Chuyển trường

 
 

 

Trăng chuyển mùa trăng xa tiếng hạc

Hoa chuyển mùa hoa nát cánh rơi

Lá chuyển mùa lá rơi xào xạc

Đời chuyển mùa đời bạc như vôi

 

Hình như tôi đã đọc và nhớ mấy câu thơ này từ một bài thơ trong Thi Đàn Hải Ngoại của một nhà thơ người Huế ở San Jose, nhà thơ Nguyên Phương. Cũng do những từ chuyển của anh, trong một lúc tâm hồn bâng khuâng, tự nhiên tôi chợt nghĩ dến một chuyển khác đã làm giao động tâm hồn tôi trong thuở còn thơ.

Đó là sự kiện tôi phải chuyển trường lần đầu tiên trong đời kể từ khi đi học. Trong đời một học sinh, từ lúc ấu thơ cho đến khi thành tài, ra đời hội nhập vào xã hội nhận công việc làm, mỗi học sinh phaỉ chuyển trường ít nhất cũng một vài lần; từ tiểu học, lên trung học và sau đó vào đại học. Riêng tôi, sau khi học xong chương trình tiểu học ở trường Phú Mỹ, tôi được vào đệ thất trường Đồng Khánh vào khoảng 1959. Từ đó trong bảy năm trời ròng rã tôi đã gắn bó cuộc đời một học sinh trung học đầy trong sáng và hoa mộng dưới mái trường thân yêu của cố đô Huế ngàn năm văn vật dấu yêu. Sau đó tôi lại vào Đại học, đương nhiên lại phải chuyển trường nhiều lần nữa. Tuy nhiên trong tôi, lần chuyển đã gây ấn tượng  sâu đậm nhất trong tâm hồn thơ dại của tôi ngày ấy là lần chuyển trường lần thứ nhất trong đời...

 

Hồi đó, cách đây hơn 40 năm, lúc tôi vừa 5 tuổi, mỗi ngày ba tôi chở tôi trên chiếc Mobylette của ông, đưa tôi đến trường L' école Primaire Francais ở gần Bưu Điện Huế (sau này là trường Bán Công), sau đó ba tôi mới tiếp tục đi đến trướng Quốc Học. Lúc đó, gia đình tôi còn ở cùng bà ngoại ở Phủ cụ Ưng Bàng đường Trung Bộ (nay là đường Tô Hiến Thành ở Huế)

Cùng học chung với một số bạn người Pháp và một số bạn Việt nam, chúng tôi dùng sinh ngữ chính là Pháp văn.

 Cô giáo chính của chúng tôi là một phụ nữ Pháp đứng tuổi, nghiêm nghị, nhưng cô rất dịu dàng và thương mến chúng tôi. Thời gian đã qua lâu nên rất tiết tôi không còn nhớ tên cô. Tuy nhiên tôi vẫn còn nhớ cô giáo phụ là một phụ nữ Việt Nam cũng đứng tuổi mà chúng tôi thường gọi là chị Agnette. Chúng tôi rất sợ chị, vì chị thường giúp cô giáo chính kiểm soát tay chân, tóc tai, quần áo rất kỷ và nghiêm khắc. Buổi sáng, khi học sinh được cha mẹ đưa dến trường, chúng tôi thường chơi trong sân cho đến khi chuông reo vào lớp. Chúng tôi sắp hàng một, trật tự đi vào, ngang qua hai cô giáo chính và phụ đứng trước cửa lớp. Khi đi ngang qua, chúng tôi cất mũ chào và nói Bonjour, Madame. Buổi chiều khi đi về, mọi việc lại tiếp diễn như hồi sáng nhưng với câu chào Au revoir, Madame.

Tất cả ba mươi đứa bạn cả Việt lẫn Pháp, tôi vẫn còn nhớ tên hai đứa bạn người Pháp lúc còn thơ. Một đứa là con ông Hiệu trưởng, tên René, nhà ở ngay trong trường. Những khi ba tôi có giờ dạy sớm ở trường Quốc học, tôi được ông đưa đến trường sớm hơn thường lệ và tôi thường vào nhà René chơi. Nhà nó ở gần nhà chơi préau của trường. Mẹ René là một bà đầm rất xinh đẹp với nụ cười thật tươi và bà thường cho tôi ăn táo mỗi khi tôi đang chơi với René. Bà rất thương tôi vì hồi đó tôi học rất giỏi, thường đứng đầu lớp dixième cùng với Hồ Đắc Thuyên, hiện nay hình như anh đang hành nghề BS ở Pháp. Có một lần tôi bị trụt xuống hạng tư và đã bị ba tôi phạt đứng quây mặt vào tường khoảng 15 phút; may nhờ bà ngoại xin giùm, mới được tha! René là một thằng tây con rất nghịch ngợm nhưng rất thân với tôi hồi đó.

Người bạn Pháp thứ hai tên Helène và tôi  cũng thường chơi chung với cô bạn Việt Nam rất dễ thương là Nguyễn Khoa Diệu Vân (hiện nay là vợ BS Giao ở Vĩ Dạ Huế). Bọn con gái chúng tôi thường chơi lò cò, nhảy dây, ô làng...ở sân trường trong những giờ ra chơi thật vui với biết bao là kỷ niệm.  Diệu Vân, Kim Minh cũng thường được người nhà chở đến trường. Đôi lúc chúng tôi bị đón trễ nên thường ở lại chơi cùng một nhóm rất thân.

 Có một lần hai đứa bạn đã được gia đình đón về hết mà ba tôi vẫn chưa đến! tôi ôm cặp đi quanh trường chờ ba. Đi nhiều vòng mà ba vẫn chưa tới, buồn quá. tôi lại lủi thủi chơi lò cò một mình rất lâu cho đến khi ba tôi đến đón về. Không hiểu sao, đã mấy chục năm trôi qua rồi mà tôi mà tôi vãn nhớ rõ như mới ngày nào, tâm trạng chờ đợi của mình trong nỗi lo sợ, nỗi cô đơn của thời thơ ấu đó. Một nỗi lo sợ không diễn tả được và tự nhiên trong giây phút đó tôi chợt nhớ đến mẹ tôi làm lòng tôi như quặn thắt lại và rồi nổi sung sướng bừng lên không bút nào tả xiết khi tôi thoáng thấy bóng chiếc Mobylette quen thuộc, thân yêu của ba tôi xuất hiện từ đằng xa. Chạy vội lại, tôi liệng hết đồ chơi, ôm cặp leo lên yên sau và mừng rỡ nói chuyện huyên thiên với ba. Ba tôi âu yếm hỏi tôi có đói bụng không và sau đó tôi còn nhớ tôi nói với ông rất nhiều như con sáo vừa sổ lồng nhưng ba tôi trả lời rất ít và có vẻ mệt nhọc sau một buổi dạy quá dài; tự nhiên tôi thấy thương ba quá và hầu như tôi muốn khóc...

 

Cuộc sống êm đềm với sân trường, vơi bè bạn trong tuổi ấu thơ như ru tôi vào mộng đã phải xáo trộn vì một biến chuyển chính trị trong nước, người Pháp buộc phải về nước và trường Tây đóng cửa.

Ba me tôi đã bàn thảo nhiều ngày và đồng ý cho tôi chuyển về trường Tiểu học Gia Hội, gần nhà tôi ở đường Chi Lăng. Khi đó ba me tôi đã mua nhà riêng sau một thời gian ở chung với bà ngoại tôi.

 Tôi còn nhớ những ấn tượng đầu tiên sâu đậm như mới ngày nào trong buổi học đầu khi được chuyển qua trường Phú Mỹ.

Đó là một ngôi trường nhỏ gồm năm lớp: năm, tư, ba, nhì, nhất, cách nhà tôi khoảng 15 phút đi bộ. Ngôi trường xinh xắn hướng ra mặt sông Hương êm đềm, nhưng bãi sân phía trước lại rất thấp, đầy lau lách. Mùa lụt nước ngập sân trường là thời gian vui thích nhất của chúng tôi ví được nghỉ học và lội nước thích thú. Khi mẹ tôi đưa tôi đến trường lần đầu tiên, tôi được vào học lớp Tư (lớp hai bây giờ). Tất cả học sinh trong lớp đều nhìn lên con bé trắng trẻo lạ lùng và tôi cũng bối rối e lệ không kém, tôi lúng túng lo lắng tại sao mình lại trắng quá và chỉ muốn nấp vào áo mẹ!

 Lớp do thầy Hoạt phụ trách, thầy đứng tuổi và mập tròn, nghiêm khắc, nhưng may mắn là thầy rất thương tôi. Tháng đầu tiên tôi được thầy cho riêng một chiếc ghế ngồi gần thầy để thầy luyện tiếng Việt cho tôi. Đến giờ chính tả là giờ tôi lo sợ nhất vì còn quá nhiều chữ Việt tôi chưa được thông. Thầy thường đọc chấm, rồi quay sang tôi nhắc point, thỉnh thoảng phết lại quay sang tôi virgule; chấm sang hàng thầy lại nhắc tôi point à la ligne v.v..Thời gian đầu tiên thường là như vậy, giờ học toán tôi lại càng run hơn nửa vì tôi rất dốt môn đó. Người thường giúp tôi là cô bạn Tôn nữ Duyên rất giỏi toán mà tôi rất khâm phục.

Thời gian những buổi học đầu tôi còn khổ sở vì nhớ sân Preau rộng lớn với bài tập thể dục mỗi buổi sáng với các bạn tinh nghịch dễ thương, những buổi tắm nắng với những bộ bain de soleil cùng các bạn gái trước khi vào lớp. Bây giờ tôi lạc lõng biết bao với các bạn Việt Nam mơíù quen, họ ăn mặc giản dị, trong khi tôi thì trắng trẻo trong chiếc áo đầm trắng tinh với hình giỏ hoa thêu trước ngực. Mẹ tôi thêu cho tôi rất nhiều rất nhiều áo đầm màu trắng, chỉ khác màu các giỏ hoa thêu: tím, vàng. đỏ, xanh, hồng...trên ngực áo mà thôi. Có lần thằng bạn cùng lớp tinh nghịch rảy mực tím lấm cả áo, tôi không dám nói gì cả vì lạ trường thì Tôn Nữ Duyên ngồi cạnh mách với thầy. Thầy Hoạt ra lệnh ngày mai đem chiếc áo lấm mực cho thằng nghịch ngợm đó giặt, nhưng hôm đó về, bà vú của tôi đã tẩy sạch vết mực, chỉ còn lại một vết tím mờ nhạt trên chiếc áo! Âu đó cũng là một kỷ niệm không bao giờ quyên của những ngày vừa mới chuyển trường!

 

Rồi từ từ, vì tự ái và lòng tự trọng, tôi đã cố gắng làm quen với tiếng Việt dễ thương và tôi đã được phép ngồi chung với các bạn sau một thời gian.

 Đó là ngày tôi vui sướng nhất vì từ nay tôi có thể tự mình viết chính tả mà không thầy thông dịch nữa. Sự học của tôi tiến bộ thấy rõ và dần dần tôi cũng là một học sinh ngoan và giỏi trong lớp nhờ thầy và các bạn tậm tâm bày vẽ.

Thầy Hoạt là vị thày tôi luôn thương kính. Sau nầy, khi còn ở Việt Nam, khi thầy hơn tám mươi tôi đã nhiều lần dẫn con tôi lại thăm viếng vị thầy dáng kính đã bỏ công dìu dắt tôi thuở vỡ lòng học tiếng Việt, tiếng nói của quê hương mến yêu. Khi thầy qua đời, tôi đã tôi đã xúc động và thương nhớ khôn nguôi.

Với thời gian, tôi bâng khuâng nhớ hai câu thơ của Lamartine:

Objets inanimés, avez - vous donc une âme ?

Qui s' attache à notre âme et la force d' aimer.

Hỡi các vật vô tri, các ngươi có một linh hồn chăng? Nó trói buộc với linh hồn ta và buộc ta phải thương yêu.

Ơi cái ghế đá vô tri vô giác trong sân trường kia, mi có linh hồn không? Objets inanimés, avez-vous donc une âme ?

 Hôm nay, nhìn lại hình mái trường xưa, do cô bạn gởi từ Việt Nam qua, nhìn bức ành vô tri, tôi không khỏi cảm thấy nhớ nhung bồi hồi, ngùi ngùi nhớ lại mảnh đời ấu thơ, buồn vui thời tiểu học, nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ sân trường...Tôi dường như nghe được cả tiếng chuông reo vào học, tiếng trống dục đến trường, tiếng vui đùa của chúng bạn trong giờ ra chơi... Tôi mơ hồ thấy cả giòng sông Hương trong mùa lũ lụt, giận dữ, cuồn cuộn; trái với mùa hè, nước trong như ngọc bích, bình thản, dịu hiền. Hai trạng thái, thay đổi khó hiểu như hai thái cực động và tỉnh. Có phải chăng muôn đời, những cô gái Huế cũng mang tâm hồn sâu kín khó hiểu chợt động chợt tỉnh của dòng sông?!

Với thời gian, vạn vật đều chuyển dịch và biến đỗi không ngừng, sự biến chuyển của con người là đều không thể tránh khỏi vì con người chỉ là một phân tử rất nhỏ của vũ trụ. Thế nhưng tôi không làm sao tránh khỏi những bâng khuâng luyến nhớ mỗi khi không gian, thời gian, và nhất là mỗi khi tâm hồn mình có sự chuyển.

 

Cao Thanh Tâm.

(Cali 01 - Mùa Tựu Trường)

 

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved