm là phối hợp với ban tổ chức hội y nha dược sĩ thế giới ở Pháp để tổ chức buổi họp mặt y khoa Huế tại Paris, Pháp quốc vào ngày 28-7-2000. Anh đã cổ động khuyến khích ủng hộ hội viên tham dự đại hội cũng như đã sốt sắng bỏ tiền túi ra deposit cho các nhà hàng Sofitel là nơi đã được dùng để tổ chức lễ họp mặt hội y khoa Huế.

Anh Trần Quang Hân đã ra đi vĩnh viễn trong sự thương tiếc ngẩn ngơ, tê tái của nhưng người quen biết anh, Hội ái hữu đã một phần nào, chu toàn ma chay cho anh.
Tất cả mọi hoạt động của hội đều hầu như bị khựng lại một thời gian nhưng rồi vẫn phải tiếp tục. Một lần nữa các anh thuộc khóa 7, y khoa Huế lại chứng tỏ khả năng luôn sẵn sàng phục vụ khi cần thiết ( có phải vì các anh đã là hướng đạo sinh hay không ?)

Anh Trần tiễn Ngạc đã tiếp nối công tác đang còn bỏ dở của cố hội trưởng Trần Quang Hân. Tiếp theo chương trình đã dự định, anh Ngạc đã cùng anh Phác và các hội viên khác ở Pháp như anh Thế, anh Thiện, anh Miên , tổ chức một cuộc họp mặt rất huy hoàng ,tráng lệ tại thủ đô ánh sáng mà không thâm thêm một đồng nào vào quỹ của hội  Hôm ấy ngoài sự hiện diện thường xuyên của các thầy cô Nguyễn Văn Tự, còn có sự có mặt của thầy Nguyễn Khoa Mân, là vị khoa trưởng đầu tiên của đại học y khoa Huế, thầy Nguyễn Văn Vĩnh , thầy Dupuis, thầy Candela. Một tấm plague đã được trao tặng cho bác sĩ Mân để cám ơn sự đóng góp của thầy trong những bước đầu tiên của trường. Anh Ngạc cùng với sự hợp tác overtime của hôn thê Lan Anh đã vừa năn nỉ, xin xỏ, ngoại giao, khéo léo để hoàn tất công tác chưa thành của anh Trần Quang Hân là hoàn tất phát hành đặc san y khoa Huế 2000. Tập san được đặt tên là Giai phẩm mùa thu 2000 vì mùa xuân không ra được báo , chờ mùa hạ cũng không xong, đến mùa thu mới hoàn thành được. Hình bìa với cách trình bày màu sắc và hình ảnh lôi cuốn người đọc; nội dung rất súc tích. Trong đặc san này , người đọc nên chú ý đến đoản thiên. Những chuyến đi xa của tác giả có bút hiệu là Thiên Di, tức là anh Trần Quang Hân . Bài viết có câu kết rất là định mệnh như sau Di đã đi xa và lần này chàng đã đi rất xa thật xa …

Trong thời gian này, hội cũng đã mất đi thêm một hội viên rất dễ thương, người đã hoạt động rất tích cực khi anh còn học tại trường y khoa Huế, đó là anh Đặng Ngọc Hồ. Anh Hồ là chủ tịch ban đại diện của y khoa Huế đồng những năm 1967-1968. Anh đã từ trần sau  cơn bạo bệnh, lúc tuổi đang còn sáu mươi.

Nhiệm kỳ 2001-2003, sau một thời gian nhiếp chính, anh Trần tiễn Ngạc đã bàn giao chức vụ lại cho anh Võ văn Cầu, chủ tịch chuẩn nhiệm. Trong buổi họp mặt y khoa Huế tại Clifton, New Jersey, Mỹ Quốc vào ngày 5-8-2001 với sự hiện diện của các thầy Đinh Văn Tùng, Nguyễn Văn Tự và các anh Yến, Bảo, Thương, Viên, Bách, Sum, Tùng , Cần, Tuấn. Anh Cầu đã tuyên bố thành lập 1 ban chấp hành mới gồm: Chủ tịch là anh Cầu, phó chủ tịch: anh Võ Văn Phác, tổng thư ký là anh Nguyễn Mạnh Điền, thủ quỹ là Đồng Sĩ Nam; ủy viên xã hội là Nguyễn thị Tinh Châu, người sau đó lại được giao thêm các công tác khác như cứu trợ và ủy viên tài chính. Cho đến 2002 vì nhu cầu hoạt động của hội cần có sự hiện diện làm việc của những người địa phương, ban chấp hành của hội đã tăng cường thêm anh Vĩnh Chánh vừa mới định cư ở Cali, anh Bùi Cao Đệ vào chức ủy viên văn nghệ và anh Phạm Gia Khánh ủy viên liên lạc. Chức thủ quỹ lại giao lại cho Đồng Sĩ Nam.

Đêm hội ngộ y khoa Huế được tổ chức vào 9-8-2002 tại Anaheim, California. Trong lần họp này, hội đã bầu ra chủ tịch chủ nhiệm là anh Vĩnh Chánh, thuộc khoá 7, cho niên khoá 2003- 2005. Hiện diện trong buổi họp mặt này là thầy cô Lê Thanh Minh Châu, thầy Lê Bá Vận, thầy Nguyễn Văn Tự, thầy Bùi Minh Đức, cũng như sự có mặt của anh Phạm Đăng Thiện từ Pháp qua, anh Tạ Quang Hát từ Louissianna tới. Sau đại hội, do sự điều hợp của chị Lê quốc Bảo, một số anh em đã tổ chức một cuộc du lịch bằng Cruise qua Mexico, và trong chuyến đi này, chúng tôi đã gặp anh Tạ Quang Hát lần cuối, người đã qua đời vào ngày 26-10-2003 tại Baton Rouge, Louisiana.

Trong thời gian này hội đã mất đi hai cột trụ lớn của trường y khoa Huế: thầy Lê văn Bách đã từ trần ngày 2-4-2002 tại tư gia ở Huế, VN. Một buổi lễ tưởng niệm cho thầy đã được tổ chức tại Orange County 1-8-2002, với sự hiện diện của thầy viện trưởng Lê Thanh Minh Châu, cựu khoa trưởng Bùi Duy Tâm, các thầy Nguyễn Văn Tự, Phùng Hữu Chí, Lê Bá Vận, Bùi Minh Đức và nhiều các vị khác trong cộng đồng. Chị Tinh Châu đã đứng ra để lập quỹ học bổng mang tên thầy, quyên góp được một số tiền lớn gửi về cho gia đình thầy ở VN.

Đến ngày 10-5-2003, cộng đồng y khoa thế giới nói chung và y khoa Huế nói riêng lại mất đi một vị bác sĩ tài ba, nhân ái. Thầy Đinh Văn Tùng, vị ân nhân khả kính của y khoa Huế, một người đã không ngừng nghĩ giúp đỡ, yểm trợ từ vật chất cho đến tinh thần cho y khoa Huế từ Việt Nam cho đến Mỹ. Một buổi lễ tưởng niệm thầy cũng đã được tồ chức vào 24-5-2003, ở Orange county, California. Một số tiền quyên góp đã được gửi vào quỹ học bổng do thầy lập ra để giúp cho hoạt động y khoa trên thế giới.

Anh Vĩnh Chánh đã đem lại cho hội ái hũu y khoa Huế 1 luồng sinh khí mới qua những cố gắng không mệt mỏi của anh trong mục đích quy tụ và tập họp những sinh viên đã một thời theo học tại y khoa Huế kể cả những anh chị vào học y khoa Huế vào lúc gần mất nước, 1975. Quan sát anh làm việc với một dáng dấp rất là mệ, giọng nói đãi như pha lê vỡ, anh Chánh có khả năng giao tiếp với tất cả các thành phần, mọi người, mọi giới. Sự thành công của anh trong công tác này đã được chứng tỏ qua những lần họp mặt do anh điều hợp và tổ chức, khi nào cũng quy tụ được một số lớn các thầy cô và các anh chị em cũng như thân hữu y khoa Huế đến tham dự.

Buổi họp mặt năm 1996 ở Garden Grove

BCH nhiệm kỳ 2003 - 2005 gồm có chủ tịch Vĩnh Chánh, phó chủ tịch ngoại vụ Võ Văn Phác, Phó chủ tịch ngoại vụ Trần tiễn Ngạc; tổng thư ký Pham Gia Khánh; thủ quỹ Đồng Sĩ Nam; uỷ viên cứu tế xã hội chị Nguyễn Thi Tinh Châu; ủy viên văn nghệ Bùi Cao Đệ và ủy viên báo chí anh Lê văn Hùng. Điều đáng lưu ý không biết nên viết ra bằng giấy trắng, mực đen không (mặc dù đã có trình bày bằng lời nói tại ngày đại hội 8-8-2005 ở Đà Lạt Bistro restaurant). Chủ tịch Chánh mong muốn, bắt buộc mọi người trong ban chấp hành cũng phải làm việc với tinh thần hợp tác cao độ như anh đã và đang làm. Cứ vài tuần thì lại thấy anh xuất hiện tại văn phòng của tôi. Anh hết đưa cash, đưa check của hội viên thân hữu y khoa Huế và lại hỏi hội bây giờ có bao nhiêu rồi. Anh còn đốc thúc anh em đi họp, viết bài vở. Nhờ vậy, dưới sự lãnh đạo của anh, ngân quỹ của y khoa Huế lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt qua con số kỷ lục 10000 $US lúc anh mãn nhiệm chủ tịch (thường là ngân quỹ rất eo hẹp hoặc trong âm). Đặc san do anh và anh Lê văn Hùng 49 thực hiện với chủ đề “Trường xưa bạn cũ” được phát hành vào năm 2004, dày 150 trang đầy ắp bài vở súc tích giá trị về mọi mặt. Từ những kỷ niệm về trường cũ, những bài vỡ về kiến thức y khoa, về văn chương thi phú, tiếu lâm. Tập san được sự đóng góp cuả nhiều cây bút của y khoa Huế, hình bià màu trang nhã lồng vào những bức ảnh chụp về trường Huế trông mát mắt.

Đến đây, xin được mở dấu ngoặc để bốc thơm anh Lê văn Hùng một tí. Người gầy, khuôn mặt nghiêm trang, nhưng đầu óc thì ăm ắp chuyện tếu và tiếu lâm. Mỗi lần họp mặt hội, nếu không có một vài chục chuyện do anh kể, thì buổi đó cũng đã giảm đi 50% tiếng cười và náo nhiệt. Anh Hùng có biệt tài nói chuyện với giọng nói rất đứng đắn, không cười. Nhưng khi nghe xong chuyện anh kể thì cử toạ mới phát cười ầm lên. Có lần, sau khi nghe anh Hùng kể chuyện, một thân hữu đã phải đi vô ER (anh Hùng chuyện trị nghề này) vì đau bụng qúa. Trong khoảng thời gian từ năm 1995 trở đi, nếu không có sự hợp tác của anh, thì hội đã không thể nào phát hành được các bản tin, và đặc san (ngoài trừ Giai phẩm năm 2000 do anh chị Trần tiễn Ngạc phụ trách). Anh Hùng, với sự hợp tác vô điều kiện cuả cô dâu Y khoa Huế Hồng, và con gái Tina, đã gù lưng ra, vừa đánh máy bằng tiếng Việt có dấu, vừa sửa bài do thân hữu gởi, vừa xếp tipo, vừa đi in, nghĩa là gia đình anh kiêm cả nghề chủ bút lẫn chủ nhiệm không lương. Xin la một tiếng A thật lớn cho những người làm việc âm thầm này.

Anh Chánh đã nhường chức chủ tịch lại cho anh Lê Văn Chỉnh khoá 6 hiện đang ở Boston, người đang chủ trị BCH hội ái hữu y khoa Huế, nhiệm kỳ 2005-2007. Trong chức vụ ủy viên liên lạc, anh Vĩnh Chánh vẫn là người năng động, hoạt động cho hội 200%. BCH hội ái hữu y khoa Huế 2005-2007 gồm có: chủ tịch anh Lê Văn Chỉnh khoá 6, phó chủ tịch nội vụ anh Võ Văn Phác, phó chủ tịch ngoại vụ anh Lê Đình Thương, tổng thư ký Pham Gia Khánh, thủ quỹ Đồng Sĩ Nam, ủy viên xã hội Nguyễn Thị Tinh Châu, uỷ viên liên lạc, báo chí Vĩnh Chánh; ủy viên văn nghệ Bùi Cao Đệ và Lê văn Hùng, chủ bút các bản tin và đặc san. Chủ trương của hội kỳ này là tiếp tục duy trì phát triển hội viên, phát hành tập san kỷ niệm 20 năm ngày thành lập hội cũng như tổ chức đại hội để kỷ niệm hội thành lập đựoc 20 năm.

Cầu chúc cho anh hội trưởng Lê Văn Chỉnh với sự hợp tác toàn thời gian, sự hoạt động hăng say và tràn đầy năng lực của anh Vĩnh Chánh, sẽ tiếp tục lèo lái hội ái hữu y khoa trên con đường dài với châm ngôn mà anh đưa ra trong bài “Lá thơ chủ tịch “(bản tin tháng 3 - 2004):
Đoàn kết nhiều hơn, xoá bỏ hiểu lầm xưa, tôn trọng ý kiến cá nhân trên tinh thần xây dựng và dân chủ,
Để tình thân ái được gắn bó hơn, dây liên lạc được bền vững hơn.

 

 
 
mission | staff | researches | announcements | events
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved