KATRINA: ĐIỆP KHÚC BLUE BUỒN

 
 


Từ Nguyên Nguyễn Văn Thuận

Con người, từ buổi sơ khai, không ngừng kình chống thiên nhiên để sống còn. Con người hôm nay, vẫn tiếp tục kình chống để khắc chế thiên nhiên. Trên con đường đi tìm đất sống, chính ngay trong những công trình xây dựng, con người đã hũy phá, thay đổi một phần hay toàn diện khuôn mặt thiên nhiên. Và chắc vì vậy, con người luôn phải gánh chịu hình phạt của thiên nhiên. Như một mối thù truyền kiếp, cái thiên nhiên đó, cái thiên nhiên mà Tạ Tốn trong Ỷ Thiên Đồ Long Kiếm gọi là Lão Tặc Thiên đã không ngừng giáng họa xuống con người, tàn nhẫn và dững dưng, dai dẵng qua bao nhiêu triệu năm, kể từ lúc con người mới hiện hữu.

Ngày 25 tháng 8 vừa qua, khi cơn bảo thành hình ngoài khơi  Bahamas, được gọi tên là Katrina, di chuyển dần về miền nam Florida, tăng cường độ thành bảo số 3, các chuyên viên khí tượng quanh vùng vịnh phía nam đã dự liệu Katrina có thể  là một cơn bảo lớn, có mức tàn phá mạnh. Sau khi tràn qua mõm phía nam của bán đảo Florida, thay vì di chuyển theo hướng Bắc để đổ bộ vào vùng chảo của tiểu bang này, Katrina lại di chuyển xa hơn về phía Tây, đổi sang hướng Tây Bắc để vào vùng New Orleans. Trên đường di chuyển, vì áp xuất khí quyển thay đổi, và nhiệt độ nước biển  gia tăng, cường độ bảo tăng dần, và chỉ qua không đầy 3 ngày, bảo từ cấp 1 lên cấp 5, thì tâm bảo chỉ còn cách New Orleans không đầy 24 tiếng đồng hồ. Yếu tố bất ngờ này đã khiến các cơ quan hữu trách và chính quyền địa phương trở tay không kịp. Chiều thứ bảy 27 tháng 8, tình trạng khẩn cấp được ban hành. Toàn thành phố New Orleans được lệnh di tản.

New Orleans là vùng đất của bảo lụt. Năm nào thành phố cũng bị ngập chìm trong mưa bảo. Người dân làm quen với thiên tai, và xem bảo lut như một phần của đời sống. Bảo lụt qua đi, thành phố lại hồi sinh, mạch sống lại trở về với cái bình thường. Quen đi rồi, không còn biết sợ nữa, nên lần này, họ cũng coi thường lệnh di tản bắt buộc. Rạng ngày chúa nhật, chỉ một phần trong số nửa triệu dân New Orleans lên xe, bỏ thành phố chạy về hướng Tây, qua vùng Texas. Người đi, được nhắn nhủ nhìn lại thành phố một lần cuối, vì cơ hội trở về có thể rất mong manh, và nếu còn cơ hội, thành phố sẽ không còn là thành phố của buổi ra đi. Một số ít bệnh nhân nằm trong các bệnh viện được chuyển đến các vùng an toàn. Dòng xe kéo dài cả trăm dặm,  nhích từng chút một trên một đoạn đường nhiều trăm dặm. Cuộc hành trình trì trệ, mệt mõi. Vào lúc tối chúa nhật, khi tin tức loan báo tâm bảo số  5 sẽ đánh thẳng vào trung tâm thành phố,  có thể tàn phá New Orleans thành bình địa, thì những người ở lại đã không còn phương tiện di tản nữa.
Chính quyền bất lực hoàn toàn. Thật sự thì ngay trong tình trạng tối khẩn trương, cuộc di tản nửa triệu người ra khỏi thành phố cũng khó thể thực hiện trong một khoản thời gian cấp bách. 70% dân New Orleans là người da đen thiểu số, nghèo nàn. Người muốn chạy, không có phương tiện  chạy. Người ở lại, vì sợ không biết làm sao sống được trong cảnh mất nhà, mất job, mất cái chắt chiu của một cuộc đời cam phận nhỏ nhoi. Họ không nhìn thấy bên ngoài cái thành phố rặt một màu đen của họ một cơ hội tồn tại. Hai chữ tìm sống, do vậy, chỉ mang một ý nghĩa thật nhẹ.

Đêm Chúa nhật, người ở lại chờ đợi những gì tệ hại nhất, như chờ giờ tận thế.

Nhưng đêm qua đi. New Orleans thức dậy. Thành phố vẫn còn đó. Katrina đã đi qua, và đã để lại những tàn phá. Nhưng mưa đã tạnh, nắng đã lên, thành phố vẫn còn đó. New Orleans thức dậy trong một cảm giác vừa được hồi sinh, có ánh nắng, có nụ cười, có những hơi thở dài nhẹ nhõm. Thượng đế vẫn còn thương New Orleans. Katrina đã giảm bớt cơn cuồng nộ khi vào đến đất liền, và đã đi trệch một chút về hướng đông, xả bớt giận dữ xuống Mississippi và Albama. Chỉ một điều lạ, là sao mưa đã tạnh, bảo đã qua, mà nước vẫn không rút. Có thể là lý do mất điện, các hệ thống bơm thoát nước không hoạt động hữu hiệu. Không ai lo lắng nhiều. Cho mãi đến 8 giờ tối thứ hai trung tâm  theo dõi bảo lụt mới nhận được một tin xấu đầu tiên: nhân viên một nhà dưỡng lão gọi vào cho biết mực nước ở đó tiếp tục dâng cao với mức độ 1 bộ mỗi giờ. 8 tiếng đồng hồ sau, 80% thành phố ngập chìm trong biển nước. Nước, nước từ hồ Pontchartrain tràn qua những chỗ đê điều bị vỡ nhận chìm  500 cây số vuông diện tích cư trú của New Orleans  dưới 10 thước nước . Cái tệ hại nhất mà giới hữu trách phòng bảo lụt, và nhất là Cục Công binh quân đội luôn luôn lo sợ đã thực sự xẩy ra: hệ thống đê điều từ lâu không được canh tân quả đã không chịu được các đợt sóng cuốn của cơn bảo mạnh đã rạn nứt, nước thấm qua các vết nứt, và cuối cùng làm đê vỡ ở 5 chỗ khác nhau. Những thác nước, những khối nước khổng lồ đã đổ ập xuống thành phố, nhận chìm thành phố và 300 ngàn người dân còn kẹt lại. Tấn thãm kịch của nước Mỹ, an American Tragedy, thật sự đã xẫy ra.

New Orleans có một vị thế địa lý đặc biệt. Thành phố được xây dựng trong một vùng lòng chảo sâu 9 feet dưới mực nước biển,  có chỗ thấp hơn, hai mươi feet. Phía nam thành phố được bọc bởi lưu vực sông Mississippi, hồ Pontchartrain ở phía Bắc, cửa ngỏ mở ra vùng biển vịnh Mexico, xung quanh được bao boc bởi một hệ thống đê điều, kinh lạch dài đến 350 dặm. Giữ cho một vùng đất như thế được khô ráo quả là cơn ác mộng triền miên của giới hữu trách. Đó là một vùng đất hoang dã của thiên nhiên, nhưng từ ba trăm năm trước, những người dân nô lệ đã tìm đến, mặc cho những đe dọa, để xây dựng một thành phố cho riêng họ. Thiên nhiên đã giành cho New Orleans những đối xử tàn tệ nhất đã đành, con người cũng đã không biết nương nhẹ những tác động nhân danh việc phát triển xã hội và kinh tế dọc vùng duyên hải Mexico. Nhu cầu gia tăng dân số nhằm đáp ứng đà phát triển  kinh tế và kỹ nghệ khai thác, biến chế dầu, khai thác thủy sản, du lịch khiến các khu dân cư ngày càng đông hơn, mở rộng hơn vào những vùng dễ bị thiệt hại như bờ biển, cửa sông, và các vùng đất thấp. Việc phát triển thủy lợi lưu vực sông Mississippi từ năm 1927 cũnglà một yếu tố quan trọng vì sông Mississippi không còn đủ phù sa để ổn cố các đầm lầy và giồng đất dọc theo bờ biển. Do vậy, bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Các đầm lầy và giồng đất này là một vùng đệm hữu hiệu để chống giông bảo. Ỏ tiểu bang Louisiana, có nhiều nơi bờ biển ăn sâu vào đất liền trên 25 cây số từ thập niên 1920 cho đến ngày nay. ( theo kỹ sư Nguyễn Minh Quang, chuyên viên thủy lợi ) Cũng vậy, theo Time Magazine, việc rút dầu từ lòng đất cũng làm cho Louisiana, và đặc biệt là New Orleans ngày càng bị lún xuống sâu hơn dưới mực nước biển. Louisiana mất trên 1 triệu mẫu đất dọc theo bờ biển từ thập niên 1930, và cứ mỗi thế kỷ, New Orleans lại trụt thấp hơn gần 1 mét.

New Orleans là cửa ngỏ kinh tế của miền Nam với một hải cảng thiên nhiên tốt nhất, nước ấm, với một đường thủy vận lớn và thuận lợi nhất di sâu vào vùng Trung Tây qua sông Mississippi. Cảng Nam Louisiana có lượng chuyển hàng lớn nhất của Mỹ. Vùng Vịnh cũng còn sản xuất 30% lượng dầu, 20% lượng khí đốt, một phần ba thủy sản cho quốc gia. Nhưng trên hết, và cũng có ý nghĩa hơn hết, New Orleans là di sản văn hóa của Mỹ quốc kể từ ngày vùng đất này được  Nã phá luân Đệ nhất bán cho tổng thống Thomas Jefferson  năm 1803 vói giá 15 triệu mỹ kim. Vùng đất được gọi là Louisiana 200 năm trước thật sự lớn hơn nhiều, lớn đến 2 triệu 100 ngàn cây số vuông, mà ngày nay bao gồm các tiểu bang Arkansas, Missouri, Iowa, Minnesota, vùng tây sông Mississippi, North Dakota, Nebraska, Oklahoma, Kansas, Montana, Wyoming, Colorado, và tiểu bang ngày hôm nay còn được gọi là Louisiana. Thành phố New Orleans được dựng lên năm 1718, là vùng đất dụng võ của những tay trùm rượu lậu, những kẻ buôn người, trộm cướp, thành phố của những tội lỗi và đày đọa. Với những khu phố French Quarter, Jackson Square, với ngôi giáo đường St Louis, những địa danh quen thuộc của những người da đen nô lệ bên bờ đông ngạn sông Mississippi, mang tên một bá tước người Pháp, Duc d'Orleans. Gần 300 năm qua, thành phố này vẫn là thành phố của người da đen, không luật, không lệ, không thấy bóng tương lai, thành phố của những nhọc nhằn, những xót xa, cam chịu, đau đớn và tủi hờn. Thành phố của những khúc nhạc Jazz tự phát từ tâm cảm đồng điệu, từ những uất nghẹn của cả một dân tộc, một lớp người. Thành phố của những điệu Blue buồn như rứt đi từng khúc ruột, bóp nghẹt từng con tim, nghiền nát thân phận của những con người vẫn được gọi là người. Như Baltimore là ống khói xã chất dơ cho thủ đô Washington, DC, New Orleans là nơi giải thoát những uẩn ức, làm dịu  nỗi buồn muôn thủa của người da đen, để từ đó, thế hệ này qua thế hệ khác, những người công dân hạng hai của Hợp Chúng Quốc gối đầu ru giấc ngũ tìm quên.

Cái tai họa ngày hôm nay đổ xuống New Orleans, đổ xuống những người da đen không phải là một bất ngờ của tạo hóa, cũng không phải là cơn cuồng nộ có chủ ý của thiên nhiên. Nhưng Katrina đã lột trần bề trái xã hội của những con người bị lãng quên, của những cung xử tàn nhẫn giữa người với người, của tầng lớp ưu đãi, củađặc quyền  chèn ép, khai thác lớp người bất hạnh, xấu số, bị tước đoạt hết mọi phương tiện đề kháng. Đó là hậu quả của cái mà mãi cho đến ngày hôm nay tổng thống George W. Bush mới có can đảm và công khai thú nhận, cái di sản bất bình đẳng, legacy of inequality. Ông nói trong bài nói chuyện đêm thứ năm 15 tháng 9 vừa qua trước khuôn viên nhà thờ thánh Louis, trong khu Jackson Square, bên bờ sông Mississippi:

Cái nghèo đói bắt nguồn từ  những vấn đề kỳ thị chủng tộc đã khiến bao nhiêu thế hệ ( người dân da đen) bị tước đoạt mất cơ hội thăng tiến...Nay là lúc chúng ta phải phục hồi lại những gì chúng ta đã quan tâm đến từ lâu, chúng ta phải vượt lên trên cái di sản bất bình đẳng.

New Orleans là một thành phố bị bỏ quên. Louisiana có một chính quyền tham  nhũng và tồi tệ nhất. Người da đen, thành công trên thương trường, trong chính trị thường phủ nhận cái gốc của mình. Còn người da trắng thì chỉ manh tâm lợi dụng cái tình trạng tụt hậu của vùng đất này. Từ nhiều năm, các chuyên viên nghiên cứu bảo lụt, đê điều thuộc các trung tâm đại học quanh vùng Vịnh, đặc biệt là Cục Công binh quân lực Hoa kỳ đã thấy trước với một mức độ chính xác gần như tuyệt đối tình trạng New Orleans trong trường hợp một cơn bảo lớn ( megahurricane) thổi qua, từ  chuyện vỡ đê, mức độ các vùng ngập nước, cho đến số nạn nhân bị kẹt lại trong các vùng nước lũ, nạn cướp bóc, giết người, hiếp dâm,... Những gì đã xẩy ra cho New Orleans trong đêm thứ hai 29 tháng 8 và những ngày sau đó đều đúng như vậy. Nhưng các chức quyền địa phương và trung ương đã không mấy quan tâm đến, dầu nhiều phúc trình đã báo động các đê quanh New Orleans không chịu nỗi bảo mạnh hơn cường độ 3. Cục Công binh đã yêu cầu cho thực hiện các dự án tu sửa để các đê điều có thể chịu được sức bảo số 5. Năm 1996, quốc hội cho phép thực hiện Dự án phòng chống lụt vùng Đông Nam Louisiana, nâng cấp đê, hệ thống thoát và bơm nước dọc lưu vực sông Mississippi, nhưng đã không tháo khoán đủ ngân sách thực hiện. Lấy ví dụ, từ 2001 đến 2005, cục Công binh xin ngân khoản 496 triệu, hành pháp cắt xuống còn 166,5 triệu, quốc hội chuẩn chi 249.5 triệu. Theo trung tướng Robert Flowers, nguyên cục trưởng công binh, nếu những dự án tu sửa không tốn kém quá một tỷ mỹ kim này được thực hiện, thảm trạng hôm nay đã có thể tránh được. Cũng may, số người bị chôn trong biển nước đã không lên đến 10,000 người như thị trưởng New Orleans phỏng đoán.

Bây giờ thì thành phố đang dẫy chết. Chính cái vô cảm, kỳ thị, tắc trách, thiếu hiệu năng của một hệ thống quyền lực đã là thủ phạm của tấn thãm kịch Mỹ quốc này. Nếu thượng đế có bị quy trách, thì phải quay trở lại ngàn xưa, khi thượng đế sinh ra con người, đã thiên lệch dồn hết mọi xấu xa, mọi thua thiệt, tủi hờn lên đầu một dân tộc.

Bây giờ không phải là lúc chỉ tay xĩa xói đổ lỗi cho nhau, giành nhau cái lẽ phải trái. Vấn đề còn lại là những nỗ lực xây dựng lại một vùng tử địa. Sẽ có nhiều người không bao giờ còn muốn trở lại New Orleans. Thành phố ngày nào hồi sinh, có còn là thành phố của ba trăm năm cũ? Hay có còn chăng, chỉ là những điệp khúc Blue buồn muôn thủa của những nghẹn ngào, uất hận.

Hai nghệ sĩ nhạc Jazz ở Bourbon Street, French Quarter, New Orleans sau trận bão Katrina.

Nhiều người tin những cơn thịnh nộ của đất trời là điềm báo trước tai họa giáng xuồng con người. Khi Katrina tàn phá New Orleans, người Hồi giáo Trung đông cho rằng đó là sự trừng phạt của đáng Alah đối với ông Bush. Một nhóm có tên Columbia Christian for Life lại cho rằng đó là ý Chúa nhằm hũy phá 5 trung tâm phá thai trong vùng. Điều này dựa trên một tấm hình chụp radar cho thấy tâm bảo giống hình một thai nhi trong bụng mẹ nằm nghiêng về bên trái ( hướng tây). Robert F. Kennedy, Jr, cháu ruột cố tổng thống Kennedy, một nhà môi sinh học, lại cho rằng Katrina nhằm trừng phạt thống đốc Mississippi Haley Harbor vì ông này chủ động trong việc không ký hiệp ước Kyoto về vấn đề hâm nóng toàn cầu. Những quy kết như vậy lúc nào cũng có, thường thường chỉ là những hư vọng nhằm phục vụ cho một ý đồ cá nhân, hay phe nhóm. Tin hay không, cũng tùy người. Vì trong cái phi lý, cũng có điều hữu lý. Lập luận của Robert Kennedy, Jr. dựa trên môi sinh, bầu thán khí, và vấn đề hâm nóng địa cầu không hoàn toàn vô lý. Cho nên, cũng như mọi biến cố trong đời sống riêng, mọi sự việc đều phải được xét lại dưới một góc cạnh nào đó để thấy cho được cái nguyên ủy.

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved