MỘT KHUNG TRỜI ĐỂ NHỚ

 
 

Lời giới thiệu của BBT: Chị Hồ Hoàng Anh, tức là chị Tạ Quang Hát, YKH # 2, xuất thân từ khóa Nữ Hộ Sinh # 9, hiện đang cư ngụ tại Baton Rouge, Lousiana, cùng với 4 con (trong số này có 2 cháu theo nghề của cha) và 1 cháu ngoại. Chị viết bài dước đây như những lời cám ơn gởi đến tất cả ACE trong Hội.

                                                   Một Khung Trời Để Nhớ

     Hồi nhỏ tôi vẫn thường mơ ước khi lớn lên sẽ chọn nghề dạy học; hình ảnh cô giáo đứng trên bục gổ trong chiếc áo dài lụa trước đám học trò để giảng bài trông thật oai nghiêm và đẹp đẻ làm sao! Nhưng giấc mơ đó đã không thể thực hiện được khi một buổi sáng Ba vỗ vào vai tôi và ôn tồn bảo :”Con à, con đã lớn khôn nên chọn một nghề gì thích hợp để học, với bản chất hay thương người của con, ba nghĩ con nên chọn một ngành gì mà sau này có thể săn sóc Ba Mạ khi tuổi già hay giúp đở cho chị em con khi họ cần đến”. Thế là tôi bị thi vào trường NHS vì vâng lời cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.

     Đó là năm 1966, khi tôi vừa tròn 21 tuổi, ngày đầu tiên bước chân vào học với lứa tuổi mới lớn đầy mộng mơ, tôi, một cô gái rất là nhút nhát và ham khóc, từ nay phải chung đụng với máu me và đau đớn, tôi lo sợ đến mắt ăn mất ngủ và chán chường chỉ muốn bỏ cuộc cho xong, nhưng lạ lung cũng chính nơi đây đã làm thay đổi cách nhìn và cuộc sống của tôi sau này.

     Tôi phải trải qua những ngày tháng thực tập: học đo nhiệt mạch, áp huyết, chích thuốc, ghi hồ sơ bệnh lý, nghe tim thai, học khám thai và cuối cùng quan trọng nhất là đã tự tay đón nhận những đứa bé sơ sinh chào đời, nhìn sự chịu đựng đau đớn của các bà mẹ, nhìn vào nổi lo lắng mong chờ và hy vọng của người cha cùng tiếng khóc oa oa lúc ban đầu của một thân hình bé nhỏ đang nằm trên đôi bàn tay bé nhỏ của mình; một cảm giác thật là tuyệt vời và hạnh phúc để thấu hiểu được sự mầu nhiệm của trời đất và tạo hóa, tôi như lần lần cảm thấy thấm vào tim…

     Theo thông lệ khi đang học, chúng tôi phải tuần tự đi thực tập ở tất cả các phòng bệnh khác trong Bệnh Viện dưới sự phân chia của cô HLV, và trại bệnh mà tôi đã đến trước nhất là trại Nguyễn Hữu Sum. Hôm đó trời rất là đẹp, một buổi sang mát rượi, có chút nắng vàng chiếu qua song cửa, tâm hồn thấy thoải mái đôi chút, đang đẩy chiếc xe đến từng giường bệnh phát thuốc thì anh đã đến bên tôi tự lúc nào. Tôi quay lại có chút e lệ và ngỡ ngàng, còn anh thì ngượng ngùng và lúng túng, một hồi sau nah mới lên tiếng: “tôi tên là T. Q. H, SVYK 2, tôi có vài bệnh nhân ở trại này cần theo dỏi. Thoáng nhìn thấy dáng dấp anh thật là thư sinh và nét mặt trông rất hiền tư.

     Thế là chúng tôi bắt đầu quen biết, làm việc chung và trò chuyện mỗi ngày. Nhưng có lẽ duyên trời đã định hay tại thời gian bên nhau khá lâu, lại nữ chúng tôi chưa một ai có đối tượng nên dần dà cũng nẩy sinh tình cảm và đi vào con đường yêu đương tự lúc nào không biết, chỉ thấy vắng nhau thì nhớ, gặp rồi thì tim mình lại thổn thức và hình ảnh của người đó cứ lãng vãng trước mặt trong từng, giờ từng phút. Tôi như cảm nhận được hạnh phúc đã đến trong tầm tay. Rồi những lần hò hẹn, những giận hờn vu vơ, những chiều đến đón tôi khi tan tour trực, những tối gạp nhau trong nhà khách nội trú. Đâu đâu chúng tôi cũng là đề tài cho đám bạn bè lũ quỷ trong lớp học chọc phá bởi vì cái tên của anh nghe ngồ ngộ. Cứ mỗi lần thấy anh xuất hiện là tụi nó la lớn: “H.A ơi, em ca anh hát u ơ đến rồi…” tôi thẹn thùng đến đỏ mặt chỉ sợ anh ta nghe thấy thì mắc cở lắm, tôi chạy vội xuống cầu thang và chúng tôi nhanh chóng ra khỏi nội trú để được cùng nhau thả bộ dọc con đường Hàng Đoát, con đường mang tên em và cũng được đặc tên là con đường tình ái vì không có một cô NHS nào đã từng yêu qua mà chưa một lần dẫm chân lên đó. Khung cảnh ở đây thật đẹp, thật thơ mộngvới hai hàng cây đoát bên đường thẳng táp; tiếc tôi không phải lá một thi sĩ để có thể làm nên những vần thơ ca tụng.

     Vừa thoát khỏi đám bạn bè phá phách để tìm lại cho mình một chút riêng tư thì lại gặp ngay P.T.T (khóa đàn em của anh H.) lái xe vespa đi ngược chiều (không biết là đi tìm bồ hay đi nghễ ai đó mà cũng đi ngang qua đây). T. mĩm cười và hóm hỉnh lên tiếng: “con hỏ tối rồi mà không lo học cứ lo đi cặp bồ, tui về mét mạ cho mà coi!”. Chúng tôi hơi hoảng hốt vì thành phố Huế rất là nhỏ, chỉ cần một sơ hở gì thì lập tức ngày mai thiên hạ đều biết hết, nhất là ba mạ tôi nếu nghe được chắc là chết.

     Sau đó chúng tôi lựa một ngày đẹp trời dẫn nhau về nhà để ra mắt ba mạ. Chúng tôi đã không gặp một trở ngại nào từ phía hai gia đình, nhưng cũng giới hạn ngang đó thôi vì phải ba năm nữa mới ra trường. Và cứ thế chúng tôi mãi bên nhau mặc cho trời mưa, trời gió hay bảo bùng, cũng có một thời gian ngắn thất lạc nhau trong dịp Tết Mậu thân, tưởng sẽ không được gặp nhau nữa nhưng cuối cùng nhờ Trời Phật thương nên chúng tôi cũng được trùng phùng và lễ cưới đã được tổ chức sau đó, khi ra trường.

     Và suốt 33 năm trong tình nghĩa vợ chồng  (nhưng thật ra chỉ hơn ba chục năm, còn gần 3 năm anh trong trại tù Cọng Sản) anh đã mang đến cho tôi và các con vô vàng tình thương và hạnh phúc, để rồi vào một ngày cuối thu 2003 chúng tôi đã thật sự mất nhau, anh bỏ lại mẹ con tôi để ra đi vĩnh viễn sau một cơn bạo bệnh. Tim tôi đau nhói, cỏi lòng tan nát, tôi chơ vơ hụt hẳng và như bị rơi xuống vực sâu không đứng dậy nổi. Nhưng rồi thời gian cũng đã làm cho tôi thấu hiểu được lẽ vô thường của tạo Hóa như anh và tôi đã đi cùng chuyến tàu, anh lên trước, tôi lên sau, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng sẽ gặp nhau ở miền vĩnh cữu.

     Hôm nay ngồi ở đây một mình, căn phòng thật trống vắng, nổi cô đơn và những kỷ niệm xưa chợt về, em nhớ anh đến quay quắt…

     Cám ơn anh đã cho em biết thế nào là tình yêu đầu đời, anh thật sự là một người chồng tốt, một người cha đáng kính. Anh đã để lại cho em một kho tang vô giá, đó là bốn đứa con của mình, thật dễ thương và ngoan ngoãn. Các con cũng đã thực hiện được lời hứa với ba rồi.

     Cám ơn Thầy Đ.Q và ngôi chùa T.B (Louisiana) đã cho tôi tìm lại được sự bình an và thanh thản trong tâm hồn sau những tháng ngày tuyệt vọng và đau khổ nhất. Cám ơn ba mạ đã nuôi nâng dạy dỗ chúng con nên người và luôn luôn bên cạnh trong bất cứ lúc nào.

     Cám ơn trường N.H.S, trường Y.K.H, bệnh viện Huế đã đào tạo cho chúng tôi những nghề nghiệp đáng quý và đó cũng là nơi đã cho em và anh có cơ hội gặp nhau.

     Cám ơn tất cả các thầy cô của cả hai trường đã dìu dắt thương yêu. Cám ơn tất cả các bạn bè xa gần , những đồng nghiệp đã hổ trợ, an ủi và chi xẽ những đau buồn.

     Đó là những lời cám ơn mà em vẫn mãi mang trong lòng, xin anh hảy yên nghĩ, anh yêu dấu. Anh mãi mãi ngự trị trong tim em và các con

     Mùa thu 2006
     Lần giỗ thứ 3
     H.A

Anh Chị Tạ Quang Hát/Hoàng Anh

 

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved