TÔI VIÊT BÀI THU HOẠCH - CÁC ANH KHÓA 1

 
 

Kính thưa quý vị: Bài viết “Tôi viết bài thu hoạch” của thầy Lê Bá Vận rất, rất dài và vô cùng thâm hậu. Vì tính cách kỷ niệm 40 năm của các đàn anh khoá 1, và với sự gợi ý của tác giả, chúng tôi xin được trích riêng một đoạn liên hệ đến quý anh khóa 1 để đăng trước. Phần còn lại dài khoảng…18 trang sẽ được ra mắt trong vài tuần tới. Xin cám ơn.
Ban Điều Hành Website.               
                                                   

Khóa 1: Những con chim đầu đàn của ĐHYK Huế.
(Lớp chỉ có một nữ sinh viên duy nhất, mặc áo dài ngồi phía trước, theo lời thầy Vận là "hoa lạc giữa rừng gươm, do đó cũng là hoa hậu của lớp và của trường thời đó". Đứng ở giữa là cố GS, BS Krainick)

Các BSĩ cựu SViên Trường, tôi cũng biết thêm nhiều hơn, nhờ tham dự Đại Hội, song không có dịp chuyện trò gì nhiều. Tôi cũng thử đếm trên đầu ngón tay mà kể. Để xem:

Trước tiên là bốn BSYK cũ tôi đã gặp ở Virginia năm 1998, hiện có mặt trong Đại Hội này. Anh BS DQHớn nay mập mạp bề thế hơn xưa. Kỳ đó các anh ngủ lại nhà anh BS Hớn, đồ sộ, lớn như đình La Chữ, và họp mặt tại đó luôn. Bài “Hồng Ân” anh viết, cũng như bài “viết cho Hòa” của BS TTSang trong Tập San 2006, tôi đọc tưởng là chuyên nghiệp viết về truyện ngắn, không phải nghiệp dư như các bài khác. Đặc biệt anh BS Hớn mô tả món chè đậu ngữ xứ Huế, (ăn) ngậm mà nghe, và món chè trôi nước miền Nam (ăn) thơm điếc mũi- nếu biết cách ăn- chúng tỏ anh được y bát chân truyền của Thầy BM Đức về văn chương ẩm thực.

Anh BS ĐK Phước cũng chưa thay đổi mấy. Khi đến nhà anh, nghe tôi than đau gót chân, anh vội lục lọi tìm đưa cho tôi một lọ nhỏ Hydrocortisone mẫu, tạm tiêm gót chân. Sau đó bốn người, tôi và ba anh BS Phước, Sum và Hiền ra đánh tennis, có tường thuật lại trong Tập San 1999. Hồi đó tôi còn chạy nhảy được, nay thì “hữu tâm vô lực”. Sau đó Hội ghé nhà anh BS LĐ Thương. BS này là một cây tennis mầm non lúc ở Huế, chơi ở sân Câu Lạc Bộ Thể Thao, tôi biết rõ vì không mấy Sinh Viên chơi môn thể thao này hồi ấy. Nghe anh BS VV Phác giới thiệu anh rất thích văn nghệ. Đúng như mấy lần tôi thấy anh trình diễn. Anh BS Thương, cũnh như anh BS HTN Hỉ đều có để râu mũi trong đậm đà, song chỉ có anh BS ĐS Thắng để râu mũi ngang tàng ngổ ngáo giống hệt Saddam Hussein.

Ngó vậy mà BS Thương, BS Hỉ là đàn anh khóa 1, khóa 2 đó. Khóa 1 là khóa có nhiều đặc điểm, dấu ấn.

**Trước tiên, khóa 1 có ít sinh viên nhất, nhị thập bát tú. Trong cả trường lúc đó cũng chỉ chừng ấy thôi. Các GSư Đức tận tình trui rèn, coi như bỏ cả vào lò bát quái luyện, cho cả vào máy laundry giặt, sau hai năm cải tạo cơ bản, vững chắc mới cho học qua tầng thứ ba, ra ngoài, vào Bệnh Viện để luyện tiếp. Cho nên nội công thâm hậu đồng đều cả lớp.

-Khóa 1 có phụ tử đồng trào: BS ĐV Minh và con, ĐV Quang, học ở trường cùng lúc. BS ĐV Minh sau làm đến Trưởng Ty Y tế Thừa Thiên.

-Khóa 1 có một cành hoa lạc giữa rừng gươm, do đó cũng là hoa hậu của lớp và của trường thời đó.

-Khóa 1 có Đại May (BS HĐ May) và An Bình (BS BA Bình), do đó có nhiều thầy ngọai quốc giỏi dạy, học hành thông suốt, hạ sơn vừa ngay trước biến cố Tết Mậu Thân 68, binh an vô sự, nhất lộ hạnh thông. Các khóa sau đều có chạy giặc một hai lần.

-Khóa 1 lại có Hàm Hồ (BS B Hàm, BS ĐN Hồ) và Thất Hứa (BS TT Hứa). đó là lời nhận xét của chị Ngọc Điệp, phu nhân BS TV Phồn (TS 06, tr 94). Tuy nhiên đó là chuyện “Nội Bộ” của khóa.

-Khóa 1 lại là rất đoàn kết gắn bó. BS LĐ Thương kể lại: “chúng tôi học với cả 3 thứ tiếng: Anh, Pháp, Việt. Cuối giờ so với nhau, đúc kết thành một bài khá đầy đủ quay ronéo phát cho cả lớp học chung. Vì thế khóa YK 1 chúng tôi rất gắn bó với nhau (TS 06, tr 18), và xa hơn, trang 19 :”căn nhà 20 đường Cao Bá Quát, Huế, bỏ trống (?) nơi mà lớp YK 1 chúng tôi hay tụ tập ăn nhậu..”Xem ra, khóa 1 học cũng giỏi da diết mà quậy cũng quá trời, quậy quan mãn doanh (TS 06 tr 18, 86, 87)

** Thứ hai, khóa 1 là khóa mà tôi biết tên hầu như toàn bộ và nhớ mặt rất nhiều người. Cũng có thể là Trường chỉ có chừng đó SViên, nhưng cũng vì đặc điểm danh tính, diện mạo, tính tình .

-Về danh tính, thì tôi nhớ mãi anh Hoàng Quỳnh, vì trong cuộc di cư năm 54 chia vĩ tuyến, Linh Mục Hoàng Quỳnh giữ vai trò chủ chốt đưa giáo dân từ Bắc vào nam. Ngày nào báo cũng đăng tên, tôi năng theo dõi. Bảy năm sau lại thấy anh H Quỳnh đi học trở lại Y Khoa. Anh TB Tây, vì có bến xe Bình tây ở Chợ Lớn, anh Tạ Tích làm tôi liên tưởng đến Tạ Tốn mặc dầu anh trắng trẻo thư sinh, anh Tạ Thu Thâu còn giống Kim Mao Sư Vương hơn. Các anh Hầu Mặc Sửu, Tô Đình Đài cũng có tên gây chúng dễ nhớ.

-Về diện mạo, phải kể anh HM Sửu “cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại; Công thành danh chấn, anh hùng chỉ có một người thôi”. Sau mấy chục năm, nhìn lại các ảnh chụp trong Tập san, tôi nhận ra anh ngay lập tức, trước ai cả, không chút xíu thay đổi. Ảnh cả gia đình (tr.249) rất đẹp và tôi cũng biết anh rất sốt sắng với Hội nhất là trong những năm đầu. Anh TĐ Đài thì mặt có quá nhiều mụn. Lúc học Truibng Học tôi có người bạn thân NTH, mặt đầy mụn, khổ sở về nó, vẫn gọi các bà chích lễ dạo vào rạch mụn, nặn cồi, bôi thuốc mà vẫn tiền mất tật còn. Anh TĐ Đài có kể lại khoảng năm Đệ Nhị Trung Học đi khám bệnh BS Quyến, “lúc đó tôi chỉ có mụn trứng cá. BS giải thích, cho toa và cho tôi tiền khám bệnh để mua thuốc” (TS 06, tr 33). Nhìn ảnh Bản Tin # 1, 06, tr.44, anh Đài trông khác hẳn xưa, như tôi từng biết, hồng hào tươi cười, đứng cạnh anh HM Sửu, y cựu, nhận ra ngay dù đầu tóc có bạc. Cũng trong bài viết của anh (tr. 33 và thơ BT # 2, 06), tôi thấy rỏ anh TĐ Đài ưa lối sống tĩnh mịch và có nội tâm phong phú với tình thương quê hương, Trường, bạn cũ, nhất là thương xót cảnh thương vong bệnh tật và tận tụy săn sóc. Đúng là “Lương Y như Từ Mẫu” khác hẳn với mẫu các ‘bệnh nhân mang cái thân cùi… gặp những thầy thuốc hủi mà BS TT Hứa mô tả (TS 06, tr.49) “Lang Y như kế mẫu”. Anh Trần Như Sum cũng có nhiễu mụn mặt tôi còn nhớ mãi, khoá 7.

-Về tính tình độc đáo là anh TT Hứa. Nhanh trí, nhanh nhẹn, nhanh nhẩu. Đi thực tập, tôi nhiều lần bật cười vì các câu nhận xét dí dỏm của anh, bất tận và hồn nhiên. Mới đây, ở Đại Hội 8/06 tôi có nhận xét BS NN Lang, BS ĐS Nam cũng sắc bén, nhanh nhẹn ngang tầm cở. Trong các bài viết cho Tập San 91 và 06, tôi chỉ có 2 cuốn đó, tôi nhận ra đúng là BS TT Hứa “văn tức là người”. (tôi cũng có TS mỏng 1999 các anh ở Montreal thực hiện, có nói đến chuyện đánh tennis, tôi và BS Phước, Sum, Hiền). Bù lại BS TV Phồn thường đi cặp thực tập với BS Hứa thì rất ít nói, chín chắn, mực thước có thể là cao đồ của Thầy LV Bách. Anh TĐ Đài cũng thuộc lớp ít nói phát biểu.

-Về hoạt động thì anh Lê Đình Thương ra Câu Lạc Bộ Huế đánh tennis nên tôi biết rõ hết gốc gác, mặt mũi, tài nghệ.

-Một số anh chi em khác tui cũng nhớ mặt. Anh Phạm B Khá, có dáng dấp cử chỉ chững chạc giống Thầy Lê V Bách, anh Lê Q Tái- Tái ông thất mã, Kim Long. Anh Đoàn Yến giống Đại Sư, anh Lê Q Bảo giống đạo trưởng, cũng giống Trưởng Lão, cả hai anh đạo cao đức trọng. Anh Nguyễn M Triết xuất sắc Trung Học, chị Phan TX Quế giọng Quảng, số còn lại chỉ nhớ tên :Các anh Tôn T Viên, Trần H Thế, Nguyễn Đ Hiên, Lê B Dũng, TrầnT Trừng... Nếu gặp lại chắc nhớ ra, nhất là anh TT Trừng, hơi ngờ ngợ.Tôi biết nhiều về các anh khóa 1 Đã đành, song cả Hội hình như cũng biết về khóa ấy nhiều nhất, qua bài viết về bạn bè của 2 anh khóa 1: LĐ Thương, TT Hứa, lắm huyền thoại. Khóa 1 là khóa có nhiều sự tích, địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích cổ xưa, phải bảo tồn như Huế. Càng lùi xa, tôi càng biết ít, các khóa sau, ví dụ khóa Bùi Nguơn Khánh, La Thành ( #7), Tần Thúc Bảo, Trình Giảo Kim và xa hơn nữa Đơn Hùng Tín…chỉ kể mấy tên quen thuộc, thì dám không biết một ai.

** Đặc điểm dấu ấn thứ Ba của khóa 1 mà tôi muốn nói là tác phong “(làm anh) làm ả ngả mặt lên”- Noblesse oblige- của khóa. Có 2 người đại diện cho dấu ấn này: BS NV Thuận niên trưởng lớp và BS ĐN Hồ đại diện SV YK toàn trường thời đó, thể hiện tác phong đàn anh, quan tâm thương yêu nâng đỡ các đàn em. BS NV Thuận nhiều lần đã bày tỏ cảm tình trên : “Mỗi lần biết các em nhỏ, cùng ra một trường, qua bên này sau, phải đối diện với bao nhiêu khó khăn… tụi mình sẽ đóng góp để chi phí trang trải cho các em…” (TS 06, tr.236), hoặc : “mình vẫn có cái cảm giác là đã không có một sự cách biệt nào giữa tụi mình và những em của khóa 10, 20, 30…mình có ước mơ mong được đứng cạnh những em của khóa 28 để lấy cái tình huynh đệ để xóa đi màu thời gian!” (BT # 2006, tr.4). Thật đẹp đẽ những lời đầy thâm tình của một người anh cả. Chẳng trách là khóa 1. BS ĐN Hồ thì trong buổi họp lớn nhất tại nhà hàng… có đông đủ, thêm một số BS tỉnh và hình như có 1 hoặc 2 BS từ Huế vào, đến lúc tan tiệc, mọi người đề nghị về, BS ĐN Hồ đã hăng hái rút ra tờ 100 đô mỹ chi phí buổi tiệc liên hoan giữa tiếng vổ tay hoan nghênh ầm ỷ (TS 2006, tr.147). Đúng là tác phong khóa 1, noblesse oblige. Làm anh cả ngả mặt lên. BS ĐN Hồ còn nhiều đặc điểm khác. BS TĐ Đài, khóa 1, cũng có nết: “cho mình gởi lời thăm đến tất cả các bạn từ khóa 1 cho đến các khóa đàn em sau này sức khỏe và thành công” (TS 06, tr.235).

Ban Chấp hành đương nhiệm Hội AHYK Huế cụ thể biểu dương nhiệt tình khóa 1 như sau: “Hội may mắn có những Mạnh Thường Quân, đặc biệt các đại ca khóa 1 luôn sẳn sàng trang trải những chi phí bất thường của Hội (BT# 1, 06, tr.2, Chủ Tịch Hội BS LV Chỉnh)

Hữu tiền xuất tiền, hữu lực xuất lực, khóa 1 lại đóng góp bài viết dồi dào cho Tập San 2006 kỷ niệm 20 năm thành lập HAHYKH, cũng như ngày Đại Hội, xa gần đến dự đông đảo. Như thế là hữu tình. Khóa 1 là vậy, nói chung mỗi khóa có khi có một vài dấu ấn: khóa huyền thoại, khóa chủ tịch, khóa giáo sư, khóa mỹ nhân… Song khóa 1 là độc đáo nhiều mặt.

Lớp trẻ gánh việc, song khóa 1 luôn là biểu tượng Trường, thắt chặc tình đoàn kết đồng môn  để mọi khóa, thanh ứng khí cầu, tìm gặp lại nhau, sinh hoạt thân ái, gà cùng một mẹ, huynh đệ như thủ túc.

Thân ái,

Lê Bá Vận
Feb. 14, 07

Hình như thầy Vận đang nói: "A! Tui nhớ ra rồi..."
Hình thầy Lê Bá Vận, thầy Nguyễn Văn Tự, các đại lão tiền bối khóa 1, anh Lê Đình Thương, anh Hầu Mặc Sửu, anh Đoàn Kim Phước hôm gặp mặt ở Nam Cali, tháng 8, 2006.

 

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved