BIỂU TÌNH VÀ NHỮNG NAN ĐỀ XÃ HỘI

 
 

Có lẽ lịch sử sẽ ghi nhận năm 2006 là năm của những cuộc biểu tình. Từ Âu sang Á, xuống Nam Mỹ, rồi lên đến Mỹ, hàng triệu người dân xuống đường  tranh đấu cho quyền lợi, cho một mục tiêu chính trị, đòi tăng lương, hay bày tỏ một thái độ.  Những cuộc biểu tình lớn nhất từ xưa đến nay.

Xã hội  càng tiến bộ, càng phát hiện những vấn đề bất toàn, nan giải, hay khó thể giải quyết cho vừa lòng hết mọi người. Một phần vì bản chất phức tạp, đa dạng của vấn đề, phần khác, vì con người trong những điều kiện dễ được thõa mãn, càng đòi hỏi nhiều hơn, nhạy cảm hơn vì đụng chạm quyền lợi, và dễ sợ hãi trước những thay đổi. Điều đó thật đúng với tình trạng trong mấy tháng qua, tại Pháp và tại Mỹ, khi những cuộc biểu tình cho thấy xã hội ngày càng phân hóa hơn, và những nỗ lực canh cải cần thiết, dầu hợp lý, vẫn không dễ dàng được chấp nhận.

Tại Pháp, dai dẵng từ trong mấy tháng đầu năm, bộc phát trong hai tuần lễ đầu tháng tư, biểu tình, đình công, bãi thị hàng ngày đã làm tê liệt mọi hoạt động. Nhìn từ ngoài , và từ nhãn quan của người Mỹ, hay những người quen với đời sống xung động của xã hội Mỹ,  chuyện tranh chấp vừa xẩy ra hình như không có gì quan trọng, nếu không muốn nói là phi lý.

Pháp, và Âu châu nói chung, là cái nôi của những nền văn minh nhân loại, nơi con người được phát triển sớm nhất, toàn diện nhất, nơi nẩy sinh những tư tưởng, chủ thuyết nhân bản tiến bộ nhất, nơi kinh tế đi bước chân bảy dặm nhờ những phát kiến kỹ nghệ hóa hữu hiệu nhất. Ngày nay, Pháp vẫn đẹp, vẫn văn minh, kinh tế Pháp vẫn mạnh, người dân Pháp vẫn được xem là có học, trí thức nhất. Nhưng thời hoàng kim không còn. Đã qua rồi thế kỷ vĩ đại 17 le grand siècle, thời khai sáng thế kỷ 18, le siècle des Lumières, thế kỷ 19 của những cuộc cách mạng. Ðã qua rồi, Montesquieu với l’esprit de loi, Jean Jacques Rousseau với contrat social, Voltaire, Charles de Gaule chỉ còn là những bóng mờ trong thời đại cao kỹ. Nước Pháp, và lục địa Âu châu đó đã  đạt đến đỉnh cao của phát triển, đạt mức bảo hòa từ lâu, bảo hòa đến độ mất hết khả năng xoay trở, vùng vẫy, và cải tiến. Pháp quốc đã quá già, ít nhất là cho những người trẻ. Những lâu đài  nguy nga xây nên từ thời cổ xưa vẫn còn quá huy hoàng, choán hết chỗ cho những công trình xây dựng mới hiện đại và thực dụng hơn. Những con đường lát gạch nhỏ hẹp, nên thơ, gợi nhớ, ngoằn ngoèo trong những thành phố chật ních như nêm kéo chậm mức di động thị dân. Những tiêu chuẩn, những lề luật xã hội tạo nên nền tảng nhà nước từ  bao thế kỷ vẫn còn đó, nguyên vẹn những nét cổ truyền, những mức thang giá trị như những mẫu mực, nhưng không còn tính đáp ứng. Bao nhiêu thế hệ đã lớn lên, trưởng thành từ những ngày ở tột đỉnh vinh quang đó, đã không thấy được đổi thay, không thấy được cơ hội. Nước Pháp đã quá chật  chội theo cả hai nghĩa tinh thần và vật chất. Hơn 60 triệu người chen chúc trong một mãnh đất nhỏ hơn Texas, nằm lọt trong một lục địa Âu châu 750 triệu dân, với một diện tích chỉ bằng nước Mỹ. Người Pháp hôm nay vẫn là người Pháp của hai, ba trăm năm trước, không có gì thay đổi. Lẽ dĩ nhiên không có gì phải đạp đổ. Chỉ cần nhìn thực tế và thích ứng, thay vì hãnh diện, và hãnh tiến. Hãnh tiến, và những lề luật xã hội  không thay đổi đã bóp nghẹt cơ hội của những thế hệ mới lớn.

Vấn đề lớn nhất hiện nay của Pháp là nạn thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trên 10%. Với giới trẻ, 17%. Người trẻ lớn lên khó có việc làm, vì ít công việc mới cho những người mới. Một phần vì thị trường co hẹp, và cái thế cường quốc kinh tế đã mất. Phần khác, quan trọng hơn, là những khó khăn khi sa thải công nhân viên, khiến việc sử dụng nhân sự không còn dựa trên căn bản hiệu năng và nhu cầu. Để giúp giới trẻ có việc, chính phủ  Dominique de Villepin vào tháng 12 vừa qua đệ trình quốc hội một dự thảo luật nhằm cho phép các xí nghiệp sa thãi nhân viên dưới 26 tuổi, với thời gian tuyển dụng dưới 2 năm, mà không cần viện dẫn lý do. Người bị cho nghỉ việc được hưởng một số trợ cấp thất nghiệp, và một số quyền lợi huấn nghệ. Dự thảo luật mang tên Contrat Première Embauche, CPE, mà nhà báo Trần Văn Ngô ở Pháp dịch là Khế ước tân tuyển. Đây là một nỗ lực khởi đầu, tuy nhỏ, nhưng can đảm nhằm canh cải cái lề thói nhân dụng phi lý của guồng máy hành chánh Pháp, và chính phủ hy vọng nhờ vào đạo luật này, giới trẻ dưới 26 tuổi có nhiều cơ hội kiếm việc dễ hơn. Luật gồm nhiều điều khoản, nhưng mục đích căn bản chỉ có vậy. Người sống ở Mỹ không hiểu được sự cần thiết của một đạo luật như thế, vì những khế ước tuyển dụng tại Mỹ không bao giờ bảo đảm một công việc vĩnh viễn cho bất cứ cá nhân nào. Trái lại, ở Pháp, vì áp lực nghiệp đoàn, và vì chính sách không canh cải từ cả trăm năm, công tư chức, thợ thuyền trong bất cứ lãnh vực nào, mỗi khi có việc là được xem như có việc làm vĩnh viễn. Vấn đề sa thải một nhân viên rất khó, và tốn kém. Các xí nghiệp, nhất là các xí nghiệp nhỏ, do vậy dè dặt khi phải tuyển dụng nhân viên mới.

Theo Nicolas Sarkozy, bộ trưởng nội vụ, chủ tịch đảng UMP, người sẽ ra tranh cử tổng thống vào kỳ tới, CPE là một biện pháp tốt, giúp cho giới trẻ có việc làm.Vậy nhưng CPE đã bị chống đối. Nhiều lý do được viện dẫn : vi hiến, kỳ thị, phản luật lao động, “ cuộc chiến chống lại thanh niên”, âm mưu sa thải, gây thêm khó khăn cho đời sống,…Nghiệp đoàn chống, sinh viên, học sinh chống, công tư chức chống, người trẻ chống, người già cũng chống. Tả chống, hữu chống. Chống loạn cả lên. Ngày nào cũng biểu tình, cũng đập phá. Trong nhiều tháng, nước Pháp chìm trong hỗn loạn. Nhưng cuối cùng quốc hội cũng thông qua dự thảo, CPE trở thành luật, được Jacques Chirac ký ban hành ngày 2 tháng tư vừa qua. Vậy là cả triệu người ào xuống đường. Cuộc xuống đường được báo chí Pháp cho là lớn nhất trong lịch sử tranh đấu của cái đất nước được xem là đất thánh của những cuộc cách mạng đó. Đại học đóng cửa, trường học cho trẻ nhỏ cũng đóng cửa, công chức, tư chức bỏ sở đi biểu tình, công nhân, thợ thuyền đình công, bãi thị, Chợ búa đóng cửa, xe bus, tàu điện cho nằm ụ,…Cả nước tê liệt. Một tuần sau khi ký ban hành, tổng thống Pháp cho thu hồi đạo luật. Tổng thống biết sợ, nên tổng thống chịu thua.

Lẽ dĩ nhiên đó là một sự thất bại chính trị lớn lao cho Jacques Chirac và đảng cầm quyền, cho Dominique de Villepin trên con đường đi về điện Élysée. Nhưng CPE không là một trò chơi chính trị thuần túy. CPE là cuộc trắc nghiệm khởi đầu cho một loạt cải cách xã hội cần thiết để đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng tắt nghẽn, trì trệ kinh tế kéo dài đã quá lâu. CPE là một cuộc tuyên chiến chống lại sự thao túng của nghiệp đoàn, chống lại những luật lệ lao động kỳ quái, sản phẩm của một sinh hoạt chính trị thiếu lành mạnh, mị dân, của một nền dân chủ thái quá đến bất cập. Thật sự, bên cạnh sự chống đối biểu thị, vẫn còn một đa số đáng kể thấy được cái cần thiết của những cải tổ. Nhưng chính thành phần này cũng chống. Chống vì không vượt qua nỗi cái sợ hải đang đè nặng: sợ thay đổi, sợ mất đi những quyền lợi đã thủ đắc, mất những chỗ ngồi bám trụ, mất mỗi tuần làm việc tà tà 35 tiếng, mất mỗi năm hai tháng nghỉ hè, mất những trợ cấp y tế, an sinh vượt quá khả năng chịu đựng của ngân sách quốc gia. Và đó mới chính là điều bi đát.

Cũng vậy, tại Mỹ cũng có những nan đề xã hội. Cuộc xuống đường của tập thể những người gốc Mỹ La tinh, gọi chung là Spanish, hay Latinos sống trên đất Mỹ xẩy ra cùng thời điểm, vào những tuần lễ đầu tháng tư, và đang kéo dài đã cho thấy những nhức nhối của một vấn đề không dễ giải quyết: vấn đề của những người nhập cư bất hợp pháp.

Nước Mỹ là nước của những người di dân. Những người da trắng đến từ lục địa Âu châu 500 năm trước đã lập nên nước Mỹ. Những đợt di dân kế tiếp, không bao giờ ngừng, tiếp tục xây dựng nên nước Mỹ, làm cho nước Mỹ ngày mỗi giàu mạnh thêm. Cho nên, không một nước nào trên thế giới có chính sách di dân dễ dàng và rộng rãi bằng.

Những người da trắng, gọi chung là caucasians, đã đến vùng đất mới này, đã chiến đấu với những người da đỏ bản xứ, chiến đấu với bệnh tật, với thiên nhiên để tồn tại. Họ cũng đã chiến đấu với chính đất mẹ của họ để thoát khỏi sự thống trị, và tình trạng lệ thuộc, để từ đó xây dựng một nước Mỹ độc lập, có chủ quyền. Họ đã đổ xương máu mới viết nên đươc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh hiến pháp, và vẽ ra những trang sử cho một dân tộc mới gồm những thành phần phức tạp khác biệt nhau từ nguồn gốc, chủng tộc, sắc dân, tập tục, văn hóa, để từ trong tinh thần E pluribus unum, tạo nên một nước Mỹ của những người Mỹ.

Thế nào là một người Mỹ?
Michel Guillaume Jean de Crèvecoeur, một người di dân Pháp đã viết nên những dòng này 200 năm trước:

“...là người bỏ lại đàng sau mọi thành kiến chủng tộc và mọi lề thói cũ, tự nguyện tiếp nhận một cuộc sống mới, với một chính quyền mới mà họ tuân thủ, và một vị thế mới trong tập thể. Họ là một con người mới, hành động theo những nguyên tắc mới. Nơi đây những con người đến từ những vùng đất khác nhau đã tan biến đi để hòa nhập thành một dân tộc mới “.
(..., who leaving behind him all his ancient prejudices and manners, receives new ones from the new mode of life he has embraced, the new government he obeys, and the new rank he holds. The american is a new man who acts upon new principles. Here individuals of all nations are melted into a new race of men.)

Cái chân lý của 200 năm trước đó vẫn bất biến. Không một đất nước nào có một lịch sử lập quốc giống Mỹ, có một thành phần dân số được cấu thành từ những người di dân. Dân số Mỹ tăng dần theo những làn sóng di dân suốt trong chiều dài lịch sử. Vào thời cách mạng (1775-1783), chỉ mới có 2.5 triệu, với 22% là người da đen bị cưỡng bức tới Mỹ, và những người da đỏ bản xứ. Ðến năm 1820, dân số đã tăng lên 63 triệu. Cứ mỗi đợt người mới tới, lại du nhập vào một hay nhiều sắc dân mới, chủng tộc mới, văn hóa mới, tôn giáo mới, khiến xã hội ngày một thêm đa dạng. Chính cái đặc thù đa dạng này cũng đã là nguyên nhân nẫy sinh những đụng chạm, những căng thẳng, khiến vùng đất hứa của bình đẳng, của tự do, và công lý này nhiều lúc không còn đẹp như tên gọi.

Theo thống kê mới nhất, dân số Mỹ hiện nay là 296 triệu. Ðã có những thế hệ người Mỹ chính gốc, sinh ra và lớn lên ở đây. Nhưng hàng năm vẫn có khoảng 1 triệu người di dân mới đến, tiếp tục cuộc tìm kiếm trường kỳ một giấc mơ Mỹ quốc. Người da trắng vẫn chiếm đa số, 83% hai mươi năm trước, 70% trong những năm đầu 2000, và nay trụt xuống còn 64 %. Trong lúc đó, người gốc Latinos tăng lên 14.4%, 42 triệu, không kể 11 – 12 triệu cư trú bất hợp pháp. Riêng trong năm 2005, dân số Latinos tăng 1,3 triệu, có chỉ số tăng lớn nhất, phần vì sinh sản nhiều ( 900 ngàn ), nhập cư theo quota nhiều hơn mọi sắc dân khác ( 500 ngàn). Vào thập niên ’70, người gốc Mỹ latin latin khoảng 10 triệu, 30 năm sau, nay đã chiếm 1 phần 6 tỉ lệ dân số, vượt hơn hẵn thành phần mỹ gốc đen, 38 triệu, gốc Á và Thái bình dương, 14,5 triệu, Indians bản xứ dưới 1 triệu. Sự tăng dân số gốc Latinos tạo nên vấn đề mà ngày nay người Mỹ gọi là “ nâu hóa Mỹ quốc “, the browning of the America. Thành phần dân số là căn nguyên của những xung động,  những bất ổn xã hội không sớm thì muộn cũng bùng nỗ.

Xứ sở này vẫn là xứ sở của những người da trắng. Hiểu ñöôïc ñieàu ñoù laø hieåu ñöôïc nhieàu ñieàu khaùc. Người da trắng vì sự sống còn của tập thể đa số, khó thể tương nhượng những áp lực chủng tộc đến từ trong hay ngoài nước Mỹ. Cái nghĩa của bình đẳng chỉ có một giá trị tương đối, được chấp nhận trong một giới hạn. Bất cứ người nào sống trên đất Mỹ cũng là người Mỹ, every body who lives in America is an American. Đương nhiên là vậy. Nhưng thực tế không là vậy khi đi sâu vào quyền lực, và quyền lợi.

Khó mà thấy được lằn ranh của giới hạn. Ở bên này lằn ranh, mọi người đều là người Mỹ. Qua khỏi lằn ranh, là người Mỹ da trắng, là người Mỹ da đen, da vàng, da nâu, là cái gốc chủng tộc không cách gì tẩy sạch. Lấy ví dụ, năm ngoái, khi thẩm phán tối cao pháp viện Sandra Day O’Connor cho biết quyết định nghỉ hưu, truyền thông Mỹ đã nhắc đến Alberto Gonzales, hiện là tổng trưởng tư pháp, như một ứng viên có nhiều hy vọng nhất được tổng thống Bush đề cử thay thế. Điều này khó thể, hay không bao giờ có thể xẩy ra, vì với cái gốc Mễ tây cơ, với một khối áp lực người latinos đông đảo đang đè nặng lên đất nước của những người Mỹ da trắng, Alberto Gonzales không thể có được chổ ngồi trong một cơ chế quyền lực tối cao nhất, với chỉ 9 người, quyết định mọi vận hành quan trọng nhất của quốc gia, quyết định đời sống từng người, trong một thời gian ảnh hưởng có thể kéo dài đến 30 năm, (Gonzales nay chỉ ở tuổi 50, nếu đắc cử, với chức vụ trọn đời, ông còn 30 năm ngồi trên ghế thẩm phán tối cao).

Cũng vậy,hàng trăm triệu người da trắng có thể vào nước Mỹ mà không gây bức xúc, nhưng 50 triệu người latinos trên đất Mỹ sẽ là một gánh nặng áp lực, một cơn ác mộng cho nước Mỹ. Hàng năm, số người nhập cư vào Mỹ qua diện di dân được cho phép theo hạn ngạch (quotas). Nhưng với một biên giới trên 2,000 dặm giữa Mỹ và Mễ tây cơ, và một giải bờ biển phía đông mở rộng, số người từ Mễ và tây bán cầu hàng năm nhập lậu vào Mỹ lên đến nhiều trăm ngàn, tạo nên vấn đề di dân bất hợp pháp. Hiện có khoảng 12 đến 16 triệu người latinos sống và làm việc bất hợp pháp trên đất Mỹ.Và cho đến giờ này, những giải pháp ngăn chận của chính quyền Mỹ đều không mấy hiệu quả, một phần vì những người nhập cư bất hợp pháp đã thật sự giải quyết được nạn thiếu nhân công trầm trọng cho nước Mỹ, nên những giải pháp, những luật lệ ban hành chỉ có tính cách nửa vời, không được chính phủ liên bang áp dụng và thi hành đúng mức, phần khác, vì tính cách phức tạp về pháp lý, và nhân sự. Những biện pháp  đề ra năm 1986, những thắt chặt luật di trú và hình phạt về sử dụng nhân công cư trú bất hợp pháp, đã không có hiệu quả. Ngược lại, số di dân bất hợp pháp đã tăng lên gấp 3 lần kể từ năm đó. Ðó là một sức mạnh kinh tế quan trọng, một lực lượng lao động lớn lao. Người Mỹ gốc latinos đã giúp  đời sống ngöôøi daân Myõ deã chòu hôn, giúp nước Mỹ giàu có hơn nhờ vào công sức cần lao của họ. Khối cư dân bất hợp pháp mỗi năm chuyển về quê nhà khoảng 20 tỷ mỹ kim. Nhưng tập thể này cũng đã đóng góp vào nền kinh tế Mỹ 736 tỷ mỹ kim trong năm 2005. Số tiền này sẽ tăng lên 1,000 tỷ mỹ kim năm 2010. Những người Mễ sống bất hợp pháp trên đất Mỹ trong thực tế chỉ là những người phu thấp nhất, dầu được gọi với danh từ hoa mỹ, guest workers. Họ bị bóc lột, bị đối xử không tốt, và họ làm những công việc nặng nhọc nhất, những công việc người Mỹ ở hạ tầng xã hội cũng không muốn làm. Có thể họ, và gia đình của họ đã là những gánh nặng cho công quỷ, cho những đồng tiền thuế của những người Mỹ lương thiện đóng góp. Có thể sự hiện diện của họ, dưới mắt một số người, đã làm cho bộ mặt nước Mỹ xấu đi. Nhưng xét cho cùng, luật bù trừ cũng không mấy công bằng, và cái thiệt thòi vẫn đổ lên những con người cần cù đó.

Thật ra, vấn đề ở đây không là chối bỏ hay chấp nhận một hiện trạng, một thực tế xã hội. Cũng không hẵn là một vấn đề  an sinh. Vấn đề ở đây là luật pháp quốc gia, là sự nhạy cảm của đa số quần chúng, là an ninh biên giới sau biến cố 9-11, là nhu cầu tranh cử vào kỳ mid term năm nay. Luật pháp quốc gia không thể nhắm mắt làm ngơ cho hàng triệu người xâm nhập biên giới. Ân xá cho 12 triệu dân nhập cư bất hợp pháp sẽ mở cửa cho hàng triệu, hàng chục triệu người latinos vào Mỹ hàng năm. Người dân Mỹ, không hẵn chỉ là Mỹ trắng, không khỏi run sợ trước viễn tượng đất nước này sẽ là đất nước của những người latinos. Cái nhu cầu kinh tế hôm nay sẽ trở thành một thảm trạng chính trị trong những ngày tới. Cho nên, tháng 12 vừa qua, dự luật HB 4437 được hạ viện thông qua đặt những người di dân bất hợp pháp vào tình trạng tội phạm, phải bị dẫn độ và trục xuất trở về nguyên quán, đồng thời cũng dự liệu tiếp tục việc xây dựng bức trường thành dọc biên giới Mỹ-Mễ để ngăn chận nạn vượt biên tìm sống. Đầu tháng tư vừa qua, thượng viện thảo luận một dự luật tương tự. Vậy là hàng triệu người latinos sống trên đất Mỹ ào ạt xuống đường tạo áp lực, đòi hỏi ân xá cho những người đồng chủng nhập cư bất hợp pháp, nới lỏng luật di trú, thêm quota cho những ngừơi di dân gốc Mỹ Latin,…Tranh đấu bất bạo động là một hình thái sinh hoạt dân chủ, nhưng dùng áp lực chủng tộc để tạo tình trạng một quốc gia trong một quốc gia, đòi hỏi phân biệt đối xử, là đi ngươc lại tinh thần E pluribus unum từ thời lập quốc. Và như vậy, cái giới hạn vô hình đã bị vượt qua, đẩy nước Mỹ vào một tình trạng đối đầu chủng tộc hết sức khó khăn, không phương giải quyết.

Luật pháp chỉ hữu hiệu khi luôn giữ được tính sinh động, khả thi, khả chấp. Luật HB 4437, và những luật kế tiếp được lưỡng viện thông qua có thể cũng sẽ không khá hơn những tu chính về luật di trú 1986. Làm sao có đủ nhân sự và tính pháp lý để truy cứu và trục xuất hàng chục triệu người. Bức tường dọc biên giới dẫu có xây cao đến tận mấy tầng mây cũng làm sao ngăn chận được ý chí và sự kiên cường của những con người đi tìm sống. Nhưng luật, dầu thiếu phần hữu hiệu, vẫn là một thể hiện rõ ràng nhất chính sách quốc gia, và qua đó, là ý nguyện của tập thể đa số. Những người chủ động tổ chức các cuộc biểu tình của những người latinos, cũng được xem là lớn nhất trong lịch sử Mỹ quốc, trong mấy tuần vừa qua, không nhằm vào những công tác luật pháp của quốc hội hay hành pháp, nhưng nhằm biểu dương sức mạnh của thành phần người Mỹ Latin, để chia phần làm chủ, và trên hết là chống lại một khuynh hướng ngăn chận sự bành trướng về dân số và ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của khối áp lực này. Những người latinos xuống đường  không phải chỉ để đòi hỏi quyền lợi cho những người Mỹ Latin, mà thật sự tranh đấu cho khối lượng người gốc Latin không phải là người Mỹ, sống trong và ngoài nước Mỹ, dùng người Latin chống lại người Mỹ. Cuộc chiến đó, hôm nay là kinh tế, ngày sau là chính trị.

Ngày hôm nay, mồng 1 tháng 5, ngày lao động thế giới, những người latinos sống trên đất Mỹ đang phát động “ Ngày không người di dân “, Day without an immigrant, thúc đẩy mọi người latinos ngưng hết hoạt động, xuống đường cảnh cáo cái đất nước đã cho họ cơ hội, đã đón nhận họ và xem họ là một người Mỹ, an American. Dự liệu các cuộc biểu tình sẽ lan rộng đến 23 tiểu bang, và 70 thành phố.

Có thể hàng chục triệu người Mễ tây cơ, người Mỹ gốc La tin sẽ đổ ra đường phố, với hàng triệu biểu ngữ, hàng triệu tiếng hét

! SI SE PUEDE

vang vọng.
“Yes, we can.” Ðúng vậy, điều gì cũng có thể đạt được với sức mạnh quần chúng. Chỉ có điều sức mạnh quần chúng không phải khi nào cũng là chỉ nam cho hành động, không hẵn lúc nào cũng là phóng ảnh của chân lý.

Hai năm trước, năm 2004, cuốn phim “Một ngày không có người Mễ”, A day without a Mexican, được trình chiếu. Đó chỉ là một cuốn phim khôi hài đen, đưa ra cái nhìn một phía của vấn đề. Ví thử rằng, một ngày không xa, Hollywood sẽ cho trình chiếu một cuốn phim khác, “Một Ngày Không Có Nước Mỹ “, A DAY WITHOUT AMERICA, trình bày cái phía bên kia của vấn đề cho thật trọn vẹn, thì những cáo buộc đổ lên đầu Mỹ quốc sẽ nhẹ bớt, sự phán xét sẽ công bằng hơn, và ngày đó thế giới này chắc sẽ dễ sống hơn.  

Từ Nguyên Nguyễn Văn Thuận
May 1st, 2006.

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved