TÍNH SỔ MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG

 
 

Võ Đăng Đài

Người ta tính sổ cuối năm, tôi lại tính sổ một đoạn đường, đó là đoạn đường đời từ 1961 đến 1980 mà tôi đã làm việc tại Đại học Y Khoa Huế. Trong bài tính sổ này, tôi sẽ kể lại vắn tắt những sự việc xẩy ra nơi đây, những lời lỗ hay nợ nần mà tôi có được trong khoảng thời gian này.Tôi cũng xin phép trước là khi nhắc đến những chủ nợ của tôi , nếu là nhân viên giảng huấn, giáo sư, giảng sư, giảng nghiệm viên v.v… thì tôi sẽ gọi chung là Thầy hay Cô, nếu không giảng dạy thì tùy theo tuổi tác bây giờ tôi gọi bằng Cụ, Ông, Anh hay Cô.

Năm 1961 theo lời nhắn của Thầy Lê Khắc Quyến tôi để gia đình ở Sài Gòn về làm phụ giáo cho Thầy Rudolph Weil, người Đức, giảng dạy môn Sinh hoá. Trong ngày khai giảng đầu tiên cuả Trường tại khuôn viên trường Luật cũ, nhìn những nét mắt đầy tự tin của sinh viên tôi cũng thấy tự tin theo.Nhưng cái tiếng kêu ọp ẹp phát ra mỗi lần tôi bước đi trên cái sàn gỗ cuả trường Luật đã báo trước cái định mệnh nổi trôi khi tôi bỏ cái nghề Dược sĩ để gắn bó với trường Y Huế.

Thuyết phục được Bộ Giáo Dục cho mở trường Y Khoa Huế không phaỉ là chuyện dễ. Có thể nói nếu không có Linh mục Cao Văn Luận và Thầy Lê Khắc Quyến (cả hai nay đã qua đời) thì đã không có trường Y Khoa Huế. Chống đối đến từ nhiều phía, nhất là từ trường Y Khoa Sàigòn. Lý do đưa ra là Huế ở vùng giới tuyến, nguy hiểm thiếu phương tiện, khó có được sự trợ giúp của Đaị học Sàigòn hay đại học ngoại quốc và như vậy bác sĩ đào tạo ra sẽ không đủ khả năng.

Sau khi có được sự yễm trợ của trường Đại học Y khoa Freiburg, Tây Đức, trường Y Khoa Huế mới được cho phép thành lập. Đợt một xây cất  đã được khởi công. Năm đầu sinh viên được giảng dạy tại một số phòng học của trường Đại học Luật khoa cũ, các phòng thí nghiệm thì mượn cuả trường Đại học Khoa học. Ban giảng huấn gồm có cố Giáo sư Krainick và một số bác sĩ giảng sư của Đại học Y Khoa Freiburg. Các Thầy giảng bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, nên có các bác sĩ, dược sĩ Việt Nam làm phụ giáo. Dụng cụ thí nghiệm, hóa chất , các mô hình giảng dạy, chi phí và lương bổng giáo sư Đức đều do chính phủ Tây Đức đài thọ.

Khoa trưởng đầu tiên của trường là Thầy Lê Tấn Vĩnh, giáo sư thực thụ của Đại học Y khoa  Paris.Vì Thầy không ở Huế lâu được, nên Thầy Lê Khắc Quyến làm quyền khoa trưởng trông coi mọi việc.Sau biến cố Phật giáo ( 1965-1966) Thầy Lê Khắc Quyến từ nhiệm. Thầy Thân Trọng An ở Pháp về lên thay. Một thời gian sau Thầy An từ nhiệm và Thầy  Lê Văn Bách lên thay ( lúc này tôi đang tu nghiệp tại Đức nên không biết lý do). Thầy Bách là người rất thận trọng và nguyên tắc, có lẻ Thầy nghĩ rằng với tước vị cuả Thầy lúc bấy giờ , nếu Thầy giữ chức vụ Quyền khoa Trưởng lâu dài thì sẽ hại đến uy tín của Trường, nên mặc dầu có sự ủng hộ của các giáo sư Đức, nhân viên giảng huấn và sinh viên, Thầy luôn luôn đòi hỏi Viên phải thúc dục Bộ Giáo dục bổ nhiệm một Khoa trưởng thực thụ. Đến cuối năm 1967, Thầy Bùi Duy Tâm , trưởng khu Sinh hóa  của Đại học Y Khoa Sàigòn được cử làm Khoa trưởng của Đại học Y Khoa Huế. Vì còn phải giảng dạy ở Sàigòn, Thầy Tâm chỉ có thể ra Huế mổi tháng một lần nên Thầy đã cử hai phó Khoa trưởng, Phó Khoa trưởng Học Vụ và Phó Khoa trưởng Hành Chánh, để cùng chung lo việc của Y Khoa. Phó Khoa trưởng Học vụ là Thầy Nguyễn Văn Tự, chăm lo về giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu và phân phối các giáo sư cũng như sắp đặt thực tập của sinh viên ở bệnh viện. Thầy Tự cũng là Trưởng khu Sản Phụ của Trường. Phó Khoa trưởng Hành chánh là tôi, đảm trách phần vụ hành chánh của Trường và mọi liên lạc giữa Trường với Văn Phòng Viện Đại học.

Biến cố Mậu Thân đã phá hủy một phần thành phố Huế trong đó có cơ sở của Viện Đại học, 5 phân khoa  mà Y Khoa là nặng nhất. Trước tình hình đó để tránh cho sinh viên Y Khoa khỏi mất một năm học và thực tập, Thầy Bùi Duy Tâm đã có một quyết định can đảm là tạm dời Y Khoa Huế vào Sàigòn. Thầy đã một mình tìm phương tiện đưa tất cả sinh viên và giáo sư vào Sàigòn. Thầy vận động được Y Khoa Sàigòn chấp nhận cho sinh viên Huế học một số môn học và thực tập chung với sinh viên Sàigòn. Trường Quân Y cũng cho mượn một  số lớp học để sinh viên có thể học riêng các môn mà Huế đảm nhiệm và cung cấp nơi ở cho những sinh viên không có bà con ở Saìgòn tạm thời tá túc.

Trong khoảng thời gian này thầy Lê Thanh Minh Châu được cử ra làm Viên Trưởng Viện Đại học Huế. Thầy để gia đình ở Sàigòn , một mình ra Huế ở lại lâu dài dễ làm việc.Thầy đã tích cực chỉnh đốn lại sinh hoat của văn phòng Viện, hợp tác chặt chẻ với các Khoa trong việc tái thiết các cơ sở bị hư hại, chấn chỉnh ban giảng huấn, tạo điều kiện tiện nghi nhất để có thể dễ dàng mời các giáo sư thính giảng về dạy ở Huế, lấy lại tinh thần cho sinh viên và nhân viên, nhanh chóng đưa hoạt động của Viện và các Khoa trở lại bình thường.

Khi việc tái thiết đã gần hoàn tất, dưới áp lực của Viện Đại học Huế và chính quyền địa phương, Thầy Bùi Duy Tâm lại một lần nữa  phải  vất vả chuẩn bị để đưa Trường Y về lại Huế. Thế là đến mùa Thu năm 1969, sinh viên Y Khoa Huế và các phân khoa khác đã tổ chức khai giảng một cách phấn khởi trên khuôn viên Đại học cũ của mình.

Việc di chuyển Đại học Y Khoa Huế tạm thời vào Saigon không những đã giúp cho sinh viên khỏi mất một năm học và thực tập mà còn đem lại nhiều lợi ích tâm lý quan trọng. .Sinh viên Huế đã có dịp học chung với sinh viên Sàigòn và đã thấy về kiến thức và kinh nghiệm mình chẳng thua kém gì các bạn Sàigòn, xoá tan cái mặc cảm sinh viên của một trường nhỏ thiếu phương tiện. Sau một năm giảng dạy, các giáo sư Sàigòn đều khen ngợi sự cố gắng của sinh viên Huế và ngạc nhiên trước khả năng của họ.

Nhận chức Khoa trưởng Y Khoa Huế là một thách đố, sau biến cố Mậu Thân, thách đố đó lại càng lớn hơn nữa. Các giáo sư Đức không còn nữa, chính phủ Đúc cũng chấm dứt tài trợ cho Trường. Tuy có một số giáo sư Y Khoa Sàigòn dã thay đổi lập trường và bằng lòng giúp đỡ, nhưng đó cũng chỉ là tạm thời. Điều quan tâm nhất của Thầy Tâm lúc bấy giờ là làm thế nào Đại học Y Khoa Huế có thể nhanh chóng tự lực tự cường mà không giảm phẩm chất giảng dạy và trình độ của sinh viên khi ra trường.

Để sinh viên có đầy đủ phương tiện tra cứu và tự học, Trường đã tìm cách phong phú và cập nhật hóa Thư viện bằng cách xin lại các thư viện của các cơ sở Quân Y Hoa Kỳ khi họ di chuyễn hay giải tán và xin AMA hay các tổ chức y khoa khác yễm trợ báo chí.
Để mở rộng kinh nghiệm lâm sàng cho sinh viên, Trường đã gởi sinh viên đi thực tập nội trú không chỉ ở Bệnh viện Huế mà còn các bệnh viện Đà Nẵng, Sàigòn cũng như đi theo các nhóm chuyên gia y tế ngoại quốc qua làm việc cho Việt Nam.

Để nâng cao lòng tự tin của Ban Giảng huấn, Trường đã tùy theo thâm niên và thành tích giảng dạy mà đề nghị thăng chức các giảng viên của Trường lên giảng sư rồi giáo sư. Trường đã khuyến khích các giáo sư của Trường bảo trợ luận án cho sinh viên, tìm các đề tài mà với phương tiện của trường sinh viên có thể thực hiện được.Trường đã tổ chức các buổi đệ trình luận án Tiến sĩ Y khoa tại Trưòng với Hội đồng giám khảo gồm có Khoa trưởng là chủ tịch và giáo sư của Trường là thành phần chính.

 Trường đã tăng cường ban giảng huấn bằng cách vận động với Viện và Bộ cho thêm ngân sách để tuyển  một số bác sĩ hay dược sĩ ưu tú của trường Y Dược khoa Sàigòn. Trường cũng bắt đầu tùy thành tích mà tuyển ngay những bác sĩ mới ra trường của Y khoa Huế vào làm giảng nghiệm viên . Sau một thời gian làm việc các người này sẽ được ưu tiên xuất ngoại khi có điều kiện.

Trường cũng đã thay đổi lề lối tuyển chọn sinh viên vào năm thứ nhất. Ngoài điều kiện phải qua lớp dự bị, các ứng viên còn phải qua một buổi phỏng vấn, và kết quả phỏng vấn cùng thành tích của lớp dự bị sẽ quyết định việc tuyển chọn.Một điểm đặc biệt khác là không những chỉ có sinh viên của lớp dự bị mà cả cả những sinh viên ưu tú của lớp Lý  Hóa Nhiên cũng được xét tuyển. Trong việc cải tổ chương trình giảng dạy của Trường, Thầy Bùi Duy Tâm đã có một quyết định táo bạo là đưa Đông Y vào làm một môn học chính và một số sinh viên đã dùng đề tài Đông Y để làm luận án.

Lời thề Hypocrate cũ sinh viên dùng khi ra trường đã được thay bằng lời thề Hãi Thượng Lãng Ông do chính Thầy Tâm biên soạn, lấy tinh thần dân tộc và lương y như từ mẫu làm chủ điểm. Lễ phục của sinh viên trong khi trình luận án hay trong ngày ra trường là quốc phục. Một số nhân viên và nhân viên giảng huấn đã ủng hộ cải tổ này ,một số ban đầu cảm thấy khó chịu nhưng rồi cũng quen.Sau bao nhiêu năm bây giờ nghĩ lại thấy việc đưa Đông Y vào chương trình học không phải là một sự thụt lùi mà là một tiến bộ khi mà giá trị trị liệu của ngành châm cứu và y khoa dược thảo đã được công nhận và rất phổ biến. Nhìn lại các tấm hình cũ cuả các bác sĩ tân khoa trong bộ quốc phục tôi thấy rất độc đáo và oai, nghĩ đến nhũng thành quả mà quý vị này đã đạt được hôm nay tôi lại thấy độc đáo và oai hơn nưã.

Sau khi đưa hoạt động của Viện Đại học trở lại bình thường , với sự hổ trợ đắc lực của Thầy Nguyễn Văn Hai , Phó Viện Trưởng kiêm Khoa trưởng Đại học Khoa học Huế, Thầy Lê thanh Minh Châu đã củng cố được uy quyền của Viện , dần dần đưa uy tín cuả Viện Đại học Huế lên cao trong cũng như ngoài nước.

Một số thực hiện mà tôi được biết và còn nhớ là: Tập trung ngân sách thiết lập một văn phòng Đại diện Viện Đại học Huế tại Sàigòn. Thành lập Khối Sinh viên vụ ở Viện và Khoa để lo cho sinh viên. Tổ chức các lớp học liên khoa, phổ biến các kiến thức chung cho sinh viên với sự tham dự cuả tất cả các Khoa. Sinh viên có thể dùng điểm của các lớp này như là điểm cuả những môn nhiệm ý cuả trường mình. Tổ chức phòng ăn tại nhà khách của Viện.
Tổ chức các cuộc hội thảo quản trị hay chuyên môn ở Khoa hay Viện, vận động các cơ quan viện trợ ngoại quốc như Asia Foundation, USAID v.v…đài thọ cho các hội thảo này, hay trợ cấp cho những chuyến tham quan về quản trị đại học. Bảo trợ việc thành lập Đại học Cộng Đồng ở Đà nẵng (ngoài ra có những cải tổ khác mà tôi không biết). Cải tổ của Viện như việc tập trung ngân sách đã gây một số tranh cải với các Khoa nhất là Y Khoa. Khi Khoa trưởng không có mặt , tôi với tư cách Phó Khoa trưởng hành chánh, thường đại diện Khoa họp chung với Viện. Có những vấn đề tôi có thể uyển chuyển giải quyết được, nhưng khi gặp những vấn đề tôi không dám tự mình quyết định thì tôi xin hoản chờ hội ý với Khoa trưởng và Hội đồng Khoa. Cứ thế nhiều lần Viện cũng bực mình, do đó một vị Khoa trương luôn luôn có mặt tại chỗ để đủ thực quyền nói chuyện với Viện là điều Viện mong muốn. Cuối năm 1972 theo quyết định của Bộ, Thầy Bùi Duy Tâm thôi làm Khoa trưởng và Thầy Lê Thanh Minh Châu tạm thời thay thế để chờ bổ nhiệm Khoa trưởng chính thức. Việc ra đi đột ngột của Thầy Tâm đã đem lại cho Thầy một chút không vui, vì riêng Thầy, Thầy vẫn thấy là đã chưa thực hiện được hết những điều mà Thầy muốn làm cho Y Khoa Huế và sự ra đi vội vã đó cũng không tương xứng với bao nhiêu công lao mà Thầy đã cống hiến cho Y khoa Huế. Tuy nhiên cũng không phải vì vậy mà Thầy đã mất cảm tình với xứ Huế, Đại học Huế hay Y khoa Huế. Giữa Thầy Lê Thanh Minh Châu và Thầy Bùi Duy Tâm cũng không phải vì sự ra đi này mà có những bất bình hay xích mích gì quan trọng. Bớt được gánh nặng ở Huế, Thầy Tâm đã có nhiều thì giờ hơn để lo cho Trường Y khoa Minh Đức mà Thầy mới thành lập.

Qua năm 1973, Quảng Trị bị tấn công, toàn bộ Đại học Huế trong đó có Y khoa được di tản vào Đà nẵng. Ở đây phải cần nhắc đến cự tận tình giúp đở của Cố Bác sĩ Đinh Văn Tùng, giám đốc Bệnh Viện Đa Khoa Đà Nẵng vào thời đó.Trong cuộc di tản này tôi đã không đóng góp gì, vì vào lúc này tôi đang làm đại diện viện Đại học Huế ở Sàigòn, lâu lâu mới ra Huế.

Một thời gian sau Thầy Lê Bá Vận được chính thức bổ nhiệm làm Khoa trưởng. Có sự ủng hộ nhiệt tình của Viện và sự hợp tác tích cực của ban giảng huấn và sinh viên, Thầy Lê Bá Vận vừa mới đưa Đại học Y khoa lai tỉnh trở lại thì đầu năm 1975 Huế thất thủ, Viện Đại học Huế tan rã, một số giáo sư và  nhân viên đi vào Sàigòn.
Tình hình Saìgòn lúc đó thật xôn xao, văn phòng Đại diện vẫn mở cửa đều. tìm cách liên lạc với những nhân viên của Khoa và Viện vào được Saìgòn. Văn phòng ngày nào cũng đầy người đến hỏi thăm tin tức. Thầy Viện Trưởng và Phó Viện trưởng cũng đến thường xuyên để giữ vững tinh thần cho anh em. Sự ra đi của các cơ quan Mỹ lại càng làm cho dân chúng Sàigòn hoang mang hơn. Nhân viên chính phủ không được bổ nhiệm sở,  một số cũng tìm cách đưa gia đình đi theo những chuyến di tản của người Việt làm cho Mỹ. Để trấn an mọi người, Thầy Viện trưởng và Phó Viện trưởng có can thiệp với Toà Đại sứ Mỹ ở Sàigòn để họ có chương trình bốc đi những nhân viên Đại học Huế hiện có mặt ở Sàigòn khi thuận tiện. Ngày 29/4 vào khoảng 12 giờ trưa chúng tôi được tin báo phải âm thầm tập họp tại một điạ điểm ở đường Duy Tân để được đưa đi. Vì ngày đó văn phòng đại diện không còn hoạt động nữa nên Thầy Hai không thể liên lạc với hết mọi người và vào khoảng 3 giờ chiều . có mặt tại điểm hẹn chỉ có gia đình Thầy Hai, gia đình tôi gồm tôi và đứa con trai, gia đình Thầy Trần Xuân Danh và một số gia đình nữa tôi không còn nhớ. Điểm hẹn đã có rất đông người và sau đó vì dân chúng tràn ngập , cuộc ra đi bị bải bỏ, mọi người phải giải tán.

Thầy Nguyễn Văn Hai và một số gia đình khác đi xuống bến Bạch Đằng để lên tàu. Chúng tôi, gia đình Thầy Danh và một số anh em khác quyết định liều ở lại. Trong thời gian tập trung để chờ xe, lòng tôi rất xao xuyến, tôi nghĩ đến mẹ tôi, người đã suốt đời hy sinh cho tôi mà chua xót.Tôi lại nghĩ rằng nếu thực sự không có những trả thù như dự đoán, vì tôi chỉ là một người  làm khoa học bình thường , tôi còn có hy vọng đem khả năng mình làm một cái gì hửu ích, và được sống bình yên với mẹ tôi cho đến ngày cuối cùng của Bà. Nghĩ như vậy mà thay vì lái xe xuống bến tàu tôi lại lái xe về nhà. Mẹ tôi tuy đã đốc thúc tôi ra đi nhưng thấy tôi trở về thì Bà mừng rỡ vô cùng. Tôi đã quyết định ở lại với mẹ tôi, nhưng thật là buồn vì cuối cùng tôi cũng bỏ mẹ tôi mà đi và đến lúc Bà lâm chung cũng không có tôi bên cạnh.

Sau khi trở về nhà sắp lại đồ đạt tôi lái xe đưa con tôi đi một vòng Sàigòn . Tình hình lúc đó thật là hổn độn, người ta đã bắt đầu đập phá các cơ quan Mỹ bỏ trống để hôi của. Bến cảng Sàigòn đầy người. Tôi bổng thấy chiếc xe Falcon trắng của Thầy Hai để trên bến, tôi biết gia đình Thầy đã xuống tàu. Tôi chợt nhớ Viện Đại học còn còn nợ của anh Hùng , chủ một tiệm sửa xe môt số tiền nên khi về nhà tôi tìm cách điện thoại cho anh ta , nói anh ra bến xe đem cái xe về, xem như là Viện Đại học Huế đã cấn nợ cho anh. Xui dại như vậy mà anh cũng nghe, anh đã dẫn theo một người con trai ra bến tàu thu hồi xe. Rủi cho anh một số thương phế binh giả hiệu đã uy hiếp anh, buộc anh phải dẩn họ về nhà đưa cho họ 10000 đồng mới chịu cho anh đem xe về.

Ngày 30/4 Sàigòn thất thủ. Uỷ ban Quân quản thành phố ra lệnh cho công chức các cấp các nghành phải đến trình diện và đăng ký tại cơ quan của mình. Vì Văn phòng Đại diện đặt trong khuông viên của Viện Đại học Sàigòn nên chúng tôi phaỉ  đến trình diện với ban Quân quản của Đại học Sàigòn và đăng ký như là nhân viên của Đại học Sàigòn. Riêng tôi, tôi còn phải đăng ký và trình diện với ban Quân quản viện Bào chế Tenamyd vì tôi làm việc bán thời gian ở đó. Văn phòng đại diện Viện Đại học Huế được lệnh kiểm kê tài sản, nạp biên bản cho Uỷ ban Quân quản và hằng ngày phải đến làm việc để chờ lệnh. Tài sản của Văn phòng gồm mấy cái bàn làm việc, mấy cái máy đánh chử, quan trong nhất là 3 chiếc xe hơi, 1 chiếc microbus để đưa đón giáo sư, một chiếc xe Falcon trắng dành cho Thầy Phó Viện Trưởng và một chiếc xe Falcon đen mà tôi vẫn xử dụng. May mà anh Hùng đã thu về được chiếc xe trắng. Khi được lệnh kiểm kê chúng tôi đã nhắn anh Hùng đem xe trả lại cho văn phòng. Anh đã làm ngay và như vậy là nợ của anh, Đại học Huế đành quịt. Chỉ tội cho anh suýt nữa bị mất mạng, phải tốn vừa tiền vừa công mà không được đền bù nào. Từ ngày đó không còn gặp được anh và không biết hiện nay anh như thế nào, biết đâu vì lòng tốt của anh mà nay anh đã giàu sang.

Khoảng 1 tháng sau chúng tôi được ứng trước lương 12000 đồng, tôi đã từ chối lương của Tenamyd, chỉ nhận lương của Đại học Sàigòn. Cùng lúc đó Thầy Nguyễn Văn Hạnh, người được Bộ Đại học Hànội đưa vào tiếp quản Đại học Huế với chức vụ tương đương với Viện trưởng cũ, vào Sàigòn và đến thăm văn phòng Đại diện. Ông Nguyễn Văn Bốn với tư cách Trưởng phòng đã tường trình ngắn gọn công việc làm trước đây của Văn phòng và nộp bản sao biên bản kiểm kê tài sản mà văn phòng đã nạp cho Ban Quân quản .Do can thiệp của Thầy Hạnh tài sản này đã được trả lại cho Đại học Huế. Thế là ông Phương , chủ quản công xa của Viện được nhắn vào Sàigòn để sửa chửa lại mấy cái xe và đưa toàn bộ tài sản này ngoại trừ bàn ghế về lại Huế. Vì nay Đại học Huế trực thuộc Bộ Đại học Hànôị nên văn phòng sẽ ngưng hoạt động , cơ sở trao trả lại cho Đại học Sàigòn.

Nhân viên Đại học Huế di tản vào Sàigòn, một số đã ra đi , một số sau khi tình hình đã khá ổn định tự tìm phương tiện để trở lại Huế, một số còn do dự chưa muốn về. Theo yêu cầu của Thầy Hạnh, chúng tôi đã tổ chức một buổi gặp mặt của Thầy và các vị này. Trong buổi họp mọi người được khuyên về Huế làm việc lại. Một số hưởng ứng . một số khác trong đó có Thầy Khoa trường Đại học Luật, Thầy Nguyễn Đình Hoan giáo sư Văn khoa đã ở lại luôn Sàigòn. Thầy Hạnh có nói với tôi là cán bộ giảng dạy cũ và sinh viên Y khoa Huế có nhắn lại là họ muốn tôi về giúp Huế, Thầy yêu cầu tôi lo việc đưa ba chiếc xe và tài sản của văn phòng về Huế, đến Huế muốn ở lại làm việc hay trở về Sàigòn tùy tôi. Thế là ông Phương lái chiếc microbus, Cụ Lê Hửu Dãn lái chiếc Falcon trắng và tôi lái chiếc Falcon đen lên đường về Huế, ghé Nhatrang ngủ lại một đêm ở nhà cụ Châu, nhân viên cũ cuả Văn phòng Viện Đại học. Đến Huế sau khi bàn giao mọi thứ cho Viện tôi trở vềTrường Y khoa gặp Thầy Quýnh, lúc bấy giờ là phụ tá Hiệu trưởng của Trường. Thầy Quýnh thuyết phục tôi trở về và đưa tôi đi gặp Thầy Lê Văn Phước, Hiệu trưởng. Thầy Phước đã tiếp đón tôi vui vẻ, nhắc lại những điều mà Thầy Hạnh đã nói với tôi ở Sàigòn. Cuối cùng tôi nhận lời về lại Trường, nhưng xin một tháng để thu xếp ở Sàigòn.

Thế là tôi trở lại Đại học Y khoa Huế, tạm thời cùng với Dượcsĩ Bùi Bội Tiên phụ trách Khu sinh hóa lúc đó gọi là Bộ môn Sinh hóa. Một số danh xưng đã thay đổi.Khu ( Department) là Bô môn, trưởng khu là Chủ nhiệm Bộ môn. (Ở  Đại học Sàigòn gọi Khoa trưởng là Chủ nhiệm Khoa )Khoa Trưởng thì gọi là Hiệu Trưởng. Nhân viên giảng huấn thì gọi là cán bộ giảng dạy, nhân viên nói chung là cán bộ công nhân viên. Lúc bắt đầu mới tiếp thu tổ chức đại học vẫn giử y nguyên, 4 khoa: Khoa học,Sư phạm , Văn khoa và Y khoa, đều nằm trongViện Đại học( trường Luật bị giải tán) và trực thuộc bộ Đại học, sau này Y khoa kết hợp với bệnh viện thành Viện Y học trực thuộc Bộ Y tế. Đó là tình hình trước khi tôi rời Huế (1980 ), tiếp theo cũng như bây giờ tổ chức Đại học Huế như thế nào tôi không rõ.

Tổ chức Đại học Y khoa cũng có vài thay đổi,về khoa học căn bản có thêm môn Hoá đại cương, về hành chánh và nhân viên có thêm phòng tổ chức chăm lo về chính trị, một bộ phận chăm lo phân phối nhu yếu phẩm. Cán bộ công nhân viên nói chung, giảng dạy hay không, đều tùy theo trình độ giác ngộ chính trị và thành tích trong công tác mà lần lượt được kết nạp vào Công đoàn. Khoảng giữa năm 1976 thì bắt đầu tuyển các cán bộ  ở lại được gọi là lưu dụng ( tức là dùng lại vì khoan dung) vào biên chế nhà nước. Các cán bộ giảng dạy  được lương đồng đều mỗi tháng 100 đồng ( tiền mới ), cán bộ công nhân viên  thì tùy và ai cũng được phát nhu yếu phẩm hằng tháng với tiêu chuẩn giống nhau. Ở Y khoa Huế anh Văn, một nhân viên hành chánh cũ cùng với 1 cán bộ ở Bắc vào phụ trách việc này. Cứ mổi tháng họ đi lảnh một số thịt và rau trái về để phân phối cho công nhân viên. Họ chia thành từng phần rồi bốc thăm. Ai cũng trông mong được 1 phần có nhiều mỡ đem về rán ra để dành ăn lâu, và tóp mỡ thì rất thực dụng. Chương trình học cũng ít thay đổi, ngoài các lớp học chính quy, có thêm các lớp chuyên tu, tức là các lớp học riêng cho những cán bộ có công đã từng phục vụ y tế lâu năm , chưa qua hết chương trình trung học, nay được về học y khoa để khi ra trường phục vụ tại các huyện,. Sau mổi giờ học có 5 phút tập thể dục, ngoài những buổi học trong lớp có những buổi lao động xã hội chủ nghỉa, giảng viên,nhân viên đều tham gia, như trồng rau muống và lúa ở hồ trước mặt trrường, sau này biến thành lao động tự túc lương thực và có những ngày đi lao động xa như đi trồng sắn ở Cồn Tiên…Đặc biệt Y khoa Huế có phối hợp với Y tế Tỉnh một lần đi kiểm tra sức khoẻ nhân dân làng Thủy Phù, bộ môn Sinh hoá có tham gia, phác giác một số dân bị tiểu đường mà không biết. Kỷ niệm còn để lại là đã được ăn một bửa ăn thật ngon gồm có những miếng thịt heo dày mỡ chấm nước nắm mà dân Thủy Phù đã đải chúng tôi. Ngoài ra nhân viên , thầy cô giáo cũng còn tham gia với dân chúng xây đập Nam Sông Hương . Đây là một công trình lớn huy động hàng chục ngàn dân. Học sinh, sinh viên làm việc rất hăng hái. Chủ yếu của công trình là đào 1 con kinh từ thượng nguồn sông Hương trở về nam để vào mùa hè khi phần dưới sông Hương bị nước biển tràn vào không  thể dùng để tưới tiêu được thì nước của thượng nguồn sông Hương được bơm vào kinh dẩn về để tưới các ruộng ở phiá nam. Ngày khánh thành thấy một giàn máy bơm dặt trên một cái bệ bằng bêton hoạt động , nước chảy rầm rầm trông thật ngoạn mục, tiếc thay chỉ sau một thời gian ngắn , bệ vì xây không đúng , chịu đựng không nổi nên bị sập, máy bơm hết hoạt động và công trình không xử dụng từ đó.Trước ngày tôi rời Huế vào Sàigòn năm ( 1980 )tôi đã đạp xe đạp dọc bờ kinh, nhìn thấy lòng kinh khô nước mà nhớ đến những ngày cùng sinh viên lao động ở đó, nhớ đến tình thương mà sinh viên đã dành cho mình, cứ cuốc được 5,7 phút thì sinh viên lại đến dành cuốc, nói thầy đi nghỉ đi để bọn con làm cho,hoặc đến giờ ăn thì thế nào họ cũng đem lại cho tôi một miếng cá hay thịt nhỏ. Ở thời nào và hoàn cảnh nào sinh viên cũng dành cho tôi những cảm tình đặc biệt.

Như trên tôi đã nói khi tôi bước chân đi trên cái sàn gổ của Trường Luật cũ trong ngày khai giảng lớp học đầu tiên của Trường Y, nghe tiếng ọp ẹp phát ra mà tôi đã thấy trước cái định mệnh nổi trôi khi tôi gắng bó với Trường. Và thật như vậy, vào năm 1978 sau khi một âm mưu phục quốc bị phát giác, một số giảng viên trường trung học và đại học bị bắt trong đó có Thầy Nguyễn Nhuận của Đại học Khoa học. Không biết vì Thầy Nhuận khai hay vì sao mà hình như 1 số giảng viên của Đại học Y bị tình nghi trong đó có tôi. Riêng tôi vì việc này đã bị thẩm vấn suốt một ngày bởi công an từ Hànội đưa vào. Sau gần 12 giờ ở đồn công an, tôi được cho về và người công an trẻ còn dặn tôi cứ về công tác như thường ngày, chờ anh ta có đủ bằng cớ sẽ lại nói chuyện với tôi. Thế là tôi về, hằng ngày vẫn đến lớp (tức là lên bục để giảng bài ) như thường, nhưng ở nhà thì đã chuẩn bị sẵn sàng để nếu bị kêu đi học tập thì đi. Cứ như thế kéo dài gần 1 năm rưởi. Khi tình hình đã lắng xuống, tôi xin được đổi về Sàigòn, lấy cớ gia đình của tôi, mẹ và các con cũng như gia đình vợ tôi đều ở Sàigòn.Không hiểu sao thái độ của Trường đối với tôi thay đổi, Phòng tổ chức trước đây vẫn không chịu cho tôi vào công đoàn , đột ngột tổ chức một buổi lễ kết nạp tôi vào công đoàn ( tôi là nhân viên chế độ cũ của Trường cuối cùng vào Công Đoàn ) Thầy Cung, nay đã quá cố, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Huế, mời tôi qua văn phòng nói chuyện  rất lâu với tôi về việc tôi xin về Sàigòn và yêu cầu tôi ở lại Huế. Tuy nhiên vì tôi năn nỉ mãi nên cuối cùng Thầy cũng bằng lòng cho tôi đi. Tôi vào Đại học Y Sàigòn làm phụ tá cho Thầy Hồ, giáo sư chủ nhiệm Khoa Sinh hóa cho đến tháng tư năm 1982 thì tôi vượt biên và đến tháng 3, 1983 tôi bước chân lên đất Mỹ. Tháng 4 năm 1983 tôi đuợc Đại học UCLA tuyển vào làm nghiên cứu, và tôi tiếp tục ở lại Đại học này cho đến tháng 8 năm 1989. Khi gia đình tôi gồm vợ tôi và đứa con út 11 tuổi được bảo lãnh qua thì tôi từ giả UCLA lên San Jose hùn vốn mở pharmacy, trở lại với cái nghề đầu tiên của tôi.

Tôi thành thật xin lỗi các bạn là tôi đã thực sự dông dài khi kể nhiều chuyện về tôi sau thời gian sau 75 , chắc các bạn thấy nhàm chán lắm, nhưng mục đích chỉ để các bạn ra đi trước 75 có chút ý niệm nào về sinh hoạt của chúng tôi vào thời đó.
Biết rằng tôi đã quá rườm rà, nhưng việc tính toán của tôi không thể hoàn tất , nếu tôi chưa nhắc đến các món nợ ân tình mà tôi còn thiếu với cấp trên, các bạn đồng sự và các bạn sinh viên trẻ cuả tôi.

Người ta vẫn nói nếu không có Linh mục Cao Văn Luận và Thầy Lê Khắc Quyến thì không có trường Đại học Y khoa Huế. Công sức của hai vị cho Y khoa Huế thật là to lớn. Linh mục Cao Văn Luận đã từng là giáo sư Triết của tôi ở Trung học. Thầy Lê Khắc Quyến đối với gia đình tôi chẳng khác gì một bác sĩ gia đình, cứ hể đau một tý là mẹ tôi đã đem tôi đến cho Thầy xem mạch và lần nào cũng vậy chỉ cần thấy mặt Thầy là tôi đã gần như hết bệnh. Thầy đã săn sóc sức khoẻ cho tôi từ khi tôi còn là một đứa nhỏ ốm yếu nên rất thương tôi và xem tôi như con vậy. Vì vậy khi Y khoa Huế được phép thành lập, Thầy đã bảo mẹ tôi nhắn tôi về làm việc cho Y khoa Huế. Bệnh nhân, sinh viên cũng như ai đã từng làm việc với Thầy đều thương mến Thầy. Sau những biến cố chính trị và tôn giáo Linh mục Cao Văn Luận và Thầy Lê Khắc Quyến kẻ trước người sau đều phải xa Huế vào Sàigòn. Khi trường Huế dời vào Sàigòn tôi có đến tường trình sự việc cho hai Vị biết và về sau có dịp tôi cũng năng đến thăm. Từ 30/4 trở đi tôi chỉ được gặp Thầy Quyến thêm hai lần nữa. Linh mục Cao Văn Luận và Thầy Lê Khắc Quyến là những người đã đưa tôi vào Đại Học Huế. Tấm thịnh tình của họ tôi không bao giờ quên.

Tôi không còn nhớ rõ vào lúc nào. Nhưng hình như sau khi Thầy Bùi Duy Tâm vừa nhận chức Khoa trưởng, tôi có đến thăm Thầy ở Viện Pasteur , định bàn chuyện Khu Sinh hóa của Y khoa Huế, tôi muốn Thầy đem kinh nghiệm của Thầy ở Khu Sinh Hoá Đại học Y khoa Saìgòn giúp tôi.Thầy đã để tôi ngồi chờ cả tiếng đồng hồ, tôi bực mình định bỏ về thì Thầy Tâm ra tiếp tôi và chỉ sau một hồi nói chuyện tôi đã có cảm tình ngay với Thầy . Đối với Thầy Bùi Duy Tâm , tôi có rất nhiều kỷ niệm, nào những chuyến ngủ đò trên sông , vừa hóng gió vừa báo cáo tình hình y khoa cho Khoa trưởng và nhận chỉ thị, nào những lúc chạy lui chạy tới ở Sàigòn để kiếm thầy ra dạy Y khoa, những buối họp Hội đồng Khoa và giải quyết những khó khăn ở Huế.

Tôi thật cám ơn Thầy đã tin tưởng tôi mà đề cử tôi làm Phó Khoa Trưởng và đã cho tôi  có một thời gian sinh hoạt linh động. Tuy nhiên lời cám ơn này không xoá sạch được cái ân hận mà tôi vẫn giữ mãi trong lòng về việc Thầy ra đi khỏi Huế. Một số áp lực ở Trường làm tôi đã không tìm mọi cách để giữ Thầy lại. Sau 30/4 khi tôi còn ở Sàigòn tôi vẫn thường đến Y khoa Minh đức hàn huyên với Thầy và trước khi đi vượt biên Thầy có đi một vòng từ nam ra bắc , có ghé lại Huế ở lại nhà chúng tôi một đêm. Trong buổi thành hôn của tôi năm 1977 ở Sàigòn Thầy là người khách duy nhất mà tôi mời. Mặc dù bây giờ tuổi của Thầy đã trên bảy bó, Thẩy vẫn còn rất trẻ trung và tràn đầy sức sống. Thầy còn làm việc rất hăng say, du lịch đến mọi nơi trên quả địa cầu, còn thực hiện được những điều mình muốn.

Trong khi Thầy Bùi Duy Tâm đã đưa Y khoa Huế vượt qua khó khăn để đi lên , thì Thầy Lê Thanh Minh Châu là người đã làm cho Đại học Huế khởi sắc trở lại. Thầy đã để gia đình ở lại Sàigòn , một mình ra Huế trong một giai đoạn rất khó khăn. Thầy đã hăng say làm việc, đưa tinh thần của nhân viên và sinh viên lên cao trở lại. Nhờ giao thiệp rộng và khôn khéo ngoại giao, Thầy đã làm cho Đại học Huế được biết đến nhiều trong cũng như ngoài nước. Đối với những cộng sự viên của Thầy, Thầy rất quan tâm lo lắng. Cứ thế là trong những ngày cuối tháng 4/ 1975. khi tình hình ở Huế đã rất nguy kịch, vì lo cho một số giáo sư và nhân viên còn kẹt ở Huế, Thầy đã bất chấp nguy hiểm đi ra Huế để tìm cách đưa họ vào. Việc này đã suýt làm cho Thầy bị kẹt lại hay có thể mất mạng. Chúng tôi thật rất lo lắng cho Thầy. Riêng tôi không biết có ngộ nhận nào làm Thầy bất bình không, nhưng tôi khẳng định là Thầy và Cô Viện trưởng là những người tôi luôn luôn kính nể và mến phục.

Tuy ở Viện Đại học nhưng Thầy Lê Thanh Minh Châu cũng rất quan tâm đến Y khoa và Thầy đã lãnh đạo Trường trong một thời gian ngắn. Khi qua Mỹ, tôi được kể lại, Thầy đã cùng với Thầy Nguyễn Văn Hai và Thầy Bùi Minh Đức thành lập một Ban để xác nhận cho các bác sĩ tốt nghiệp ở Huế, để họ có thể học lại, thi tương đương và hành nghề (Thầy Bùi Duy Tâm vì qua trể nên không có trong Ban này).

Nếu nói đến sự thành công của Thầy Lê Thanh Minh Châu thì phải nhắc đến Thầy Nguyễn Văn Hai, Phó Viện trưởng Viện Đại học Huế thời bấy giờ. Hai người là hình với bóng trong việc điều hành Đại học Huế. Thường trong khi chuyện trò tôi vẫn thường xưng anh em với Thầy nhưng thực ra Thần Hai là thầy dạy vật lý của tôi ở năm đệ nhất ( lớp 12 bây giờ) trường Khải Định (bây giờ là Quốc học). Thầy đã là thần tượng của tôi vào thời ấy, một thầy giáo trẻ rất hăng hái giảng bài thao thao bất tuyệt. Khi hỏi Thầy nên học gì sau khi thi đậu Tú Tài 2, Thầy vẫn hay khuyên nên học dược. Sau lớp 12 tôi đi học dược, lý do chính là vì muốn được hoản dịch, nhưng có lẽ phần nào cũng do lời khuyên của Thầy đó.Trong những buổi họp Hội đồng Viện, Thầy thường ít ủng hộ tôi, tuy nhiên tôi lại năng đến nhà Thầy để tâm sự và cho đến khi qua Mỹ mặc dầu ở xa xôi tôi cũng năng nói chuyện điện thoại với Thầy. Kỹ niệm đáng nhớ của tôi với Thầy Hai là lúc tôi cùng Thầy đi quan sát tổ chức các Đại học Hoa Kỳ và lúc chúng tôi cùng một số anh em cuả Đại học Huế tập trung ở đường Duy Tân để chờ được bốc đi Mỹ. Chiều ngày 29/4 khi lái xe đưa con tôi đi một vòng Sàigòn ,thấy xe của Thầy Hai đậu ở bến, lòng tôi bổng nhói lên, không phải vì Thầy đi mà tôi ở lại, nhưng vì tôi bổng cảm thấy mất đi một người mà tôi có thể tâm sự. Tôi cũng cám ơn Thầy Hai, vì chính Thầy đã đề nghị với Thầy Viện trưởng để tôi được đại diện Viện Đại học Huế tham dự Hội Đồng Văn hoá Giáo dục do   Phó Tổng Thống Trần Văn Hương làm Chủ tịch và sau đó tôi đã trở thành hội viên chính thức.

Thầy Hai thuộc những nhân vật có cá tính A ( personality A ). Thầy nóng nảy, mưu lược nhưng không thâm độc và thù hận. Thầy chưa hề hại ai, có đánh ngã ai thì cũng kiếm cách mà nâng lên. Hiện Thầy đang chuyên tâm nghiên cứu về Tánh Khổng trong Phật giáo, Thầy đã ra sách và viết đều đều cho báo Phật giáo ở Kentucky, Louisiana.

Ở Đại học Huế trước 75 cấp trên của tôi còn có hai người nữa là Thầy Lê Văn Bách và Thầy Lê Bá Vận.

Thầy Lê Văn Bách vào làm cho Y khoa Huế ngay từ lúc Trường mới thành lập. Thầy là người rất có trách nhiệm, nguyên tắc và ghét tham quyền cố vị, vì vậy khi Thầy được bầu lên làm Quyền Khoa trưởng, mặc dầu lúc đó Thầy được sự ủng hộ mạnh mẻ của các giáo sư ngườI Đức và hầu nết nhân viên giảng huấn và hành chánh trong trường, Thầy vẫn muốn nhường chức lại cho một người khác mà Thầy cho là hợp lý hơn. Ở trung học thì Thầy Bách là bậc đàn anh của tôi một lớp cho nên đối với tôi, Thầy vẫn xem như là một người bạn và chính Thầy đã tranh đấu rất mạnh với Viện để Viện cấp cho tôi một căn nhà ở Khu Đại học khi tôi ở Đức về. Ngày Thầy mất tôi không có ở Việt Nam, nhưng thật may mắn vì chuyến viếng thăm Huế đầu tiên của tôi lại đúng vào ngày giổ của Thầy nên tôi đã có dịp cùng gia đình Thầy thắp nén hương tưởng niệm Thầy.

Thầy Lê Bá Vận lên làm Khoa Trưởng sau khi Trường di tản từ Đà nẵng trở về năm 1973, đến đầu năm 1975 thì Huế mất, Đại học Huế tan rã, thời gian quá ngắn để Thầy có thể đem hết tài năng cuả mình ra thi thố. Trước khi làm Khoa trưởng , người ta nói Thầy có tính gàn gàn, nhưng sau khi lên làm Khoa trưởng, Thầy đã tỏ ra không gàn tý nào, trái lại rất uyển chuyễn , khôn ngoan đối với Viện, đối với các Khoa khác cũng như đối với nội bộ của Trường. Thầy hành xử đúng là một người lảnh đạo. Sự khôn ngoan của Thầy càng thấy rõ sau 75 trong những buổi học tập chính trị, Thầy đã đưa ra những câu hỏi rất khó trả lời nhưng không ai bắt bẻ được. Sau 75 Thầy được giữ lại Trường chỉ vì Thầy có chuyên môn rất giỏi. Từ ngày Thầy qua định cư ở Canada đến bây giờ tôi chưa có dịp để gặp lại.

Người đã cùng tôi vất vả trong một thời gian là Thầy Nguyễn Văn Tự, Phó Khoa trưởng học vụ. Thầy Tâm đã chọn Thầy Tự vì khả năng chuyên môn rất cao của Thầy và cũng vì tính tình thẳng thắng cương nghị của Thầy. Các bạn đồng sự cũng như sinh viên ai cũng thương mến và nể phục Thầy. Trong việc liên lạc với bệnh viện, Thầy ít khi nhượng bộ và thường đạt được những điều kiện làm việc tối ưu cho sinh viên cũng như cho các giáo sư của Trường.Trong thời gian Khoa trưởng vắng mặt nếu không có Thầy thì việc điều hành Trường Y khoa chắc chắn đã không chu toàn tốt đẹp. Đối với tôi Thầy còn là một người bà con thân thiết. Trong những ngày tôi bị tình nghi, Thầy biết nhưng không hề vì ngại dính líu mà xa lánh tôi, trái lại còn năng gặp tôi để nâng cao tinh thần cho tôi. Cũng trong thời gian khó khăn này chính Thầy đã đưa đúa con út của tôi ra chào đời. Khi vợ tôi sinh xong Thầy đã tự tay cùng với một y công khiên cán đưa vợ tôi đi tìm phòng. Nhờ Thầy mà vợ tôi đã có một phòng riêng mà nằm.

Sau khi qua Mỹ mặc dầu đã trể và lớn tuổi nhưng Thầy Tự đã nhanh chóng bắt kịp và vượt qua những người khác, có Board, Fellowship và trở nên giáo sư lâm sàng của Đại Học Y khoa Harvard. Thầy vừa mới về hưu năm nay 2005.

Ở Y khoa tôi có một người bạn cùng học một lớp ở trung học đã từng chia nhau miếng cơm khi ở lại lớp buổi trưa, đã có rất nhiều kỹ niệm ở tuổi học trò, đó là Thầy Bùi Minh Đức,Trưởng khu tai mũi họng của Trường trước 75. Thầy là người rất quan tâm đến sinh viên khi còn là giáo sư ở Việtnam cũng như khi qua được Mỹ, Thầy cùng Thầy Châu và Thầy Hai ký xác nhận cho rất nhiều bác sĩ tốt nghiệp Y khoa Huế và bất kỳ có ai cần đến Thầy mà Thầy có thể giúp đỡ được Thầy đều sẳn sàng. Ngày tôi mới đến Mỹ chính Thầy đã cho tôi bàn ghế và các vật dụng cần thiết để sống lúc ban đầu. Thầy đã thân hành đem tôi đến một tiệm may mua cho tôi một bộ đồ để tôi có thể đi interview mà kiếm việc, khi ra về Thầy còn nhét vào túi tôi 200 đồng để tiêu vặt. Sau khi tôi có được chứng chỉ hành nghề dược sĩ, Thầy đã xúc tiến thủ tục mua khu đất gần phòng mạch của Thầy để tôi có chổ mở pharmacy, nhưng cũng chính vì tôi mà Thầy hỏng mua khu đất đó.

Nhắc đến những người đã giúp đở tôi ban đầu, tôi không quên được một người bạn khác , đó là Thầy Bùi Thế Phiệt, Thầy không ở Y khoa nhưng Thầy là Trưởng Khu Sinh hoá Đại học Khoa học Huế và có nhiều liên lạc với Khu Sinh hoá  Trường Y. Khi tôi mới qua Mỹ ,Thầy là Giám Đốc Kỹ thuật của hảng Amgen ở Thousand Oaks, CA, Thấy tôi chưa có việc làm, Thầy đã tự lái xe đưa tôi đến sở của Thầy , giới thiệu với bạn bè để tôi được interview vào làm việc. Khi đưa tôi lên xe bus để trở về Thầy còn đưa cho tôi thêm 100 đồng để tiêu. Tiếc rằng sau đó tôi đã từ chối làm việc ở Amgen vì lúc đó tôi đã được trường UCLA tuyển vào làm nghiên cứu ( cái nghiệp di của tôi đã lại đưa tôi vào Đại học một lần nữa).

Đối với Thầy Bùi Minh Đức cái điều tôi bội phục nhất và bất ngờ nhất là quyển tự điển tiếng Huế mà Thầy là tác giả, tôi không ngờ một bác sĩ yêu nghề như Thầy lại có thể trở thành một nhà ngôn ngữ học. Quyển tư điển đó hiện đã được hiệu đính và tái bản. Mười năm cặm cụi bên cạnh công việc săn sóc bệnh nhân hằng ngày của mình , Thầy đã thành tựu một công trình tham khảo để đời. Nếu không có một tình yêu mãnh liệt dành cho xứ Huế chắc Thầy đã không thực hiện được công trình đó. Dĩ nhiên là sẽ có những điều thêm hay bớt nhưng đây thực sự là một tác phẩm để đời. Tình yêu quê hương và xứ Huế của Thầy Đức cũng được thể hiện khi hằng năm Thầy vẫn dẫn những nhóm chuyên gia Tai, Muĩ Họng về thuyết trình và giảng dạy ở Huế.

Từ khi Trường mới thành lập có 3 dược sĩ được mời làm phụ giáo cho Trường , đó là Dược sĩ Tôn Nữ Hà, Dược sĩ Lê Bá Nhàn và tôi. Sau đó Cô Hà vì bận dược phòng nên không làm nữa, tôi và Thầy Nhàn ở lại. Mấy năm sau Thầy Nhàn đi tu nghiệp Vi sinh học ở Viện Max Pllanck Tây Đức, trở về Thầy giữ chức Giáo sư Trưởng Khu Vi sinh . Sau 75 Thầy tiếp tục giữ chức vụ này đến khi về hưu. Thầy có người con là Lê Bá Khánh Trình rất giỏi toán và nổi tiếng thế giới. Thầy chỉ lo chuyên môn và không hề dính líu tranh chấp hay phị thi gì trong Trường cũng như ngoài trường.

Bây giờ thì Thầy Phùng Hửu Chí đã lớn tuối, nhưng khi được tuyển vào Trường , Thầy là người trẻ nhất, đặc biệt là Thầy đã giử được cái trẻ trung này đến bây giờ. Thầy là giáo sư Trưởng khu Tiêu hoá và Đường ruột sau khi đi tu nghiệp ở Đức về. Vì gia đình không chịu về ở Huế, nên Thầy cũng không thể thường xuyên ở Huế được, tuy thế Thầy đã chu toàn đẹp đẻ cho sinh viên môn học mà Thầy phụ trách, sinh viên và đồng nghiệp chưa hề có một tiếng phàn nàn về Thầy. Thầy Chí và tôi cùng đi Đức một lần nên có nhiều kỷ niệm trên đường đi cũng như ở Đức. Thầy rất thương tôi và ủng hộ tôi ngày xưa cũng như bây giờ. Tuy qua Mỹ muộn nhưng Thầy cũng hoàn tất việc học lại và đã hành nghề. Các con Thầy cũng đã thành tài và có người đã nối nghiệp cha.

Cùng lúc với Thầy Chí và tôi, Thầy Nguyễn Khoa Mân cũng được gởi đi Đức tu nghiệp. Thầy Mân tốt nghiệp ở Pháp. Trước khi đi Đức, Thầy Mân làm phụ giáo Nội  khoa. Các bác sĩ thuộc khoá 1 Y khoa Huế chắc còn nhớ Thầy Mân. Thầy có người vợ Pháp, sau thời gian tu nghiệp , có lẽ vì áp lực gia đình ,Thầy đã trở qua Pháp làm việc và trở thành giáo sư của Đaị học Y khoa Paris. Trong thời gian ở Đức cứ khi nào thiếu tiền tôi lại đến gặp Thầy Mân. Đã lâu lắm tôi không có tin tức về Thầy.

Nhắc đến những giáo sư của trường vốn là Dược sĩ còn có Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Thầy là nhân viên giảng huấn có tước vị Giáo sư diển giảng đầu tiên của Trường Y khoa Huế. Thầy có bằng tiến sĩ Dược khoa ở Pháp, ban đầu về giảng dạy cho Đại học Dược khoa ở Sàigòn sau đó vì lý do đặc biệt được chuyễn về làm cho Y khoa Huế. Thầy là Giáo sư Trưởng khu Dược lý của Trường đồng thời phụ trách môn Hóa hửu cơ của Đại học Khoa học Huế. Thầy là người đầu tiên áp dụng việc cho phép sinh viên đem sách vào phòng thi để tham khảo trong kỳ thi cuối năm . Sau 73 Thầy dời vào Sàigòn và lâu lâu mới ra Huế dạy. Ở Sàigòn Thầy làm cho hảng bào chế Vanco, tiếp tục làm ở đó và rất được trọng dụng sau 75. Thầy mất ở Saìgòn.

Phụ trách Nhi khoa là Thầy Hồ Đình Quế, Thầy là người ít nói, có một phòng mạch rất đông bệnh nhân. Công việc ở bệnh viện và phòng mạch choán rất nhiều thời gian của Thầy, nên chỉ có những buổi họp Hội đồng Khoa mới gặp Thầy ở Trường. Hiện Thầy ơ gần nhà tôi, nhưng tôi chỉ gặp Thầy được 2 lần, đó có lẻ là lổi tại tôi. Trông mong có dịp để anh em Y khoa gặp lại Thầy một lần.

Phụ tá cho Thầy Lê  văn Bách ở Nội khoa là Thầy Bữu Châu. Đối với mọi người Thầy luôn luôn nhã nhặn và lịch sự. Thầy giúp đở sinh viên rất nhiều ở bệnh viện. Trong những ngày Thầy Tâm phải từ giả Đại học Y khoa Huế, Thầy đã giúp rất nhiều để làm giảm căn thẳng giữa Viện và Khoa. Phu nhân trước đây của Thầy là Cô Hạnh Phước, dược sĩ làm cho Thầy Nguyễn Mạnh Hùng ở Khu Dược lý. Khi qua Mỹ Cô Hạnh Phước đã đỗ Tiến sĩ và dạy Đại học. Tôi ít liên lạc nên không biết nhiều về họ.

Trong số các thầy giáo trẻ của Trường có Thầy Lê Xuân Công. Thầy phụ trách Cơ thể học và Giải phẩu ( tôi không nhớ rõ  nếu sai xin cải chính ).Cũng như các Thầy khác, Thầy đã đóng góp nhiều cho Trường. Thầy là một giáo sư giải phẩu giỏi. Thầy ở lại Trường sau 75, nhưng chỉ một thời gian ngắn, Thầy vào Sàigòn. Mất Thầy Trường tiếc lắm, nên khi  tôi  từ Huế trở về Sàigòn để thu xếp, Thầy Phước , Hiệu trưởng của Trường có nhờ tôi đến gặp Thầy Công và thuyết phục Thầy ra lại với Trường. Vào Saìgòn tôi có đến nhà gặp Thầy, tôi chỉ nhắc đến ý  kiến của Thầy Phước mà không nói gì thêm. Sau đó không lâu Thầy bỏ công việc làm, nhà cửa đẹp đẻ đưa gia đình ra đi.

Cũng là thầy giáo trẻ như Thầy Lê Xuân Công và cũng đã góp nhiều công sức cho Trường là Thầy Tôn Thất Chiểu và Cô Bùi Bội Tiên. Thầy Chiểu phụ trách Cơ thể bệnh lý và giải phẩu ( tôi không nhớ rõ nếu sai xin hiệu đính). Thầy Chiểu rất gần gủi với sinh viên . Thầy là người dân xứ Huế nên rất thương Huế. Đối với gia đình , Thầy là người con rất chí hiếu và người chồng gương mẫu. Khi Sàigòn thất thủ Thầy đang du học ở Mỹ, nghe tin Thầy cấp tốc bay về Hồng Kông, ở đó chờ ổn định để xin về với vợ con, nhưng không được. Thầy kiên trì vận động để bảo lảnh vợ con qua sớm nhất. Sau này Thầy năng về Việtnam thăm gia đình và bạn bè để tìm cách giúp đở. Thầy đã thành lập và bảo trợ một hội thiện lo giúp trẻ em nghèo ở Việt Nam. Thẩy cũng thường vận động đưa một số thầy, cô giáo của Y khoa Huế qua tu nghiệp. Tôi còn nhớ kỹ niệm những đêm đánh xì phé với Thầy ở cư xá đại học trong tiếng pháo kích rầm rầm đâu dó và một buổi dự Tết Tây tại nhà vợ chồng Đại diện Phòng Văn hoá Pháp ở Huế.

Cô Bùi Bội Tiên phu nhân cuả Thầy Chiểu là một dược sĩ vào làm việc với tôi ở Khu Sinh hoá cùng một lúc khi Thầy Chiểu vào Y khoa. Tuy tôi phụ trách Khu Sinh hoá nhưng đa số công việc là do Cô Bội Tiên với sự phụ tá của Cô Hạnh ( cử nhân khoa học ) lo hết, nhất là sau 73 tôi vào ở luôn Sàigòn. Cô không những là một cô giáo có nhiều khả năng, mà còn là một người đàn bà Việt Nam gương mẫu. Trong giai đọan khó khăn không có chồng bên cạnh, Cô vừa hoàn thành tốt đẹp công việc ở Trường, vừa lo vẹn toàn cho gia đình gồm Cô, hai con và mẹ, miệng vẫn luôn luôn tươi cười như không có khó khăn nào có thể khuất phục Cô được .Sinh viên đã gọi Cô lúc ấy là nụ cười của Bộ Môn Sinh hoá. Cô là người rất can đảm, nhất là có một thời gian Cô phải vào bệnh viện, Cô không có vẻ chi buồn phiền hay lo lắng cho bệnh trạng của mình. Sau năm 1973 tôi ở Sàigòn nhiều hơn ở Huế, Cô rất vất vả, tôi đã cố tìm một cơ hội nào để đề nghị Cô đi tu nghiệp ngắn hạn và về thay tôi mà làm Trưởng khu Sinh Hoá, không phải vì lúc đó tôi muốn ở luôn Sàigòn mà thực sự Cô đáng được như vậy. Tiếc thay ý định tôi chưa thực hiện được thì trường Y đã thay đổi.

Sau khi khóa 1 Y khoa tốt nghiệp, các bác sĩ Bùi An Bình, Trần Viết Phồn, Tôn Thất Hứa được tuyển vào làm giảng nghiệm viên cho Trường. Thầy Bùi An Bình ở Khu Nhi , Thầy Phồn ở khu Nội và Thầy Hứa ở khu Giải phẩu. Sau đó Thầy Bình và Thầy Phồn được đi tu nghiệp ở Pháp, Thầy Hứa ở Đức. Thầy Bình và Thầy Phồn về nước trước 75 làm việc cho Trường cho đến sau 75. Thầy Hứa ở lại Đức và làm việc cho đến bây giờ. Hằng năm Thầy Hứa vẫn đi  theo các phái đoàn các bác sĩ thiện nguyện về giúp cho Việt Nam. Khoảng năm 1980 thì Thầy Phồn cùng với phu nhân cô Diệp, dược sĩ ở bộ môn Hóa dời vào Sàigòn.

Tiếp theo là các bác sĩ Phạm Văn Nguyện, Lê văn Bàng, Dương Đình Châu, Bảo Chủ, Trần Nhơn, Trần Tiển sum, Trần Tiển Ngạc, Đoàn văn Quýnh được tuyển vào Trưòng.

Thầy Nguyện và phu nhân là Cô Nga ở khu Cơ Thể bệnh lý, trước khi tôi rời Huế , hai người còn làm tại Y khoa.
Thầy Bàng ở khu Nội khoa,  nay Thầy là giáo sư Tiến sĩ chủ nhiệm Bộ môn Nội của Trường. Trong lần đầu về thăm Huế, tôi có gặp Thầy và mộ số bác sĩ làm việc với Thầy trong ngày kỵ của Thầy Bách.

Thầy Dương Đình Châu ở khu Da liễu, hiện nay Thầy vẫn phụ trách bộ môn Da liễu của Trường. Mặc dầu qua năm tháng có nhiều thay đổi, Thầy vẫn giữ phong độ của ngày xưa, vẫn thoải mái và tự nhiên. Thầy và phu nhân là Cô Cẩm Lai ( cử nhân văn khoa ) cùng với cô Hường phụ trách thư viện, là những người đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian tôi ở Huế một mình, đã cho tôi ăn những ngày tôi không có cơm tháng và đặc biệt đã giúp tôi rữa sạch cái cà mèn lấy cơm tháng mà cứ sau một tuần thì lại đóng một lớp màu xanh.
Thầy Bảo Chủ ở khu Quang tuyến. Năm 1976 thầy Bảo Chủ vượt biên làm chấn động cả Trường, hiện Thầy hành nghề tạI Úc. Thầy cũng là con của Cụ Vĩnh Tiên, nguyên Tổng Thư Ký Đại họcY khoa Huế.

Thầy Trần Nhơn ở khu Vi sinh. Thầy là một trong  những con cưng sinh hoá ngày xưa của tôi, nhưng khi vào Trường Thầy lại chọn Vi sinh.Thầy là người ít nói , hiền lành và rất tận tâm.Thầy hiện hành nghề ở Nam cali.

Thầy Trần Tiển Sum khi được tuyển vào Y khoa Huế được đi thực tập với một nhóm chuyên viên giải phẩu Mỹ lúc đó đang hoạt động ở Việt nam.Cơ duyên này đã giúp Thầy khi qua Mỹ trở thành chuyên gia giaỉ phẩu thẩm mỹ. Hiện Thầy rất có tiếng ở vùng Holywood. Thầy đã cùng sinh hoạt Hồng Thập Tự với tôi ở Huế từ 1970 đến 1972.

Thầy Trần Tiển Ngạc ở khu Giải phẩu, tiếp tục làm ở đấy sau 75. Chính vào thời gian khó khăn và thiếu thốn này Thầy Ngạc đã cắt bao tử cho cụ Lê Hửu Dản trong cơn nguy cấp. Thầy cũng có một lần thục hiện một ca mổ gan với Thầy Tôn Thất Tùng, giáo sư của Đại học Y khoa Hà Nội. Vốn là người tự cao ít khen ai, nhưng Thầy Tùng đã khen Thầy Ngạc rất nhiều. Thầy Ngạc vượt biên sau Thầy Chủ ít tháng. Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Thấy Ngạc, nhất là khi qua Mỹ trong thời hàn vi. Chính Thầy đã ký giấy giới thiệu cho con tôi để nộp vào các trường Đại học.

Thầy Đoàn Văn Quýnh cùng phu nhân, Cô Mai dược sĩ ở khu Đông y và Dược lý. Sau 75 cho đến khi tôi rời Huế Thầy vẫn kiêm nhiệm Phụ tá Hiệu trưởng của Trường. Trong chức vụ này Thầy đã âm thầm bảo vệ cho những Thầy Cô giáo hay nhân viên cũ ở lại với trường. Hình như nay Thầy đã về hưu.

Trong số những nhân viên có dính líu đến giảng dạy nhưng không là bác sĩ, dược sĩ, ngoài Cô Cẩm Lai, cử nhân văn khoa, phu nhân cuả Thầy Dương Đình Châu, Cô Nga cử nhân khoa học, phu nhân của Thầy Phạm Văn Nguyện, Cô Hạnh cử nhân khoa học, ở khu Sinh Hoá, tôi chỉ nhớ thêm được cô Hường cử nhân văn khoa cùng với Cô Cẩm lai làm quản thủ thư viện, Cô Thảo cử nhân khoa học ở khu Sinh hóa sau đổi qua Vi sinh.

Trực tiếp điều hành văn phòng hành chánh của Trường là Cụ Cố Tổng thư ký Lê Cảnh Đạm có Cụ Vĩnh Tiên làm phụ tá. Cụ Lê Cảnh Đạm và Cụ Vĩnh Tiên đã làm việc cho Trường Y khoa Huế lúc Trường mới thành lập. Vốn là một huynh trưởng Hướng đạo, Cụ Đạm là người ưa hoạt động và rất tích cực. Cụ có công rất nhiều với Trường, nhất là vào thời gian Trường di chuyễn vào Sàigòn rồi trở về. Riêng đối với tôi, Cụ khi  nào cũng thương và ủng hộ tôi, luôn luôn sẵn sàng gánh vác một phần công việc của tôi khi có thể được. Bác sĩ lê Cảnh Hoạt cựu sinh viên Đại học Y Huế là con trai của Cụ, hiện hành nghề ở Los Angeles.

Cụ Vĩnh Tiên trước là phụ tá cho cụ Đạm và lên thay thế cụ Đạm khi cụ về hưu. Với tinh thần của một nhà thể thao, cầu thủ bóng tròn hội SEP ngày xưa, Cụ đã hoàn thành tốt mọi công việc đựơc giao phó. Sau 75 thì cụ Vĩnh Tiên về hưu. Vì là bà con với tôi nên sau khi cụ về hưu tôi vẫn năng đến nhà đánh cờ với cụ và kể cho cụ nghe những sinh hoạt ở Trường. Thầy Bảo Chủ chính là con trai của cụ.

Nhân viên hành chánh có nhiều nhưng tôi chỉ còn  nhớ cụ Cách, người quản gia, qua mọi biến cố đã giữ không hề để mất một vật gì dù nhỏ của trường. Anh Văn mà tôi đã kể ở trên và ông Khôi ở khu Cơ thể học, người dã tận tụy với công việc bảo quản các xác chết cho sinh viên học và đã mất đi trong bệnh tật sau 75.

Có một bộ phận của văn phòng Viện Đai học, không thuộc Trường Y khoa Huế nhưng rất cần thiết cho hoạt động giảng dạy của Y khoa Huế đó là Văn phòng Đại diện Viện Đại học Huế tại Saìgòn. Nhiệm vụ của văn phòng là lo liên lạc với các Bộ ở Sàigòn để đốc thúc theo dỏi các giấy tờ giữa Viện và các Bộ, sắp xếp kế hoạch đưa đón các giáo sư về dạy cho Đại học Huế trong đo có Y khoa, lo mọi thủ tục xuất ngoại cho nhân viên giảng huấn hay hành chánh. Văn phòng này có một Đại diện Viện Đại học, đầu tiên là Thầy Nguyễn Thanh Trang, sau đó khi Thầy Trang chuyễn qua làm cho Đại học Minh Đức thì tôi thay thế, một Đặc Uỷ viên của  Viện Trưởng là cụ Lê Hửu Dản và một trưởng phòng liên lạc là ông Nguyễn văn Bốn. Chính hai vị sau này mới là chủ yếu cho sự thành công của Viện Đại học Huế và các Khoa.

Bây giờ nhắc đến tất cả những ngườì trên, những cấp trên hay đồng sự của tôi, tôi chỉ biết nói một tiếng cám ơn, cám ơn rất nhiều, mọi người đã hết sức rộng rải đối với tôi và đã để lại cho tôi những phút vui buồn khó quên. Đối với lãnh đạo mới của Y khoa Huế, các nhân viên giảng huấn cũng như hành chánh đến Y khoa sau 75, tôi cũng thành thật cám ơn, vì họ đã cho tôi cơ hội làm việc lại ở Y khoa mà không có mặc cảm của kẻ được lưu dung. Trong thời gian tôi bị tình nghi, trái với những bức xúc mà tôi gặp phải ở địa phương trong những lần họp tổ dân phố, ngoài việc không cho vào công đoàn, không có ai ở Trường đã tỏ ra một thái độ nào khó chịu đối với tôi. Sau này tôi được nghe kể rằng chính nhờ sự bảo vệ của Trường mà Tỉnh Ủy đã để yên cho tôi.

Tôi nghĩ rằng nếu bài này được đăng và có một ai đó đã đọc đến đây thì đã can đảm lắm rồi. Tuy nhiên tôi không thể ngưng lại nếu tôi không đề cập đến một đại bộ phận đã rất thương yêu tôi, đó là toàn thể sinh viên của Trường. Đôí với những sinh viên đã có học hay không học với tôi, đã chăm chú nghe hay ngồi ngủ gật khi tôi giảng bài, tôi thành thật cám ơn các bạn. Chính các bạn đã dem đến cho những ngày làm việc của tôi ở Đại học Huế có chút ý nghĩa.
Hơn 90% sinh viên tốt nghiệp của Y khoa Huế định cư ở nước ngoài đã hành nghề y trở lại và đã thành công tốt đẹp. Trong hai chuyến về thăm lại Việt nam tôi có gặp lại một số bác sĩ cựu sinh viên của Đại học Y khoa Huế, tại Huế, Sàigòn và Biên Hoà, họ cũng đều đã thành công, có người trở lại giảng dạy ở Trường và làm đến Chủ nhiệm Bộ môn, có ngưòi làm cho bệnh viện công và làm đến Giám đốc bệnh viện , có người có phòng mạch tư ở ngoài hay làm giám đốc những cơ sở y tế tư rất lớn, đa số đã có một đời sống dư dật nếu không nói là giàu sang. Điều này nói lên khả năng của họ, khả năng này đã đáp ứng được với mọi nhu cầu và hoàn cảnh.

Đối với những người không trở lại hành nghề bác sĩ, trong đó có những con cưng sinh hoá ngày xưa của tôi, họ thực sự không thiếu khả năng, nhưng vì hoàn cảnh nào đó, họ đã mất đi cơ hội lựa chọn, hoặc đã không muốn lựa chọn để trở lại ngành Y. Tuy không thành công trong ngành Y, họ cũng đã thành công rất nhiều trong những lãnh vực khác.

Trong kỳ họp mặt thường niên của Hội Ái hửu Cựu Sinh viên Đại học Y khoa Huế năm nay ( 2005), tôi đã rất cảm kích khi được gặp lại những người bạn vong niên của tôi từ khóa 1 đến các khoá sau 75. Tôi thật rất hân hoan khi được cùng chia xẻ niềm lạc quan và tự hào của họ cũng như được hãnh diện về sự đoàn kết gắng bó thân thiết giữa họ với nhau.

Trong hai lần về thăm Huế tôi đã không ghé thăm Đại học Y khoa, vì tôi nghĩ rằng tôi không còn dính líu gì đến Y khoa nữa. Trường Y khoa đối tôi bây giờ giống như một món đồ cổ quý giá mà không phải của tôi, tuy nhiên khi gặp lại các cựu sinh viên Y khoa  thì những kỷ niệm sinh động ngày xưa lại hiện ra , cũng như khi được nghe những điều tốt đẹp về Trường hiện tại thì tôi cảm thấy vui và có một chút an ủi trong lòng.

Trong thời gian làm việc cho Viện ĐH Huế, ngoại trừ đi tu nghiệp dài hạn để lấy bằng tiến sĩ năm 1964, tôi đã xuất ngoại 4 lần, năm 1969 do Thầy Tâm đề nghị với Viện, tôi đã đại diện Viện ĐH Huế tham dự Hội Nghị Thế giới Vi sinh học lần 3 ở Bombay (Ấn Độ), cùng đi có Thầy Trần Quang  Tiến, giáo sư Vi sinh của ĐH Dược Khoa Sàigòn, đại diện cho Viện ĐH Sàigòn, năm 1971 tôi tham gia một phái đoàn do Thầy Viện Trưởng và Phó Viện Trưởng dẫn đầu đi thăm các ĐH Bangkok và Chiengmai (Thái lan), năm 1972 cùng với Thầy Nguyễn Văn Hai và một số Thầy khác ở ĐH Sàigòn và Cần Thơ… đi Mỹ theo một chương trình dành riêng cho các Khoa Trưởng và Phó Khoa Trưởng để quan sát và nghiên cứu các tổ chức các Đại học, trên đường về tôi đã ghé thăm ĐH Hồng Kông, Đài Bắc và Đông Kinh, năm 1973 cơ quan DAAD cho riêng tôi một học bổng 3 tháng để đi tái huấn luyện về sinh hoá ở ĐH Freiburg Tây Đức, nơi tôi đã làm luận án Tiến sĩ. Trong những lần đi này tôi đã có thêm một số kiến thức mới, tiếc rằng những kiến thức này đã không đem dùng  gì được cho Đại Học cũng như cho khu Sinh Hóa. Vậy là món lời khá lớn mà tôi có được chỉ dành cho riêng tôi không chia chát cho ai cả. Tính sổ đoạn đường tôi làm việc ở Y khoa Huế có hai mốc thời gian có tính chất quyết định:

Thứ nhất là lúc tôi quyết định bỏ công việc làm của tôi tại Dược Viện Quốc gia và cái nghề Dược sĩ của tôi ở Sàigòn để về Huế. Lý do còn có thể giải nghiã được vì về Huế tôi được ở gần mẹ tôi, hơn nữa tôi có thể thực hiện mong ước của tôi là đi tu nghiệp ngoại quốc  về môn sinh hóa như Thầy Quyến đã hứa.

Thứ hai là sau 75 khi tôi để gia đình ở lại Sàigòn, một mình trở về lại Y khoa Huế. Tôi không tìm ra lý do của quyết định này vì lúc đó  tôi có thể ở lại làm việc cho hảng bào chế Tenamyd như trường hợp Thầy Nguyễn Mạnh Hùng ở lại làm việc choVanco, và có thể tôi đã giúp ích được nhiều hơn. Vậy cái gì đã làm tôi trở về Huế, tại xứ Huế đẹp và thơ mà tôi đã sống từ nhỏ đến lớn, có lẻ không phải , vì tình yêu của tôi đối với Huế không mãnh liệt như trường hợp của nhiều người dân Huế khác như Thầy Đức và Thầy Chiểu chẳng hạn, tại kỷ niệm của tôi với Đại học huế, cũng có thể , vì sinh viên Huế lúc nào cũng gắn bó thắm thiết với tôi, tuy nhiên ở một hoàn cảnh mới , thái độ mới, tình cảm sinh viên đã có đối với tôi không đủ để giúp tôi yên lòng trở về Huế được, hay là một định mệnh nào đã xui khiến tôi trở về lại Huế để gặp vợ tôi bây giờ. Nếu trong cuộc đời của tôi, tôi có được một hai thành công nào đó thì việc gặp được vợ tôi đến bây giờ vẫn là một thành công mà tôi trân quý. Đây cũng là món lời cuối cùng mà tôi có được nhờ làm cho Đại học Huế.

Bây giờ ngồi lại tính sổ những ngày tháng đã qua, tôi chợt nhớ câu nói của Ursula K.Le Guin: “It is good to have an end to journey toward; but it is the journey that matters in the end”. Tuy rằng trong cuộc hành trình Y khoa của tôi chỗ dừng chân không phải là cái đích tôi muốn đến, nhưng đọan đường tôi đi nhìn lại vẫn nhiều lời hơn lỗ, có lẻ nhờ những món nợ ân tình tôi vẫn nhớ mà không trả.

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved